Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 941/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2015 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập tổ chức hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi là vùng KTTĐ) giai đoạn 2015 - 2020 trên cơ sở tổ chức lại tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ hiện có để thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối hoạt động phát triển các vùng KTTĐ.
Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm gồm: Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo), Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi là Hội đồng vùng), Tổ điều phối của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi là Tổ điều phối cấp Bộ và Tổ điều phối cấp tỉnh).
Điều 2. Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
1. Nhiệm vụ và quyền hạn:
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành, liên vùng liên quan đến hoạt động điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng KTTĐ; các giải pháp thúc đẩy phối hợp phát triển giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng KTTĐ và giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phối hợp trong việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các liên kết vùng trên các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
c) Theo dõi, đôn đốc và giải quyết các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng KTTĐ.
d) Xây dựng chương trình phối hợp phát triển của các Bộ và các vùng KTTĐ. Tổ chức phối hợp giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác.
đ) Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của các vùng KTTĐ.
2. Thành phần của Ban Chỉ đạo và chế độ làm việc.
a) Trưởng ban: Phó Thủ tướng Chính phủ.
b) Phó Trưởng ban thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
c) Các thành viên Ban Chỉ đạo:
- Thứ trưởng hoặc tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ:
Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.
- Chủ tịch Hội đồng vùng.
d) Chế độ làm việc: Theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Trưởng Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy giúp việc hiện có (Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiện toàn Văn phòng Ban Chỉ đạo bảo đảm đủ nhân lực (bao gồm cả cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm) để thực hiện nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo và công chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo thuộc biên chế công chức của Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ được bố trí trong phạm vi biên chế công chức được giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
e) Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và của Văn phòng Ban Chỉ đạo được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Kinh phí hoạt động được cấp về Văn phòng Ban Chỉ đạo; Văn phòng Ban Chỉ đạo được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 3. Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm
1. Nhiệm vụ và quyền hạn:
Hội đồng vùng là tổ chức kết nối giữa Ban Chỉ đạo với các địa phương trong vùng KTTĐ và chỉ đạo, điều phối các liên kết trong vùng. Hội đồng vùng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Chỉ đạo và tổ chức phối hợp các địa phương trong vùng KTTĐ thực hiện các Quy hoạch phát triển của vùng KTTĐ; theo dõi quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch của địa phương trong vùng. Tiếp nhận, cụ thể hóa, tổ chức vận hành triển khai các văn bản chính sách, chủ trương phát triển, các nội dung thực hiện liên kết vùng.
b) Tổng hợp kế hoạch điều phối hàng năm, xây dựng kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng trong năm kế hoạch; thống nhất kế hoạch liên kết nội bộ vùng với các địa phương trong vùng, xây dựng nội dung, quy mô, mức độ tính chất thực hiện các liên kết, phương thức tổ chức thực hiện các liên kết. Tổng hợp danh mục các chương trình dự án đầu tư phát triển có tính chất liên tỉnh trong vùng.
c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các liên kết, giải quyết các vấn đề nảy sinh hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo phối hợp giải quyết.
d) Tổng hợp, báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của vùng KTTĐ.
2. Thành phần và chế độ làm việc
a) Chủ tịch Hội đồng vùng: Là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố được bầu luân phiên trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ, nhiệm kỳ hai năm.
b) Thành viên Hội đồng vùng: gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ, riêng vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long có sự tham gia của Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
c) Chế độ làm việc: Hội đồng vùng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số và thông qua cơ chế Hội nghị liên tịch. Hội nghị liên tịch được tổ chức mỗi năm hai lần để bàn thảo và quyết định những nội dung hợp tác quan trọng (khi cần Chủ tịch Hội đồng vùng có thể triệu tập họp đột xuất).
Chủ tịch Hội đồng vùng được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng vùng.
d) Cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng vùng là Sở Kế hoạch và Đầu tư (của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao luân phiên làm Chủ tịch Hội đồng vùng). Sở Kế hoạch và Đầu tư sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng vùng.
đ) Kinh phí hoạt động của Hội đồng vùng được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Kinh phí hoạt động được cấp về Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng.
Điều 4. Tổ điều phối của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm
1. Tổ điều phối cấp Bộ:
a) Tổ điều phối cấp Bộ là tổ chức giúp việc cho các Bộ, ngành có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
- Nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng KTTĐ; các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển các vùng KTTĐ;
- Giúp Bộ trưởng chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều phối phát triển các vùng KTTĐ; phối hợp với các Hội đồng vùng kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
- Cung cấp thông tin liên quan tới chủ trương phát triển ngành, tác động của các cơ chế, chính sách của ngành đối với phát triển các vùng KTTĐ;
- Theo dõi, đôn đốc và tháo gỡ các vấn đề điều phối trong vùng KTTĐ thuộc thẩm quyền của các Bộ; tổng hợp báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển các vùng KTTĐ.
b) Tổ điều phối cấp Bộ do lãnh đạo đơn vị tham mưu về công tác kế hoạch và đầu tư của Bộ, ngành làm Tổ trưởng và một số thành viên có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác. Bộ trưởng quyết định số lượng thành viên và nhân sự của Tổ điều phối theo đề nghị của Tổ trưởng Tổ điều phối trên cơ sở khối lượng công việc của mỗi Bộ, ngành.
c) Kinh phí hoạt động của các Tổ điều phối cấp Bộ được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ, ngành và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổ điều phối cấp Bộ được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Bộ, ngành.
2. Tổ điều phối cấp tỉnh:
a) Tổ điều phối cấp tỉnh là tổ chức giúp việc cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
- Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc địa phương thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều phối phát triển các vùng KTTĐ; đề xuất, kiến nghị với Hội đồng vùng kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng;
- Tổng hợp các nội dung liên kết của tỉnh với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác từ việc tổng hợp nhu cầu liên kết từ phía doanh nghiệp, các khu công nghiệp và các địa phương trong tỉnh;
- Cung cấp thông tin liên quan tới chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tác động của các chủ trương này đối với phát triển vùng;
- Theo dõi, đôn đốc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của địa phương trong vùng KTTĐ; tổng họp báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình thực hiện nhiệm vụ điều phối phát triển vùng KTTĐ;
- Đối với địa phương đang đảm nhận vai trò luân phiên Chủ tịch Hội đồng vùng, thì ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Tổ điều phối cấp tỉnh còn có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng vùng chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng vùng.
b) Tổ điều phối cấp tỉnh do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ làm Tổ trưởng và một số thành viên có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định số lượng thành viên và nhân sự của Tổ điều phối cấp tỉnh theo đề nghị của Tổ trưởng Tổ điều phối trên cơ sở khối lượng công việc của địa phương.
c) Kinh phí hoạt động của các Tổ điều phối cấp tỉnh được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổ điều phái cấp tỉnh được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương.
Điều 5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 20/2004/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng kinh tế trọng điểm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 301/QĐ-TTG năm 2005 về việc bổ sung, điều chỉnh thành viên ban chỉ đạo tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1022/QĐ-TTg năm 2004 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 20/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1747/QĐ-TTg năm 2011 sửa đổi Điều 4 Quyết định 20/2004/QĐ-TTg về thành lập Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 3379/BKHĐT-KTĐPLT năm 2015 triển khai xây dựng cơ chế chính sách phối hợp và liên kết vùng trung du và miền núi Bắc Bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6Quyết định 825/QĐ-TTg năm 2020 về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 20/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 825/QĐ-TTg năm 2020 về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 301/QĐ-TTG năm 2005 về việc bổ sung, điều chỉnh thành viên ban chỉ đạo tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1022/QĐ-TTg năm 2004 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 5Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 6Quyết định 1747/QĐ-TTg năm 2011 sửa đổi Điều 4 Quyết định 20/2004/QĐ-TTg về thành lập Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 3379/BKHĐT-KTĐPLT năm 2015 triển khai xây dựng cơ chế chính sách phối hợp và liên kết vùng trung du và miền núi Bắc Bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Quyết định 941/QĐ-TTg năm 2015 thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 941/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/2015
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 657 đến số 658
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra