Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 268/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA CÁC TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG

Ngày 11 tháng 12 năm 2007, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về mô hình tổ chức, quản lý và cơ chế tài chính của các Trung tâm học tập cộng đồng. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Hội Khuyến học Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

1. Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới các Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn trong cả nước là rất cần thiết, phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân.

Những năm quan, được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, mạng lưới Trung tâm học tập cộng đồng đang phát triển nhanh. Đến nay, đã có hơn 76% số xã, phường, thị trấn trong cả nước thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, gần đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2010, trong đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" của Chính phủ; số người tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng tăng từ 6,2 triệu lượt người vào năm 2006 lên hơn 10,2 triệu lượt người vào năm 2007. Bước đầu, hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng kết quả giáo dục phổ cập, xóa mù chữ, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống.

Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng còn những khó khăn bất cập; mô hình tổ chức và quy chế hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng chưa được quy định cụ thể; chất lượng hoạt động của nhiều trung tâm chưa cao.

2. Để tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" và xây dựng mô hình các Trung tâm học tập cộng đồng; tiếp tục chỉ đạo phát triển mạng lưới các Trung tâm học tập cộng đồng, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả, gắn với nhu cầu thực tế; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành.

Việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng cần chú ý một số vấn đề sau đây:

- Xác định rõ tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của các Trung tâm học tập cộng đồng trong hệ thống giáo dục quốc dân là trung tâm học tập tự chủ của cộng đồng xã, phường, thị trấn, có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời phải phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư để xây dựng và phát triển các trung tâm theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm.

- Về tổ chức biên chế: không bố trí biên chế theo chế độ công chức, viên chức ở các trung tâm này. Cần thực hiện việc bố trí cán bộ quản lý trung tâm theo chế độ kiêm nhiệm, gồm một cán bộ quản lý cấp xã, một cán bộ của Hội Khuyến học, một cán bộ lãnh đạo của trường phổ thông trên địa bàn. Các cán bộ này được hưởng phụ cấp từ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

- Về chức năng, nhiệm vụ: hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng phải góp phần có hiệu quả vào công tác xóa mù chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; phối hợp triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương.

- Về chế độ tài chính: nhà nước có hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, đồng thời các Trung tâm học tập cộng đồng cần huy động từ các nguồn khác, thông qua hoạt động thiết thực có hiệu quả trên địa bàn. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính,
Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ,
 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN, và NĐ của QH;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ,
các Vụ: TH, VX, KTTH, TCCB, ĐP;
- Lưu: VT, KG (5). Hà 36

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 268/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về mô hình tổ chức, quản lý và cơ chế tài chính của các trung tâm học tập cộng đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 268/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 24/12/2007
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trần Quốc Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản