Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 539/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÙNG XUÂN NHẠ TẠI HỘI NGHỊ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2017-2025

Ngày 29 tháng 7 năm 2017, tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chủ trì Hội nghị phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Hội đồng Chính sách khoa học và Công nghệ quốc gia, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Quỹ NAFOSTED và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế và hơn 300 đại biểu đại diện cho các đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, nhà khoa học trong cả nước.

Sau khi nghe 02 báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kết luận:

1. Đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai trụ cột của các trường đại học. Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) nói chung và nghiên cứu khoa học (NCKH) nói riêng trong các cơ sở giáo dục đại học có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, nâng cao tiềm lực KHCN quốc gia; góp phần phát triển mạng lưới tổ chức KHCN và doanh nghiệp KHCN; đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thành quả của hoạt động KHCN khẳng định uy tín và thứ hạng của nhà trường trong xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, vị thế các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang từng bước xuất hiện trên bản đồ KHCN, giáo dục của khu vực và thế giới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học còn bộc lộ những hạn chế như cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KHCN chưa tháo gỡ được nhiều vướng mắc; đầu tư tài chính từ ngân sách Nhà nước còn thấp và dàn trải; chưa có biện pháp khả thi huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước, đặc biệt từ các doanh nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động KHCN thiếu quy hoạch đồng bộ; chưa chú trọng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu gắn với các ngành đào tạo, đặc biệt đối với các ngành đào tạo mũi nhọn; cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ giảng viên tham gia NCKH của các cơ sở giáo dục đại học chưa hấp dẫn và hiệu quả; nhận thức về xu thế tự chủ và vai trò của hoạt động KHCN của lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đầy đủ. Kết quả hoạt động KHCN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học.

2. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025

2.1. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động KHCN, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển KHCN.

- Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KHCN trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển ngành Giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức một số chương trình nghiên cứu đa lĩnh vực, liên ngành gắn với các ngành đào tạo mũi nhọn và phát triển sản phẩm KHCN cao, sản phẩm quốc gia, thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển KHCN quốc gia đến 2020 và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý theo cơ chế quỹ đối với hoạt động KHCN của ngành Giáo dục, trong đó tập trung vào phát triển KHCN ứng dụng và khởi nghiệp. Thực hiện cơ chế đặt hàng theo yêu cầu của thực tiễn, nâng cao hiệu quả đầu tư và tài chính cho hoạt động KHCN thực hiện Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và tài chính đối với hoạt động KHCN.

- Quy hoạch phát triển tiềm lực KHCN, trước mắt tập trung cho các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng tới xây dựng một số tổ chức KHCN đủ mạnh về năng lực, chuẩn về mô hình, có giải pháp công nghệ chiều sâu gắn với khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

- Tập trung đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu cho hệ thống các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu gắn với các ngành/chuyên ngành đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và mục tiêu của Quyết định số 2469/QĐ-TTg ngày 16/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

- Triển khai có hiệu quả các nội dung trong Chương trình phối hợp công tác về KHCN giai đoạn 2017-2025 được ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ.

2.2. Về phía các cơ sở giáo dục đại học

- Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên về thực hiện nghiên cứu khoa học. Hình thành văn hóa nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn trong cơ sở giáo dục đại học, tạo sức lan tỏa đối với người dạy và người học hướng tới khởi nghiệp. Nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động KHCN hiệu quả; biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động KHCN.

- Xây dựng chiến lược phát triển KHCN khả thi, phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh tự chủ đại học; đề xuất nhiệm vụ, chương trình, dự án riêng và chung theo chuỗi nghiên cứu, tạo ngân hàng nhiệm vụ KHCN.

- Xây dựng quy hoạch phát triển tiềm lực KHCN, định hướng nghiên cứu (nghiên cứu đỉnh cao, ứng dụng và chuyển giao) gắn với các ngành đào tạo mũi nhọn theo xu hướng phát triển công nghệ và nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước.

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KHCN gắn kết với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong hoạt động KHCN. Tăng cường đầu tư cho hoạt động KHCN từ nguồn thu sự nghiệp. Thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế - xã hội.

- Hình thành các nhóm nghiên cứu - giảng dạy, gắn giảng dạy với NCKH. Đẩy mạnh sử dụng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu chung thông qua hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu.

Trân trọng thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới các đơn vị liên quan để biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (để báo cáo);
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để chỉ đạo);
- Thứ trưởng Phạm Công Tạc (để chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT (để t/h);
- Các đơn vị thuộc Bộ KHCN (để phối hợp);
- Các đại học, trường đại học, học viện,
viện nghiên cứu (để thực hiện);
- Lưu: VT, KHCN, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Viết Lộc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 539/TB-BGDĐT năm 2017 về Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 539/TB-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 10/08/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Viết Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản