Hệ thống pháp luật

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2016/TT-TTCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2016

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG NGÀNH THANH TRA

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,

Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng ngành Thanh tra.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đối tượng; trách nhiệm, quyền hạn; điều kiện, tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục, hồ sơ; việc quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng; kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc tặng thưởng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ, Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lao động hợp đồng từ 01 năm trở lên đang công tác trong các cơ quan Thanh tra nhà nước.

2. Cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi là Thanh tra bộ); Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra tỉnh); Thanh tra sở, ngành (sau đây gọi là Thanh tra sở); Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra huyện).

3. Phòng và tương đương thuộc cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; các phòng và tương đương thuộc Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh.

4. Cá nhân, tập thể ngoài ngành Thanh tra có liên quan đến công tác thanh tra, có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.

5. Cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

Nguyên tắc thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và theo các nguyên tắc sau:

1. Bảo đảm khách quan, dân chủ, thực chất.

2. Năm đề nghị khen thưởng cho lần tiếp theo được tính từ năm liền kề năm đạt thành tích được khen thưởng của lần trước;

3. Không xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân không đăng ký thi đua.

Chương II

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC TRONG CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 4. Tổng Thanh tra Chính phủ

Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo công tác thi đua, phát động phong trào thi đua; xét, quyết định khen thưởng đối với tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc.

Điều 5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra (sau đây gọi là Hội đồng) do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thành lập để tư vấn cho Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Hội đồng hoạt động theo Quy chế do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành và được sử dụng con dấu của Thanh tra Chính phủ.

Điều 6. Cụm, khối thi đua ngành Thanh tra

Cụm, khối thi đua ngành Thanh tra (sau đây gọi là cụm, khối thi đua) do Thanh tra Chính phủ thành lập theo hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, phù hợp với đặc thù của ngành Thanh tra; hoạt động theo Quy chế do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành, gồm:

1. Các Khối thi đua cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;

2. Các Khối thi đua Thanh tra các bộ, ngành;

3. Các Cụm thi đua Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 7. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý; xét, quyết định khen thưởng đối với cá nhân, tập thể theo thẩm quyền; đề nghị Thanh tra Chính phủ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua do Tổng Thanh tra Chính phủ phát động và các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.

Điều 8. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong ngành Thanh tra

Tập thể, cá nhân trong ngành Thanh tra được tự nguyện tham gia các phong trào thi đua, đăng ký thi đua và có trách nhiệm nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nội dung đã đăng ký thi đua; có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn nộp hồ sơ đề nghị khen thưởng; giữ vững và phát huy thành tích đã đạt được; tiếp tục phấn đấu lập thành tích để đạt danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn; bảo quản tốt các hiện vật khen thưởng, không cho mượn hoặc để người khác lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Chương III

CỜ THI ĐUA CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ

Điều 9. Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ

Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ là danh hiệu thi đua được xét tặng cho các tập thể Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh; cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ đạt các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

1. Tập thể được xét tặng Cờ Thi đua của Thanh tra Chính phủ phải là tập thể tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, các chỉ tiêu thi đua trong các phong trào thi đua do Thanh tra Chính phủ phát động, có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác trong ngành Thanh tra học tập; nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Được các đơn vị trong cùng cụm, khối thi đua bình xét, suy tôn là đơn vị dẫn đầu cụm, khối thi đua.

Điều 10. Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ

Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ là hình thức khen thưởng của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Thông tư này.

Điều 11. Điều kiện, tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với các tập thể, cá nhân thuộc Thanh tra Chính phủ

1. Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Có 02 năm liên tục được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”

b) Nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể;

c) Các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ phải được các đơn vị trong cùng Khối thi đua bình xét, suy tôn; có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác trong ngành Thanh tra học tập; nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ được xét tặng cho cá nhân thuộc Thanh tra Chính phủ đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Là cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, được lựa chọn trong số cá nhân có 02 năm liên tục được đánh giá, nhận xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong bình xét cán bộ, công chức, viên chức;

b) Trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở trở lên hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu.

Điều 12. Điều kiện, tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với các tập thể Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh; các tập thể, cá nhân thuộc Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh; Thanh tra huyện và các cá nhân thuộc Thanh tra huyện.

1. Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ được xét tặng cho tập thể theo quy định tại Điều này phải đạt các tiêu chuẩn tại điểm b Khoản 1 Điều 11 và có 02 năm liên tục đủ tiêu chuẩn được công nhận là tập thể lao động xuất sắc.

Đối với tập thể Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh phải là tập thể tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, các chỉ tiêu thi đua trong phong trào thi đua do Thanh tra Chính phủ phát động; được các đơn vị trong cùng cụm, khối thi đua bình xét, suy tôn; có nhân tố mới, mô hình mới để các tập thể khác trong ngành Thanh tra học tập; nội bộ đoàn kết, tích cực thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ được xét tặng cho cá nhân được quy định tại Điều này, phải đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Thanh tra Chính phủ phát động;

b) Có 02 năm liên tục được bình xét, công nhận là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điều 13. Điều kiện tặng Bằng khen đột xuất của Tổng Thanh tra Chính phủ

Bằng khen đột xuất của Tổng Thanh tra Chính phủ là hình thức khen thưởng đột xuất cho:

1. Cá nhân, tập thể trong ngành Thanh tra có thành tích đột xuất, xuất sắc.

2. Cá nhân, tập thể ngoài ngành Thanh tra có liên quan đến công tác thanh tra, có thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.

3. Cá nhân, tập thể người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.

Chương IV

THỦ TỤC, HỒ SƠ, QUY TRÌNH XÉT KHEN THƯỞNG, THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VÀ TRAO TẶNG CỜ THI ĐUA CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ

Điều 14. Thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ, Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ

1. Hồ sơ đề nghị xét tặng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ, Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ (01 bộ ) gồm:

a) Tờ trình đề nghị khen thưởng của Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;

b) Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp;

c) Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của cấp trình khen hoặc Biên bản bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng của cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Biên bản họp bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng của các cụm, khối thi đua (đối với các tập thể Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ);

d) Ý kiến của Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ được đề nghị xét tặng “Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ”; “Cờ Thi đua của Thanh tra Chính phủ”

2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất (01 bộ), gồm:

a) Tờ trình đề nghị khen thưởng của Thủ trưởng cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh có liên quan đến cá nhân, tập thể đề nghị khen thưởng.

b) Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng. Riêng đối với các tập thể, cá nhân trong ngành Thanh tra báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng phải có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp.

Điều 15. Thời hạn gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng

1. Đối với đề nghị tặng thưởng Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ, Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian quy định như sau:

a) Đối với Thanh tra bộ; Thanh tra tỉnh; các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ nộp hồ sơ trước ngày 25 tháng 12 hàng năm, trừ trường hợp Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn khác;

b) Đối với các cụm, khối thi đua nộp trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đột xuất của tập thể, cá nhân gửi ngay sau khi lập được thành tích đột xuất.

Điều 16. Tiếp nhận, quản lý hồ sơ khen thưởng

1. Cơ quan làm công tác Thi đua - Khen thưởng của Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và thực hiện bàn giao hồ sơ khen thưởng cho Văn phòng Thanh tra Chính phủ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Thanh tra có trách nhiệm tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ khen thưởng của cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, đơn vị quản lý. Các quyết định về thi đua, khen thưởng của đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ phải gửi cho Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

3. Hồ sơ thi đua, khen thưởng được lưu trữ trên giấy và lưu trữ điện tử theo quy định.

Chương V

QUỸ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Điều 17. Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng

1. Quỹ thi đua, khen thưởng của Thanh tra Chính phủ và của các đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện theo Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quản lý, chi trả các khoản tiền thưởng kèm theo Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ, Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Điều 18. Nguyên tắc chi thưởng

1. Tiền thưởng kèm theo Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ, Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định được chi từ Quỹ Thi đua, khen thưởng của Thanh tra Chính phủ.

2. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tập thể, cá nhân là người nước ngoài được tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ thì được tặng kèm theo tặng phẩm lưu niệm trị giá tương đương mức tiền thưởng quy định tại Điều 71, 75 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Chương VI

KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 19. Kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng

1. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị trong toàn ngành Thanh tra.

2. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Cụm, khối trưởng các cụm, khối thi đua có trách nhiệm kiểm tra; tổ chức kiểm tra chéo kết quả thực hiện các nội dung, tiêu chí thi đua đã ký kết đối với các đơn vị trong cùng cụm, khối thi đua.

Điều 20. Xử lý vi phạm về công tác thi đua, khen thưởng

Việc xử lý vi phạm về công tác thi đua, khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 96 Luật Thi đua, khen thưởng; Điều 80, 81 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.

Điều 21. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Cơ quan làm công tác Thi đua - Khen thưởng của Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giải quyết các khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm thực hiện

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra; Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

Điều 23. Chế độ Thông tin, báo cáo

Cụm trưởng, Khối trưởng; Chánh Thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra các văn bản theo thời gian sau:

a) Đăng ký thi đua, giao ước thi đua trước ngày 25/3 hàng năm;

b) Báo cáo sơ kết trước ngày 05/7 hàng năm;

c) Báo cáo tổng kết trước ngày 25/12 hàng năm.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 10/2011/TT-TTCP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định công tác thi đua, khen thưởng ngành Thanh tra.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan phản ảnh về Thanh tra Chính phủ (qua Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng;
- Hội đồng TĐKT TW; Ban TĐKT TW;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Lãnh đạo TTCP;
- Các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP;
- Thanh tra bộ, ngành, tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử TTCP;
- Lưu: VT, TCCB (5b).

TỔNG THANH TRA




Phan Văn Sáu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2016/TT-TTCP quy định công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thanh tra do Thanh tra Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 01/2016/TT-TTCP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/10/2016
  • Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Sáu
  • Ngày công báo: 06/11/2016
  • Số công báo: Từ số 1159 đến số 1160
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản