Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 32/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bê-la-rút về việc công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm việc có thời hạn tại nước Cộng hòa Bê-la-rút và công dân nước Cộng hòa Bê-la-rút làm việc có thời hạn tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ký tại Hà Nội ngày 29 tháng 11 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 6 năm 2013.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-LA-RÚT VỀ VIỆC CÔNG DÂN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-LA-RÚT VÀ CÔNG DÂN NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-LA-RÚT LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Bê-la-rút, sau đây gọi là "các Bên ký kết",

Nhằm phát triển hợp tác nhiều mặt giữa các Bên ký kết về vấn đề việc làm có thời hạn của công dân các Bên ký kết trên lãnh thổ của hai quốc gia,

Đã thỏa thuận những điều sau đây:

Điều 1.

Hiệp định này áp dụng đối với công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công dân nước Cộng hòa Bê-la-rút làm việc có thời hạn trên lãnh thổ của các Bên ký kết, cũng như đối với những thành viên gia đình của họ.

Hiệp định này không áp dụng đối với những người không có tư cách người lao động di cư phù hợp với pháp luật quốc gia của các Bên ký kết.

Điều 2.

Nhằm mục đích của Hiệp định này, những thuật ngữ được nêu dưới đây có ý nghĩa như sau:

"Người lao động di cư" để chỉ một người, là công dân của quốc gia một Bên ký kết, cư trú và làm việc có thời hạn hợp pháp trên lãnh thổ của quốc gia Bên ký kết kia mà không định cư tại nước đó;

"Thành viên gia đình" để chỉ một người có quan hệ hôn nhân với người lao động di cư và những trẻ em đang sống phụ thuộc vào họ, và những người khác, được công nhận là thành viên của gia đình họ theo quy định pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động;

"Bên sử dụng lao động" để chỉ quốc gia của một trong hai Bên ký kết, nơi người lao động di cư thực hiện việc làm có thời hạn được trả công;

"Bên xuất cảnh" để chỉ quốc gia của một trong hai Bên ký kết, nơi người lao động di cư thường trú và từ đó đi đến Bên sử dụng lao động để thực hiện việc làm có thời hạn được trả công.

"Người sử dụng lao động" là pháp nhân hoặc thể nhân có quyền ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động di cư phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 3.

Các Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia các Bên ký kết để thực hiện Hiệp định này là:

Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Ở nước Cộng hòa Bê-la-rút là Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Bê-la-rút.

Các Cơ quan có thẩm quyền phối hợp các hoạt động trong khuôn khổ quyền hạn của mình phù hợp với pháp luật quốc gia của các Bên ký kết.

Điều 4.

Các Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia các Bên ký kết trao đổi thông tin cho nhau về:

- Pháp luật quốc gia về lao động di cư cũng như các sửa đổi, bổ sung của pháp luật đó;

- Các cơ hội việc làm đối với Người lao động di cư;

- Hạn ngạch việc làm hàng năm dành cho Người lao động di cư phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động;

Tối thiểu một năm một lần, các Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia các Bên ký kết thông báo cho nhau về số lượng Người lao động di cư là công dân của quốc gia các Bên ký kết.

Điều 5.

Các Bên ký kết bảo vệ quyền của Người lao động di cư và Thành viên gia đình họ, không cho phép phân biệt đối xử đối với họ dưới tất cả các hình thức về giới tính, độ tuổi, chủng tộc, dân tộc, thành phần xuất thân, tôn giáo và quan điểm chính trị, quốc tịch, tài sản và tình trạng hôn nhân cũng như bất cứ một hình thức phân biệt đối xử nào khác.

Các Bên ký kết cung cấp cho Người lao động di cư thông tin khách quan về Bên sử dụng lao động, về điều kiện sống và làm việc, pháp luật quốc gia, phong tục tập quán và các thông tin khác có liên quan.

Các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của quốc gia các Bên ký kết, trong phạm vi thẩm quyền của mình cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Người lao động di cư. Vì mục đích này, các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Bê-la-rút có thể liên hệ với Cơ quan có thẩm quyền của Bên sử dụng lao động.

Điều 6.

Việc nhập cảnh của Người lao động di cư vào lãnh thổ của Bên sử dụng lao động, hoạt động lao động, cư trú và xuất cảnh của họ được thực hiện phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động và các thỏa thuận quốc tế mà quốc gia của các Bên ký kết là thành viên.

Thành viên gia đình của Người lao động di cư có quyền nhập cảnh, cư trú trên lãnh thổ của Bên sử dụng lao động trong thời gian giấy phép cư trú và lao động của Người lao động di cư có hiệu lực phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 7.

Người lao động di cư thực hiện hoạt động lao động trên cơ sở hợp đồng lao động ký với Người sử dụng lao động phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Để thực hiện hoạt động lao động, Người lao động di cư phải có giấy phép cư trú và lao động theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 8.

Những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, điều kiện làm việc, tiền công và bảo hộ lao động, thuế, bảo hiểm y tế đối với Người lao động di cư được điều chỉnh phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động cũng như các thỏa thuận quốc tế mà quốc gia của các Bên ký kết là thành viên.

Những vấn đề về chế độ hưu trí của Người lao động di cư được điều chỉnh theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên xuất cảnh cũng như các thỏa thuận quốc tế mà quốc gia của các Bên ký kết là thành viên.

Điều 9.

Việc bồi thường thiệt hại đối với Người lao động di cư trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc các tổn hại sức khỏe khác liên quan đến việc thực hiện các hoạt động lao động được thực hiện phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động và hợp đồng lao động.

Điều 10.

Trong trường hợp Người lao động di cư bị chết trên lãnh thổ Bên sử dụng lao động, Người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Bên xuất cảnh và cung cấp các loại giấy tờ liên quan đến cái chết của họ theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Trong trường hợp Người lao động di cư bị chết do những nguyên nhân liên quan đến việc Người sử dụng lao động không đảm bảo điều kiện an toàn lao động và (hoặc) có những vi phạm pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động, Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức việc chuyển thi hài hoặc hài cốt và tài sản của người chết về Bên xuất cảnh đồng thời chịu mọi chi phí liên quan.

Điều 11.

Việc làm của người lao động di cư được thực hiện phù hợp với pháp luật quốc gia của các Bên ký kết.

Hợp đồng lao động giữa Người lao động di cư và Người sử dụng lao động được ký kết theo trình tự và với những điều kiện phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động và Hiệp định này.

Điều 12.

Hợp đồng lao động được ký trực tiếp bằng văn bản giữa Người lao động di cư và Người sử dụng lao động trước khi người lao động xuất cảnh đến Bên sử dụng lao động.

Hợp đồng lao động bao gồm những điều khoản quy định về thời hạn lao động, tiền công, trách nhiệm công việc, nơi làm việc, điều kiện làm việc, thời gian làm việc và thời giờ làm thêm, chế độ nghỉ phép, kiểm tra sức khỏe (trước khi xuất cảnh), chi phí đi lại từ nơi nhập cảnh đến nơi làm việc, điều kiện ăn, ở, chăm sóc y tế, bồi thường thiệt hại trong trường hợp mất sức lao động trong thời gian thực hiện hoạt động lao động và những điều kiện khác phù hợp với quy định pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Tiền công của Người lao động di cư không được thấp hơn tiền công của công dân của Bên sử dụng lao động khi họ cùng thực hiện một công việc như nhau.

Người lao động di cư có trách nhiệm rời khỏi lãnh thổ Bên sử dụng lao động ngay sau khi hợp đồng lao động chấm dứt hiệu lực nếu không có những lý do hợp pháp để họ tiếp tục cư trú trên lãnh thổ nước đó phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 13.

Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do Người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động, hoặc giảm biên chế, hoặc trong những trường hợp khác mà không do lỗi của Người lao động di cư, Người lao động di cư được hưởng chế độ bồi thường theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 14.

Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do Người sử dụng lao động vi phạm pháp luật quốc gia về lao động của Bên sử dụng lao động hoặc hợp đồng lao động mà Người lao động di cư phải trở về Bên xuất cảnh trước thời hạn, Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả tiền bồi thường cho Người lao động di cư phù hợp với quy định của hợp đồng lao động và pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 15.

Người lao động di cư có quyền chuyển các khoản tiền thu nhập về Bên xuất cảnh phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động, trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác.

Điều 16.

Người lao động di cư và Thành viên gia đình họ có thể liên hệ trực tiếp với các Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia các Bên ký kết về tất cả các vấn đề liên quan đến Hiệp định này.

Việc giải quyết các tranh chấp lao động giữa Người lao động di cư và Người sử dụng lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên sử dụng lao động.

Điều 17.

Những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định này và những tranh chấp phát sinh trong việc giải thích và áp dụng Hiệp định sẽ được giải quyết thông qua đàm phán và tham khảo ý kiến giữa Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia các Bên ký kết.

Điều 18.

Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định có hiệu lực, phù hợp với pháp luật quốc gia của các Bên ký kết và có giá trị vô thời hạn.

Hiệp định này có thể được sửa đổi thông qua việc thỏa thuận giữa các Bên ký kết bằng việc trao đổi công hàm ngoại giao. Những sửa đổi đối với Hiệp định sẽ có hiệu lực phù hợp với đoạn một của Điều này.

Trong trường hợp Hiệp định này chấm dứt hiệu lực:

- Những giấy phép lao động được cấp trong thời gian Hiệp định còn hiệu lực sẽ vẫn còn giá trị cho đến khi những giấy phép đó hết thời hạn.

- Những hợp đồng lao động ký giữa Người lao động di cư và Người sử dụng lao động vẫn còn giá trị cho đến khi giấy phép lao động hết thời hạn.

Hiệp định này chấm dứt hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày một trong hai Bên ký kết nhận được thông báo bằng văn bản của Bên kia về ý định chấm dứt Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2011, thành hai (02) bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền đầy đủ của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI




Nguyễn Thanh Hòa

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA BÊ-LA-RÚT
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO






A-lây-nhíc Xéc-gây

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về công dân Việt Nam làm việc có thời hạn tại Bê-la-rút và công dân Bê-la-rút làm việc có thời hạn tại Việt Nam

  • Số hiệu: 32/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 29/11/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Belarus
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hòa , A-lây-nhíc Xéc-gây
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 341 đến số 342
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản