Hệ thống pháp luật

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 51 NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội;

Chiểu theo Sắc lệnh số 39 ngày 26-9-1945 lập một Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử;

Xét tờ trình của Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận;

RA SẮC LỆNH:

KHOẢN THỨ NHẤT: NGÀY MỞ CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ

Điều thứ 1: Ngày 23 tháng 12 năm 1945 sẽ mở cuộc tổng tuyển cử trong toàn cõi Việt Nam dân chủ cộng hoà để bầu đại biểu dự vào quốc dân đại hội.

KHOẢN THỨ HAI: QUYỀN BẦU CỬ VÀ ỨNG CỬ

Điều thứ 2: tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ ra những người này .

1- Những người điên: những người mà dân địa phương đã công nhận là điên. Danh sách những người trong làng hay khu phố do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định.

2- Những người hành khất chuyên môn, hay là những người do một hội thiện nào nuôi vĩnh viễn. Danh sách những người này do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định

3- Những người bị can án mà không được hưởng sắc lệnh đại xá của Chính phủ dân chủ cộng hoà.

KHOẢN THỨ BA: VẬN ĐỘNG TUYỂN CỬ

Điều thứ 3: Được tự do vận động những cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ cộng hoà.

Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm.

Điều thứ 4: Trong việc vận động , người ứng cử có thể dùng riêng một danh sách hay hợp cùng nhiều người khác lập chung một danh sách; có thể lấy danh nghĩa một đoàn thể mà cổ động.

Điều thứ 5: Những cuộc hội họp để vận động tuyển cử (diễn thuyết, giới thiệu những người ứng cử) chỉ phải khai cho các Uỷ ban nhân dân địa phương biết trước 24 giờ. Nói rõ địa điểm cuộc họp ở đâu, mục đích làm gì và tên người chịu trách nhiệm cuộc họp đó. Uỷ ban nhân dân địa phương sẽ phái người đến kiểm soát cuộc hội họp và có quyền giải tán nếu thấy cuộc hội họp có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an.

Điều thứ 6: Những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn phải đưa Uỷ ban nhân dân địa phương kiểm duyệt và dán ở những nhà công cộng (đình chùa, v.v...) cầm dán chồng lên và cấm xé (hay bóc) những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn của người khác.

KHOẢN THỨ TƯ: ĐƠN VỊ TUYỂN CỬ

Điều thứ 7: Đơn vị tuyển cử là tỉnh , nghĩa là dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình dự vào Quốc dân đại hội.

Điều thứ 8: Sáu thành phố sau này: Hà Nội , Hải Phòng , Nam Định , Vinh, Huế, Sài Gòn, Chợ Lớn, cũng được dùng riêng làm những đơn vị tuyển cử như các tỉnh.

Điều thứ 9: Số đại biểu một tỉnh (hay thành phố) thì căn cứ vào dân số tỉnh (hay thành phố) ấy mà ấn định, trừ một vài thành phố đặc biệt quan trọng số đại biểu có tăng lên (?) ít.

Bảng tổng kê số đại biểu các tỉnh và thành phố có đính theo Sắc lệnh này.

KHOẢN THỨ NĂM: DANH SÁCH ỨNG CỬ

Điều thứ 10: Danh sách ứng cử sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh (hay thành phố) phụ trách lập lên.

Điều thứ 11: Chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, người ứng cử phải gửi thẳng lên Uỷ ban nhân dân tỉnh (tỉnh nơi mà mình ra ứng cử) (hay thành phố) đơn ứng cử (có ghi rõ địa chỉ) kèm theo một tờ giấy của Uỷ ban nhân dân địa phương (nguyên quán hoặc nơi trú ngụ) chứng nhân là đủ điều kiện ứng cử.

Điều thứ 12: Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi.

Điều thứ 13: Người ứng cử nào phạm một trong hai lỗi này:

a) Ứng cử nhiều nơi

b) Khai gian những giấy chứng thực về điều kiện ứng cử, sẽ bị phạt.

Điều thứ 14: Chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân tỉnh (hay thành phố) phải niêm yết danh sách những người ứng cử tại các nơi công cộng ở tỉnh lỵ hoặc ở thành phố. Tên trong danh sách xếp theo thứ tự a, b, c...

Điều thứ 15: Chậm nhất là 5 hôm trước ngày bầu cử, danh ách các người ứng cử đã phải tới tay các Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố để được yết ngay lên những nơi công cộng.

KHOẢN THỨ SÁU: DANH SÁCH BẦU CỬ

Điều thứ 16: Danh sách bầu cử sẽ do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố phụ trách lập nên.

Điều thứ 17: Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử.

Điều thứ 18: Người ra ứng cử có quyền đi bầu cử, nhưng nơi bầu cử phai theo đúng như vừa định trên này.

Điều thứ 19: Binh, lính, thợ thuyền, công chức thì bầu cử tại nơi mình đang làm việc.

Điều thứ 20: Các chủ xưởng, nhà máy phải gửi danh sách các thợ đến Uỷ ban nhân dân 15 ngày trước ngày bỏ phiếu.

Điều thứ 21: Bố, mẹ, vợ, con những binh lính, thợ thuyền hay công chức cũng được kể vào trường hợp kể trên (nghĩa là không hạn định về ngày, tháng trú ngụ).

Điều thứ 22: Khi cần kiểm soát tuổi các cử tri thì Uỷ ban nhân dân làng tỉnh lỵ (hay khu phố) sẽ căn cứ vào giấy khai sinh hoặc giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân địa phương nếu không có giấy khai sinh).

Điều thứ 23: Chậm nhất là 10 hôm trước ngày bỏ phiếu , Uỷ ban nhân dân làng, tỉnh, lỵ (hay khu phố) phải yết danh sách tất cả các người có quyền đi bầu cử (cử tri) trong làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) ở những nơi công cộng. Tên trong danh sách xếp theo thứ tự a, b, c,...

Điều thứ 24: Sau khi yết danh sách bầu cử, trong hạn 3 ngày, dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) có quyền khiếu nại:

a) Những người có đủ điều kiện đi bầu mà Uỷ ban nhân dân quên ghi vào danh sách thì có quyền bắt ghi thêm tên mình.

b) Nếu có người không đủ điều kiện mà được ghi vào danh sách bầu cử thì bất cứ ai cũng có quyền yêu cầu Uỷ ban nhân dân làng, tỉnh, lỵ (hay khu phố) xét lại.

Điều thứ 25: Chậm nhất là 5 ngày trước ngày bỏ phiếu và nếu có sự sửa đổi trong danh sách bầu cử, Uỷ ban nhân dân địa phương phải làm lại danh sách và yết lên những chỗ cũ.

Điều thứ 26: Chậm nhất là 2 ngày trước ngày bầu cử, Uỷ ban nhân dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) phải cấp cho những người có tên trong danh sách, mỗi người một cái thẻ đi bầu có đóng dấu của Uỷ ban nhân dân.

KHOẢN THỨ BẢY: TỔ CHỨC BẦU CỬ

Điều thứ 27: Uỷ ban nhân dân làng , tỉnh lỵ (hay khu phố) sẽ triệu tập một ban phụ trách cuộc bầu cử hai ngày trước ngày bỏ phiếu.

Điều thứ 28: Ban ấy gồm có một đại biểu của Uỷ ban nhân dân và những đại biểu của các giới trong làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) nông dân, công nhân, thương nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão v.v...

Điều thứ 29: Uỷ ban nhân dân có quyền dựa theo ý kiến của phần đông mà chọn lấy từ 5 đến 7 đại biểu (kể cả đại biểu của Uỷ ban nhân dân) toàn là những người không ra ứng cử .

Điều thứ 30: Ban phụ trách cuộc bầu cử biệt lập, chứ không thuộc quyền Uỷ ban nhân dân.

Điều thứ 31: Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được uỷ quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư.

Điều thứ 32: Ngày bầu cử, sẽ bỏ phiếu từ 7 giờ đến 18.

Điều thứ 33: Nếu cuộc bầu cử lần đầu không có giá trị, hoặc số người trúng cử chưa bằng số đại biểu định lấy thì sẽ bầu lại theo như điều 58 và 59 dưới này.

Điều thứ 34: Uỷ ban nhân dân tỉnh (hay thành phố) sẽ định lại ngày, giờ cuộc bầu cử thứ hai và báo cáo cho Uỷ ban nhân dân làng tỉnh lỵ (hay khu phố) biết.

Điều thứ 35: Nơi bỏ phiếu sẽ là trụ sở Uỷ ban nhân dân làng, tỉnh lỵ, hay khu phố.

Điều thứ 36: Cử tri sẽ bầu bằng phiếu kín.

Điều thứ 37: Nếu cử tri không biết chữ quốc ngữ nhưng biết viết chữ Hán, tạm thời được phép viết chữ Hán trong phiếu bầu.

Điều thứ 38: Còn những cử tri không biết viết chữ quốc ngữ cùng chữ Hán thì ngày bầu cử, trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử cử ra, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm điểm. Khi lập xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: sẽ viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật.

Điều thứ 39: Hộp phiếu phải có khoá, chìa khoa do ban phụ trách cuộc bầu cử giữ.

Tuỳ theo số cử tri ít hay nhiều, có thể co một hay nhiều hộp phiếu.

Trước lúc bắt đầu bỏ phiếu ban phụ trách cuộc bầu cử phải cho công chúng xem là trong hộp phiếu không có gì và phải khoá lại trước mặt công chúng.

Điều thứ 40: Phiếu bầu sẽ do ban phụ trách cuộc bầu cử phát cho người đi bầu, chỉ phát cho mỗi người một phiếu, có đóng dấu của Uỷ ban nhân dân làng, tỉnh lỵ hay khu phố. Sẽ có phiếu kiểu mẫu chung cho toàn quốc. Phiếu sẽ phát lúc người đi bầu đã vào phòng bỏ phiếu.

Điều thứ 41: Người đi bầu vào phòng bỏ phiếu từng người một, vào một bên, ra một bên. Lúc vào phòng bỏ phiếu thì người đi bầu đem thẻ đi bầu cho một nhân viên trong ban phụ trách cuộc bầu cử xem. Nhân viên này lấy kéo hay dao cắt chéo góc thẻ đi bầu ấy rồi giả lại cho người đi bầu. Người đi bầu phải giữ tấm thẻ đã cắt đó để dùng vào một cuộc bầu lại (nếu có bầu lại). Sẽ có thẻ đi bầu kiểu mẫu cho toàn quốc.

KHOẢN THỨ TÁM: TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Điều thứ 42: Nếu trong tỉnh (hoặc thành phố) số người ứng cử chưa bằng hoặc vừa đủ số đại biểu định lấy thì cũng cứ bầu như thường.

KHOẢN THỨ CHÍN: ĐIỂM PHIẾU

Điều thứ 43: Phiếu bầu sẽ điểm và kiểm soát ngay ở làng, tỉnh lỵ hay khu phố trước công chúng, ngay sau lúc bỏ phiếu xong.

Điều thứ 44: Lúc điểm phiếu và kiểm soát, ban phụ trách cuộc cử sẽ mời thêm người đi bầu biết chữ quốc ngữ và một người đi bầu biết chữ Hán chứng kiến. Phiếu phải đọc to lên.

Điều thứ 45: Những phiếu sau này coi như không hợp lệ:

a) Phiếu không có dấu của Uỷ ban nhân dân.

b) Phiếu trắng cũng kể như là phiếu không hợp lệ.

c) Phiếu có chữ ký của người đi bầu.

Điều thứ 46: Những phiếu có biên tên một hay nhiều người không ứng cử coi như vẫn hợp lệ, nhưng những tên thừa thì rút đi kể như là không viết vào. Ban phụ trách cuộc bầu cử không được xoá bỏ trong phiếu bầu.

Điều thứ 47: Những phiếu biên tên nhiều quá số đại biểu định lấy vẫn hợp lệ, nhưng chỉ kể những tên của những người ứng cử biên ở phần trên phiếu cho đến số đại biểu định lấy.

Những phiếu biên không đủ số đại biểu cố nhiên là hợp lệ.

Điều thứ 48: Tên người ứng cử nào viết không đúng thì không kể. Tên viết đúng mà họ và chữ lót (đệm) viết sai cũng kể là đúng. Khi nào tên nhiều người ứng cử trùng nhau thì phải đúng cả họ nữa.

Điều thứ 49: Làm bản thống kế các phiếu xong, thì ban phụ trách cuộc bầu cử phải lập biên bản. Biên bản phải biên rõ số phiếu được bầu của mọi người ứng cử và phải có chữ ký của tất cả mọi người trong ban phụ trách cuộc bầu cử cùng chữ ký của hai người đi bầu được mời dự vào việc điểm phiếu.

Biên bản làm hai bản: một bản giao Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố giữ, một bản gửi lên ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh (hay thành phố).

Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ gửi về các làng một tờ biên bản kiểu mẫu in sẵn

Điều thứ 50: Ban phụ trách cuộc bầu cử đọc biên bản cho các người đi bầu có mặt tại chỗ bỏ phiếu nghe.

Điều thứ 51: Lúc gửi biên bản cuộc bầu cử lên tỉnh hay về thị sảnh phải gửi luôn danh sách tất cả các cử tri trong làng hay khu phố nghĩa là danh sách những người có quyền đi bầu, chứ không phải danh sách những người đã đi bầu. Giữ lại ở làng hay khu phố một bản danh sách này.

Điều thứ 52: Phiếu điểm xong sẽ niêm phong có chữ ký của ban phụ trách cuộc bầu cử và đóng dấu của Uỷ ban nhân dân. Gói phiếu ấy bỏ vào hòm phiếu khoá lại, chìa khoá do một người trong ban phụ trách cuộc bẩu cử giữ. Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố giữ hòm phiếu, hễ Uỷ ban nhân dân tỉnh hay thành phố hỏi thì phải trình. Hòm phiếu chỉ giữ đến phiên họp đầu tiên của Quốc dân đại hội.

KHOẢN THỨ MƯỜI: KIỂM SOÁT CUỘC BẦU TOÀN TỈNH (HAY THÀNH PHỐ)

Điều thứ 53: Năm ngày trước ngày bẩu cử Uỷ ban nhân dân tỉnh (chứ không phải tỉnh lỵ) triệu tập một ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh. Ban ấy gồm có một đại biểu của Uỷ ban nhân dân tỉnh và những đại biểu của các giới trong tỉnh (nông dân, công nhân, thương nhân, phụ nữ, phụ lão, thanh niên, v.v...).

Những người trong ban kiểm soát này phải toàn là những người không ra ứng cử.

Điều thứ 54: Ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh (hay thành phố) biệt lập, chứ không thuộc quyền Uỷ ban nhân dân tỉnh (hay thành phố).

Điều thứ 55: Ban kiểm soát thu thập biên bản các làng hay khu phố gửi tới và làm biên bản tổng thống kê các số phiếu (theo kiểu mẫu đính theo đây).

Điều thứ 56: Phải có một phần tư (1/4) sổ cử tri (người có quyền bầu cử) toàn tỉnh hay thành phố có đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị. Nếu không, sẽ có cuộc bầu cử thứ hai.

Điều thứ 57: Những người ứng cử phải được hơn một nửa số phiếu bầu (hợp lệ) thì mới được trúng cử.

Điều thứ 58: Điều thứ 56 và 57 kể trên không thi hành cho cuộc bầu cử thứ hai. lần này người ứng cử nào được nhiều phiếu hơn thì trúng cử.

Điều thứ 59: Nếu trong cuộc bầu cử lần đâu số người được trúng cử chưa đủ số đại biểu của tỉnh hay thành phố thì sẽ bầu thêm cho đủ số. Cuộc bầu thêm nàu cũng như cuộc bầu lần thứ hai, người ứng cử nào được nhiều phiếu hơn thì trúng cử.

Điều thứ 60: Ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh hay thành phố tuyên bố kết quả cuộc bầu cả lần thứ nhất ở tỉnh lỵ, ở phủ, huyện, châu và ở các làng (hạn yết thị kết quả cuộc bầu cử thứ nhất ở các làng: 7 ngày sau khi yết thị ở tỉnh lỵ).

Điều thứ 61: Những người không ra ứng cử lần đâu cũng được ra ứng cử lần thứ hai và phải gửi đơn ứng cử tới Uỷ ban nhân dân tỉnh hay thành phố (nơi mình ra ứng cử) trong hạn 7 ngày kể từ ngày tuyên bố kết quả cuộc bầu cử lần thứ nhất ở tỉnh lỵ, hay thị sảnh.

Điều thứ 62: Uỷ ban nhân dân tỉnh hay thành phố sau khi nhận đơn của những người ra ứng cử lần thứ hai sẽ định ngày bầu cử lần thứ hai và bá cáo cho các làng tỉnh lỵ hay khu phố biết.

Điều thứ 63: Cách bầu cử và kiểm soát lần thứ hai (nếu có) cũng y như lần đầu, chỉ khác điều thứ 58 nói trên.

Điều thứ 64: Uỷ ban nhân dân tỉnh hay thành phố báo cáo danh sách những người được trúng cử đại biểu của tỉnh hay thành phố dự vào Quốc dân đại hội, cho yết danh sách ấy ở tỉnh, phủ, huyện, làng và khu phố.

Hạn yết danh sách ở phủ, huyện, châu: 3 ngày sau khi yết danh sách ở tỉnh.

Hạn yết danh sách ở làng: 7 ngày sau khi yết danh sách ở tỉnh.

KHOẢN THỨ MƯỜI MỘT: KHIẾU NẠI

Điều thứ 65: Chậm nhất là 10 ngày sau ngày tuyên bố kết quả ở tỉnh đơn khiếu nại phải nộp cho ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh.

Điều thứ 66: Trong hạn 15 ngày kể từ ngày chấp đơn, ban này phải xử xong những việc khiếu nại.

Điều thứ 67: Người khiếu nại không có quyền kháng nghị sự xét của ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh hay thành phố.

Điều thứ 68: Lúc ban kiểm soát bầu cử toàn tỉnh đã xử xong các việc khiếu nại thì ban ấy lập lại danh sách các người trúng cử (nếu có sự thay đổi trong bản danh sách) và gửi biên bản cùng danh sách các đại biểu về Chính phủ Trung ương. Uỷ ban nhân dân tỉnh hay thành phố sẽ yết danh sách mới ở tỉnh, phủ, huyện hay châu và ở các làng (hay khu phố).

KHOẢN THỨ MƯỜI HAI: TRIỆU TẬP QUỐC DÂN ĐẠI HỘI

Điều thứ 69: Khi đã nhận được danh sách đại biểu toàn quốc, Chính phủ nhân dân lâm thời định ngày triệu tập Quốc dân đại hội tại Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Điều thứ 70: Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền phụ trách thi hành sắc lệnh này.

SỐ ĐẠI BIỂU TỪNG TỈNH VÀ THÀNH PHỐ

(Bảng đính theo Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945)

Tên các tỉnh

và thành phố dân vị

Toàn tỉnh

Chung cho Việt Nam và dân tộc thiểu số

Riêng cho các dân tộc thiểu số

Sơn La

2

1

1 Thái đen

Lai Châu

2

1

1 Thái

Lao Cai

1

1

 

Hà Giang

2

1

1 Thổ

Cao Bằng

4

1

1 Mãn

 

 

 

1 Thổ 1 Nùng

Hoà Bình

1

 

1 Mường

Phú Thọ

5

4

1 Mường

Yên Bái

2

1

1 Thổ

Tuyên Quang

2

1

1 Thổ

Thái Nguyên

3

2

1 Thổ

Bắc Giang

4

4

 

Bắc Cạn

2

1 Thổ

1 Mãn

Lạng Sơn

3

1

1 Thổ 1Nùng

Quảng Yên

3

3

 

Móng Cái (Hải Ninh)

2

1

1 Nùng

Vĩnh Yên

4

4

 

Sơn Tây

5

5

 

Hà Đông

14

14

 

Hà Nội

6

6

 

Bắc Ninh

8

8

 

Hải Dương

12

12

 

Kiến An

7

7

 

Hải Phòng

3

3

 

Hưng Yên

8

8

 

Thái Bình

13

13

 

Nam Định

15

15

 

Thành phố Nam Định

2

2

 

Ninh Bình

6

6

 

Hà Nam

7

7

 

Phúc Yên

3

3

 

Thanh Hoá

15

14

1Mường

Nghệ An

12

11

1Mường hayThái

Vinh

2

2

 

Hà Tĩnh

7

7

 

Quảng Bình

5

5

 

Quảng Trị

3

3

 

Thừa Thiên

5

5

 

Huế

2

2

 

Quảng Nam

15

14

1 Moi

Quảng Ngãi

8

7

1 Moi

Bình Định

12

11

1 Moi

Phú Yên

4

4

 

Khánh Hoà

3

3

 

Bình Thuận

2

2

 

Kon Tum

3

1

2 Jarai

Pleiku

3

1

2 Jarai

Đồng Nai thượng

 

 

 

Haut Donnai

2

1

1 Moi

Lâm Viên

 

 

 

(Lung tả cang)

1

1

 

Phan Rang

2

1

1 Chàm

Đắc Lắc

2

 

2 Rhade

Bà Rịa

1

1

 

Biên Hoà

3

2

1 Moi

Thủ Dầu Một

3

3

 

Tây Ninh

2

2

 

Gia Định

5

5

 

Sài Gòn-Chợ Lớn

5

5

 

Chợ Lớn tỉnh

4

4

 

Tân An

2

2

 

M-'fc Tho

6

6

 

Bến Tre

5

5

 

Trà Vinh

3

3

 

Vĩnh Long

3

3

 

Sa Đéc

4

4

 

Châu Đốc

3

3

 

Hà Tiên

1

1

 

Long Xuyên

4

4

 

Cần Thơ

5

5

 

Sóc Trăng

2

2

 

Gò Công

2

2

 

Bạc Liêu

3

3

 

Rạch Giá

4

4

 

 

329

299

30

 

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Sắc lệnh số 51 năm 1945 về việc ấn định thể lệ cuộc tổng tuyển cử do Chủ tịch nước ban hành

  • Số hiệu: 51
  • Loại văn bản: Sắc lệnh
  • Ngày ban hành: 17/10/1945
  • Nơi ban hành: Chủ tịch nước
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/1945
  • Ngày hết hiệu lực: 13/01/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản