Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ TẠI HỘI NGHỊ “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC THỂ CHẤT VÀ THỂ THAO TRƯỜNG HỌC” TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Ngày 23 tháng 02 năm 2019, tại Trường Đại học sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học” trong ngành Giáo dục. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, các đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học và doanh nghiệp.

Sau khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa báo cáo về công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học của ngành Giáo dục và 03 báo cáo tham luận đại diện các đơn vị tham dự Hội nghị, ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu dự Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận:

Trong những năm qua, công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học đạt được nhiều kết quả tích cực, năm sau tốt hơn năm trước, nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục. Nhận thức về vai trò, tác dụng của giáo dục thể chất, thể thao trường học nhiều nơi còn bị coi nhẹ, là môn học phụ; nội dung chương trình chưa hấp dẫn người học, việc đánh giá xếp loại còn gây áp lực, chưa tạo được sự khích lệ đối với người học; chương trình, tài liệu đào tạo giáo viên thể dục thể thao chậm đổi mới, ít sáng tạo, chưa chú trọng đến đào tạo kỹ năng quản lý, xây dựng và phát triển phong trào, câu lạc bộ thể thao và các kỹ năng tổ chức hoạt động phong trào thể dục thể thao trong các nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học, thời gian tới toàn ngành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Thay đổi nhận thức về mục đích, vai trò và tác dụng của giáo dục thể chất, thể thao trường học, trước hết là ngay trong ngành Giáo dục, từ đó tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, nhìn nhận giáo dục thể chất, thể thao trường học đóng vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo. Làm tốt công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên sẽ tạo được nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững, lâu dài đối với sức khỏe, thể chất, trí tuệ con người.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học môn giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học theo hướng tăng cường thực hành, bám sát khung chương trình môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhằm tạo hứng khởi, yêu thích đối với người học; tạo điều kiện cho người học được lựa chọn môn thể thao sở trường, yêu thích. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá môn giáo dục thể chất hướng đến mục tiêu không tạo áp lực, khích lệ, động viên, tạo sự hứng thú, say mê cho người học. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ, nhà giáo hiểu được mục đích, yêu cầu, phương pháp, nội dung giáo dục thể chất nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ về giáo dục thể chất, thể thao trường học. Tổ chức linh hoạt các hoạt động thể dục thể thao trường học phù hợp theo điều kiện cơ sở vật chất từng địa phương, vùng, miền và thể trạng của học sinh.

3. Các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên thể dục thể thao phải đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng thiết thực, nhấn mạnh đến trang bị kỹ năng, phát triển phẩm chất của người học và người dạy. Mở rộng đào tạo các chuyên ngành về huấn luyện thể thao, xây dựng, tổ chức các phong trào, câu lạc bộ thể thao, quản lý thể dục thể thao. Sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn các môn thể dục thể thao phải thiết thực, xây dựng chủ yếu theo hướng thực hành, thiết thực.

4. Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thể dục thể thao trong cả nước, trong đó tập trung xây dựng Trường Đại học sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội và Trường Đại học sư phạm Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trở thành các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục thể chất và thể thao trường học của cả nước; tiên phong thực hiện các mô hình giáo dục thể chất mới và là đầu mối kết nối với các địa phương, cơ sở giáo dục để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thể dục trên toàn quốc (báo cáo Bộ trưởng kế hoạch tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông môn giáo dục thể chất trước 30/3/2019). Nghiên cứu, đề xuất thành lập Viện nghiên cứu về giáo dục thể chất và thể thao trường học để đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển thể thao trường học; nghiên cứu, đề xuất thành lập trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao để ươm tạo những năng khiếu thể thao trong học sinh, sinh viên.

5. Từng bước tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, trong đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục thể chất và thể thao trường học. Trước mắt, vận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức hiệu quả môn học giáo dục thể chất. Chủ động phối hợp với các trung tâm văn hóa thể thao xã/phường, quận/huyện và các câu lạc bộ văn hóa thể dục thể thao tại địa phương để đa dạng hóa cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

6. Bộ trưởng chính thức phát động toàn ngành:

- Duy trì nền nếp tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ cho học sinh, sinh viên, đảm bảo 100% học sinh tham gia luyện tập thường xuyên, hàng ngày. Các thầy giáo, cô giáo phải là những tấm gương trong tập luyện thể dục thể thao để học sinh noi theo.

- Khuyến khích học sinh học bơi để phòng, chống đuối nước. Sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục có chính sách khuyến khích, tạo động lực thiết thực để học sinh tích cực tham gia học bơi. Bên cạnh đó cũng khuyến khích học sinh tham gia các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng rổ... để tăng cường chiều cao, thể lực và rèn luyện tinh thần đồng đội, đoàn kết.

- Mỗi nhà trường chủ động lựa chọn ít nhất một môn thể thao thế mạnh, học sinh yêu thích để phát triển thành phong trào, tổ chức thường xuyên, thiết thực, hiệu quả. Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao trong nhà trường để thu hút nhiều giáo viên và học sinh tham gia.

7. Tổ chức thực hiện:

- Vụ Giáo dục thể chất làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể, phân công nhiệm vụ cụ thể triển khai các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Bộ trưởng trước 30/3/2019. Xây dựng dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng về đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học trong các cơ sở giáo dục và dự thảo Thông tư về đẩy mạnh xã hội hóa thể thao trường học, ban hành trước 30/8/2019.

- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục làm đầu mối phối hợp với Dự án RGEP, Chương trình ETEP, các sở giáo dục và đào tạo và các đơn vị có liên quan thống kê cơ sở dữ liệu về số lượng, trình độ đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất hiện nay, đề xuất các chuẩn giáo viên giáo dục thể chất từng cấp học đáp ứng yêu cầu mới và kế hoạch bồi dưỡng đạt chuẩn cho giáo viên giáo dục thể chất, báo cáo Bộ trưởng trước 30/6/2019.

- Các sở giáo dục và đào tạo chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, tích cực tìm kiếm các nhà tài trợ đầu tư cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học; xây dựng chương trình hành động cụ thể triển khai kết luận này; hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học trong thời gian tới.

Trân trọng thông báo kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để các đơn vị triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để c/đ);
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ (để t/h);
- Các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giáo viên (để t/h);
- Lưu: VT, GDTC, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Viết Lộc