Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP XỬ LÝ KIẾN NGHỊ, VƯỚNG MẮC TRONG TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Ngày 27 tháng 4 năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp xử lý các vướng mắc, kiến nghị của các Bộ, địa phương, doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã nêu tại Hội nghị giao ban công tác tái cơ cấu DNNN Quý I năm 2015. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Sau khi nghe báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã kết luận như sau:

1. Để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đến hết năm 2015, các Bộ cần hết sức khẩn trương ban hành đúng tiến độ các cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN và hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN như Thủ tướng Chính phủ đã kết luận nêu tại Thông báo số 123/TB-VPCP ngày 10 tháng 4 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.

Đối với 44 kiến nghị của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về tái cơ cấu DNNN do Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương tổng hợp, Văn phòng Chính phủ giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, trả lời; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.

2. Về việc thoái vốn nhà nước theo lô: Việc thoái vốn theo lô nhằm tìm kiếm nhà đầu tư lớn, có đủ tiềm lực, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa và Nhà nước bán được hết số cổ phần định bán. Đây là vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên thực tế Chính phủ đã cho thực hiện ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và thí điểm đối với một số trường hợp cá biệt, bước đầu thành công. Các Bộ đều đồng tình, thống nhất cần phải có quy định pháp luật chung để thực hiện. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tháng 5 năm 2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định về việc bán cổ phần theo lô. Trong đó chú ý:

a) Làm rõ tính thực tiễn, mục đích, ý nghĩa và nguyên tắc của việc bán cổ phần theo lô. Quy định cần bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.

b) Phân loại doanh nghiệp dự kiến bán cổ phần theo lô theo lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; Nhà nước cần nắm giữ hay không cần nắm giữ; quy mô về vốn, tài sản; sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đối với xã hội. Trên cơ sở đó, quy định cụ thể và phù hợp với tính chất của từng loại doanh nghiệp về các điều kiện và các cam kết (nếu cần thiết) của nhà đầu tư tham gia mua cổ phần nhà nước theo lô; phân biệt giữa nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DNNN thực hiện cổ phần hóa với nhà đầu tư tham gia mua cổ phần nhà nước theo lô.

c) Phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Việc xác định giá trị phần vốn nhà nước để bán cổ phần theo lô cần thực hiện thông qua các tổ chức định giá chuyên nghiệp, theo nhiều phương pháp để có sự lựa chọn tối ưu.

đ) Hình thức bán cổ phần theo lô phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là đấu giá công khai.

e) Những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định ngay trong giữa tháng 5 năm 2015 để sớm có căn cứ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện; những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ thì trình Chính phủ bàn bạc, thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2015 để có Nghị quyết làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.

3. Về một số vướng mắc, khó khăn như: việc xác định quy mô vốn điều lệ của công ty cổ phần theo giá trị sổ sách; quy định thời hạn cổ phần hóa (18 tháng), thời gian hoàn thành bàn giao giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần (không quá 30 ngày); việc lựa chọn tư vấn thoái vốn, quy định chi phí thoái vốn, thoái vốn góp bằng thương hiệu; cơ chế tiền lương ban hành kèm theo các nghị định số 50/2013/NĐ-CP và số 51/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013, giao các cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trong tháng 5 năm 2015 khẩn trương giải quyết, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu quan trọng trong tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc cử cán bộ đúng thẩm quyền tham dự cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì để bàn về các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu DNNN.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: HC, TH, KTTH, KTN, TKBT;
- Lưu: VT, ĐMDN(3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên