Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2001/TT-TCBĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 01/2001/TT-TCBĐ NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 2001 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM TRONG THÔNG TƯ SỐ 04/1998/TT-TCBĐ NGÀY 29/9/1998 CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN "HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/1997/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MẠNG LƯỚI VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG"

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Thông tư số 04/1998/TT-TCBĐ ngày 29/9/1998 của Tổng cục Bưu điện, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập, quản lý, khai thác mạng lưới viễn thông và cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, Tổng cục Bưu điện sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư số 04/1998/TT-TCBĐ như sau:

1. Điểm 1.2.10 được sửa đổi lại như sau:

"Mạng lưới viễn thông chuyên dùng" (sau đây gọi là mạng viễn thông dùng riêng) là mạng lưới do chủ mạng viễn thông dùng riêng thiết lập để cung cấp liên lạc nội bộ cho các thành viên của mạng, bao gồm hai hay nhiều thiết bị viễn thông được lắp đặt tại các địa điểm khác nhau và được kết nối với nhau bằng các đường truyền dẫn do chủ mạng thuê hoặc tự xây dựng, trong đó phải có ít nhất hai thiết bị viễn thông và một đường truyền dẫn đặt trên lãnh thổ Việt Nam.

Địa điểm nêu trên được hiểu là địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà các thành viên của mạng viễn thông dùng riêng được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.

Mạng viễn thông dùng riêng đặc biệt là mạng viễn thông dùng riêng mà các thành viên của mạng này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có cùng tính chất hoạt động hay mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên.

Theo phương thức truyền dẫn sử dụng để thiết lập mạng, mạng lưới viễn thông dùng riêng được phân thành mạng dùng riêng vô tuyến, mạng dùng riêng hữu tuyến và mạng dùng riêng hữu tuyến kết hợp vô tuyết.

Theo phạm vi hoạt động của mạng, mạng lưới viễn thông dùng riêng được phân thành mạng dùng riêng toàn quốc, mạng dùng riêng liên khu vực và mạng dùng riêng khu vực.

2. Điểm 1.2.15 được sửa đổi lại như sau:

"Thiết bị đầu cuối" là thiết bị được sử dụng để bắt đầu, chuyển hoặc kết thúc việc truyền đưa các thông tin dưới dạng ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh qua mạng lưới viễn thông mà không làm thay đổi loại hình hay nội dung thông tin.

3. Điểm 1.2.16 được sửa đổi lại như sau:

"Thiết bị đầu cuối thuê bao" là thiết bị đầu cuối được lắp đặt tại địa chỉ hoặc đăng ký theo địa chỉ của người sử dụng, bao gồm:

- Thiết bị đầu cuối thuê bao một đường (ví dụ máy điện thoại cố định, máy điện thoại di động, máy fax, máy telex, máy nhắn tin, môdem);

- Thiết bị đầu cuối thuê bao nhiều đường (ví dụ tổng đài nội bộ PABX, thiết bị có tính năng kết nối cuộc gọi); và

- Các thiết bị đầu cuối thuê bao khác theo quy định của Tổng cục Bưu điện.

4. Bổ sung điểm 1.2.22 như sau:

"Mạng nội bộ" là mạng lưới thiết bị đầu cuối thuê bao do một tổ chức, cá nhân thiết lập và sử dụng;

- Tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà tổ chức, cá nhân đó được toà quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; và

- Để bảo đảm liên lạc nội bộ cho tổ chức, cá nhân đó.

5. Bổ sung vào đầu điểm 2.2.10 một đoạn sau:

Chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất về mạng lưới và dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của Tổng cục Bưu điện.

6. Bổ sung điểm 2.8.4 như sau:

Thanh toán cước sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định.

7. Bổ sung vào cuối điểm 3.2 một đoạn sau:

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản loại 1 có trách nhiệm:

- Quyết định đóng, mở các kênh liên lạc quốc tế đối với các nước mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ viễn thông để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình;

- Quyết định đóng, mở các kênh liên lạc trong nước để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình;

- Chấp hành các quyết định về đóng, mở kênh liên lạc của Tổng cục Bưu điện.

8. Điểm 3.5 được sửa đổi lại như sau:

Mạng viễn thông dùng riêng được phép kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bằng các đường trung kế mà chủ mạng dùng riêng:

- Thuê của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; hoặc

- Tự xây dựng (nếu được Tổng cục Bưu điện cho phép).

9. Điểm 3.7 được sửa đổi lại như sau:

Thiết bị đầu cuối thuê bao thuộc danh mục bắt buộc phải chứng nhận hợp chuẩn khi đưa vào sử dụng trên mạng viễn thông phải tuân theo các quy định tại Thông tư số 01/1998/TT-TCBĐ ngày 15/5/1998 và các quy định có liên quan khác của Tổng cục Bưu điện về công tác quản lý chất lượng vật tư, thiết bị, mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông.

10. Điểm 3.8 được sửa đổi lại như sau:

Ngoài quy định tại điểm 3.7 nêu trên, thiết bị đầu cuối thuê bao và mạng nội bộ có phát xạ sóng vô tuyến điện khi đưa vào sử dụng trên mạng viễn thông phải tuân theo các quy định tại Thông tư số 05/1999/TT-TCBĐ ngày 06/10/1999 của Tổng cục Bưu điện và các quy định có liên quan khác của Tổng cục Bưu điện về quản lý và cấp phép sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

11. Điểm 3.10 được sửa đổi lại như sau:

Thiết bị đầu cuối thuê bao một đường được kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bằng các đường thuê bao. Mạng nội bộ và thiết bị đầu cuối thuê bao nhiều đường được kết nối với mạng viễn thông công cộng tại các tổng đài của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông bằng các đường trung kế.

12. Điểm 3.17 được sửa đổi lại như sau:

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được phép cho chủ mạng viễn thông dùng riêng và chủ mạng nội bộ sử dụng hoặc thuê lại số hoặc dải số trong vùng số của mạng viễn thông công cộng mà mình đã được phân bổ. Việc cho sử dụng hoặc cho thuê lại số hoặc dải số phải tuân theo kế hoạch đánh số quốc gia và các quy định về quản lý kho số của Tổng cục Bưu điện.

13. Điểm 4.4.3 được sửa đổi lại như sau:

Các cơ sở lưu trú du lịch được phép thu tiền phụ thu cước dịch vụ viễn thông theo quy định của Chính phủ và Tổng cục Du lịch. Các cơ sở này phải công bố và niêm yết công khai tỷ lệ phụ thu áp dụng tại đơn vị mình để người sử dụng biết.

14. Bổ sung vào cuối điểm 4.4.5 một đoạn như sau:

Đối với việc thanh toán cước hàng tháng theo hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ thì thời hạn thanh toán cước là 15 ngày kể từ ngày người sử dụng dịch vụ nhận được hoá đơn thanh toán cước hoặc thông báo thanh toán cước đầu tiên.

15. Điểm 4.5.1 được sửa đổi lại như sau:

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được quyền tạm ngừng cung cấp một phần dịch vụ nếu sau thời hạn thanh toán cước quy định tại điểm 4.4.5, người sử dụng dịch vụ chưa thanh toán đủ tiền cước theo hoá đơn hoặc thông báo thanh toán cước.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được quyền tạm ngừng cung cấp toàn bộ dịch vụ, nếu 15 ngày sau thời hạn thanh toán cước quy định tại điểm 4.4.5 người sử dụng chưa thanh toán đủ tiền cước theo hoá đơn hoặc thông báo thanh toán cước.

Việc tạm ngừng cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ theo các quy định tại điểm này không được áp dụng đối với các thiết bị đầu cuối thuê bao dịch vụ trực tiếp liên lạc khẩn cấp được quy định tại Điều 44 Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ.

16. Bổ sung vào cuối điểm 5.5.5 một đoạn sau:

Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá 01 năm.

17. Bổ sung vào cuối điểm 5.9.5 một đoạn sau:

Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá 01 năm.

18. Điểm 5.13.1 được sửa đổi lại như sau:

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam muốn thiết lập mạng dùng riêng vô tuyến, mạng dùng riêng hữu tuyến kết hợp vô tuyến, mạng dùng riêng hữu tuyến có đường truyền dẫn tự xây dựng và mạng dùng riêng đặc biệt phải xin phép thiết lập mạng dùng riêng.

19. Bổ sung vào cuối điểm 5.14.5. một đoạn sau:

Thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 01 năm.

20. Bổ sung vào cuối điểm 5.19.3 một đoạn sau:

Doanh nghiệp muốn gia hạn thời hạn thử nghiệm phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới cơ quan đã cấp phép 15 ngày trước ngày giấy phép hết hạn.

Hồ sơ xin gia hạn bao gồm đơn xin gia hạn trình bày rõ lý do xin gia hạn, bản sao giấy phép thử nghiệm đang có hiệu lực.

Cơ quan cấp phép thẩm định và xét gia hạn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp từ chối gia hạn, cơ quan cấp phép sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho đơn vị nộp đơn biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 01 năm.

21. Quy định tại các điểm 5.12.7, 5.14.7. và 5.19.6 về địa chỉ của Cục Bưu điện Khu vực 3 được sửa đổi lại như sau:

Cục Bưu điện Khu vực 3, 42 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời với Tổng cục Bưu điện để xem xét sửa đổi, bổ sung.

Mai Liêm Trực

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2001/TT-TCBĐ sửa đổi Thông tư 04/1998/TT-TCBĐ Hướng dẫn thi hành Nghị định 109/1997/NĐ-CP về mạng lưới và dịch vụ viễn thông do Tổng Cục Bưu Điện ban hành

  • Số hiệu: 01/2001/TT-TCBĐ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/03/2001
  • Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện
  • Người ký: Mai Liêm Trực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản