Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 011-TT-PC

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1960

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN SỐ 011-TT-PC NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 1960 VỀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ ĐƯỜNG SÔNG

Đối với giao thông vận tải đường sông, vấn đề luồng lạch là một vấn đề vô cùng quan trọng. Luồng lạch có tốt, thông suốt thì mới bảo đảm giao thông vận tải được thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.

Nhưng hiện nay, việc quản lý đường sông còn thiếu chặt chẽ, tình trạng giao thông bị cản trở vì các chướng ngại vật trên luồng đi còn khá phổ biến ở các ngả sông. Có những nơi nhân dân tự tiện bắc cầu tre qua sông, các cơ quan xí nghiệp xây dựng công trình và đặt thiết bị trên sông, ngư dân cắm đáy đánh cá,v.v.đặc biệt là đáy cá đã gây rất nhiều trở ngại cho giao thông vận tải. Đáy thường cắm rất lung tung, không có giấy phép và sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Có những đáy cắm ngay giữa luồng lạch bịt hẳn đường đi của thuyền bè. Ban đêm, nhiều đáy không có đèn, hoặc có đèn nhưng không thắp đúng quy tắc, nên phương tiện vận tải không biết đường mà tránh. Nhiều vụ tàu, thuyền và chạm vào đáy cá đã xảy ra, làm đáy bị vỡ, lưới bị rách, thuyền bị hư hỏng, chủ đáy và chủ thuyền đã có trường hợp xô xát, mất đoàn kết.

Vấn đề bảo vệ đường sông đã được quy định trong Nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 307/TTg ngày 18 tháng 8 năm 1959. Theo điều 9 của Nghị định thì cơ quan, tổ chức hay tư nhân nào, muốn xây dựng một công trình hay đặt một thiết bị trên sông cần phải được cơ quan giao thông vận tải cho phép. Nguyên tắc này cần phải được mọi người, mọi cơ quan tôn trọng một cách triệt để. Nhưng đến nay còn tình trạng tự do, làm cản trở đến luồng lạch, không bàn bạc hoặc xin phép các cơ quan giao thông vận tải, là vì một số cơ quan và nhân dân chưa nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ của Nhà nước, các cơ quan giao thông vận tải, các Uỷ ban các địa phương cũng chưa tích cực giáo dục ý thức tôn trọng luật lệ trong nhân dân và trong các cơ quan. Mặt khác, việc kiểm tra để uốn nắn và hướng dẫn việc bảo vệ luồng lạch cũng thiếu tích cực.

Để đảm bảo giao thông an toàn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, Bộ Giao thông và Bưu điện nhắc lại những thể lệ đã ban hành, quy định một số điểm cụ thể như sau:

1. Về việc cơ quan giao thông vận tải cấp giấy phép như quy định ở điều 9 của Nghị định số 307/TTG ngày 18-8-1959 của Thủ tướng Chính phủ, cần phân biệt mấy trường hợp sau đây:

a. Đối với các công trình lớn do trung ương xây dựng theo một kế hoạch quy mô, khi lập đồ án, tất nhiên đã có sự tham gia ý kiến của những ngành có liên quan, trong đó có ngành giao thông. Những yêu cầu về giao thông đã được nghiên cứu và giải quyết, do đó mà đối với các loại công trình này, không đặt vấn đề phải có giấy phép của cơ quan giao thông vận tải.

b. Đối với các công trình và thiết bị loại vừa và nhỏ có tính chất vĩnh cửu như cầu, cống, dây điện chăng qua sông, dây cáp ngầm, trạm thuỷ văn,v.v.... đồ án công trình phải đưa cho cơ quan giao thông vận tải tham gia ý kiến. Nếu xét thấy công trình hay thiết bị có thể làm cản trở giao thông, thì cơ quan giao thông vận tải có quyền yêu cầu cơ quan xây dựng sửa lại đồ án, hoặc chọn vị trí khác để xây dựng công trình.

c. Đối với các công trình và thiết bị có tính chất tạm thời do các địa phương và nhân dân xây dựng như : cầu nổi, cầu tre, bè ngâm tre, gỗ, đáy cá,v.v.... thì nhất thiết là phải có giấy phép của cơ quan giao thông vận tải. Cơ quan này có quyền không cấp giấy phép nếu xét thấy việc xây dựng các công trình hoặc thiết bị này có cản trở cho giao thông vận tải. Đối với các thiết bị đã đặt, cơ quan giao thông vận tải có quyền bắt dỡ hoặc di chuyển, nếu xét thấy thiết bị gây trở ngại nguy hiểm cho giao thông.

d. Khi một công trình đã được phép xây dựng trước khi khởi công, cơ quan chủ quản cần phải trao đổi, thảo luận với cơ quan giao thông vận tải về những biện pháp phải thi hành để đảm bảo giao thông trong thời gian thi công. Nếu cần hạn chế giao thông, thì cơ quan giao thông vận tải có nhiệm vụ kịp thời thông báo cho người làm vận tải biết.

2. Về các đáy cá, Bộ quy định những điều cụ thể sau đây để các cơ quan giao thông vận tải dựa vào đó mà hướng dẫn ngư dân cắm đáy.

a. Giấy phép cắm đáy: Kể từ ngày công bố thông tư này, ai muốn cắm đáy, phải có giấy phép của các khu hay Ty Giao thông địa phương (ở các tỉnh hay khu), của Sở Vận tải (trong phạm vi thành phố), hoặc của giám đốc cảng (nếu đáy cắm trong phạm vi cảng). Đối với các đáy cá hiện nay chưa có giấy phép nếu các đáy ấy không trở ngại cho giao thông chủ đáy vẫn được tiếp tục sử dụng, nhưng hạn trong ba tháng, kể từ ngày công bố thông tư này, phải nộp đơn xin phép.

b. Vị trí và đặc điểm của đáy. Đáy chỉ được cắm ở những địa điểm do các cơ quan giao thông vận tải, hoặc giám đốc cảng ấn định, không gây trở ngại cho giao thông, không làm hư hại đến các công trình và thiết bị trên sông. Những nguyên tắc sau đây cần phải được tôn trọng khi cắm đáy:

- Nhất thiết không được cắm đáy bịt luồng đi, phải chừa luồng thuận tiện nhất cho các phương tiện vận tải đi lại.

- Đáy phải cắm xa các công trình như đèn biển, nhà đèn, phao,v.v.... ít nhất là 200m, xa các cửa sông, ngã ba sông và những khúc sông ngoặt ít nhất là 200m (nếu tầm nhìn không bị che khuất), 500m (nếu tầm nhìn bị che khuất).

- Đáy không được cắm theo kiểu chữ chi và cài răng lược trên các luồng đi. Nếu đáy cắm ngang sông thì phải trổ cửa trên luồng đi của tàu, thuyền. Trên một luồng, nếu có nhiều đáy liền nhau thì cửa đáy phải mở cùng một bên luồng để phương tiện vận tải khỏi phải lượn tránh khó khăn. Cửa đáy phải đủ rộng để phương tiện qua lại được dễ dàng. Bề rộng tối thiểu của cửa đáy phải là 200m (ở những luồng có tàu biển qua lại), 80m (ở những luồng chỉ có tàu sông qua lại) và 30m (ở những luồng chỉ có thuyền qua lại). Ở những luồng đặc biệt, cơ quan giao thông vận tải hay cảng vụ có thể ấn định bề rộng tối thiểu của cửa đáy cao hơn hoặc thấp hơn những mức quy định ở trên.

- Đáy không được cắm quá gần nhau, quãng cách giữa hai đáy liền nhau ít nhất phải là 500m (ở những luồng có tàu biển qua lại), 300m (ở những luồng chỉ có tàu sông qua lại).

Sau khi đã được cấp giấy phép rồi, người muốn cắm đáy phải báo cho cơ quan giao thông vận tải đến kiểm tra và hướng dẫn vị trí cắm đáy.

Các cơ quan giao thông vận tải trong khi hướng dẫn ngư dân cắm đáy cần hết sức chiếu cố đến việc làm ăn thuận lợi và phát triển nghề nghiệp của ngư dân.

Đáy đã cắm rồi, người có đáy không được tự ý di chuyển đáy đi nơi khác nếu không có sự đồng ý của cơ quan giao thông và vận tải.

c. Dỡ dây: Khi không dùng đến dây nữa, chủ đáy phải dỡ đi và nhổ hết những cọc đã cắm, đặc biệt là những cọc ngầm.

d. Tín hiệu: Các đáy đánh cá đều phải có báo hiệu theo như quy định trong điều 28 của bản Quy tắc giao thông đường sông ban hành kèm theo Nghị định của Bộ Giao thông và bưu điện số 85/NĐ ngày 27-8-1959.

Những quy định trên đây đều nhằm giữ cho luồng lạch được thông suốt, đảm bảo cho giao thông vận tải được nhanh chóng và an toàn. Tất cả những cơ quan, xí nghiệp cũng như tư nhân có công trình, thiết bị trên sông đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. Các khu và Ty Giao thông, sở vận tải và Ban giám đốc cảng là những cơ quan có trách nhiệm quản lý bảo vệ luồng lạch có nhiệm vụ tích cực phổ biến, hướng dẫn thi hành thông tư này và thường xuyên theo dõi, kiểm tra kịp thời ngăn chặn những hành động xâm phạm đến luồng lạch có thể gây trở ngại, nguy hiểm cho giao thông vận tải.

Phan Trọng Tuệ

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 011-TT-PC năm 1960 về vấn đề bảo vệ đường sông do Bộ Trưởng Bộ Giao Thông và bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 011-TT-PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/09/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Phan Trọng Tuệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: 08/10/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản