Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2015/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a về triển khai Chương trình hợp tác Châu Á - Ô-xtơ-rây-li-a về phòng chống buôn bán người ký tại Can-bê-ra ngày 18 tháng 3 năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2015.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Thỏa thuận theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

THỎA THUẬN

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ Ô-XTƠ-RÂY-LI-A VỀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC CHÂU Á - Ô-XTƠ-RÂY-LI-A VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

1. TỔNG QUAN

1.1. Thỏa thuận này thể hiện trách nhiệm và đóng góp của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a (gọi chung là hai Bên) liên quan đến Chương trình hợp tác châu Á - Ô-xtơ-rây-li-a về Phòng, chống mua bán người, thực hiện theo Điều 5 (Thỏa thuận) của Bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a ký tại Canberra vào ngày 27 tháng 5 năm 1993 (sau đây viết tắt là Bản Ghi nhớ) và Bản ghi nhớ sửa đổi ngày 28 tháng 8 năm 2001. Các điều khoản trong Bản Ghi nhớ sửa đổi cũng được áp dụng tương ứng đối với Thỏa thuận này.

2. TÊN GỌI CỦA HOẠT ĐỘNG

2.1. Tên của hoạt động này là Chương trình hợp tác châu Á - Ô-xtơ-rây-li-a về phòng, chống mua bán người (viết tắt là AAPTIP) hay là ("Chương trình”).

3. MỤC ĐÍCH CỦA CHƯƠNG TRÌNH

3.1. Hai Bên sẽ hợp tác thực hiện Chương trình này nhằm hỗ trợ nhu cầu phát triển của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chương trình nhằm giảm động cơ và cơ hội mua bán người trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN), Chương trình sẽ được thực hiện tại các quốc gia Campuchia, In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Lào), Mi-an-ma, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam (sau đây gọi là các Quốc gia tham gia chương trình). Chi tiết hoạt động của Chương trình được mô tả trong Phụ lục 1 của Thỏa thuận này.

4. CÁC CƠ QUAN ĐIỀU PHỐI VÀ CÁC CƠ QUAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

4.1. Theo mục (j) khoản 3 của Bản Ghi nhớ, các Cơ quan Điều phối cho Chương trình này bao gồm:

Phía Ô-xtơ-rây-li-a: Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a

Phía Việt Nam: Bộ Công an

Cơ quan thực hiện Chương trình gồm:

Phía Ô-xtơ-rây-li-a: Đơn vị Tư vấn Quản lý và Thực hiện Chương trình do Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a lựa chọn.

Phía Việt Nam: Cơ quan thực hiện Chương trình bao gồm Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan đến Chương trình.

4.2. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a/Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a có thể chọn các nhà thầu hoặc các tổ chức phù hợp để thực hiện bất kỳ hoạt động nào theo Thỏa thuận này.

5. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

5.1. Theo dự tính, Chương trình này kéo dài 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2018. Thỏa thuận này bao gồm giai đoạn đầu thực hiện Chương trình, sau đó có thể kéo dài tùy thuộc vào cơ chế phê duyệt của Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và tùy thuộc vào kế hoạch phê duyệt phân bổ ngân sách thường niên của Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a.

5.2. Một trong Hai Bên cần thông báo cho Bên kia khi quyết định rút lui hoặc ngừng hỗ trợ Chương trình theo Điều 19 (Ngôn ngữ bắt đầu và chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận) trong Thỏa thuận này.

6. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

6.1. Chương trình sẽ được thực hiện tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ("sau đây gọi tắt là Việt Nam"). Văn phòng đại diện của Chương trình đặt tại Hà Nội. Văn phòng khu vực đặt tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.

7. MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH

Căn cứ

7.1. AAPTIP là sáng kiến của Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a sẽ được thực hiện trong 5 năm với mục đích giảm các động cơ và cơ hội mua bán người trong khu vực ASEAN.

7.2. AAPTIP được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ lâu dài của Ô-xtơ-rây-li-a đối với các chương trình tăng cường ứng phó tư pháp hình sự chống lại nạn mua bán người ở Châu Á, tiếp theo các Chương trình Hợp tác khu vực châu Á phòng chống nạn buôn người (viết tắt là ARCPPT; được thực hiện trong giai đoạn 2003-2006), và Dự án Phòng chống Buôn bán người khu vực châu Á (gọi tắt là ARTIP; được thực hiện, trong giai đoạn 2006-2011).

Mô tả chương trình

7.3. AAPTIP tập trung vào lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người ở cấp quốc gia và khu vực. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ Ban Thư ký ASEAN (ASEC) và các Quốc gia tham gia chương trình.

7.4. AAPTIP tăng cường các ứng phó tư pháp hình sự phòng, chống mua bán người, bằng việc: tăng cường hợp tác tư pháp và giải quyết các vụ án mua bán người cấp quốc gia và cấp khu vực, củng cố khung pháp lý, hỗ trợ đầy đủ cho các nạn nhân và nhân chứng, củng cố cơ sở dữ liệu giúp xây dựng chính sách và ra quyết định liên quan.

7.5. Chương trình sẽ do một Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện, đơn vị này do Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a lựa chọn.

7.6. Chương trình sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình tại mỗi Quốc gia tham gia Chương trình nhằm:

a) Phối hợp xác định các ưu tiên của quốc gia về phòng, chống mua bán người;

b) Xây dựng và giám sát việc thực hiện Kế hoạch hoạt động của Quốc gia, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình, và

c) Hỗ trợ giám sát thực hiện và đánh giá hiệu quả các hoạt động.

7.7. Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Chương trình bao gồm đại diện các cơ quan ban ngành do Chính phủ Việt Nam và Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình đề xuất, bao gồm nhưng không giới hạn ở các cơ quan có liên quan thuộc Chính phủ.

7.8. Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình có thể hỗ trợ vai trò thư ký cho các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chương trình.

7.9. Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ báo cáo về kế hoạch, quá trình thực hiện và tiến độ chương trình AAPTIP cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ Việt Nam.

7.10. Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình sẽ thành lập một Quỹ linh hoạt, đảm bảo chương trình AAPTIP có thể ứng phó nhanh đối với các xu hướng mới nổi lên hoặc các ưu tiên mới của quốc gia nhằm phòng chống nạn mua bán người, ví dụ một số ưu tiên nhưng chưa được đưa vào trong kế hoạch hoạt động thường niên. Ngân sách cho Quỹ này là 1.75 triệu đô la Ô-xtơ-rây-li-a dành cho toàn bộ khu vực, do Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình quản lý, giải ngân trên cơ sở đề xuất phù hợp và chứng từ hợp lệ, để hỗ trợ các hoạt động đáp ứng được các tiêu chí sau:

a) Các hoạt động được tài trợ từ Quỹ linh hoạt phải phù hợp và thống nhất với bốn (4) kết quả cụ thể dự kiến của AAPTIP, và có đóng góp mang tính chiến lược cho những kết quả này;

b) Quỹ linh hoạt sẽ không được sử dụng để chi trả lương hoặc phụ cấp cho cán bộ tham gia Chương trình;

c) Quỹ linh hoạt sẽ không chi trả cho việc mua sắm thiết bị mới hoặc cho các chi phí xây dựng trừ khi chi phí đó có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động nâng cao năng lực, hoặc liên quan đến cam kết của quốc gia thành viên về chỉ tiêu định kỳ cần thiết;

d) Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ xác định cụ thể các vấn đề ưu tiên hoặc những khoảng trống mà có thể giải quyết được nhờ phân bổ Quỹ linh hoạt;

e) Các đề xuất hoạt động liên quan đến sử dụng Quỹ linh hoạt sẽ phải được Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phê chuẩn trước khi gửi đến Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình để gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a xin phê duyệt; và

f) Văn phòng Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a tại Băng Cốc có thể đề nghị làm rõ hoặc sửa đổi đề xuất dự án từ tài trợ của Quỹ linh hoạt, hoặc có thể bác bỏ một đề nghị cụ thể trong phạm vi quyết định tuyệt đối.

8. ĐIỀU PHỐI TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ

8.1. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a sẽ đảm bảo đủ nguồn lực cho Chương trình, giám sát quy trình thực hiện, coi đây là nhiệm vụ cần thiết để quản lý hợp đồng của Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình.

8.2. Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình có trách nhiệm thực hiện Chương trình nhằm đạt được mục tiêu và kết quả đề ra, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ để giám sát các hoạt động. Để quản lý Chương trình, Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình có trách nhiệm:

(a) Quản lý nhân sự trước khi bắt đầu Chương trình (như yêu cầu về bảo hiểm, y tế và huy động nhân sự kịp thời);

(b) Quản lý nhân sự của Văn phòng đại diện quốc gia, Chuyên gia tư vấn dài hạn và ngắn hạn theo Phụ lục 2 của Thỏa thuận này;

(c) Quản lý Văn phòng đại diện tại Việt Nam;

(d) Tạo Điều kiện cung cấp dịch vụ biên, phiên dịch khi cần;

(e) Cung cấp tài liệu và báo cáo về tiến độ của Chương trình và thành tựu của kết quả đầu ra phù hợp với tiến độ báo cáo;

(f) Giữ liên lạc thường xuyên và hiệu quả với các cơ quan đối tác Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ khác có liên quan và Văn phòng Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a tại Băng Cốc;

(g) Thực hiện quản lý tài chính và hỗ trợ xây dựng kế hoạch các hoạt động tại Việt Nam với sự tham vấn với Bộ Công an. Việc quản lý tài chính bao gồm giải ngân cho các hoạt động của Chương trình, các chi phí ngoài lương (ví dụ chi phí đi lại và ăn ở cho đại biểu khi tham gia hoạt động của Chương trình). Những khoản này được cán bộ của các cơ quan Việt Nam liên quan đến thực hiện Chương trình đề xuất và Trưởng Nhóm quản lý dự án khu vực phê duyệt;

(h) Mua sắm hàng hóa và dịch vụ cần thiết;

(i) Tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quản lý tài chính, kiểm toán và quản lý tài sản Chương trình;

(j) Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, và

(k) Giữ thông tin liên lạc thường xuyên và hiệu quả với các cơ quan liên quan của Việt Nam, Văn phòng đại diện ở Việt Nam và tại các Quốc gia tham gia Chương trình trong khu vực.

8.3. Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực sẽ được thành lập nhằm mục đích

(a) Xây dựng định hướng chiến lược cho Chương trình, tập trung vào các sáng kiến trong khu vực;

(b) Đảm bảo Chương trình gắn liền với các chính sách và các sáng kiến của ASEAN về phòng chống mua bán người;

(c) Hỗ trợ cải cách tư pháp hình sự có liên quan, thực hiện bình đẳng giới và các hướng tiếp cận dựa trên quyền con người;

(d) Xem xét báo cáo tổng hợp tiến độ của Chương trình thường kỳ sáu tháng và hàng năm, lưu ý khi xem xét tổng hợp kế hoạch hoạt động và ngân sách thường niên;

(e) Phê duyệt đề xuất kế hoạch hoạt động và ngân sách hàng năm của chương trình.

(f) Đóng góp ý kiến đánh giá định kỳ về hoạt động của Chương trình.

8.4. Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực sẽ do một đại diện cấp cao của Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a và Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) - Nhóm làm việc SQMTC về mua bán người đồng chủ trì. Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực sẽ bao gồm:

(a) Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình của các Quốc gia tham gia Chương trình;

(b) Một đại diện của Cục Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN;

(c) Đại diện quản lý Chương trình của Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a;

(d) Cán bộ phụ trách Quan hệ đối tác, Quản lý truyền thông và Vận động chính sách; và

(e) Trưởng nhóm Quản lý khu vực của Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình.

8.5. Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực sẽ họp thường niên hoặc bán niên, tùy theo quyết định của Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a.

8.6. Phía Việt Nam sẽ thực hiện vai trò quản lý và điều phối hỗ trợ cho việc thực hiện, đánh giá tiến độ và giám sát các hoạt động cụ thể là:

(a) Điều phối chung việc tham gia của các bộ ngành Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam trong các hoạt động của Chương trình;

(b) Bổ nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình và đại diện Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực;

(c) Cung cấp các thông tin liên quan về Chương trình cho tất cả các cơ quan chức năng tham gia;

(d) Đảm bảo các cơ quan chức năng tham gia nhận thức được trách nhiệm của mình trong cử cán bộ tham gia và các chi phí đào tạo;

(e) Tăng cường sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quan tâm và muốn tham gia hoạt động của Chương trình; và

(f) Hỗ trợ và tạo điều kiện phê duyệt Chương trình và các Kế hoạch hàng năm.

9. TÀI LIỆU, DỊCH VỤ VÀ THIẾT BỊ

PHÍA CHÍNH PHỦ Ô-XTƠ-RÂY-LI-A

9.1. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a, thông qua Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình, sẽ hỗ trợ tài liệu, dịch vụ và trang thiết bị để thực hiện Chương trình thông qua:

(a) Đội ngũ Tư vấn kỹ thuật và quản lý gồm các cố vấn dài hạn và ngắn hạn cấp khu vực, và nhân viên Văn phòng đại diện sẽ hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho Chương trình.

(b) Xây dựng kinh phí để thực hiện Kế hoạch hoạt động hàng năm;

(c) Tổ chức các hội thảo và tập huấn;

(d) Lập Quỹ linh hoạt;

(e) Tài trợ các nghiên cứu;

(f) Chi trả các chi phí hành chính của Chương trình;

(g) Cung cấp tài liệu và trang thiết bị văn phòng trong Chương trình;

(h) Hỗ trợ thiết bị và phương tiện đi lại cho nhân viên.

PHÍA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

9.2. Theo các điều khoản của Bản Ghi nhớ, cụ thể là Điều 7.1 (Trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam) và Điều 13 (dự án cung cấp các tài liệu kỹ thuật chuyên môn), Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu, dịch vụ và trang thiết bị sau đây để giúp cán bộ tham gia Chương trình hoạt động hiệu quả, hiệu suất, tiết kiệm và tuân thủ chuẩn mực đạo đức khi thực hiện Chương trình ở Việt Nam:

(a) Miễn thuế nhập khẩu và các thuế khác theo Khoản 13.2, tiểu mục (a) và (e) (Cung cấp cho dự án và những vật liệu chuyên dùng, vật liệu kỹ thuật) của Bản Ghi nhớ. Cụ thể hơn, điều này bao gồm miễn thuế nhập khẩu, các loại thuế khác và các chi phí cho một (1) xe ô tô (như là một thiết bị của Chương trình) do Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình sử dụng mà chiếc xe chỉ để dành cho việc thực hiện hoạt động tại Việt Nam và sau khi Chương trình kết thúc chiếc xe này sẽ trở thành tài sản của Chính phủ Việt Nam.

(b) Tạo thuận lợi cho việc vận chuyển Thiết bị vật liệu của Chương trình bằng cách hỗ trợ thủ tục hải quan phù hợp và cơ sở cầu cảng, bao gồm cả chi phí lưu kho cần thiết tại cảng đầu tiên khi dỡ Thiết bị tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 13.2, tiểu mục (c) và (e); và

(c) Hỗ trợ việc vận chuyển nhanh chóng các Thiết bị vật liệu của Chương trình từ cảng đầu tiên, từ phi cơ hoặc tàu chở hàng đặc biệt tại Việt Nam đến vị trí thực hiện Chương trình theo Khoản 13.2, tiểu mục (d) của Bản Ghi nhớ.

9.3. Chính phủ Việt Nam sẽ đảm bảo cho Thiết bị vật liệu của Chương trình có thể được sử dụng không hạn chế trong Chương trình và sẽ không được phép thu hồi nếu không có sự đồng ý của Trưởng nhóm Quản lý dự án khu vực. Trưởng nhóm sẽ thực hiện kiểm soát hành chính đối với các thiết bị đó trong thời gian thực hiện Chương trình hoặc thời gian khác theo thỏa thuận giữa hai Bên.

9.4. Sau khi hoàn tất Chương trình, theo các điều khoản của Bản Ghi nhớ và Biên bản Sửa đổi ngày 28 tháng 8 năm 2001 và Khoản 13.1 (Sở hữu trí tuệ) của Thỏa thuận Bổ sung này, tất cả Thiết bị vật liệu của Chương trình được mua để sử dụng tại Việt Nam sẽ trở thành tài sản của Chính phủ Việt Nam.

10. NHÂN SỰ CỦA CHƯƠNG TRÌNH

PHÍA CHÍNH PHỦ Ô-XTƠ-RÂY-LI-A

10.1. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a sẽ chi trả chi phí đi lại và ăn ở cho cán bộ của Chính phủ Việt Nam tham gia các hoạt động của Chương trình tại các Quốc gia tham gia Chương trình.

10.2. Đội ngũ Tư vấn kỹ thuật dài hạn và ngắn hạn cho Chương trình sẽ làm việc tại thủ đô Băng Cốc và Ja-các-ta, có các chuyến công tác đến các nước khác tham gia trong Chương trình theo yêu cầu của Văn phòng Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a tại Băng Cốc và Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình, Nhân viên Văn phòng đại diện của Việt Nam sẽ làm việc tại Hà Nội.

PHÍA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

10.3. Chính phủ Việt Nam sẽ cử người đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực và tham gia các hoạt động liên quan, phù hợp với các hoạt động cụ thể được phê duyệt theo kế hoạch hoạt động hàng năm.

10.4. Theo các điều khoản của Bản ghi nhớ, đặc biệt là các Khoản 7, 12, 14, 15, và 17 về Mục đích Chương trình, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng nhân sự của Chương trình bằng cách:

(a) Miễn thuế thu nhập và các khoản thuế tương tự khác theo Khoản 12 (Thuế Thu nhập) của Bản Ghi nhớ;

(b) Miễn thuế xuất và nhập khẩu cũng như các loại thuế khác áp dụng với cá nhân và gia đình theo Khoản 14 (thuế nhập khẩu áp dụng với cá nhân và gia đình), Khoản 15 (thuế xuất khẩu áp dụng với nguyên liệu kỹ thuật, đồ đùng cá nhân và gia đình) và Khoản 17 (Thuế, các khoản thu, nghĩa vụ, lệ phí và các khoản phí khác áp dụng với nhân viên quốc tịch Ô-xtơ-rây-li-a) nêu trong Bản Ghi nhớ;

(c) Trao cho Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a quyền lựa chọn nhân sự làm việc Chương trình.

(d) Giải quyết các vấn đề về thủ tục cần thiết cho việc nhập cảnh, đi lại và công tác của nhân viên Chương trình trong phạm vi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

11. ĐÓNG GÓP TÀI CHÍNH

PHÍA CHÍNH PHỦ Ô-XTƠ-RÂY-LI-A

11.1. Tổng số tiền hỗ trợ của Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a cho Chương trình tối đa là 50 triệu đô la Ô-xtơ-rây-li-a. Số tiền này sẽ được sử dụng phục vụ cho các hoạt động Chương trình tại các Quốc gia tham gia Chương trình, chi trả cho việc thực hiện, quản lý và giám sát Chương trình và các hoạt động liên quan. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a sẽ không hỗ trợ tài chính trực tiếp cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khác ngoài Đơn vị Tư vấn quản lý và thực hiện Chương trình.

11.2. Kinh phí thực hiện các hoạt động như mô tả trong Kế hoạch Hoạt động hàng năm sẽ chỉ được giải ngân khi Kế hoạch này được Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực phê duyệt.

11.3. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a sẽ cấp và giải ngân tài chính cho hoạt động Chương trình dựa theo phê duyệt phân bổ tài chính thường niên của Quốc hội Ô-xtơ-rây-li-a.

PHÍA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

11.4. Đóng góp tài chính hàng năm của Chính phủ Việt Nam cho các hoạt động sẽ được cụ thể hóa thông qua quá trình xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm, được Ban Chỉ đạo Chương trình của Việt Nam và Ban Chỉ đạo Chương trình cấp khu vực phê duyệt, và phù hợp với khả năng ngân sách sẵn có.

11.5. Đóng góp tài chính của Chính phủ Việt Nam sẽ được dùng để trả chi phí cho việc thực hiện, quản lý và giám sát Chương trình và các hoạt động liên quan, đảm bảo ngân sách cho các đối tác liên quan tham gia các hoạt động của Chương trình như cán bộ, văn phòng, và các chi phí hành chính khác giúp thực hiện Chương trình hiệu quả. Khoản đóng góp của Chính phủ Việt Nam sẽ bao gồm, nhưng không hạn chế:

(a) Sử dụng cơ sở vật chất tại Bộ Công an, các tài liệu và cá nhân có liên quan đến Chương trình;

(b) Các phê chuẩn cần thiết để thực hiện Chương trình; và

(c) Cung cấp hỗ trợ thiết yếu như dịch vụ điện thoại, email và internet.

10.5. Chính phủ Việt Nam sẽ miễn giảm thuế phù hợp với các quy định có liên quan trong Bản Ghi nhớ.

12. QUY TRÌNH GIÁM SÁT, XEM XÉT, ĐÁNH GIÁ VÀ BÁO CÁO

Giám sát và đánh giá

12.1. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a và Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành giám sát Chương trình và đánh giá độc lập các nhân viên tham gia Chương trình. Hai Bên có thể tiến hành đánh giá và xem xét quá trình thực hiện Chương trình vào một số thời điểm thuận lợi, phù hợp với cả hai Bên, nhằm đánh giá sự tiến bộ dựa trên các chỉ số thực hiện hiệu quả do hai Bên đặt ra.

Quy trình báo cáo

12.1. Ban Chỉ đạo Chương trình của Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm và ngân sách cho các hoạt động theo quy định, Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ nộp báo cáo cho Ban chỉ đạo Chương trình cấp Khu vực để phê duyệt Ban Chỉ đạo Chương trình phải báo cáo tiến độ sáu tháng và hàng năm cho Đơn vị Tư vấn Quản lý và Thực hiện Chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình cấp Khu vực và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a.

12.2. Nhóm Tư vấn Kỹ thuật và Quản lý sẽ hỗ trợ Ban Chỉ đạo Chương trình của Việt Nam xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm và chuẩn bị báo cáo. Ban Chỉ đạo Chương trình sẽ hỗ trợ cố vấn Đánh giá và Giám sát cấp Khu vực, Cán bộ Giám sát và Đánh giá của Văn phòng Đại diện trong việc thu thập các dữ liệu và thông tin cần thiết về nạn mua bán người đánh giá những kết quả và thành công của Chương trình.

13. SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Ngoài các điều khoản khác trong Thỏa thuận này và thể theo điều Khoản 16 (Sở hữu trí tuệ) của Bản Ghi nhớ, Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a có và duy trì Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Chương trình.

14. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Bất kỳ tranh chấp, tranh cãi hoặc khiếu nại phát sinh từ việc hiểu hoặc áp dụng Thỏa thuận này sẽ không phải giải quyết thông qua xét xử hoặc trọng tài, thay vào đó, sẽ được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện, là phương án duy nhất để giải quyết các vụ tranh chấp, tranh cãi, hoặc khiếu nại trong hòa bình.

15. CHỐNG THAM NHŨNG

15.1. Mỗi Bên đều có quyền điều tra, trực tiếp hoặc thông qua bên trung gian, về bất kỳ hành vi nghi ngờ tham nhũng, gian lận, thông đồng, hoặc cưỡng ép liên quan đến Chương trình phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam và pháp luật của Ô-xtơ-rây-li-a.

16. NGĂN CHẶN TÀI TRỢ KHỦNG BỐ

16.1. Hai Bên cùng thực hiện cam kết chắc chắn tham gia cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, và đặc biệt là chống tài trợ khủng bố phù hợp với quy định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các quy định liên quan đến khủng bố, trong đó có Nghị quyết 1373 của Hội đồng Bảo An (2001), 1267 (1999) và các nghị quyết liên quan.

16.2. Hai Bên tái khẳng định cam kết tuân theo các nguyên tắc của Công ước quốc tế về Ngăn chặn Tài trợ Khủng bố (New York, 09 tháng 12 1999).

16.3. Hai Bên sẽ hợp tác để đảm bảo rằng không có khoản kinh phí nào của Chương trình được sử dụng, trực tiếp hoặc gián tiếp, để hỗ trợ cho các cá nhân hoặc các tổ chức liên quan đến khủng bố.

16.4. Trong thời gian thực hiện Thỏa thuận này, nếu một Bên phát hiện ra tổ chức, cá nhân tham gia vào Chương trình có liên quan đến khủng bố, Bên đó sẽ ngay lập tức thông báo cho Bên kia.

17. BẢO VỆ TRẺ EM

17.1. Hai Bên cam kết chắc chắn về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế cải thiện điều kiện sống của trẻ em ở mỗi quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, phù hợp với Tuyên bố Geneva về Quyền trẻ em năm 1924 và Tuyên bố về Quyền em được Đại hội đồng LHQ phê chuẩn ngày 20 tháng 11 năm 1959.

17.2. Hai Bên tái khẳng định lại cam kết thực hiện các nguyên tắc của Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (New York, 20 tháng 11 năm 1989) và các Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang (New York ngày 25 tháng 5 2000) và về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em (New York ngày 25 tháng 5 năm 2000).

17.3. Hai Bên sẽ hợp tác để đảm bảo rằng không có cá nhân tham gia vào Chương trình, trực tiếp hoặc gián tiếp, có liên quan đến lạm dụng và bóc lột trẻ em trái với quy định của Công ước về Quyền trẻ em và các Nghị định thư không bắt buộc được hai Bên ký kết và phê chuẩn. Hai Bên sẽ hợp tác để bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng và bóc lột dưới mọi hình thức trong khuôn khổ các hoạt động viện trợ của Ô-xtơ-rây-li-a.

17.4. Trong thời gian thực hiện Thỏa thuận này, nếu một Bên phát hiện tổ chức, cá nhân tham gia vào Chương trình có liên quan đến lạm dụng và bóc lột trẻ em, Bên đó sẽ ngay lập tức thông báo cho Bên kia.

18. SỬA ĐỔI

18.1. Thỏa thuận này có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào thông qua việc trao bằng văn bản có chữ ký của hai Bên.

19. NGÔN NGỮ, BẮT ĐẦU VÀ CHẤM DỨT HIỆU LỰC CỦA THỎA THUẬN

19.1. Thỏa thuận này có hai bản gốc. Mỗi bản bao gồm hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Các văn bản tiếng Việt và tiếng Anh đều có giá trị như nhau.

19.2. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký.

19.3. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc đến ngày cả hai Bên hoàn thành Chương trình, tùy theo sự thống nhất của hai Bên.

Thỏa thuận này có các phụ lục kèm theo là các phần không thể tách rời của Thỏa thuận.

Ký tại Canberra ngày 18 tháng 3 năm 2015.

 

Thay mặt Chính phủ
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam




Tô Lâm
Thứ trưởng Bộ Công an

Thay mặt Chính phủ
Ô-xtơ-rây-li-a




Greg Moriarty
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại

 

PHỤ LỤC 1

MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH

Từ năm 2003, Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a, thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a, đã tài trợ hơn 150 triệu đô la để hỗ trợ các nỗ lực phòng chống mua bán người trong khu vực Châu Á. Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a đã tài trợ cho các chương trình bao gồm Hợp tác Khu vực châu Á Ngăn ngừa nạn mua bán người (viết tắt là ARCPPT; được thực hiện trong giai đoạn 2003-2006), và Dự án Phòng chống mua bán người khu vực châu Á (gọi tắt là ARTIP; được thực hiện trong giai đoạn 2006-2011). Cả hai sáng kiến này đều hỗ trợ ứng phó tư pháp hình sự chống lại nạn mua bán người.

Chương trình hợp tác Châu Á - Ô-xtơ-rây-li-a về phòng chống mua bán người (viết tắt là AAPTIP) sẽ được thực hiện ở cấp khu vực và cấp quốc gia, từng bước nâng cao năng lực cho các cơ quan ở cấp khu vực và quốc gia để duy trì và tăng cường các ứng phó tư pháp hình sự có hiệu quả, giải quyết nạn mua bán người.

Mục tiêu của của AAPTIP là giảm động cơ và cơ hội mua bán người trong khu vực ASEAN. Trong khuôn khổ mục đích này:

● Động cơ có nghĩa là: những ảnh hưởng thúc đẩy mong muốn của những kẻ mua bán người nhằm phạm tội mua bán người; và

● Cơ hội có nghĩa là: hoàn cảnh thuận lợi hay thuận tiện cho phép thủ phạm thực hiện tội mua bán người.

Để đạt được mục đích tổng quát, AAPTIP đã xây dựng 4 kết quả mục tiêu cho chương trình. Ba mục tiêu sẽ thực hiện ở cấp quốc gia, và một mục tiêu còn lại sẽ được thực hiện ở cấp khu vực. Dựa vào những kết quả đạt được, Ô-xtơ-rây-li-a sẽ hỗ trợ xây dựng nâng cao năng lực cho các bên liên quan cấp khu vực và quốc gia. Các mục tiêu này sẽ góp phần trực tiếp để đạt được mục đích tổng quát như mô tả trong sơ đồ dưới đây:

Để hỗ trợ thực hiện Chương trình AAPTP, Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a đã tiến hành tuyển lựa công khai và chặt chẽ một Đơn vị Tư vấn Quản lý và Thực hiện Chương trình. Mỗi quốc gia tham gia chương trình sẽ mở một Văn phòng Đại diện. Văn phòng Đại diện sẽ được mở tại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho Ban Thư ký ASEAN. Đơn vị Tư vấn Quản lý và Thực hiện Chương trình đặt trụ sở tại Băng Cốc, nơi mà AAPTIP sẽ do Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtơ-rây-li-a quản lý. Tại mỗi quốc gia, Điều phối viên Quốc gia và Cán bộ dự án, Giám sát và Đánh giá là những cán bộ chủ chốt, là cầu nối chủ đạo liên kết giữa Đơn vị Tư vấn Quản lý và Thực hiện Chương trình và các cơ quan ban ngành liên quan tại mỗi quốc gia.

Để Chương trình mang tính bền vững, các Kế hoạch Hoạt động của AAPTIP sẽ được xây dựng từng bước phù hợp với Chương trình hành động Quốc gia của nước sở tại.

Quy trình quản lý và điều phối chung cho Chương trình AAPTIP được trình bày như bảng bên dưới:

Tại mỗi quốc gia trong chương trình, AAPTIP sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ chế điều phối chương trình cấp quốc gia như đã được xây dựng từ Dự án ARTIP.

Trong bối cảnh khả năng giám sát và đánh giá ở cả cấp khu vực và quốc gia còn nhiều hạn chế và nhiều rào cản pháp lý vẫn còn tồn tại. Theo đó, các phương án đề xuất hướng tới nâng cao năng lực giám sát và đánh giá cấp khu vực và quốc gia về nạn mua bán người, sử dụng các hệ thống có sẵn ở địa phương để áp dụng ở cấp khu vực và quốc gia.

 

PHỤ LỤC 2

NHÂN SỰ CỦA AAPTIP

C vấn cấp khu vực, làm việc dài hạn - tại Văn phòng khu vực Băng Cc

Trưởng nhóm Quản lý cấp khu vực - Phụ trách kỹ thuật

Phó Trưởng nhóm Quản lý cấp khu vực - Phụ trách lập kế hoạch và quản lý

Cố vấn điều tra mua bán người số 1

Cố vấn điều tra mua bán người số 2

Cố vấn truy tố

Cố vấn trình tự pháp lý

Cố vấn hỗ trợ nạn nhân

Cố vấn đánh giá và giám sát

Cố vấn khu vực, làm việc ngắn hạn - tại Văn phòng khu vực ở Băng Cốc

Cố vấn hợp tác pháp lý quốc tế

Cố vấn xây dựng năng lực

Cố vấn về giới

Cố vấn điều tra tài chính

Nhân sự làm việc tại Văn phòng khu vực ở Băng Cốc

Quản lý hành chính / Tài chính tại Văn phòng khu vực

Trợ lý quản trị/ tài chính tại Văn phòng khu vực

Lái xe/Trợ lý Văn phòng khu vực

Điều phối viên phụ trách tập huấn và hội thảo Văn phòng khu vực

Nhân sự làm việc tại Văn phòng đại diện tại Việt Nam và các Quốc gia tham gia Chương trình khác

Điều phối viên Chương trình quốc gia

Quản lý hành chính và tài chính

Cán bộ dự án, giám sát và đánh giá kiêm cán bộ thông tin

Lái xe/Trợ Lý Văn phòng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Thỏa thuận giữa Việt Nam và Ô-xtơ-rây-lia triển khai Chương trình hợp tác Châu Á - Ô-xtơ-rây-li-a về phòng chống buôn bán người

  • Số hiệu: 14/2015/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 18/03/2015
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Ôxtrâylia
  • Người ký: Tô Lâm, Greg Moriarty
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 501 đến số 502
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản