Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỀ KHẮC PHỤC SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 09 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi nghe tổng hợp báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình và công tác sạt lở khắc phục ở Đồng bằng sông Cửu Long; ý kiến phát biểu của các Bộ và một số địa phương, ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận, chỉ đạo như sau:

1. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nơi sinh sống của trên 20 triệu người dân.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu trong cả nước. Việc tập trung các nguồn lực của xã hội, của đất nước để xử lý, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là năm 2017 và đầu năm 2018, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km cần sớm được xử lý và tập trung xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương, sự quan tâm của các Bộ, tại cuộc họp hôm nay các đồng chí đã nêu rõ về phương hướng, quan điểm, biện pháp xử lý. Triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ năm 2017, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục 17 trong 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Đối với các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại cần được bổ sung ngân sách để hỗ trợ các địa phương vùng xử lý, khắc phục kịp thời theo cơ chế phòng chống thiên tai.

2. Để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương trong vùng tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương. Với tinh thần thuận thiên nhưng phải quyết liệt bảo vệ con người, bảo vệ đất đai, phải có tính toán, kế hoạch, không để sạt lở rồi mới đi tìm nguồn lực; tinh thần bảo đảm an toàn cho người dân, giữ đất, giữ người, thuận thiên trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ phải được quán triệt, được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể, nhất là nghiên cứu cơ bản để có chủ trương, giải pháp rõ hơn.

3. Cùng với triển khai xây dựng công trình kè và đê mềm chống sạt lở tại các khu vực sạt lở xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng, các địa phương và các ngành cần tập trung một số điểm sau:

- Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý việc khai thác cát trên sông, ven biển, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát sỏi không quy hoạch, cấp phép quá mức, không để tàu thuyền vận hành với tốc độ cao gây sóng lớn dọc các sông, kênh rạch.

- Tập trung trồng cây, trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, bảo vệ đê điều; nghiên cứu xây dựng các công trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển, kết hợp với việc lấn biển, phòng chống sạt lở, phát triển điện gió nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương ven biển.

- Rà soát quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất.

- Chủ động hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt với Trung Quốc, Lào để điều tiết dòng chảy, nhất là trong mùa khô; Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động để xử lý kịp thời hơn.

- Tập trung xử lý, không để tiếp tục xảy ra sạt lở ở những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, trước hết là tại 25 khu vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tổng hợp.

4. Về nguồn lực để xử lý, khắc phục sạt lở:

- Đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng (một nghìn năm trăm tỷ đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục dự án cần xử lý cấp bách, mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương, gửi các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong tháng 5 năm 2018.

Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đồng thời bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bảo đảm an toàn, hiệu quả đầu tư; chỉ đạo triển khai thực hiện đúng quy trình thủ tục, quy định của pháp luật theo cơ chế dự án phòng chống thiên tai, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời.

- Đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, dự kiến đề xuất phân bổ phù hợp, chính xác, đảm bảo hiệu quả đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

- Đồng ý về chủ trương bổ sung 36 triệu USD vốn ODA từ dự án WB9 và dự án GMS1 để lập Quỹ chống biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cần tiếp tục tìm các nguồn lực khác để bổ sung vào Quỹ để giải quyết kịp thời hơn những vấn đề bức xúc, cấp thiết do tác động của biến đổi khí hậu.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực, đặc biệt là huy động nguồn lực từ doanh nghiệp xây dựng các tuyến đê mềm để mở rộng đất đai, kết hợp phát triển kinh tế. Về cơ chế, chính sách, cấp ủy và chính quyền địa phương thống nhất quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, bảo đảm đúng quy định, trên tinh thần có lợi cho Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư.

5. Giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống sạt lở. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ những việc đã làm được, những khó khăn vướng mắc phát sinh, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng, đề xuất phương án sử dụng dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có bố trí 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn trung hạn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý, khắc phục sạt lở. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp khác, nhất là các doanh nghiệp đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long để bổ sung nguồn lực khắc phục sạt lở.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện thủ tục, triển khai thực hiện dự án Cống Cái Lớn - Cái Bé (đã được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn 2016-2020) để thực hiện kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng, trên cơ sở thảo luận góp ý của các nhà khoa học, lắng nghe những kinh nghiệm trực tiếp của địa phương. Đồng thời chỉ đạo nghiên cứu gấp đập Tha La - Trà Sư, nghiên cứu giải pháp phân lũ Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên chủ động kiểm soát lưu lượng lũ trên sông Tiền, sông Hậu.

8. Các Bộ, ngành, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; sau 02 năm tổ chức sơ kết, đánh giá để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, thực hiện hiệu quả Nghị quyết này.

Văn phòng Chính phủ thông báo để cơ cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, TN&MT, GTVT, CT, XD;
- Tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, CN, QHQT, TKBT;
- Lưu: VT, NN (2), Tuynh.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng