Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 389/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VŨ VĂN NINH TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC NĂM 2015

Ngày 13 tháng 11 năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị đánh giá về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 10 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2015. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:

1. Triển khai kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, các cấp, các ngành đã quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, tổ chức thực hiện tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch đề ra, 10 tháng đầu năm 2015 đạt kết quả tích cực.

Chính phủ và các bộ, ngành đã khẩn trương, quyết liệt để ban hành cơ bản đầy đủ cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ cấu DNNN, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Năm 2015 (tính đến ngày 10 tháng 11 năm 2015), cả nước đã sắp xếp được 175 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 159 doanh nghiệp. Như vậy, từ năm 2011 đến ngày 10 tháng 11 năm 2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp trong tổng số 514 doanh nghiệp, đạt gần 80% kế hoạch. Nếu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quyết tâm trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, đặc biệt là 2 tháng cuối năm 2015, số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 sẽ đạt 90% kế hoạch giai đoạn này.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và bán tiếp phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần giữ cổ phần bước đầu đạt yêu cầu, giá trị thu về bình quân bằng 1,5 lần giá trị đầu tư. Được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, có lộ trình, hiệu quả.

2. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm. Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN được ban hành chậm so với kế hoạch. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.

3. Để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, trong 2 tháng cuối năm 2015, các bộ, ngành, địa phương, DNNN cần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các phương án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:

a) Khẩn trương ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch đã đề ra:

- Trong quý IV năm 2015:

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: (1) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN; (2) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Nghị định ban hành quy chế giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN; (4) Khung pháp lý về quản lý và giám sát các tập đoàn tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; (5) Chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, thu hút và khuyến khích đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp

+ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội trình Chính phủ: (1) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên HĐTV hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; (2) Nghị định quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

+ Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án thi tuyển, hợp đồng có thời hạn tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo thẩm quyền, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn về: (1) việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các công ty nông, lâm nghiệp; (2) chính sách khuyến khích chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về giống mới, phân bón, cơ giới hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến; (3) Hướng dẫn đơn giá sản xuất và cung ứng sản phẩm công ích để làm căn cứ giao kế hoạch, đặt hàng đối với nhiệm vụ công ích.

- Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trước ngày 01 tháng 6 năm 2016.

b) Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:

- Quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành cổ phần hóa. Trong 2 tháng cuối năm 2015, quyết tâm hoàn thành cổ phần hóa khoảng 50 doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp còn lại, phấn đấu đạt 90% kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015. Các đơn vị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa còn chậm như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.

- Tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, không thoái vốn bằng mọi giá. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay.

- Thực hiện chuyển giao các doanh nghiệp không thuộc diện bộ, địa phương cần giữ quyền quản lý về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định. Tiếp tục rà soát, có lộ trình để chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ, địa phương được tiếp tục giữ quyền quản lý trong giai đoạn trước mắt. Khẩn trương nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định.

- Lập phương án xử lý đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa. Trường hợp chuyển về bộ quản lý ngành thì không cấp bổ sung vốn, không cấp ngân sách, yêu cầu chuyển sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Những đơn vị đủ điều kiện thì cổ phần hóa theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

- Các địa phương: Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế, TP.Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Các địa phương đã có phương án được thẩm định khẩn trương hoàn thiện phương án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những đơn vị đã được phê duyệt phương án cần khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền trường hợp có khó khăn vướng mắc.

- Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, tiếp tục rà soát, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp DNNN giai đoạn 2016 - 2020 trong tháng 01 năm 2016 để thực hiện.

- Rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần trình Thủ tướng Chính phủ hoặc báo cáo Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I năm 2016.

- Kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN đến các cơ quan có thẩm quyền.

- Khẩn trương tổ chức tổng kết và báo cáo tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020. Báo cáo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan liên quan theo yêu cầu tại các công văn số 141/BĐMDN và số 142/BĐMDN ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

c) Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao; tiếp tục tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu để chuyển các cơ quan xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng kết công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng phương án tổng thể cho giai đoạn 2016 - 2020.

đ) Tăng cường và chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 mà Đảng, Chính phủ đã đề ra

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chỉnh phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, TKBT;
- Lưu: VT, ĐMDN(3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà