Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2016/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2016 |
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Ma-xê-đô-ni-a ký tại Xcốp-pi-ê ngày 15 tháng 10 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2016.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Macedonia (sau đây gọi là “các Bên ký kết”) Mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia; Nhận thức rằng sự khuyến khích và bảo hộ lẫn nhau đối với các khoản đầu tư sẽ tạo thuận lợi để thúc đẩy sáng kiến kinh doanh và tăng cường thịnh vượng đối với hai Bên ký kết; Đã thỏa thuận như sau: Với mục đích của Hiệp định này: 1. Thuật ngữ “đầu tư” nghĩa là bất kỳ loại tài sản nào được đầu tư bởi một nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết mà trên lãnh thổ của Bên đó hoạt động đầu tư được diễn ra, và bao gồm cụ thể nhưng không chỉ là: (a) cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy nợ, hoặc các khoản chứng khoán khác và các hình thức tham gia cổ phần hoặc các hình thức vay nợ khác trong công ty; (b) các quyền đòi tiền và quyền theo hợp đồng, có giá trị tài chính liên quan trực tiếp đến một khoản đầu tư cụ thể; (c) quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, kiểu dáng và thiết kế công nghiệp, và quy trình kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật, bí mật kinh doanh, tên thương mại và uy tín kinh doanh; (d) các quyền có tính chất tài chính theo luật hoặc hợp đồng, như nhượng quyền phù hợp với quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động bao gồm tìm kiếm, xử lý, chiết xuất hoặc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (e) bất kỳ tài sản hữu hình và vô hình, động sản và bất động sản và các quyền tài sản liên quan, như cho thuê, thế chấp, thế nợ và cầm cố; Thuật ngữ “đầu tư” không bao gồm các quyền đòi tiền phát sinh thuần túy từ: (i) các hợp đồng thương mại về mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ giữa một thể nhân hoặc doanh nghiệp trên lãnh thổ của một Bên ký kết với doanh nghiệp trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, hoặc (ii) việc cấp tín dụng liên quan đến giao dịch thương mại, như tín dụng thương mại; hoặc (iii) bất kỳ quyền đòi tiền nào khác không liên quan đến các loại tài sản được quy định từ khoản 1 (a) đến khoản 1 (e) nêu trên. Bất kỳ sự thay đổi nào về hình thức theo đó tài sản hoặc các quyền tài sản được đầu tư hoặc tái đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến tính chất đầu tư, với điều kiện là việc thay đổi này phù hợp với pháp luật của Bên ký kết nhận đầu tư và Hiệp định này. 2. Thuật ngữ “nhà đầu tư” đối với một Bên ký kết có nghĩa là: (a) thể nhân có quyền công dân của Bên ký kết đó phù hợp với luật pháp của Bên ký kết đó; (b) pháp nhân được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật của Bên ký kết đó, như công ty, tổng công ty, hợp danh, quỹ tín thác, liên doanh, hiệp hội kinh doanh hoặc doanh nghiệp, có đăng ký trụ sở và có hoạt động kinh doanh chính trên lãnh thổ của Bên ký kết đó. 3. Thuật ngữ “thu nhập” có nghĩa là số tiền thu được từ một khoản đầu tư, bất kể hình thức thanh toán khoản thu nhập đó, và cụ thể bao gồm nhưng không chỉ là, lợi nhuận, tiền lãi vay, thu nhập từ vốn, cổ tức, thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, và phí quản lý, tư vấn kỹ thuật hoặc các khoản thanh toán và phí khác, và các khoản thanh toán bằng hiện vật, bất kể dưới hình thức nào. 4. Thuật ngữ “lãnh thổ” có nghĩa là: (a) Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là lãnh thổ đất liền, các đảo, nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên đó, các vùng biển ngoài lãnh hải bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà trên đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế. (b) Đối với Cộng hòa Macedonia, là lãnh thổ của Cộng hòa Macedonia, bao gồm đất, nước và vùng trời trên đó Cộng hòa Macedonia thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc tế. 5. Thuật ngữ “đồng tiền tự do chuyển đổi” có nghĩa là bất kỳ đồng tiền nào được công nhận bởi Quỹ tiền tệ quốc tế, theo từng thời điểm, là đồng tiền tự do chuyển đổi phù hợp với các quy định của Điều lệ Quỹ tiền tệ quốc tế và bất kỳ sự sửa đổi nào sau đó. 6. Thuật ngữ “mục đích công cộng” nghĩa là được quy định theo pháp luật của mỗi Bên ký kết. 1. Hiệp định này áp dụng đối với các khoản đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia trước hoặc sau khi Hiệp định này có hiệu lực và được Bên ký kết chủ nhà chấp thuận phù hợp với pháp luật liên quan của Bên ký kết đó. 2. Hiệp định này không áp dụng đối với các tranh chấp đầu tư phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra, hoặc các tranh chấp đầu tư đã được giải quyết, hoặc đang trong quá trình giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài trước khi Hiệp định này có hiệu lực. 3. Hiệp định này không áp dụng đối với: (a) thuế; (b) mua sắm chính phủ; và (c) trợ cấp hoặc hỗ trợ được cung cấp bởi một Bên ký kết. 1. Mỗi Bên ký kết sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của Bên ký kết kia để thực hiện đầu tư trên lãnh thổ của mình và, tiếp nhận các khoản đầu tư đó theo thẩm quyền quy định trong pháp luật của nước mình. 2. Đầu tư của nhà đầu tư của mỗi Bên ký kết luôn được dành sự đối xử công bằng và bình đẳng và được bảo hộ đầy đủ và an toàn trên lãnh thổ của Bên ký kết kia. Không Bên ký kết nào bằng bất kỳ cách nào thông qua các biện pháp bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử, gây tổn hại đến việc sử dụng, quản lý, điều hành, hoạt động, bán hoặc định đoạt khác đối với khoản đầu tư trên lãnh thổ đó của nhà đầu tư của Bên ký kết kia. 3. Để rõ ràng hơn: (a) đối xử công bằng và bình đẳng yêu cầu mỗi Bên ký kết không được từ chối công lý trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp và hành chính nào; và (b) bảo hộ đầy đủ và an toàn yêu cầu mỗi Bên ký kết áp dụng các biện pháp cần thiết một cách hợp lý để đảm bảo sự bảo hộ và an toàn của khoản đầu tư được bảo hộ. 4. Việc xác định rằng đã có sự vi phạm điều khoản khác của Hiệp định này, hoặc một hiệp định quốc tế riêng biệt, không có nghĩa là có sự vi phạm khoản 2 Điều này. 1. Liên quan đến việc sử dụng, quản lý, điều hành, hoạt động, bán hoặc định đoạt khác đối với khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia thực hiện trên lãnh thổ nước mình, mỗi Bên ký kết, trên lãnh thổ của nước mình, sẽ dành cho các khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó, trong các trường hợp tương tự, dành cho các khoản đầu tư của nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào. 2. Những quy định của Điều này không được hiểu là bắt buộc một trong các Bên ký kết phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia lợi ích của bất kỳ sự đối xử, ưu đãi hoặc đặc quyền nào phát sinh từ: (a) bất kỳ liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, khu vực thương mại tự do, liên minh tiền tệ, hoặc hình thức hiệp định kinh tế khu vực hoặc song phương khác hoặc hiệp định quốc tế tương tự mà mỗi Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên; hoặc (b) bất kỳ hiệp định quốc tế, khu vực hoặc song phương hoặc các thỏa thuận tương tự khác hoặc bất kỳ pháp luật trong nước nào liên quan toàn bộ hoặc chủ yếu đến thuế. Khi đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang khác, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi dậy, bạo loạn, khởi nghĩa hoặc nổi loạn trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, nhà đầu tư đó sẽ được Bên ký kết kia dành cho sự đối xử, liên quan đến hoàn trả, đền bù, bồi thường hoặc các giải pháp khác, không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên ký kết đó dành cho nhà đầu tư nước mình hoặc nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào, tùy thuộc vào sự đối xử nào thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. 1. Khoản đầu tư của nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sẽ không bị quốc hữu hóa hoặc tước quyền sở hữu (sau đây gọi là tước quyền sở hữu), trừ trường hợp vì mục đích công cộng và phải bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng và hiệu quả. Việc tước quyền sở hữu được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử và phù hợp với thủ tục pháp luật của Bên ký kết tước quyền sở hữu. 2. Việc bồi thường này sẽ tương đương với giá thị trường của khoản đầu tư bị tước quyền sở hữu tại thời điểm tước quyền sở hữu hoặc tại thời điểm thông báo việc tước quyền sở hữu, tùy thuộc thời điểm nào đến trước, và sẽ có hiệu lực thanh toán. Khoản bồi thường sẽ bao gồm tiền lãi theo lãi suất LIBOR hàng năm kể từ ngày tước quyền sở hữu đến ngày trả tiền. 3. Mặc dù có các quy định tại khoản 1 và khoản 2 nói trên, bất kỳ biện pháp tước quyền sở hữu nào liên quan đến đất đai sẽ thực hiện theo quy định về điều kiện và khoản tiền bồi thường cho việc tước quyền sở hữu của pháp luật của Bên ký kết tước quyền sở hữu. 4. Nhà đầu tư của một Bên ký kết bị ảnh hưởng bởi việc tước quyền sở hữu sẽ có quyền được cơ quan tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền độc lập khác của Bên ký kết kia xem xét nhanh chóng vụ việc của mình và việc định giá khoản đầu tư phù hợp với các nguyên tắc được quy định tại Điều này và pháp luật của Bên ký kết tước quyền sở hữu. Chuyển tiền liên quan đến đầu tư 1. Mỗi Bên ký kết, căn cứ theo pháp luật của mình, đảm bảo cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia được chuyển tự do vào hoặc ra ngoài lãnh thổ của mình các khoản thanh toán liên quan đến đầu tư, bao gồm: (a) vốn ban đầu và bất kỳ vốn bổ sung nào để duy trì, quản lý và phát triển đầu tư; (b) thu nhập; (c) các khoản thanh toán theo hợp đồng, bao gồm việc trả dần tiền vốn và lãi lũy kế phát sinh từ các khoản thanh toán nợ theo hợp đồng vay liên quan trực tiếp đến khoản đầu tư cụ thể; (d) tiền bản quyền và phí đối với các quyền theo Điều 1 khoản 1 (c); (e) các khoản thu được từ việc bán hoặc thanh lý toàn bộ hoặc một phần đầu tư; (f) tiền lương và các khoản thu nhập khác khác của người lao động thu được từ nước ngoài liên quan đến đầu tư; (g) các khoản bồi thường theo Điều 5 và Điều 6; (h) các khoản thanh toán phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp. 2. Việc chuyển tiền sẽ có hiệu lực, không chậm trễ, bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo tỷ giá hiện hành vào ngày chuyển tiền tại Bên ký kết nơi khoản đầu tư được thực hiện phù hợp với các thủ tục được ban hành bởi Bên ký kết này, với điều kiện tất cả các nghĩa vụ tài chính đối với Bên ký kết này đã được thực hiện đầy đủ. 3. Việc chuyển tiền được quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải phù hợp với Điều 4 Hiệp định này. 1. Nếu một Bên ký kết hoặc cơ quan được Bên ký kết đó chỉ định thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia theo một bảo đảm, một hợp đồng bảo hiểm hoặc hình thức khác của đảm bảo bồi thường mà Bên đó hoặc cơ quan đó đã cấp cho một khoản đầu tư, Bên ký kết kia sẽ công nhận việc thế quyền hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc quyền đòi tiền nào được nắm giữ bởi nhà đầu tư liên quan đến khoản đầu tư đó. Quyền hoặc quyền đòi tiền được thế quyền hoặc chuyển giao sẽ không lớn hơn so với quyền hoặc quyền đòi tiền ban đầu của nhà đầu tư. 2. Khi một Bên ký kết hoặc một cơ quan được Bên ký kết đó chỉ định đã thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư của Bên ký kết đó và đã tiếp nhận quyền và quyền đòi tiền của nhà đầu tư đó, nhà đầu tư đó sẽ không thể, trừ trường hợp được ủy quyền thay mặt Bên ký kết đó hoặc cơ quan của Bên ký kết đó, sử dụng các quyền và quyền đòi tiền này để chống lại Bên ký kết kia. Giải quyết tranh chấp giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư 1. Bất kỳ tranh chấp pháp lý nào phát sinh trực tiếp từ một khoản đầu tư giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia liên quan đến việc nghi ngờ vi phạm một nghĩa vụ của Bên ký kết đó theo Hiệp định này liên quan đến quản lý, điều hành, hoạt động hoặc bán hoặc định đoạt khác đối với khoản đầu tư của nhà đầu tư, và gây thiệt hại cho khoản đầu tư đó, trong chừng mực có thể, sẽ được giải quyết bằng hòa giải thông qua đàm phán giữa các bên tranh chấp. 2. Nếu tranh chấp đó không được giải quyết trong vòng sáu (6) tháng kể từ ngày tranh chấp được nhà đầu tư đưa ra thông qua việc thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết, tranh chấp sẽ được giải quyết tại: (a) tòa án có thẩm quyền của Bên ký kết mà khoản đầu tư được thực hiện trên lãnh thổ của Bên đó; (b) trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (Trung tâm) thành lập theo Công ước Washington ngày 18/03/1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác nếu cả hai Bên ký kết là thành viên của Công ước trên; (c) cơ chế phụ trợ của Trung tâm, nếu chỉ một trong hai Bên ký kết là thành viên của Công ước Washington; hoặc (d) tòa trọng tài theo vụ việc, trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, được thành lập theo Quy tắc trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL), không bao gồm Quy tắc của UNCITRAL về minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư dựa trên Hiệp định bằng thủ tục trọng tài. Một khi nhà đầu tư đã đưa tranh chấp ra giải quyết tại một trong các cơ quan nêu trên, việc lựa chọn thủ tục đó là cuối cùng. Để rõ ràng hơn, nghĩa vụ Đối xử Tối huệ quốc trong Hiệp định này không yêu cầu một Bên ký kết phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia thủ tục giải quyết tranh chấp ngoài thủ tục đã quy định trong Hiệp định này. 3. Việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài theo khoản 2 chỉ được thực hiện với điều kiện tranh chấp được đưa ra Tòa trọng tài đó diễn ra trong vòng hai (2) năm kể từ thời điểm nhà đầu tư tranh chấp biết, hoặc lẽ ra phải biết về việc vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp định này, và về thiệt hại xảy ra đối với nhà đầu tư tranh chấp hoặc khoản đầu tư của họ. 4. Tòa trọng tài sẽ quyết định theo quy định của Hiệp định này, pháp luật của Bên ký kết có liên quan đến tranh chấp mà khoản đầu tư được thực hiện trên lãnh thổ của Bên đó (bao gồm các quy định về xung đột pháp luật), các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận cụ thể liên quan đến khoản đầu tư đó và các nguyên tắc liên quan của luật quốc tế. 5. Không một Bên Ký kết nào có quyền khởi kiện ngược, như một cách biện hộ, trong bất kỳ giai đoạn nào của tố tụng trọng tài hoặc khi thực thi phán quyết của trọng tài, với lý do nhà đầu tư của Bên ký kết kia đã nhận hoặc sẽ nhận được tiền bồi thường hoặc đền bù khác cho một phần hoặc toàn bộ thiệt hại của mình theo hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo đảm. 6. Phán quyết của trọng tài đưa ra theo Điều này sẽ là chung thẩm và ràng buộc các Bên tranh chấp. Mỗi Bên ký kết bảo đảm thi hành phán quyết phù hợp với luật pháp trong nước của mình. Giải quyết tranh chấp giữa các Bên Ký kết 1. Các Bên ký kết, trong chừng mực có thể, sẽ giải quyết bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp định này thông qua tham vấn hoặc các kênh ngoại giao khác. 2. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ ngày một Bên ký kết yêu cầu tham vấn hoặc giải quyết qua các kênh ngoại giao khác và trừ khi các Bên ký kết có thỏa thuận khác bằng văn bản, mỗi Bên ký kết có thể, thông qua việc thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia, đưa tranh chấp ra giải quyết tại một tòa trọng tài theo vụ việc phù hợp với các quy định sau đây của Điều này. 3. Tòa trọng tài sẽ được thành lập như sau: mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định một thành viên, và hai thành viên này sẽ thỏa thuận về một công dân của nước thứ ba làm Chủ tịch tòa trọng tài để các Bên ký kết chỉ định. Các thành viên này sẽ được chỉ định trong vòng hai tháng, và Chủ tịch sẽ được chỉ định trong vòng 4 tháng kể từ ngày một Bên ký kết thông báo cho Bên ký kết kia ý định đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa trọng tài 4. Nếu các thời hạn nêu tại khoản 3 không được tuân thủ, mỗi Bên ký kết có thể, trong trường hợp không có thỏa thuận khác, mời Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế tiến hành các chỉ định cần thiết. Nếu Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do khác không thực hiện được chức năng này, Phó Chủ tịch của Tòa án Công lý Quốc tế sẽ được mời tiến hành các chỉ định cần thiết. Nếu Phó Chủ tịch của Tòa án Công lý Quốc tế là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do khác không thể thực hiện chức năng này thì thành viên cao cấp tiếp theo của Tòa án Công lý Quốc tế không phải là công dân của một Bên ký kết sẽ được mời tiến hành các chỉ định cần thiết. 5. Tòa trọng tài sẽ ra quyết định bằng biểu quyết theo đa số. Quyết định này phải phù hợp với Hiệp định này và các quy tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế có liên quan và là chung thẩm và ràng buộc với cả hai Bên ký kết. Mỗi Bên ký kết sẽ chịu chi phí của thành viên Tòa trọng tài do Bên ký kết đó chỉ định, cũng như các chi phí cho việc tham gia của Bên ký kết đó vào quá trình tố tụng trọng tài. Chi phí của Chủ tịch cũng như bất kỳ chi phí nào khác của quá trình tố tụng trọng tài sẽ được chia đều cho hai Bên ký kết. Tuy nhiên, Tòa trọng tài có thể quyết định một Bên ký kết sẽ phải trả mức chi phí cao hơn hoặc trả toàn bộ chi phí. Đối với các vấn đề khác, Tòa trọng tài sẽ quyết định thủ tục của mình. Mỗi Bên ký kết sẽ thông báo bằng văn bản cho Bên Ký kết kia, thông qua kênh ngoại giao, khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực, và Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi sau ngày nhận được thông báo cuối cùng. Thời hạn hiệu lực và chấm dứt hiệu lực 1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời gian mười (10) năm, và sẽ tiếp tục có hiệu lực trừ khi chấm dứt hiệu lực theo khoản (2) của Điều này. 2. Mỗi Bên Ký kết, bằng văn bản thông báo trước một (1) năm cho Bên Ký kết kia, có thể chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này vào cuối thời hạn mười (10) năm ban đầu hoặc bất kỳ thời điểm nào sau đó. 3. Liên quan đến các khoản đầu tư đã được thực hiện hoặc có được trước ngày chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này, các quy định của tất cả các điều khoản khác của Hiệp định này sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm kể từ ngày chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này: ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền hợp lệ của Chính phủ mình, đã ký Hiệp định này. Làm tại Skopje ngày 15 tháng 10 năm 2014 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Mác-xê-đô-ni-a và tiếng Anh, tất cả các bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
|
- 1Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Ô-man về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 38/NQ-CP năm 2014 phê duyệt Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Pa-le-xtin do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo hiệu lực của Hiệp định, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Căm-pu-chia về khuyến khích và bảo hộ đầu tư
- 4Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam - Hà Lan
- 5Thông báo 33/2019/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ
- 6Thông báo 32/2021/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Ca-ta
- 7Thông báo 03/2022/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Ca-ta
- 1Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 2Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Ô-man về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 38/NQ-CP năm 2014 phê duyệt Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Pa-le-xtin do Chính phủ ban hành
- 4Thông báo hiệu lực của Hiệp định, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Việt Nam và Vương quốc Căm-pu-chia về khuyến khích và bảo hộ đầu tư
- 5Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam - Hà Lan
- 6Thông báo 33/2019/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ
- 7Thông báo 32/2021/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Ca-ta
- 8Thông báo 03/2022/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Ca-ta
Thông báo 14/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Ma-xê-đô-ni-a
- Số hiệu: 14/2016/TB-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 15/10/2014
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa Ma-xê-đô-ni-a
- Người ký: Lê Đức Lưu, Ardian Xheladini
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 221 đến số 222
- Ngày hiệu lực: 11/01/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra