Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TC/HCVX

Hà Nội, ngày 04 tháng 1 năm 1994

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 01 TC/HCVX NGÀY 04 THÁNG 01 NĂM 1994 QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, CÁC ĐOÀN THỂ, HỘI QUẦN CHÚNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CÓ THU

Hiện nay, một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các đoàn thể, hội quần chúng (dưới đây gọi tắt là đơn vị HCSN) đã được ngân sách Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (gọi tắt là hoạt động có thu) nhằm tận dụng cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có để tạo thêm thu nhập, hỗ trợ đời sống CNVC và bổ sung kinh phí hoạt động. Công tác quản lý, tổ chức hạch toán, phân phối, sử dụng khoản chênh lệch thu, chi đối với các hoạt động có thu còn vận dụng khác nhau, chưa thống nhất.

Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công nhân viên chức HCSN và lực lượng vũ trang" đã giao cho Bộ Tài chính rà soát và chấn chỉnh những khoản thu nhập ngoài lương bất hợp lý (điểm 5 Điều 14 Nghị định số 25/CP).

Để chấn chỉnh quản lý tài chính đối với các đơn vị HCSN tổ chức hoạt động có thu, Bộ Tài chính hướng dẫn tạm thời chế độ quản lý tài chính đối với các hoạt động có thu của các đơn vị HCSN như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Các đơn vị HCSN phải sắp xếp lại tổ chức biên chế theo Quyết định số 111/HĐBT ngày 12/4/1991 và Nghị quyết số 109/HĐBT ngày 12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đạt yêu cầu gọn, nhẹ về tổ chức, biên chế và có những biện pháp tích cực để giải quyết lao động dôi ra.

Đối với các tổ chức hoạt động có thu có đủ điều kiện chuyển sang hạch toán kinh tế độc lập hoặc chuyển sang các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991 của Chính phủ và Quyết định số 196/CT ngày 5/6/1992 của Thủ tướng Chính phủ thì phải khẩn trương làm các thủ tục báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

2. Các đơn vị HCSN được phép tổ chức các hoạt động có thu phải có cơ sở vật chất và vốn ban đầu để đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo các quy định hiện hành của nhà nước.

Các đơn vị HCSN tổ chức các hoạt động có thu phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế sở tại, phải chấp hành chế độ lập hoá đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thu thiền theo đúng quy định hiện hành và theo sự hướng dẫn của cơ quan thuế tiến hành tổ chức công tác kế toán riêng để theo dõi hạch toán các khoản thu, chi; thực hiện chế độ lập kế hoạch thu, chi tài chính hàng quý, năm; chấp hành chế độ quản lý vật tư, tài sản, tiền vốn, chế độ kiểm kê, kế toán, báo cáo quyết toán thu, chi tài chính, thu nộp ngân sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Đơn vị HCSN trước khi tổ chức các hoạt động có thu phải xét duyệt phương án hoạt động, các kế hoạch giá thành tiêu thụ sản phẩm dịch vụ... phải tự lo nguồn vốn để hoạt động, bảo đảm bù đắp chi phí và có lãi; không được dùng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp hoặc các khoản kinh phí có nguồn gốc từ NSNN để bù lỗ cho hoạt động có thu.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Các đơn vị HCSN hoạt động có thu gồm 4 loại hình sau đây:

a) Các đơn vị sự nghiệp kinh tế đang được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao có tổ chức hoạt động sản xuất dịch vụ có thu.

b) Hoạt động nhà khách, nhà nghỉ, nhà điều dưỡng, trạm tiếp khách, đón khách... (gọi chung là nhà khách, nhà nghỉ) của các cơ quan đơn vị.

c) Các cơ quan HCSN có hoạt động thu lệ phí, thu lệ phí trọng tài, lệ phí cấp hộ chiếu...

d) Các cơ quan HCSN tận dụng cơ sở vật chất hiện có, số lao động dôi ra để tổ chức SX - KD - dịch vụ có thu.

2. Nguồn vốn hoạt động

Nguồn vốn hoạt động của đơn vị HCSN tổ chức hoạt động có thu huy động từ các nguồn sau đây:

- Vốn huy động đóng góp của CNVC dưới hình thức góp vốn cổ phần, vay tư nhân, tập thể, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo pháp luật quy định.

- Vốn liên doanh với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật.

- Vốn ứng trước của người gia công, đặt hàng theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, đúng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

- Vốn trích từ quỹ của đơn vị, từ kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ.

- Vốn vay ngân hàng chuyên doanh theo quy định của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Riêng đối với những đơn vị hoạt động theo phương thức gán thu bù chi đã được cấp vốn lưu động theo định mức để hoạt động thì được để lại vốn lưu động được cấp hoạt động nhưng phải nộp thuế vốn theo quy định hiện hành.

Không được dùng kinh phí Nhà nước cấp cho đơn vị HCSN để làm vốn SX - KD - dịch vụ. Trong trường hợp cần thiết phải dùng các tài sản như nhà cửa, ô tô, máy móc thiết bị của đơn vị HCSN để SX - KD dịch vụ phải được thủ trưởng đơn vị HCSN cho phép, nhưng phải trích khấu hao nộp ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Nhà nước.

3. Về tiền lương

Đối với hoạt động SX - KD - dịch vụ có lãi (được cơ quan Tài chính, cơ quan thuế xác nhận kết quả sản xuất - kinh doanh - dịch vụ) áp dụng các chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ cho cán bộ công nhân viên chức trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ.

4. Về lập kế hoạch

Hàng năm, hàng quý đơn vị HCSN phải lập kế hoạch tài chính đối với các hoạt động SX - KD - dịch vụ bao gồm:

- Kế hoạch SX - KD - dịch vụ phải phản ánh toàn bộ các hoạt động có doanh thu (tương tự như kế hoạch SX - KD - dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước).

- Kế hoạch chi phí: phản ánh toàn bộ chi phí cho các hoạt động SX - KD - dịch vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kĩ thuật và chế độ chi tài chính hiện hành.

- Kế hoạch phân phối chênh lệch thu, chi (lãi) và trích các quỹ.

- Kế hoạch nộp ngân sách bao gồm các loại thuế, khấu hao tài sản cố định do sử dụng tài sản của đơn vị HCSN để sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, nộp tiền thu sử dụng vốn, nộp các khoản phí, lệ phí...

Các bản kế hoạch trên phải gửi cùng với bản dự toán kinh phí hàng quý, năm của đơn vị cho cơ quan tài chính hoặc chủ quản cấp trên (nếu có) xét duyệt, tổng hợp gửi cơ quan tổ chức.

5. Tổ chức hạch toán và quyết toán.

a) Đơn vị HCSN hoạt động có thu phải tổ chức kế toán, mở sổ sách kế toán theo dõi riêng từng hoạt động SX - KD - dịch vụ, doanh thu, chi phí, chênh lệch thu, chi. Thực hiện chế độ ghi chép kế toán, báo biểu kế toán theo Quyết định số 257/TC/CĐKT ngày 01/6/1990 của Bộ Tài chính; sử dụng hoá đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 61/TC/TCT ngày 22/7/1993 của Bộ Tài chính.

b) Hàng quý, năm đơn vị HCSN phải lập báo cáo quyết toán các hoạt động SX - KD - dịch vụ gửi cơ quan Tài chính hoặc gửi cơ quan chủ quản cấp trên (nếu có) để tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng với bản quyết toán kinh phí Nhà nước cấp; đồng thời gửi đến cơ quan thuế nơi cơ quan có cơ sở SX - KD - dịch vụ đăng ký nộp thuế bản báo cáo quyết toán SX - KD - dịch vụ, bao gồm:

- Biểu kết quả kinh doanh (mẫu số 04/BCKT ban hành theo Quyết định số 257/TC/CĐKT ngày 01/6/1990 của Bộ Tài chính) gồm 2 phần:

+ Thu nhập và phân phối thu nhập.

+ Tình hình thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước.

- Bản thuyết minh kết quả SX - KD - dịch vụ trong đó có phần giải trình các khoản chi phí, các khoản doanh thu, sử dụng khoản chênh lệch thu, chi (lãi) nếu có.

6. Quy định về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và phân phối chênh lệch thu, chi.

Tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu phải có nghĩa vụ nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành của Nhà nước. Phải chịu sự kiểm tra thu nộp thuế của cơ quan thuế, chấp hành các chế độ kế toán, chứng từ, hoá đơn... theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Để phù hợp với tình hình hoạt động SX - KD - dịch vụ của các đơn vị HCSN, Bộ Tài chính quy định chế độ nộp ngân sách và phân phối thu nhập còn lại như sau:

a) Đối với các đơn vị sự nghiệp kinh tế đang được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để hoạt động theo các chức năng nhiệm vụ được giao đồng thời có tổ chức hoạt động dịch vụ có thu nhung chưa có đủ điều kiện để chuyển sang hạch toán kinh tế độc lập thì tạm thời hoạt động theo hình thức gán thu, bù chi hoặc hình thức thu đủ chi đủ. Nếu số thu lớn hơn số chi thì phải nộp ngân sách Nhà nước, nếu thu nhỏ hơn chi thì được ngân sách Nhà nước cấp bù trên cơ sở dự toán được duyệt, quyết toán số thu, quyết toán số chi theo đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

b) Đối với hoạt động nhà khách, nhà nghỉ của các cơ quan đơn vị:

- Những nhà khách, nhà nghỉ nếu xét thấy có đủ điều kiện chuyển sang hạch toán kinh tế độc lập thì khẩn trương làm các thủ tục, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định để chuyển sang các loại hình doanh nghiệp theo quy định hiện hành và phải nộp đủ các loại thuế theo quy định hiện hành.

- Trường hợp nhà khách, nhà nghỉ xét thấy chưa có đủ điều kiện chuyển sang hình thức doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu để phục vụ trong ngành hoặc phục vụ nghỉ, điều dưỡng cho cán bộ trong ngành thì thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước quy định tại Công văn số 1033 TC/TCT ngày 6/8/1991 của Bộ Tài chính về việc thu thuế đối với nhà khách, nhà nghỉ. Riêng đối với nhà nghỉ Công đoàn thuộc hệ thống công đoàn các cấp, ngành quản lý thực hiện việc nộp thuế theo Công văn 1366 TC/TCT ngày 27/9/1991 của Bộ Tài chính về thuế doanh thu đối với nhà nghỉ công đoàn.

Hoạt động của nhà khách, nhà nghỉ (kể cả nhà nghỉ công đoàn) muốn được xét miễn giảm thuế đối với doanh thu phục vụ nội bộ phải có đủ các điều kiện sau:

+ Thu tiền công phục vụ phải theo giá nội bộ bảo đảm chỉ bù đắp chi phí và công tác quản lý của nhà khách, nhà nghỉ.

+ Phải thực hiện hạch toán riêng, phải mở sổ theo dõi riêng doanh số phục vụ nội bộ.

+ Phải lưu giữ đầy đủ các chứng từ hợp pháp hợp lệ để chứng minh đủ doanh số phục vụ nội bộ (hợp đồng, phiếu thanh toán, đăng ký tạm trú...).

c) Đối với các đơn vị HCSN có thu các loại phí và lệ phí: Bộ Tài chính sẽ cùng với đơn vị HCSN có thu phí và lệ phí ra văn bản hướng dẫn cụ thể từng loại thu theo đúng quy định tại Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Hội đồng Bộ trưởng. Trước mắt, đối với những loại phí, lệ phí Bộ Tài chính, hoặc Liên Bộ chưa quy định được cụ thể mức thu nộp thì thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính số 48 TC/TCT ngày 28/9/1992 về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí.

d) Đối với các cơ quan HCSN tận dụng cơ sở vật chất hiện có, tận dụng số lao động dôi ra để tổ chức SX - KD - dịch vụ có thu gồm: sản xuất hoặc liên kết sản xuất các sản phẩm sử dụng nội bộ hoặc bán ra ngoài như sản xuất thuốc, pha chế huyết thanh, vác xin... của các đơn vị sự nghiệp bệnh viện, điều dưỡng, viện vệ sinh dịch tễ thuộc ngành y tế; sản xuất chân tay giả, mắt giả, dụng cụ chỉnh hình của các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành thương binh - xã hội; Tổ chức sản xuất gắn với dạy và học của ngành giáo dục đào tạo, với nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hay gắn với hoạt động nghề nghiệp của cơ quan nghiên cứu khoa học - triển khai kỹ thuật, các đoàn thể, Hội quần chúng, hợp đồng gia công đặt hàng với các doanh nghiệp, các cơ quan HCSN, các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh.

Kinh doanh, dịch vụ: ăn uống, cho thuê hội trường, kinh doanh băng hình, chiếu phim, video, cho thuê phương tiện âm thanh, quảng cáo trên đài, báo, tạp chí, khám chữa bệnh ngoài giờ, dịch vụ làm phim (kể cả phim truyền hình) và các dịch vụ kỹ thuật khác.

Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ trên đây nếu không gắn với chức năng nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị thì sau khi đã nộp đủ các loại thuế theo luật định hiện hành, chi phí sử dụng tài sản, phương tiện của cơ quan hành chính sự nghiệp... nếu có chênh lệch thu lớn hơn chi thì được phân phối như sau:

- Trích 35% để bổ sung kinh phí cho hoạt động của đơn vị HCSN bằng hình thức ghi thu, ghi chi qua NSNN theo từng cấp tương ứng.

- 65% để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi. Mức phân phối cho 2 quỹ do thủ trưởng và Chủ tịch công đoàn đơn vị HCSN xem xét quyết định. Mức trích tiền thưởng được khống chế tối đa tương đương bằng 3 tháng lương cơ bản.

Trường hợp các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ gắn với chức năng nhiệm vụ chuyên môn, về nguyên tắc vẫn phải nộp đầy đủ các loại thuế theo quy định hiện hành. Nhưng do không hạch toán được các khoản chi phí chung như khấu hao tài sản, tiền lương, tiền thuê nhà, tiền điện nước... Vì vậy, để đơn giản trong việc tính toán các khoản thu nộp ngân sách, nay quy định nộp mức khoán trên doanh thu như sau:

+ Đối với ngành sản xuất, đơn vị phải nộp cho ngân sách Nhà nước 5% doanh thu.

+ Đối với ngành dịch vụ, đơn vị phải nộp cho ngân sách 10% doanh thu.

+ Đối với ngành thương nghiệp, đơn vị phải nộp cho ngân sách Nhà nước 15% doanh thu.

- Số còn lại, đơn vị được sử dụng làm quỹ khen thưởng cho những người có thành tích, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản cấp bậc hoặc chức vụ. Số còn lại sau khi đã trích thưởng (nếu có) được bổ sung thêm kinh phí cho đơn vị.

7. Một số quy định khác:

a) Đơn vị HCSN phải phản ánh mọi khoản thu khác (nếu có) như thu lệ phí, học phí, viện phí, các khoản viện trợ, ủng hộ, quyên tặng... vào quyết toán hàng quý, năm theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

b) Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ quản giám sát, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành chế độ tài chính của các đơn vị HCSN, nhất là đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ để đưa hoạt động này vào nền nếp, đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực.

III- KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, các quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính biết để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi lại cho phù hợp.

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)