Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 252/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỚI CÁC TỈNH AN GIANG, ĐỒNG THÁP VÀ KIÊN GIANG VỀ SẢN XUẤT, TIÊU THỤ LÚA GẠO, CÁ TRA

Ngày 11 tháng 7 năm 2013, tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, cá tra. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc công ty lương thực các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, đại diện lãnh đạo các Tổng công ty Lương thực: Miền Bắc, Miền Nam và một số đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và cá tra là tiềm năng, lợi thế chủ yếu và là nguồn lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển vượt bậc cả về sản lượng và năng suất lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả, đóng góp lớn cho sản xuất và xuất khẩu nông sản của cả nước.

Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ và xuất khẩu chậm lại, giá nông sản giảm làm cho lợi nhuận của nông dân, nhất là của người trồng lúa, nuôi cá tra giảm sút. Cấu trúc sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình, thiếu liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm kém hiệu quả, gây bất lợi cho người nông dân. Cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp chậm thay đổi, chưa phù hợp với yêu cầu sản xuất quy mô lớn, đồng bộ, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Yêu cầu đổi mới, chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông nghiệp là cần thiết, là tất yếu khách quan nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Mô hình Cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp qua thực tiễn bước đầu được xác định cơ bản là mô hình liên kết hợp tác mới phù hợp, mang lại hiệu quả cao và bảo đảm lợi ích thiết thực, hài hòa cho người nông dân và doanh nghiệp, cần sơ kết rút kinh nghiệm để sửa đổi các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan nhằm tiếp tục nhân rộng và hoàn thiện.

2. Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 và tháng 6 năm 2013 của Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp ngày 08 tháng 6 năm 2013 về sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản và chăn nuôi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp ngày 05 tháng 7 năm 2013 về sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Các ngành, các cấp cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo Đề án đã được phê duyệt, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất liên kết hợp tác quy mô lớn, theo chuỗi giá trị với lộ trình phù hợp, cải cách các chính sách thuế liên quan để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu đất lúa hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi ích của người nông dân.

3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Theo dõi sát tình hình, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu, bảo đảm đúng quy định; trường hợp cần thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.

b) Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

c) Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo hướng hỗ trợ người nông dân mua máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kể cả máy móc, thiết bị nhập khẩu.

d) Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về sản xuất, tiêu thụ cá tra theo hướng hạn chế tình trạng sản xuất chia cắt, quy mô nhỏ, tăng cường gắn kết chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và xuất khẩu, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh về giá, chất lượng hàng xuất khẩu và bảo đảm phát huy vai trò của Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

đ) Trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chính sách hỗ trợ phù hợp đối với việc chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa chất lượng thấp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác (hoa màu, ngô, đậu, rau...) có hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo đảm giá thành sản xuất trong nước cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và khả năng chuyển lại trồng lúa khi cần.

e) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vấn đề cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền để tăng cường liên kết giữa Viện nghiên cứu giống lúa với doanh nghiệp và hộ nông dân nhằm đưa vào sản xuất thương mại quy mô lớn các loại giống có chất lượng và hiệu quả cao, có thị trường tiêu thụ, bảo đảm tiêu chuẩn thuần chủng ổn định, bền vững.

4. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng phải liên kết hợp tác với sản xuất và chế biến. Trước mắt phê duyệt Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo theo hướng ưu tiên cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, đặt hàng, liên kết với người sản xuất lúa được làm đầu mối xuất khẩu gạo; hạn chế thấp nhất các doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại tham gia xuất khẩu gạo; đồng thời có lộ trình phù hợp để thực hiện chủ trương doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

5. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát cơ cấu lại nợ, có biện pháp xử lý tín dụng phù hợp cho người trồng lúa, nuôi cá tra (khoanh nợ, gia hạn nợ, cho vay gối vụ, cho vay mới…); yêu cầu các Ngân hàng thương mại, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ lực tập trung đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo, cá tra, bảo đảm thời hạn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất.

6. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2013 về miễn giảm thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

7. Yêu cầu các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Miền Nam ngay trong năm 2013 khẩn trương xây dựng và chủ động tham gia tích cực, hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo qua đặt hàng, ký hợp đồng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa gạo.

8. Yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên tăng cường hợp tác trong thu mua, xuất khẩu nông sản, thủy sản, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh về giá và không bảo đảm chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên và với các hộ nông dân trong việc đặt hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đề xuất chính sách để xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm lúa gạo, cá tra để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành theo dõi sát tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, nhất là đối với lúa gạo và cá tra để chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các kiến nghị khác của các Bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tại cuộc họp, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2013.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, CT, TC;
- NHNN Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long;
- Các TCT Lương thực: Miền Bắc, Miền Nam;
- Các Hiệp hội: Lương thực VN, Cá tra VN, Chế biến và XK thủy sản VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTN, V.III, TKBT, TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH(3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 252/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, cá tra do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 252/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 18/07/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản