Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 125/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ LÚA, GẠO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 15 tháng 3 năm 2014, tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghê, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam; lãnh đạo của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và lãnh đạo các Tổng công ty Lương thực: Miền Bắc, Miền Nam. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long của các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng. Đây là Hội nghị không chỉ thiết thực, hữu hiệu đối với nền sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn đối với nền sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Chính phủ luôn quan tâm đặc biệt đến phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tinh thần nông nghiệp ngày càng phát triển bền vững, đời sống, vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sản xuất nông nghiệp luôn là nền tảng, là trục phát triển, một trụ đỡ của nền kinh tế nước ta. Trong thời gian qua, nông nghiệp liên tục tăng trưởng ổn định, đây là thành tựu quan trọng góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng của cả nước, xuất khẩu, giảm nghèo và nâng cao mức sống người dân. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái là tiềm năng, lợi thế và nguồn lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng. Các sản phẩm đó đã có bước phát triển vượt bậc cả về năng suất và chất lượng trong thời gian qua đã đóng góp lớn cho sản xuất và xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại, đời sống của một bộ phận người lao động sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí sản xuất cao, năng suất lao động thấp, giá bán nông sản giảm làm cho lợi nhuận của người dân giảm sút. Năm 2014, sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng cao nhưng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu do giá lúa giảm, thị trường gạo thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, cơ cấu sản xuất nông nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI

Cơ bản thống nhất với các giải pháp của các Bộ, cơ quan đã đề ra trong thời gian tới. Để thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiệu quả gắn với việc xây dựng nông thôn mới, các Bộ, ngành và các địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích tối đa việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Đây là việc làm quyết định trong tái cơ cấu nông nghiệp.

2. Tập trung chuyển đổi mô hình tổ chức liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong đó lấy người dân là trung tâm, là chủ thể chính. Tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong sản xuất nông nghiệp nhất là các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đã triển khai có hiệu quả ở một số địa phương.

3. Khuyến khích tối đa các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất và kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Qua đó phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản cho người dân, đồng thời tạo việc làm cho người lao động, tiến tới giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp trong nông nghiệp.

4. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, coi đây là một chính sách nhất quán và mang tính chiến lược lâu dài. Rà soát lại các chính sách hỗ trợ đã và đang thực hiện trong các lĩnh vực tài chính, tín dụng đối với hộ nghèo, ngư dân, hỗ trợ trực tiếp để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả

5. Tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước...Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tốt việc giảm nghèo.

6. Đối với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tính toán, dự báo khả năng tiêu thụ nông sản để tránh tình trạng được mùa, rớt giá. Triển khai hiệu quả việc giảm diện tích lúa cho năng suất, chất lượng thấp, chuyển đổi cơ cấu sang trồng các cây hoa màu có thị trường hoặc các cây ngô, đậu tương gắn với công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Quan tâm lai tạo các loại giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm giá trị xuất khẩu và khẩn trương xây dựng thương hiệu lúa, gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ về tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2013-2014.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2013-2014, bảo đảm đúng quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời trong trường hợp cần thiết.

b) Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu tái ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013; đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích trồng lúa chất lượng thấp, kém hiệu quả sang trồng cây mầu phù hợp

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tính toán, đề xuất mức hỗ trợ giống đối với chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng màu vụ Xuân Hè - Hè Thu 2014, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa cho năng suất, chất lượng cao; đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, hạn chế sử dụng giống lúa chất lượng thấp, từng bước tiến tới gieo trồng giống lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

đ) Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện.

2. Bộ Công Thương:

a) Khẩn trương nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

b) Theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu gạo, tăng cường đàm phán, ký kết hợp đồng Chính phủ để xuất khẩu vào các thị trường tập trung truyền thống và các thị trường đã có thỏa thuận hợp tác về thương mại gạo; mở rộng thị trường xuất khẩu gạo; rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, kiên quyết không cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện cần thiết hoạt động trong lĩnh vực này.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chi đạo các ngân hàng thương mại tham gia thực hiện tốt việc cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2013-2014; tiếp tục cơ cấu lại nợ cho người nuôi tôm, cá tra gặp khó khăn, vay xây dựng kho chứa thóc, gạo; xem xét miễn, giảm lãi đối với khách hàng không còn khả năng trả nợ do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: thiên tai, dịch bệnh, mất mùa...

b) Sớm xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

4. Bộ Tài chính: chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn giải quyết vướng mắc về chính sách thuế trong tiêu thụ nông sản; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tính toán, đề xuất mức hỗ trợ giống đối với chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng màu vụ Xuân Hè - Hè Thu 2014

5. Hiệp hội Lương thực Việt Nam:

a) Rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và hệ thống kho chứa để thực hiện thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2013 - 2014 theo đúng quy định. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ cấu giống lúa theo từng vụ, từng vùng phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu.

b) Tiếp tục tăng cường công tác theo dõi tình hình thị trường, kịp thời báo cáo, đề xuất các biện pháp cần thiết triển khai trong công tác điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên với các hộ nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

6. Các Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Miền Nam: chủ động tham gia tích cực, hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo qua đặt hàng, ký hợp đồng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long:

a) Rà soát, hoàn thiện quy hoạch sản xuất lúa gạo, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo xây dựng, triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, cơ cấu mùa vụ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

b) Thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tối đa cho các mô hình sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP, các PTTg CP;
- Các Bộ: Tài chính, Công Thương, NN và PTNT, Khoa học công nghệ;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP vùng ĐBCSL;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- Các TCT Lương thực: Miền Bắc, Miền Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTN.TKBT, TH, V.III
- Lưu: VT, KTTH (3).75

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 125/TB-VPCP năm 2014 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 125/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/03/2014
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản