Hệ thống pháp luật

Điều 23 Thông tư 03/2011/TT-BTNMT quy định nội dung lập bản đồ địa chất khoáng sản chi tiết và thiết kế, bố trí dạng công việc đánh giá khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 23. Nội dung, cách trình bày các bản vẽ chính

1. Bản đồ tài liệu thực tế địa chất:

Bản đồ tài liệu thực tế địa chất được thành lập trên nền bản đồ địa hình, nội dung thể hiện gồm:

a) Lộ trình địa chất, điểm quan sát; tuyến lấy mẫu địa hóa, trọng sa, đo địa vật lý; tuyến điều tra (tìm kiếm); công trình khoan, khai đào (kể cả công trình cũ được thu thập, sử dụng); các thành tạo địa chất và thế nằm của chúng gặp trên các vết lộ tại các điểm quan sát, dọc theo lộ trình và tại các công trình khoan, khai đào; ranh giới các thành tạo địa chất, tập, lớp, tổ hợp đá, tướng đá, đới đá biến đổi nhiệt dịch; vị trí phân bố các tảng lăn quặng, đá biến đổi; lớp, tập đánh dấu; vị trí phát hiện đới dập vỡ, dăm kết, milonit, đứt gãy, đới tập trung mạch nhiệt dịch;

Vị trí công trình khoan, khai đào phải đúng theo tọa độ, độ cao trắc địa;

b) Vị trí phát hiện hóa đá động vật, thực vật, bào tử phấn; hang động, di tích khảo cổ, vị trí khai thác khoáng sản;

c) Ranh giới khu vực đã điều tra, thăm dò, khai thác (nếu có) trong diện tích đánh giá;

2. Bản đồ địa chất khoáng sản:

Bản đồ địa chất khoáng sản được thành lập trên nền bản đồ địa hình. Nội dung phải thể hiện trên bản đồ địa chất khoáng sản gồm:

a) Ranh giới, diện phân bố các phân vị địa chất, các thành tạo địa chất theo thành phần thạch học, pha, tướng, kiến trúc, cấu tạo; uốn nếp, đứt gãy, đới dăm kết; lớp đánh dấu; thế nằm các thành tạo địa chất; vị trí phát hiện hóa đá;

b) Diện phân bố các thân khoáng sản, tảng lăn khoáng sản, đới đá biến đổi nhiệt dịch, biến chất trao đổi; ranh giới đới quặng và các dấu hiệu khoáng sản khác;

c) Các công trình khoan, khai đào: thể hiện các thông tin về số hiệu công trình, bề dày, chất lượng khoáng sản tại công trình; lỗ khoan ghi rõ độ cao miệng công trình và chiều sâu;

d) Vành phân tán địa hóa, khoáng vật, các dị thường địa vật lý liên quan đến quặng hóa;

đ) Diện tích đề nghị chuyển giao thăm dò;

e) Mặt cắt địa chất: mỗi bản đồ địa chất khoáng sản phải có ít nhất 2 mặt cắt kèm theo.

3. Bình đồ lấy mẫu:

Bình đồ lấy mẫu được lập trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500 - 1:2.000, trong trường hợp không có nền bản đồ địa hình phù hợp có thể sử dụng nền bản đồ địa hình phóng từ bản đồ địa hình có tỷ lệ nhỏ hơn. Nội dung cần thể hiện gồm:

a) Ký hiệu, số hiệu công trình;

b) Các thành tạo địa chất gặp trong công trình;

c) Ký hiệu, số hiệu mẫu, chiều dài mẫu (theo tỷ lệ), hàm lượng thành phần có ích chính quyết định đến chỉ tiêu tính tài nguyên; phân biệt theo các mức: nhỏ hơn hàm lượng biên, hàm lượng biên đến nhỏ hơn hàm lượng trung bình tối thiểu theo khối tính tài nguyên, lớn hơn hoặc bằng hàm lượng trung bình tối thiểu theo khối tính tài nguyên. Trong trường hợp các thành phần có hại ảnh hưởng trực tiếp đến việc khoanh nối thân khoáng cần thể hiện cả hàm lượng thành phần có hại;

d) Ranh giới thân khoáng, ranh giới và ký hiệu khối tính tài nguyên;

đ) Trong trường hợp số lượng thân khoáng ít, công trình thưa, cho phép lồng ghép bình đồ lấy mẫu trên bản đồ địa chất khoáng sản bằng các hình trích ở tỷ lệ lớn, bố trí bên cạnh công trình hoặc bên ngoài khung bản vẽ;

e) Đối với các thân khoáng sản nằm ngang, mẫu được lấy theo phương thẳng đứng, lập mặt cắt lấy mẫu.

4. Mặt cắt tính tài nguyên:

Mặt cắt tính tài nguyên được thành lập cùng tỷ lệ, hoặc lớn hơn, so với bình đồ (hoặc mặt cắt dọc chiếu đứng) tính tài nguyên. Nội dung phải thể hiện trên mặt cắt gồm:

a) Mặt cắt địa hình, thước độ cao;

b) Vị trí, số hiệu công trình. Đối với công trình khoan cần ghi rõ độ cao miệng công trình, độ sâu; vị trí gặp ranh giới thân khoáng trong công trình, độ sâu gặp trụ, vách thân khoáng; bề dày, hàm lượng quặng gặp trong công trình; thành tạo địa chất gặp trong công trình;

c) Ranh giới, diện phân bố thân khoáng; ranh giới, diện phân bố các thành tạo địa chất;

d) Ranh giới, ký hiệu, diện phân bố các khối tài nguyên.

5. Bình đồ (mặt cắt dọc) tính tài nguyên:

Bình đồ (mặt cắt dọc) tính tài nguyên được lập riêng cho từng thân khoáng; có thể thể hiện bình đồ tính tài nguyên cho nhiều thân khoáng trên cùng bản vẽ khi ranh giới hình chiếu của chúng không chồng lấn lên nhau. Nội dung cần thể hiện trên bình đồ tính tài nguyên gồm:

a) Ranh giới thân khoáng lộ trên mặt (lộ vỉa);

b) Công trình: thể hiện vị trí công trình trên mặt và hình chiếu vị trí công trình cắt qua trụ thân khoáng; bề dày, hàm lượng quặng gặp tại công trình;

c) Khối tính tài nguyên; các số liệu diện tích, bề dày, hàm lượng trung bình khối, số lượng tài nguyên của khối.

Thông tư 03/2011/TT-BTNMT quy định nội dung lập bản đồ địa chất khoáng sản chi tiết và thiết kế, bố trí dạng công việc đánh giá khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 03/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH