Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc công dân nước CHXHCN Việt Nam làm việc có thời hạn tại Liên bang Nga và công dân Liên bang Nga làm việc có thời hạn tại nước CHXHCN Việt Nam, ký tại Mát-xcơ-va ngày 27 tháng 10 năm 2008, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2013.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Các Bộ: Lao động, Thương binh & Xã hội, Tư pháp, Công an;
- BNG: Vụ Châu Âu, Cục Lãnh sự;
- Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga;
- Lưu: LPQT (2).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ VIỆC CÔNG DÂN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI LIÊN BANG NGA VÀ CÔNG DÂN LIÊN BANG NGA LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, sau đây gọi là "các Bên",

Với mong muốn củng cố và phát triển các quan hệ kinh tế giữa hai nước,

Nhận thức rằng việc công dân nước này làm việc có thời hạn tại nước bên kia là một lĩnh vực quan trọng của sự hợp tác Việt-Nga,

Xuất phát từ mối quan tâm chung trong quá trình điều chỉnh di cư lao động nước ngoài có tính đến tình hình thị trường lao động của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga,

Đã thỏa thuận những điều sau đây:

Điều 1:

Hiệp định này được áp dụng đối với công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công dân Liên bang Nga thường trú trên lãnh thổ nước mình là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (sau đây gọi là Nước thường trú) làm việc hợp pháp có thời hạn trên lãnh thổ của Bên kia (sau đây gọi là Nước tiếp nhận). Trong Hiệp định này, những người nói trên được gọi là người lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài làm việc có thời hạn phù hợp với:

a) Các hợp đồng nhận thực hiện các công việc hoặc cung cấp dịch vụ (sau đây gọi là Hợp đồng nhận thầu) được ký kết giữa pháp nhân hoặc cá nhân của nước tiếp nhận (sau đây gọi là Người giao thầu) và pháp nhân của Nước thường trú mà người lao động nước ngoài có quan hệ lao động.

b) Các hợp đồng lao động được ký kết giữa người lao động nước ngoài với người sử dụng lao động của Nước tiếp nhận

Điều 2:

1. Các Cơ quan của các Bên có trách nhiệm thực hiện Hiệp định này (sau đây gọi là các Cơ quan có thẩm quyền):

Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Ở Liên Bang Nga là Cơ quan Di trú Liên bang và Bộ Y tế và Phát triển xã hội Liên bang Nga.

Trong trường hợp có sự thay đổi về các Cơ quan có thẩm quyền, hai Bên sẽ kịp thời thông báo cho nhau qua đường ngoại giao.

2. Các Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên thành lập nhóm công tác để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định này.

Khi cần thiết, nhóm công tác tiến hành các cuộc họp chung luân phiên tại nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.

3. Các Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên thông báo cho nhau về những quy định của luật pháp nước mình trong lĩnh vực tiếp nhận và sử dụng lao động nước ngoài và kịp thời thông báo những thay đổi trong các quy định đó.

Điều 3:

1. Người lao động nước ngoài làm việc có thời hạn tại Nước tiếp nhận theo giấy phép lao động được cấp phù hợp với luật pháp của Nước tiếp nhận về tiếp nhận và sử dụng lao động nước ngoài.

2. Nước tiếp nhận khi xác định số lượng lao động nước ngoài được tiếp nhận từ nước bên kia sẽ căn cứ vào nhu cầu lao động nước ngoài của thị trường lao động trong nước.

Điều 4:

Việc nhập cảnh của người lao động nước ngoài vào làm việc có thời hạn tại Nước tiếp nhận, cư trú và xuất cảnh phải phù hợp với luật pháp của Nước tiếp nhận và các Thỏa thuận giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.

Điều 5:

Mỗi Bên, trên tinh thần hợp tác, sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết trên lãnh thổ của nước mình để không cho phép:

a) Những pháp nhân và cá nhân hoạt động bất hợp pháp trong việc tuyển mộ và đưa người lao động nước ngoài sang lãnh thổ Bên kia.

b) Công dân Bên kia làm việc bất hợp pháp.

Điều 6:

1. Người lao động nước ngoài trong thời gian cư trú tại Nước tiếp nhận được luật pháp nước đó bảo đảm tự do và các quyền phù hợp với pháp luật của Nước tiếp nhận đối với công dân nước ngoài.

2. Người lao động nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của Nước tiếp nhận, những quy định về cư trú của công dân nước ngoài trên lãnh thổ nước này và các quy định của Hiệp định này.

Điều 7:

1. Tiền công và các điều kiện lao động khác của người lao động nước ngoài thuộc khoản "a" Điều 1 của Hiệp định này được điều chỉnh bằng các quy định tại hợp đồng lao động và Hợp đồng nhận thầu.

2. Tiền công và các điều kiện lao động khác của người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này được điều chỉnh bằng hợp đồng lao động giữa người lao động nước ngoài với người sử dụng lao động của Nước tiếp nhận.

Hình thức và nội dung của hợp đồng lao động phải phù hợp với luật pháp của Nước tiếp nhận, với Hiệp định này và phải bao gồm các điều kiện cần thiết liên quan đến làm việc có thời hạn và cư trú của người lao động nước ngoài tại Nước tiếp nhận.

Điều 8:

Người lao động nước ngoài phải có đủ điều kiện về sức khỏe phù hợp với công việc theo quy định của luật pháp Nước tiếp nhận.

Điều 9:

Trong trường hợp công việc đòi hỏi trình độ nhất định về chuyên môn và tay nghề, người lao động nước ngoài xuất trình những giấy tờ được cấp và xác nhận theo quy định pháp luật của Nước thường trú. Những giấy tờ này được chấp nhận trên lãnh thổ của Nước tiếp nhận mà không cần thủ tục hợp pháp hóa. Quy định này cũng được áp dụng đối với các loại giấy tờ của công dân mà đã được xác nhận chữ ký theo quy định pháp luật hiện hành của nước mà người đó là công dân.

Những giấy tờ mà trên lãnh thổ của một Bên được xem là giấy tờ chính thức thì cũng được coi là giấy tờ chính thức trên lãnh thổ của Bên kia.

Điều 10:

1. Người lao động nước ngoài chỉ được làm việc có trả công như đã quy định trong giấy phép lao động.

2. Giấy phép lao động sẽ bị hủy bỏ trong những trường hợp mà luật pháp của Nước tiếp nhận quy định.

Điều 11:

1. Trong trường hợp người sử dụng lao động hủy bỏ hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này phù hợp với luật pháp Nước tiếp nhận thì người lao động nước ngoài sẽ được bồi thường theo các quy định của hợp đồng lao động và pháp luật của Nước tiếp nhận.

Trong trường hợp đó, người lao động nước ngoài có quyền ký hợp đồng lao động mới với người sử dụng lao động khác của Nước tiếp nhận theo thời hạn còn lại của giấy phép lao động với điều kiện thời gian còn lại không ít hơn ba tháng và người sử dụng lao động mới có giấy phép sử dụng lao động nước ngoài.

2. Những lệ phí liên quan đến các thủ tục cho người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Nước tiếp nhận, cư trú và xuất cảnh ra khỏi nước đó được thực hiện theo các điều khoản của hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng nhận thầu.

Trong trường hợp các lệ phí nói trên không được quy định trong hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng nhận thầu thì lệ phí cho việc xuất cảnh của người lao động nước ngoài ra khỏi nước tiếp nhận sẽ do người sử dụng lao động hoặc Người giao thầu chịu.

Điều 12:

Người lao động nước ngoài phải xuất cảnh nước tiếp nhận phù hợp với luật pháp của nước đó và những điều khoản của Hiệp định này trong trường hợp:

a) Kết thúc thời hạn hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng nhận thầu;

b) Không ký được hợp đồng lao động mới sau khi hợp đồng lao động cũ bị chấm dứt trước thời hạn mà các nguyên nhân không phải từ họ;

c) Có quyết định chính thức theo thủ tục quy định của pháp luật Nước tiếp nhận về việc không cấp hoặc hủy bỏ giấy phép lao động.

Điều 13:

1. Tất cả các loại bảo hiểm xã hội nhà nước và bảo trợ xã hội của người lao động nước ngoài thuộc khoản "a" Điều 1 của Hiệp định này được điều chỉnh bằng luật pháp của Nước thường trú.

2. Bảo trợ xã hội và bảo hiểm hưu trí nhà nước của người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này được điều chỉnh bằng luật pháp của Nước thường trú.

Những loại bảo hiểm xã hội nhà nước khác, kể cả bảo hiểm y tế của người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này được điều chỉnh bằng luật pháp của Nước tiếp nhận.

Điều 14:

1. Trong trường hợp người lao động nước ngoài thuộc khoản "a" Điều 1 của Hiệp định này bị chết, pháp nhân của nước thường trú mà người chết có quan hệ lao động sẽ tổ chức và chịu mọi phí tổn chuyển thi hài (di hài), tài sản của người đó và thanh toán bồi thường nếu trong Hợp đồng nhận thầu không có quy định khác.

2. Trong trường hợp người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này bị chết, người sử dụng lao động của Nước tiếp nhận tổ chức và chịu mọi phí tổn chuyển thi hài (di hài), tài sản của người đó về Nước thường trú. Trong trường hợp người lao động nước ngoài chết do lỗi của người sử dụng lao động, do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả các chế độ theo quy định của pháp luật Nước tiếp nhận.

3. Người sử dụng lao động và (hoặc) Người giao thầu phải lập tức thông báo việc người lao động nước ngoài bị chết cho cơ quan có thẩm quyền của Nước tiếp nhận tại nơi người lao động nước ngoài đăng ký cư trú, cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Nước thường trú kèm theo các hồ sơ liên quan đến cái chết của người lao động nước ngoài.

Điều 15:

1. Người lao động nước ngoài làm việc có thời hạn theo Hiệp định này có quyền tiến hành các giao dịch tiền tệ phù hợp với luật pháp của Nước tiếp nhận trong lĩnh vực quản lý tiền tệ.

2. Việc đóng thuế thu nhập của người lao động nước ngoài được thực hiện theo quy định của luật pháp Nước tiếp nhận và những điều khoản liên quan đến thuế thu nhập của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập ký ngày 27 tháng 5 năm 1993.

Điều 16:

Việc đưa vào và mang ra lãnh thổ của Nước tiếp nhận tài sản cá nhân và dụng cụ lao động cần thiết cho hoạt động lao động của người lao động nước ngoài được thực hiện phù hợp với luật pháp của Nước tiếp nhận.

Điều 17:

1. Người lao động nước ngoài thuộc khoản "a" Điều 1 của Hiệp định này được hưởng chế độ nghỉ ngơi phù hợp với luật pháp của Nước thường trú.

2. Người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này được hưởng chế độ nghỉ ngơi phù hợp với luật pháp của Nước tiếp nhận và những điều kiện trong hợp đồng lao động.

Theo sự thỏa thuận với người sử dụng lao động của nước tiếp nhận, người lao động nước ngoài thuộc khoản "b" Điều 1 của Hiệp định này có thể được nghỉ những ngày lễ chính thức của Nước thường trú. Điều kiện nghỉ việc được được quy định trong hợp đồng lao động.

Điều 18:

1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc các Bên đã hoàn tất các thủ tục cần thiết trong nước mình để Hiệp định có hiệu lực.

2. Hiệp định này có giá trị trong thời hạn năm năm và sẽ được tự động gia hạn cho từng ba năm tiếp theo nếu một trong hai Bên không thông báo bằng văn bản ý định của mình chấm dứt hiệu lực của Hiệp định không chậm hơn sáu tháng trước khi Hiệp định hết hạn.

3. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định sẽ được hai Bên giải quyết thông qua thương lượng.

4. Hiệp định này có thể sẽ được các Bên thỏa thuận ký kết các Nghị định thư sửa đổi và bổ sung.

5. Trong trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực:

Những giấy phép lao động được cấp trong thời gian Hiệp định còn hiệu lực sẽ vẫn còn giá trị đến khi hết thời hạn đã cho phép;

Các điều khoản của Hiệp định vẫn tiếp tục được áp dụng đối với các Hợp đồng nhận thầu và hợp đồng lao động cho đến hết thời hạn đã ký kết.

Làm tại Mát-xcơ-va ngày 27 tháng 10 năm 2008 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Nga, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Nguyễn Quốc Cường
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
LIÊN BANG NGA




Kôn-Xtan-Tin Ôlê-Gô-Vích
Rô-Ma-Đa-Nôp-Xki
GIÁM ĐỐC CỤC NHẬP CƯ LIÊN BANG

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về công dân Việt Nam làm việc có thời hạn tại Nga và công dân Nga làm việc có thời hạn tại Việt Nam

  • Số hiệu: 61/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 27/10/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Liêng bang Nga, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Quốc Cường, Kôn-Xtan-Tin Ôlê-Gô-Vích Rô-Ma-Đa-Nôp-Xki
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 931 đến số 932
  • Ngày hiệu lực: 26/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản