Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 384/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Ngày 06 tháng 9 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, cơ quan liên quan. Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo nội dung dự thảo Nghị định đã được hoàn chỉnh theo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 07 tháng 8 năm 2014 (Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ), ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo và ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:

Quan điểm, chủ trương về đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Quốc hội và Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương đổi mới khu vực sự nghiệp công. Thực tiễn đã có một số đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đổi mới thành công dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau đặt ra yêu cầu được phát huy, nhân rộng trong khi chính sách còn nhiều bất cập, chưa theo kịp.

Vì lý do trên cần phải quy định các điều kiện để vừa khuyến khích vừa thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công thực hiện tự chủ, trong đó thể hiện rõ hơn các quy định nhằm thúc đẩy các đơn vị phải tự sắp xếp lại để đáp ứng yêu cầu chuyển sang tự chủ (quản lý chặt các đơn vị chưa thực hiện tự chủ; thực hiện phân loại các đơn vị sự nghiệp công để có lộ trình giảm dần kinh phí Nhà nước cấp đối với số đơn vị sự nghiệp công lập không cần thiết duy trì,...).

I. CÁC NỘI DUNG CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN

1. Nguyên tắc xây dựng

Đây là Nghị định khung nên quy định cần mang tính nguyên tắc chung, định hướng để trên cơ sở đó các Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể trong các Nghị định chuyên ngành.

2. Về tự chủ

Tập trung vào 3 nội dung: tự chủ về thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân lực và tự chủ về tài chính.

3. Về phân loại đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ, tự chủ càng cao thì được giao quyền tự chủ càng lớn. Để các đơn vị sự nghiệp công lập được hạch toán đầy đủ, cần quy định chuyển dần cơ chế hỗ trợ của ngân sách nhà nước từ cấp phát sang đặt hàng, khuyến khích các đơn vị này vươn lên tự chủ.

4. Về lộ trình thực hiện giá dịch vụ

Quy định lộ trình mở hơn nhưng đảm bảo tính khả thi, đồng thời cần có yêu cầu phải triển khai quyết liệt để các đơn vị thực hiện.

5. Về tiền lương và thu nhập

Các đơn vị tự chủ cao thì được giao quyền tự chủ cao trong quyết định tiền lương và thu nhập; khuyến khích phân phối thu nhập gắn với hiệu quả, năng suất, chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Các đơn vị tự chủ hoàn toàn, nghiên cứu trình Chính phủ 2 phương án về tự chủ thu nhập (có khống chế và không có khống chế), nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án. Đối với các đơn vị tự chủ thấp hơn, cần có khống chế để các đơn vị phấn đấu vươn lên tự chủ hoàn toàn.

6. Về trích lập các Quỹ

Tham khảo quy định về tỷ lệ trích quỹ của doanh nghiệp. Mức trích Quỹ phát triển sự nghiệp cần nghiên cứu để quy định cao hơn, đặc biệt là các đơn vị có nguồn thu lớn (quy định tỷ lệ trích không thấp hơn so với quy định hiện nay) để thúc đẩy các đơn vị thực hiện mua trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất ngày càng hiện đại; Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi hướng như doanh nghiệp.

7. Về biên chế

Nghiên cứu giao quyền tự chủ cho các đơn vị tự chủ cao; đối với các đơn vị tự chủ thấp hoặc không tự chủ phải quản lý chặt chẽ, có khống chế biên chế.

8. Về chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp

Quy định cụ thể các nội dung cho vận dụng cơ chế quản lý, quản trị như doanh nghiệp.

9. Một số cơ chế khác

a) Về Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp: cần có quy định để bảo đảm tăng cường chức năng giám sát toàn diện của Hội đồng quản lý.

b) Về cơ chế tài chính

- Thực hiện chuyển đổi dần cơ chế cấp phát ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (không chỉ áp dụng đối với các đơn vị thực hiện tự chủ) gắn với danh mục, giá.

- Có cơ chế tín dụng mở, tạo điều kiện cho các đơn vị được quyền đi vay; đơn vị tự chủ cao được vay vốn ngân hàng, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ lãi suất (kể cả tín dụng thương mại) nếu đơn vị có phương án tín dụng, phương án hoạt động tốt.

- Thực hiện quản lý tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Khuyến khích cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để gửi các nguồn thu dịch vụ của đơn vị. Dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể loại thu nào được phép gửi vào ngân hàng thương mại.

- Phân cấp chi tiêu theo cấp độ tự chủ, tự chủ càng cao thì phân cấp càng mạnh nhưng trong khuôn khổ nhất định.

- Có quy định phân cấp theo mức độ tự chủ trong đầu tư. Ở mức độ tự chủ cao nhất, danh mục đầu tư phải được Bộ quản lý ngành duyệt, quyết định cụ thể giao các đơn vị quyết định.

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định.

b) Thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định và trình Chính phủ dự thảo Nghị định trong kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2014.

2. Bộ Nội vụ

Khẩn trương soạn thảo các nội dung: tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế và nhân lực, hội đồng quản lý, tiền lương và thu nhập gửi Bộ Tài chính trước ngày 06 tháng 10 năm 2014 và phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo Nghị định.

3. Các Bộ, cơ quan liên quan tham gia ý kiến, sửa trực tiếp vào dự thảo Nghị định và khẩn trương gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp, hoàn chỉnh văn bản.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các PTTg CP;
- Các Bộ: TC, NV, LĐTB&XH, TP, GTVT, KH&ĐT, VHTT&DL, KH&CN, GD&ĐT, Y tế, XD, TT&TT, TN&MT, NN&PTNT;
- Thành viên BCĐNN về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, TCCV, KGVX, TKBT, KTN, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 384/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 384/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/09/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản