Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 270/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2013

Ngày 10 tháng 7 năm 2013, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận số 37/TB-TW của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công". Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Lãnh đạo các Bộ; Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 40/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian qua và tình hình cụ thể đối với lĩnh vực giáo dục đại học, khoa học và công nghệ, văn hóa thể thao và du lịch và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:

1. Về quan điểm, chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập:

Tại Thông báo số 340/TB-VPCP ngày 05 tháng 10 năm 2012 và Thông báo số 392/TB-VPCP ngày 04 tháng 12 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo tại 02 phiên họp trong năm 2012 đã nêu rõ quan điểm, mục đích, ý nghĩa và phương hướng triển khai việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Yêu cầu các bộ, cơ quan nghiên cứu kỹ các nội dung các thông báo này để triển khai thực hiện; trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

a) Việc triển khai thực hiện các nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công là vấn đề khó, phức tạp nhưng phải quyết tâm thực hiện vì đây là lĩnh vực quan trọng, cần thiết. Trong thời gian vừa qua, các bộ, ngành đã tích cực thực hiện các giải pháp đổi mới và đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa có chuyển biến rõ nét so với quá trình đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

b) Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” khẳng định rõ ý nghĩa, vai trò, nội dung định hướng và sự cần thiết phải thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và xác định đây là khâu đột phá. Vì vậy, cần có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong việc ban hành cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.

c) Việc triển khai đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm mục tiêu tác động tích cực đến sự phát triển cả về số lượng và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện tốt hơn chính sách điều tiết thu nhập, bảo đảm công bằng xã hội; thu hút thêm nguồn tài chính của những người có thu nhập cao để đầu tư phát triển hoạt động dịch vụ sự nghiệp công. Việc thực hiện các chính sách đổi mới không phải là để giảm nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước mà để ngân sách nhà nước có điều kiện tập trung chăm lo tốt hơn người nghèo, gia đình chính sách trong tiếp cận và hưởng các loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

2. Về kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện:

Các bộ, cơ quan đã có các nghiên cứu, đề xuất ban đầu trong việc tổ chức triển khai các nội dung đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; tuy nhiên, tiến độ còn chậm vì đây là vấn đề khó, một số bộ, cơ quan chưa quyết tâm cao trong một số lĩnh vực để tạo được sự đồng thuận trong xã hội, nhất là việc điều chỉnh chế độ thu học phí, viện phí. Vì vậy, cần phải có lộ trình, bước đi cụ thể; trước mắt tập trung thực hiện một số công việc sau:

a) Các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới phát triển của các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục rà soát các nội dung về đặt hàng, mua sản phẩm, trong đó cần làm rõ và phân loại đối tượng: đối tượng phục vụ cho Nhà nước; đối tượng Nhà nước yêu cầu (con em người dân tộc, người nghèo,...) và theo nhu cầu xã hội; cần có cơ chế mua sản phẩm đối với những loại hình dịch vụ không thực hiện được phương thức đặt hàng (ví dụ sản phẩm nghệ thuật).

b) Về triển khai thực hiện các Đề án thí điểm:

- Về Đề án đề xuất thí điểm đặt hàng đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử: Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, cân nhắc giảm số lượng các trường tham gia đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phù hợp với nhu cầu đào tạo và sử dụng sau đào tạo; ngoài lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần lựa chọn thêm ngành khác Nhà nước có nhu cầu sử dụng nhưng xã hội không sẵn sàng tham gia để đặt hàng.

Việc thí điểm mở rộng quyền tự chủ tài chính đối với 4 trường Đại học đã tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên từ năm 2008, tại phiên họp Ban Chỉ đạo vào tháng 11 năm 2012, các trường đã chủ động, tích cực xây dựng Đề án nghiêm túc, công phu. Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thí điểm ngay từ đầu năm 2013 nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thực hiện việc này. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và phải trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2013. Trong đó nêu rõ cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi để các đơn vị triển khai thực hiện. Sau khi Đề án được phê duyệt, các Bộ liên quan có hướng dẫn, quy chế thực hiện, cơ chế kiểm tra, có những điều chỉnh kịp thời trong trường hợp cần thiết.

- Về lĩnh vực Y tế: biểu dương sự tích cực, quyết tâm triển khai của Bộ Y tế trong việc nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Bộ Y tế khẩn trương lựa chọn một số bệnh viện để thí điểm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá để nhân rộng.

- Về lĩnh vực Khoa học và Công nghệ và các lĩnh vực khác: Ban Chỉ đạo sẽ nghe chuyên đề, trước mắt là lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, về nguyên tắc, ủng hộ đề xuất thí điểm khoán kinh phí gắn với nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để xác định các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán sản phẩm và các tiêu chí đánh giá, nghiệm thu các sản phẩm khoa học và công nghệ.

3. Về phương thức thực hiện:

a) Các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành chủ động xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của ngành, lĩnh vực.

b) Các bộ, cơ quan tổng kết việc triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế thí điểm Nhà nước đặt hàng của ngành, lĩnh vực trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn; đồng thời đề xuất các nội dung đổi mới (trong đó cần làm rõ nội dung đổi mới về cơ chế quản lý chung, cơ chế tài chính, cơ chế tiền lương và cơ chế quản lý biên chế lao động) và tổ chức phân loại đơn vị sự nghiệp (loại đơn vị sự nghiệp hoạt động như doanh nghiệp, loại đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, loại đơn vị sự nghiệp ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động...). Việc đổi mới cần thực hiện từng bước, phù hợp với khả năng của nền kinh tế và thu nhập của nhân dân, có lộ trình cụ thể.

c) Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển các đơn vị sự nghiệp sang hoạt động như doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiêp công lập đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Các bộ, cơ quan phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp xử lý các vấn đề liên quan đến các đơn vị sự nghiệp thuộc các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

d) Về việc xây dựng Nghị định khung về cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Bộ Tài chính cần khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng quy định khung các vấn đề then chốt, có tính chất chung; trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan có căn cứ để nghiên cứu, xây dựng Nghị định hoặc Thông tư riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể.

đ) Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất cơ chế khoán biên chế, lao động...

e) Các Bộ, ngành rà soát chương trình kế hoạch nêu tại Nghị quyết 40/NQ-CP, trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với việc triển khai các Luật chuyên ngành thì chủ động phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung kịp thời. Trong đó, lưu ý các bộ, cơ quan không lùi thời gian ban hành các văn bản.

4. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo:

a) Văn phòng Chính phủ rà soát lại các thành viên Ban Chỉ đạo để điều chỉnh kịp thời và đảm bảo người đi họp có tính hệ thống. Thành viên Ban Chỉ đạo nghiêm túc bố trí thời gian tham gia họp, trường hợp không tham gia họp phải có báo cáo. Từ các phiên họp tiếp theo, trường hợp thành viên Ban Chỉ đạo không tham dự họp mà không có báo cáo thì sẽ có văn bản phê bình.

b) Từ nay, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức họp theo từng quý và nghe riêng từng chuyên đề cụ thể.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các thành viên BCĐ Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập;
- Các Bộ: TC, GD&ĐT; Y tế; KH&CN, VHTT&DL; TN&MT; GTVT; LĐTB&XH; NN&PTNT; Tư pháp; Nội vụ;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTN, KGVX, TCCV, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH(3b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 270/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 270/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/07/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản