Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2022 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022 (Có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp; báo cáo
- Thường trực Tỉnh ủy; báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh; báo cáo
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Như Điều 2 (thi hành);
- Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC; (P.Hà)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Việt Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 97/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Tổ chức thực hiện có hiệu quả, đầy đủ các nhiệm vụ công tác tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết của Chính phủ; Chương trình hành động của Ngành Tư pháp; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Ngành Tư pháp đã được giao trong các Chương trình, Kế hoạch của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022 đã được xác định tại Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác tư pháp năm 2022.

- Các nhiệm vụ được xác định có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình thực hiện và đảm bảo tính khả thi.

- Phân công trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2022

1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong đó chú trọng vào các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở/ngành Tư pháp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

2. Tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và các Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công tác này, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các sở, ngành, địa phương. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21/12/2020 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và các văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh có liên quan; kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp-Hộ tịch cấp xã; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; quan tâm phát triển hiệu quả, chất lượng hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng.

5. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các vấn đề quốc tịch cụ thể phát sinh trong thực tiễn. Nâng cao số lượng, chất lượng công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

6. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp; đẩy nhanh tiến độ số hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 30/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; kết nối liên thông các hệ thống thông tin chuyên ngành tư pháp với Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử tỉnh. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030.

IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022 bảo đảm hiệu quả và thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Ngành; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.

3. Chủ động hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác của Sở, ngành Tư pháp, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030.

4. Chú trọng công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở; chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Sở, Ngành.

5. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Chương trình này, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch thực hiện chương trình công tác tư pháp năm 2022 và các Kế hoạch theo từng chuyên đề, lĩnh vực theo quy định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình này.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm ban hành kế hoạch triển khai công tác tư pháp năm 2022 và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

3. Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện và phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

4. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thực Chương trình này, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.