Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/QĐ-BCĐ | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2012 |
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN |
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC VỀ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-BCĐ ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập)
Điều 1. Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nội dung Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 3. Những nguyên tắc chung
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân. Các thành viên thảo luận tập thể, Trưởng ban kết luận.
2. Trường hợp không tham dự cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo ủy quyền cho cán bộ có trách nhiệm họp thay và phải chịu trách nhiệm về ý kiến của người được ủy quyền.
3. Trưởng ban (hoặc Phó Trưởng ban được ủy quyền) là người chủ trì và kết luận tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo; ký các văn bản của Ban Chỉ đạo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Điều 4. Phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo họp phiên toàn thể 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần theo quyết định của Trưởng ban.
Ngoài việc họp trực tiếp để thảo luận, Ban Chỉ đạo có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản.
2. Ban Chỉ đạo có thể mở rộng thành phần tham dự phiên họp là thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đại diện các cơ quan liên quan theo quyết định của Trưởng ban. Ban Chỉ đạo được mời các chuyên gia, các doanh nhân, nhà khoa học trong nước và nước ngoài để tham khảo ý kiến khi cần thiết.
Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính; việc thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO VÀ TỔ THƯ KÝ GIÚP VIỆC BAN CHỈ ĐẠO
Điều 6. Trưởng ban Ban Chỉ đạo
1. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo theo nhiệm vụ được giao quy định tại Điều 2 Quy chế này.
2. Phân công, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao; thông qua kế hoạch công tác; chủ trì các phiên họp của Ban Chỉ đạo;
Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần và các phiên họp bất thường theo yêu cầu của tình hình thực tế do các thành viên đề nghị. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì các phiên họp.
3. Quyết định việc bổ sung, sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; bổ sung, thay thế thành viên khi cần thiết.
Điều 7. Phó Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Tài chính
1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ được phân công.
2. Thay mặt Trưởng ban giải quyết công việc khi được ủy quyền, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng Quy chế, có hiệu quả.
3. Tập hợp ý kiến các thành viên, chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”; báo cáo kế hoạch công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo với Trưởng ban để thông qua, làm cơ sở quản lý, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên.
4. Ký các văn bản điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ khi được Trưởng ban ủy quyền.
5. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương để lấy ý kiến hoặc phổ biến, quán triệt nội dung, hướng dẫn việc thực hiện Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị.
6. Yêu cầu các Bộ, ngành báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, kết quả và những kiến nghị trong việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo.
Điều 8. Các thành viên Ban Chỉ đạo
1. Nhiệm vụ chung:
a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
b) Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và công tác chỉ đạo chung của Ban; chuẩn bị đóng góp ý kiến về các vấn đề trong chương trình họp Ban Chỉ đạo.
c) Báo cáo kịp thời công việc và ý kiến kết luận của Ban với Thủ trưởng cơ quan mình về các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các nội dung Kết luận số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
a) Ủy viên Thường trực, Thứ trưởng Bộ Tài chính: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Điều hành việc thực hiện kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo đảm bảo theo đúng tiến độ;
- Chủ trì chuẩn bị các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, kết quả và những kiến nghị trong việc thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo;
- Chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách đấu thầu, đặt hàng giao nhiệm vụ cung cấp một số dịch vụ sự nghiệp công do ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ chế, chính sách đấu thầu, đặt hàng giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
- Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách đổi mới về cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
- Chỉ đạo thực hiện các chính sách về khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; điều hành hoạt động của Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo.
b) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các trường cung ứng một số ngành nghề khó tuyển sinh, Nhà nước có nhu cầu cao, chủ yếu phục vụ cho khu vực Nhà nước gắn với số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ.
- Chỉ đạo việc xây dựng, ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (trong đó phân loại theo từng nhóm ngành đào tạo).
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học giai đoạn 2011-2020.
- Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế về kiểm định chất lượng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
c) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực dạy nghề; xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực dạy nghề.
- Chỉ đạo công tác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các cơ sở dạy nghề cung ứng một số ngành nghề phức tạp nhưng khó tuyển sinh; đề xuất các giải pháp hoàn thiện (nếu có)
- Chỉ đạo việc xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực dạy nghề.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các trường dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020.
- Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế về kiểm định chất lượng trong lĩnh vực dạy nghề.
d) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Y tế: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế; xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực y tế.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh thuộc lĩnh vực phong, lao, tâm thần cung cấp dịch vụ cho các đối tượng.
- Chỉ đạo việc xây dựng, ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực y tế.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh.
- Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế kiểm định chất lượng trong lĩnh vực y tế.
d) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Chỉ đạo việc xây dựng và ban hành khung định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản, chiến lược phục vụ quản lý nhà nước.
- Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế đánh giá đối với sản phẩm khoa học và công nghệ.
e) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ văn hóa đối với hoạt động của các đoàn ca nhạc dân tộc, dàn nhạc giao hưởng, tuyên truyền cổ động phục vụ mục đích chính trị; các hoạt động văn hóa ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người.
- Chỉ đạo việc xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới sân vận động, rạp chiếu phim, khu văn hóa vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng.
g) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
- Chỉ đạo việc xây dựng Đề án tuyên truyền về nội dung và tinh thần của Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ xuất bản.
- Chỉ đạo việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch về báo chí, phát thanh, truyền hình.
h) Ủy viên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Tham mưu với Ban Chỉ đạo triển khai các công việc như sau:
Chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các khung pháp lý về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.
i) Các Ủy viên khác:
- Chỉ trì xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ Đề án Hoàn thiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Chỉ đạo việc xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Chỉ đạo việc xây dựng Đề án đổi mới cơ chế tính giá dịch vụ trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế kiểm định chất lượng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực phụ trách.
Điều 9. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo
1. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Dự thảo, xây dựng chương trình công tác năm, nội dung các phiên họp của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị các báo cáo về hoạt động của Ban Chỉ đạo, trình Trưởng ban phê duyệt.
b) Đôn đốc các Bộ, ngành chuẩn bị báo cáo về những vấn đề liên quan theo yêu cầu của Trưởng ban; gửi tài liệu cần thiết cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tổng hợp ý kiến thảo luận tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo hoặc về các vấn đề Ban Chỉ đạo cần xin ý kiến.
2. Tổ trưởng Tổ Thư ký có trách nhiệm điều phối, tổ chức các hoạt động của Tổ Thư ký và chịu trách nhiệm trước Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo về kết quả công tác của Tổ Thư ký.
3. Thành viên Tổ Thư ký có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Thư ký.
b) Giúp việc Lãnh đạo của Bộ, ngành mình là Ủy viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
c) Làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và chịu sự điều hành của Tổ trưởng Tổ Thư ký.
d) Sử dụng phương tiện của cơ quan chủ quản để thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Thủ trưởng các cơ quan có thành viên tham gia Tổ Thư ký có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, thời gian và phương tiện để thành viên Tổ Thư ký thuộc cơ quan mình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
4. Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo họp thường kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ Thư ký./.
- 1Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình dịch vụ sự nghiệp công" do Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1805/QĐ-BTNMT năm 2012 Ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị quyết 40/NQ-CP
- 3Quyết định 646/QĐ-TTg năm 2013 về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 270/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 350/TB-VPCP năm 2014 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp ban chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 39/2008/QĐ-TTg về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 272/QĐ-TTg năm 2012 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình dịch vụ sự nghiệp công" do Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1805/QĐ-BTNMT năm 2012 Ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị quyết 40/NQ-CP
- 6Quyết định 646/QĐ-TTg năm 2013 về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Thông báo 270/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Thông báo 350/TB-VPCP năm 2014 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp ban chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 21/QĐ-BCĐ năm 2012 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành
- Số hiệu: 21/QĐ-BCĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/03/2012
- Nơi ban hành: Ban Chỉ Đạo Nhà nước
- Người ký: Vũ Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/03/2012
- Ngày hết hiệu lực: 10/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra