Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 932/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 06 tháng 6 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP ĐỘI CÔNG NHÂN XUNG KÍCH, TỰ QUẢN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRONG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật An ninh quốc gia ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 07/CT-BCA ngày 15/8/2014 của Bộ Công an về việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-BCA-V28 ngày 03/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”;

Căn cứ Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

Căn cứ Quyết định số 510/QĐ-BCA-V05 ngày 20/01/2022 của Bộ Công an ban hành “Quy định Tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”;

Căn cứ Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 02/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức triển khai, phổ biến Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”;

Căn cứ Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 28/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2022 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Công văn số 669/CAT-PV05 ngày 16/5/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án thành lập Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2023 - 2025.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an (qua V05);
- TTTU, TTHĐND;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- LĐVP, PNC;
- Lưu: VT, N04.

CHỦ TỊCH




Trần Tuệ Hiền

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP “ĐỘI CÔNG NHÂN XUNG KÍCH, TỰ QUẢN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ” TRONG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 06/6/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Khái quát tình hình chung

Bình Phước là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược về an ninh - quốc phòng, nằm trong quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước. Hiện nay, tỉnh có trên 5.364 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh tế (sau đây gọi chung, viết tắt là DN) đang hoạt động với tổng số lao động là hơn 167.000 người, chiếm khoảng 30,9% lực lượng lao động toàn tỉnh1. Toàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 13 KCN và 02 KCN trong khu kinh tế (KKT) cửa khẩu thu hút 379 dự án đầu tư vào KCN (trong đó có 283 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 96 dự án có vốn đầu tư trong nước) với diện tích thuê đất là 1.369,4ha; tổng số vốn đầu tư đăng ký là 17.374,16 tỷ đồng và 2.954,58 triệu USD. Trong KCN hiện có 181 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động Việt Nam và 1.100 lao động nước ngoài.

Riêng KKT Cửa khẩu Hoa Lư với diện tích trên 28.000ha, đã thu hút được 90 dự án đầu tư, chủ yếu thu mua nông sản, kinh doanh các dịch vụ cho thuê kho bãi, trong đó có 38 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số lao động khoảng 1.000 người (chủ yếu là lao động thời vụ).

Về tổ chức công đoàn: Toàn tỉnh có 432 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong DN với 71.479 đoàn viên/79.422 công nhân lao động tại 11 công đoàn huyện, thị xã, thành phố, 02 công đoàn ngành, 02 công đoàn KCN và các CĐCS trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý2.

Về quy mô tổ chức của lực lượng bảo vệ: Hiện tại lực lượng bảo vệ trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 500 người thuộc các công ty chuyên về dịch vụ bảo vệ trong và ngoài tỉnh cung ứng. Hầu hết nhân viên bảo vệ đều được các công ty dịch vụ tuyển chọn và hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để xử lý các tình huống xảy ra, đáp ứng hoạt động bảo vệ tại địa bàn.

Với lợi thế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; trong những năm qua Bình Phước thu hút gần 301 dự án đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

2. Tính cấp thiết của Đề án

Bên cạnh những thuận lợi, Bình Phước vẫn là địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự (ANTT), do có đường biên giới dài 258,939km tiếp giáp với 03 tỉnh biên giới Campuchia (Monđulkiri, Kratie, Tabong Khmum). Tình hình tội phạm tiềm ẩn phức tạp do địa bàn rộng, mật độ phân bố dân cư không đồng đều, nhiều nơi vắng vẻ đan xen vườn, rẫy và rừng tự nhiên, người nhập cư tự do đến tỉnh Bình Phước làm ăn, sinh sống tăng đột biến trong những năm gần đây. Trong đó có hàng ngàn công nhân, người lao động nhập cư tạm trú đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Do số lượng công nhân, người lao động tập trung đông, nhiều thành phần, lại xuất thân từ nhiều vùng miền với tập quán, lối sống khác nhau, chưa quen với môi trường lao động công nghiệp nên có lúc phát sinh mâu thuẫn giữa công nhân, người lao động với nhau, kể cả xung đột về lợi ích giữa công nhân, người lao động với chủ DN... dẫn đến xảy ra tình trạng xâm hại sức khỏe, tính mạng và tài sản của công nhân, người lao động hoặc tranh chấp lao động, đình công, lãn công, ngừng việc tập thể.

Theo thống kê của lực lượng Công an tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2018 đến cuối tháng 8/2022, trong các KCN và các DN ngoài KCN đã xảy ra trên 249 vụ vi phạm pháp luật (giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, an ninh mạng...); 24 vụ đình, lãn công, ngừng việc tập thể với hơn 12.340 lượt công nhân tham gia3 đã ảnh hưởng tác động xấu đến thu hút đầu tư cũng như đời sống công nhân, người lao động và ANTT của các DN trong và ngoài KCN. Các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật như: giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật; trộm cắp, cướp, cướp giật, hủy hoại, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ; cho vay lãi nặng (tín dụng đen); “bảo kê”; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả; buôn lậu; các tệ nạn xã hội: mại dâm, ma túy, cá độ, số đề, đánh bài, xóc đĩa, tài xỉu, đá gà... cũng xâm nhập và hoạt động khá phổ biến tại các KCN, cụm công nghiệp (CCN), KKT, các khu nhà trọ, nơi tập trung đông công nhân, người lao động đã làm tình hình ANTT ngày càng diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình chung về ANTT trên địa bàn tỉnh.

Với tình hình thực tiễn như trên cùng với việc thực hiện mục tiêu thành lập mới 6.000 DN, 150 hợp tác xã, tạo mới 200.000 việc làm4 trong 04 năm tới thì dự báo làn sóng công nhân, người lao động nhập cư vào địa bàn tỉnh sẽ tăng cao, tập trung đông tại các KCN, CCN, KKT và các DN ngoài KCN, CCN, KKT sẽ tiềm ẩn nhiều phức tạp về công tác quản lý con người. Đây cũng là điều kiện thuận lợi dễ phát sinh mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ công nhân, người lao động cùng với các lợi ích khác, đồng thời nguy cơ các loại tội phạm lợi dụng ẩn náu để hoạt động phạm tội cũng rất khó lường, tác động tiêu cực đến ANTT của tỉnh. Để xử lý kịp thời tình hình ANTT trong các KCN, CCN, KKT và các DN ngoài KCN, CCN, KKT trước mắt cũng như lâu dài, hạn chế mức độ thiệt hại và ngăn chặn hiệu ứng lây lan. Nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ số thiết chế pháp lý và ANTT trong Đề án “Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025” nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện Chỉ số PCI (Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), DDCI (Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương) của tỉnh. Trong đó, phải nỗ lực phấn đấu giữ gìn tốt tình hình ANTT (năm 2019 có giá trị 52%, xếp hạng 51/63; năm 2020 tăng 3% lên 55% nhưng giảm 10 bậc, xếp hạng 61/63); làm trong sạch địa bàn không để tình trạng các băng nhóm côn đồ, xã hội đen thu tiền “bảo kê” của các DN để yên ổn làm ăn (năm 2019 có giá trị 2,25%, xếp hạng 47/63; năm 2020 giảm 1,17% còn 1,08% nhưng thứ hạng vẫn giảm 11 bậc, xếp hạng 36/63); kiềm giảm tỷ lệ DN bị mất trộm tài sản (năm 2019 có giá trị 17%, xếp hạng 52/63; năm 2020 tăng 4% lên 21% nhưng giảm 08 bậc, xếp hạng 60-61/63); nếu xảy ra thì nhanh chóng giải quyết các vụ mất trộm tài sản của DN đạt hiệu quả cao (năm 2019 có giá trị 55%, xếp hạng 44/63; năm 2020 tăng 18% lên 31% nhưng vẫn giảm 23 bậc, xếp hạng 21/63)5.

Do đó, việc xây dựng Đề án thành lập “Đội Công nhân xung kích, tự quản về ANTT giai đoạn 2022 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đội CNXK) tại DN trong và ngoài KCN, CCN, KKT là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa chính trị, thể hiện phương châm “An ninh chủ động”; vừa xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vững chắc trong khu vực DN, KCN, CCN, KKT vừa là giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả giúp cho DN và các KCN, CCN, KKT chủ động quản lý, giữ gìn ANTT theo phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng, góp phần cải thiện Chỉ số PCI phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

3. Căn cứ xây dựng Đề án

a) Cơ sở chính trị

- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” (đã được cụ thể hóa tại Kế hoạch số 163-KH/TU ngày 26/3/2019 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 02/7/2019 của UBND tỉnh);

- Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới;

- Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”;

- Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Kết luận số 386-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giai đoạn 2021 - 2025.

b) Căn cứ pháp lý

- Luật An ninh quốc gia năm 2004;

- Luật Công an nhân dân năm 2018;

- Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ về Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;

- Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

- Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 của Bộ Công an về “Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, DN, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới”;

- Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh, trật tự đối với KKT, KCN, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài;

- Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 25/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm ANTT đối với KKT, KCN, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài;

- Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh Bình Phước về việc tiếp tục “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, DN, trường học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình mới”;

- Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Bình Phước và Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và Địa phương (DDCI) của tỉnh Bình Phước (phần Chỉ số thiết chế pháp lý và ANTT);

- Đề án “Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2021-2025”;

- Đề án số 06/ĐA-BCA ngày 07/9/2021 của Bộ Công an về công tác công an bảo đảm ANTT các KKT, KCN, khu công nghệ cao (KCNC), DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI);

- Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Thông tư số 122/2021/TT-BCA ngày 21/12/2021 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ;

- Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, DN, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”;

- Quyết định số 510/QĐ-BCA-V05 ngày 20/01/2022 của Bộ Công an ban hành “Quy định Tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”;

- Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 28/7/2022 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giai đoạn 2022 - 2025.

c) Căn cứ thực tiễn

Từ đầu năm 2019, Công an tỉnh (trực tiếp là Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ) đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tiến hành nghiên cứu xây dựng mô hình “Đội CNXK” trong các DN. Đến đầu năm 2021 đã vận động thành lập được 03 mô hình thí điểm, gồm: “Đội CNXK” tại Chi nhánh Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An, trú đóng tại xã Minh Hưng, Chơn Thành (36 đội viên); Công ty TNHH MTV giấy Khôi Nguyên, trú đóng tại KCN Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành (20 đội viên). Đầu năm 2022, tiếp tục vận động, hướng dẫn thành lập 07 “Tổ CNXK” thuộc Xí nghiệp Công trình công cộng thành phố Đồng Xoài 217 thành viên). Qua thời gian hơn 01 năm hoạt động, bước đầu các chủ DN đánh giá các Đội, Tổ CNXK đã phát huy được tinh thần xung kích, tự quản về ANTT, hỗ trợ lực lượng bảo vệ chuyên trách tổ chức tuần tra bảo đảm ANTT trong DN, phát hiện, nhắc nhở nhiều trường hợp công nhân, người lao động chấp hành nội quy và giữ gìn ANTT, kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ, ngăn ngừa có hiệu quả những hành vi gây rối, xâm hại sức khỏe, tính mạng công nhân, người lao động hoặc kích động đình, lãn công, ngừng việc tập thể. Từ đó tăng cường công tác lãnh đạo giữ gìn ANTT, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tài sản trong nhà xưởng hoặc của công nhân, người lao động; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và phòng, chống cháy nổ để phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cho khách hàng, công nhân, người lao động và tài sản tại DN. Chủ 03 DN và lực lượng công nhân rất ủng hộ việc thành lập, duy trì hoạt động của “Đội CNXK”, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đội viên và hiệu quả hoạt động của mô hình này.

Tuy nhiên, do đây là mô hình mới được thành lập và đi vào hoạt động đầu tiên trên địa bàn tỉnh nói chung và trong các DN nói riêng nên công tác quản lý, điều hành của chủ DN, công tác phối hợp của các cơ quan chức năng và lực lượng Công an địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn chưa chặt chẽ, toàn diện và thống nhất; chưa huy động được sự vào cuộc của các ngành, các cấp có liên quan từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động thành lập “Đội CNXK” tại các DN trong và ngoài KCN, CCN, KKT chưa thực sự sâu rộng nên hầu hết các chủ DN chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm bảo đảm ANTT, dẫn đến chưa có sự đồng thuận cao, còn tâm lý công tác bảo đảm ANTT là của lực lượng Công an và hệ thống chính quyền, do đó DN chưa tích cực phối hợp cùng với ngành Công an, các cơ quan, ban ngành trong công tác xây dựng các lực lượng tự quản về ANTT, mà cụ thể là “Đội CNXK” tại DN mình.

Do đó, việc Đề án thành lập “Đội CNXK” trong các DN trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023 - 2025 được triển khai thực hiện sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong DN phát triển; các cơ quan chức năng sẽ phối hợp có hiệu quả trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thống nhất việc hướng dẫn quá trình thành lập, tổ chức hoạt động, từ đó phát huy tính chủ động, kịp thời của các thành viên “Đội CNXK” trong công tác giữ gìn ANTT. Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong DN, nhất là DN FDI, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm chỉ đạo

- Bảo đảm tình hình ANTT nói chung và trong DN nói riêng trước hết là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an gắn với trách nhiệm của chủ DN, cùng với việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia với những giải pháp thống nhất, đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả.

- “Đội CNXK” là mô hình tự quản của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong DN. Do đó, trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và triển khai thực hiện phải bám sát nội dung các Kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị; Nghị định của Chính phủ; Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư, Quyết định của Bộ Công an; các văn bản lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh trong lĩnh vực xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trọng tâm là quan điểm chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến giữ gìn ANTT có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, bằng nhiều hình thức “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” từ cơ sở.

- Phải tạo được sự đồng thuận của chủ DN trong việc thành lập, duy trì hoạt động của “Đội CNXK”; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN với công nhân, người lao động theo phương châm “vừa bảo vệ tài sản của DN, vừa giữ gìn trật tự an toàn xã hội”. Đây là quyền lợi, nghĩa vụ của DN, cũng là quyền lợi, nghĩa vụ của đội ngũ công nhân và người lao động. Đề cao tính tự giác, tự nguyện, gương mẫu của mỗi cá nhân khi tham gia mô hình.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Huy động, sử dụng sức mạnh tổng hợp của đội ngũ công nhân, người lao động, người quản lý trong DN tích cực tham gia phong trào xây dựng DN “An toàn về ANTT”; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ tài sản DN nhằm phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng, phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật những vụ việc có liên quan đến ANTT.

b) Mục tiêu cụ thể

Căn cứ tình hình thực tế tại từng địa phương, quy mô các KCN, CCN, KKT trên địa bàn tỉnh và dự báo xu thế phát triển DN trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tập trung lựa chọn vận động thành lập ít nhất 150 Đội CNXK ở DN (cả trong và ngoài KCN, CCN, KKT), đạt tỷ lệ khoảng 50% tổng số DN đủ điều kiện thành lập. Cụ thể như sau:

- Năm 2023, triển khai Đề án và thành lập 25 Đội CNXK; trong đó 10 Đội CNXK thuộc các DN nằm trong KCN, CCN; 15 Đội CNXK thuộc các DN nằm ngoài KCN, cụ thể:

+ Địa bàn thành phố Đồng Xoài: 04 Đội CNXK (trong KCN, CCN: 03, ngoài KCN: 01);

+ Địa bàn huyện Đồng Phú: 04 Đội CNXK (trong KCN, CCN: 03, ngoài KCN: 01);

+ Địa bàn thị xã Chơn Thành: 05 Đội CNXK (trong KCN, CCN: 04; ngoài KCN: 01);

+ Địa bàn thị xã Bình Long: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn thị xã Phước Long: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Hớn Quản: 01 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Lộc Ninh: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Đăng: 01 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Đốp: 01 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Phú Riềng: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Gia Mập: 01 Đội CNXK.

- Năm 2024, thành lập 70 Đội CNXK. Trong đó có 40 Đội CNXK thuộc các DN nằm trong KCN, CCN; 30 Đội CNXK thuộc các DN nằm ngoài KCN, cụ thể:

+ Địa bàn thành phố Đồng Xoài: 10 Đội CNXK (trong KCN: 08, ngoài KCN: 02);

+ Địa bàn huyện Đồng Phú: 18 Đội CNXK (trong KCN: 15, ngoài KCN: 03);

+ Địa bàn thị xã Chơn Thành: 22 Đội CNXK (trong KCN: 17, ngoài KCN: 05);

+ Địa bàn thị xã Bình Long: 03 Đội CNXK;

+ Địa bàn thị xã Phước Long: 03 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Lộc Ninh: 04 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Đăng: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Hớn Quản: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Đốp: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Phú Riềng: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Gia Mập: 02 Đội CNXK.

- Năm 2025, thành lập 55 Đội CNXK. Trong đó có 30 Đội CNXK thuộc các DN nằm trong KCN, CCN; 25 Đội CNXK thuộc các DN nằm ngoài KCN, cụ thể:

+ Địa bàn thành phố Đồng Xoài: 10 Đội CNXK (trong KCN: 08, ngoài KCN: 02);

+ Địa bàn huyện Đồng Phú: 12 Đội CNXK (trong KCN: 10, ngoài KCN: 02);

+ Địa bàn thị xã Chơn Thành: 15 Đội CNXK (trong KCN: 12, ngoài KCN: 03);

+ Địa bàn thị xã Bình Long: 03 Đội CNXK;

+ Địa bàn thị xã Phước Long: 03 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Lộc Ninh: 04 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Đăng: 01 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Hớn Quản: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Đốp: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Phú Riềng: 02 Đội CNXK;

+ Địa bàn huyện Bù Gia Mập: 01 Đội CNXK.

- Tổ chức kiểm tra, tổng kết 03 năm thực hiện Đề án, khen thưởng và nhân rộng điển hình; kiến nghị giải pháp tiếp tục thực hiện giai đoạn 2026 - 2030.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị, địa phương có liên quan chủ động tổ chức rà soát, đánh giá và tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đề nghị tiếp tục thành lập các Đội CNXK phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

3. Yêu cầu

- Đề án được triển khai thực hiện trong 03 năm (2023 - 2025); nội dung thực hiện phải phù hợp với thực tế công tác bảo đảm ANTT tại các DN và địa phương; vận dụng triệt để hiệu quả phương châm 04 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” trong giải quyết các vụ việc đình, lãn công, gây mất ANTT của công nhân và các hành vi gây hại cho DN của các đối tượng xấu.

- Xây dựng Đội CNXK phải gắn với nội dung, yêu cầu và tinh thần chỉ đạo tại các văn bản pháp lý đã nêu tại điểm b khoản 3 Mục I của Đề án này.

- Quá trình tổ chức thành lập và hoạt động của Đội CNXK không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN.

4. Phạm vi của Đề án

Đội CNXK được thành lập trong DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, tập trung vào những địa bàn có nhiều DN hoạt động, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT; DN có yếu tố nước ngoài, DN sử dụng số lượng lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực giày da, may mặc, dệt nhuộm, giấy, gỗ, điện tử... có nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình, lãn công, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường dẫn đến gây bất ổn tình hình trên địa bàn.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

1. Thành lập Đội CNXK

a) Tiêu chí thành lập

DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động từ 100 người trở lên; DN có số lao động dưới 100 người nhưng do yêu cầu bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình ANTT mà chủ DN và địa phương quyết định thành lập với số lượng được lựa chọn căn cứ vào mục tiêu cụ thể đã nêu.

b) Cơ cấu tổ chức

- Mỗi doanh nghiệp thành lập 01 Đội CNXK, tối thiểu có 10 đội viên, có 01 đội trưởng và từ 01 đến 02 Đội phó. Căn cứ vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, địa bàn trú đóng, số lượng công nhân... chủ DN quyết định số lượng đội viên Đội CNXK phù hợp. Nếu số lượng đội viên nhiều, thì chia làm nhiều tổ, mỗi Tổ có từ 07 đến 12 đội viên và phân công 01 Tổ trưởng phụ trách, có từ 01 đến 02 tổ phó giúp việc.

- Đội trưởng, Đội phó là người có năng lực quản lý và điều hành trong DN, do chủ DN lựa chọn.

- Tổ trưởng, đội viên là người có hợp đồng lao động, đang làm việc tại DN; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động. Ưu tiên lựa chọn trong số công đoàn viên tiêu biểu; công nhân đã hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang; lực lượng phòng cháy, chữa cháy bán chuyên trách; lực lượng bảo vệ nội bộ DN.

- Nếu DN có nhiều chi nhánh có trụ sở hoạt động độc lập thì việc thành lập Đội CNXK tại nơi này theo cơ cấu như trên.

c) Trình tự thành lập

- Bước 1: Chủ DN quyết định chủ trương thành lập Đội CNXK tại DN; cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp với cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân thống nhất cơ cấu tổ chức của Đội, lựa chọn thành viên tham gia, phân công Đội trưởng, Đội phó và các Tổ trưởng, Tổ phó (nếu có). Dự thảo quyết định thành lập, danh sách chỉ huy Đội và đội viên, quyết định ban hành quy chế, bản quy chế hoạt động của Đội CNXK.

- Bước 2: Chủ DN ký Quyết định thành lập, Danh sách Chỉ huy Đội và đội viên, Quyết định ban hành quy chế (kèm theo bản Quy chế hoạt động của Đội CNXK).

- Bước 3: DN chuyển Quyết định thành lập, Danh sách Chỉ huy Đội và đội viên, Quyết định ban hành quy chế (kèm theo bản Quy chế hoạt động của Đội CNXK) đến cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân để trình Chủ tịch UBND cùng cấp phê chuẩn.

- Bước 4: DN chủ động tổ chức công bố các quyết định thành lập và ra mắt, giao nhiệm vụ cho Đội CNXK tại DN.

- Bước 5: DN phối hợp cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân tổ chức tập huấn pháp luật, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT cho thành viên Đội CNXK (có thể tổ chức tập huấn đơn lẻ tại DN hoặc liên kết nhiều DN với nhau).

* Trong quá trình hoạt động, nếu cần thay đổi, bổ sung quy chế hoặc chỉ huy, thành viên Đội CNXK thì DN trao đổi thống nhất với cơ quan Công an cấp huyện nơi DN đứng chân. Sau đó tiến hành thủ tục theo trình tự từ Bước 2 đến Bước 5.

2. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động

- Đội CNXK chịu sự quản lý điều hành, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của chủ DN. Hoạt động của Đội CNXK phải tuân thủ đúng pháp luật và quy chế hoạt động.

- Thành viên Đội CNXK ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất thường xuyên theo hợp đồng lao động, khi được triệu tập để thực hiện công tác học tập, huấn luyện theo quy chế, kế hoạch hoạt động của Đội CNXK và tham gia giải quyết các tình huống phát sinh về ANTT theo phân công của chủ DN và Chỉ huy đội thì chủ DN sắp xếp, bố trí thời gian cho các thành viên tham gia theo yêu cầu.

- Đội CNXK hoạt động trong phạm vi địa giới hành chính của DN. Khi có yêu cầu của lực lượng Công an hoặc đề nghị của các DN trong cùng khu vực để hỗ trợ cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, truy bắt người phạm tội quả tang thì được tham gia hoạt động bên ngoài khuôn viên DN nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật hiện hành.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm

a) Nhiệm vụ

- Phối hợp với Công an, dân quân tự vệ của DN, bảo vệ chuyên trách, tổ chức Công đoàn và các lực lượng chức năng khác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động trong DN thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, biện pháp công tác của cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở... nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người, hướng dẫn các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT.

- Tham gia phòng, chống tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý. Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong DN, góp phần xây dựng DN an toàn.

- Thực hiện các biện pháp giữ gìn ANTT do lực lượng Công an hướng dẫn để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời đề xuất với chủ DN biện pháp xử lý.

- Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến ANTT phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của DN, cấp cứu nạn nhân, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.

- Thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn trật tự công cộng.

- Phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an KCN nơi DN đứng chân, lực lượng dân quân tự vệ của DN, bảo vệ chuyên trách và các lực lượng chức năng khác trong trong công tác nắm tình hình, bảo đảm ANTT, an toàn DN; đề xuất với chủ DN xây dựng nội quy bảo vệ, kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Thực hiện những nhiệm vụ cụ thể khác để bảo vệ DN do chủ DN giao theo đúng quy định của pháp luật.

- Thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trên tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đoàn kết, chủ động, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

b) Quyền hạn, trách nhiệm

- Chủ doanh nghiệp

+ Quyền hạn: Huy động Đội CNXK thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tình hình ANTT; lựa chọn, quyết định danh sách thành viên Đội CNXK; yêu cầu đội viên thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao; quyết định khen thưởng, kỷ luật theo quy chế của DN; đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

+ Trách nhiệm: Chỉ đạo tổ chức xây dựng, kiểm tra thực hiện kế hoạch, nội quy bảo vệ DN; chỉ đạo Đội CNXK thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong việc triển khai kế hoạch, phương án giữ gìn ANTT; căn cứ yêu cầu, tính chất, quy mô của DN để quyết định hình thức tổ chức, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, chế độ hỗ trợ, trang bị phương tiện cho hoạt động của Đội; chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an tổ chức tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, huấn luyện kỹ năng thực thi nhiệm vụ cho Đội CNXK.

- Đội viên

+ Quyền hạn: Được cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật có liên quan đến DN và công nhân; tham gia sinh hoạt, tọa đàm, thảo luận, biểu quyết các vấn đề hoạt động của Đội CNXK. Được tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng phát hiện, bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang; công tác tuần tra canh gác, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Được hỗ trợ kinh phí, trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ theo quy định khi làm nhiệm vụ; có thành tích thì được khen thưởng, nếu vi phạm thì bị xem xét tùy theo tính chất, mức độ có thể đưa ra khỏi Đội CNXK, nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong thời gian được huy động làm nhiệm vụ mà bị ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước hiện hành (có thể được hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và khoản 3 Điều 38, khoản 2 Điều 39 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng); hoặc được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng).

+ Trách nhiệm: Nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế hoạt động, kế hoạch công tác của Đội CNXK, phân công nhiệm vụ của Chỉ huy đội; làm tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ.

4. Tập huấn, trang bị

a) Tập huấn về lý thuyết và thực hành các kỹ năng

- Nhận thức chung về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

- Công tác nắm tình hình và phương pháp phối hợp trao đổi, xử lý thông tin... có liên quan đến ANTT.

- Nhận diện về hành vi vi phạm pháp luật thường xảy ra; nhận biết hành vi phạm tội quả tang và kỹ năng khống chế, bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang;

- Công tác sơ, cấp cứu người bị hại, tai nạn...

- Kỹ năng sử dụng gậy gỗ;

- Công tác bảo vệ hiện trường;

- Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy;

- Phương pháp tuần tra, canh gác bảo vệ DN.

b) Thời gian tập huấn

Đội CNXK được tập huấn từ 01 - 03 ngày/năm; trường hợp đột xuất được huấn luyện theo đề nghị của DN.

c) Trang bị cho Đội CNXK

Đội CNXK được trang bị đồ bảo hộ và gậy gỗ khi tham gia tuần tra canh gác và giải quyết các vụ việc liên quan đến tình hình ANTT.

5. Kinh phí hoạt động

- Nguồn kinh phí địa phương: Chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp huyện (công tác khảo sát, xây dựng đề án; chi tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn; sơ, tổng kết hàng năm; chi khen thưởng theo quy định hiện hành) thực hiện theo phân cấp ngân sách.

- Nguồn kinh phí của doanh nghiệp: Hàng tháng chủ DN chi hỗ trợ kinh phí cho Chỉ huy và các thành viên Đội CNXK, mức kinh phí hỗ trợ tùy theo điều kiện của DN nhưng tối thiểu bằng hệ số 0,5 nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm hiện tại (hiện này là 1.490.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ); chi tập huấn, chi mua công cụ, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ; chi phí nhiên liệu, văn phòng phẩm và các chi phí khác đảm bảo hoạt động thường xuyên cho Đội CNXK. Chi phí này được tính trong chi phí quản lý của DN theo quy định hiện hành:

+ Điều 16 Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ quy định tại Khoản 2: “Kinh phí hoạt động của lực lượng bảo vệ tại các DN được tính trong chi phí quản lý của các DN” và Khoản 3: “Tài trợ; ủng hộ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.

+ Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và của Bộ Tài chính) quy định: “Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào”.

+ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và của Bộ Tài chính) quy định: “Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp DN chi trả chi phí cho hoạt động của lực lượng bảo vệ DN có chứng từ, hóa đơn hợp pháp đáp ứng đầy đủ các quy định nêu trên thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

IV. KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Kinh phí thực hiện Đề án được xem xét cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm theo các quy định hiện hành. Chi các nội dung cụ thể sau:

1. Khảo sát, xây dựng Đề án.

2. Phục vụ công tác tuyên truyền, vận động thành lập mô hình.

3. Tổ chức tập huấn pháp luật, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ trong Đề án.

4. Khảo sát giữa năm 2024 và tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện Đề án.

5. Kiểm tra, tổng kết 03 năm thực hiện Đề án, khen thưởng và nhân rộng điển hình; kiến nghị giải pháp tiếp tục thực hiện giai đoạn 2026 - 2030.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án cấp tỉnh

a) Thành viên Ban Chỉ đạo, gồm:

- Trưởng ban: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Phó Ban Chỉ đạo PCTP, TNYH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh);

………………… gồm:

+ Đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính;

+ Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế tỉnh;

+ Đồng chí Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh;

+ Đồng chí Giám đốc Sở Công Thương.

b) Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh:

- Chỉ đạo công tác triển khai tổ chức thực hiện Đề án;

- Kiểm tra, hướng dẫn;

- Sơ, tổng kết và khen thưởng theo quy định.

c) Thành viên Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:

- Tổ trưởng: Đồng chí Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ - Công an tỉnh;

- Các tổ viên: Đồng chí Trưởng phòng chức năng thuộc Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Cục Thuế, Ban Quản lý KKT tỉnh và Sở Công Thương.

- Nhiệm vụ của Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Tham mưu ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; giúp Ban Chỉ đạo theo dõi hoạt động của các cấp cơ sở, thông tin báo cáo, chuẩn bị nội dung và phục vụ các cuộc kiểm tra, khen thưởng; sơ, tổng kết các chuyên đề và tổ chức các hội nghị.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án cấp huyện

a) Thành viên Ban Chỉ đạo, gồm:

- Trưởng ban: Đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện;

- Cơ quan thường trực cấp huyện - Kiêm Phó Trưởng ban Thường trực: Đồng chí Trưởng Công an cấp huyện;

- Phó Trưởng ban: Đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện;

- Các thành viên, gồm:

+ Đồng chí Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội;

+ Đồng chí Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch;

+ Đồng chí Chi Cục trưởng Chi cục thuế;

+ Đồng chí Chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN.

b) Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện:

- Tổ chức thực hiện Đề án thuộc phạm vi trách nhiệm của cấp huyện.

- Chỉ đạo thành lập các Đội CNXK ở các DN trên địa bàn (Hướng dẫn DN trình tự; thủ tục ban hành Quyết định thành lập, Danh sách Đội Công nhân xung kích, tự quản về ANTT, Quyết định ban hành và Quy chế hoạt động của Đội CNXK, tự quản về ANTT; thẩm định tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện phê chuẩn các quyết định thành lập và ban hành quy chế của DN).

- Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho các Đội CNXK.

- Phối hợp với DN hướng dẫn Đội CNXK hoạt động thường xuyên, nề nếp.

- Báo cáo sơ, tổng kết theo quy định.

c) Thành viên Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp huyện

- Tổ trưởng: Đồng chí Đội trưởng Xây dựng phong trào - Công an cấp huyện.

- Các tổ viên: Đồng chí Trưởng bộ phận chức năng thuộc Liên đoàn lao động, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục thuế và các Nhà đầu tư hạ tầng KCN, CCN.

- Nhiệm vụ của Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp huyện: Tham mưu ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện; giúp Ban Chỉ đạo theo dõi hoạt động của các cấp cơ sở, thông tin báo cáo, chuẩn bị các cuộc kiểm tra, khen thưởng; sơ, tổng kết các chuyên đề và tổ chức các hội nghị.

3. Phân công trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Đề án

a) Công an tỉnh - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo

- Thực hiện nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo;

- Có trách nhiệm tổ chức khảo sát, tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án gắn với Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, DN, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và Quyết định số 510/QĐ-BCA-V05 ngày 20/01/2022 của Bộ Công an ban hành “Quy định Tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”; tham mưu báo cáo, tổ chức hội nghị sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án hằng năm; xây dựng quy chế hoạt động, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Đội CNXK; Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm túc Đề án này lồng ghép với Chương trình, Kế hoạch công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, DN, cơ sở giáo dục hằng năm. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện Đề án tại Ban Chỉ đạo cấp huyện và các DN trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ thời gian đã định. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tham mưu đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức, thực hiện Đề án cùng với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

- Phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan dự trù kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình đã đề ra. Tùy theo nhiệm vụ và tình hình thực tế hằng năm để bố trí nguồn kinh phí phù hợp, đúng quy định để bảo đảm thực hiện Đề án đạt kết quả tốt nhất.

- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện việc xem xét, thẩm định và đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ, chính sách cho đội viên Đội CNXK bị thương, bị thiệt mạng, bị thiệt hại về tài sản khi tham gia công tác giữ gìn ANTT theo quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước hiện hành.

b) Liên đoàn Lao động tỉnh

- Vận động chủ DN thành lập Đội CNXK và vận động đoàn viên công đoàn, công nhân tiêu biểu tham gia Đội CNXK.

- Phối hợp Công an tỉnh và các ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền nội dung, ý nghĩa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong DN, nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân, người lao động trong việc bảo vệ tài sản và giữ gìn ANTT DN; Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và tham gia các đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện Đề án tại Ban Chỉ đạo cấp huyện và các DN trên địa bàn toàn tỉnh.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc xem xét, thẩm định hỗ trợ, chính sách cho thành viên Đội CNXK bị thương, bị thiệt mạng khi tham gia công tác giữ gìn ANTT theo quy định hiện hành.

- Đối với các đối tượng hy sinh trong các trường hợp “Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội” được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 thì căn cứ điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

- Đối với các đối tượng bị thương theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 thì căn cứ khoản 3 Điều 38 và khoản 2 Điều 39 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Đồng thời cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

d) Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, phối hợp với Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định hiện hành, thực hiện phân bổ lồng ghép các nhiệm vụ trong dự toán giao hàng năm và quyết toán theo quy định.

đ) Cục Thuế tỉnh

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các chế độ, chính sách về thuế đối với các DN trong việc tổ chức thành lập và duy trì hoạt động Đội CNXK.

e) Ban Quản lý Khu kinh tế

Tham gia thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc. Có trách nhiệm tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong các KCN, KKT thành lập Đội CNXK.

g) Sở Công Thương

Tham gia thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc. Có trách nhiệm tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong các CCN thành lập Đội CNXK.

i) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Có trách nhiệm lập danh sách Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. Phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án ở địa phương mình; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của Đội CNXK; phê chuẩn quyết định thành lập, danh sách, quy chế hoạt động Đội CNXK của các DN trên địa bàn.

- Chỉ đạo lực lượng Công an cùng cấp chủ trì, phối hợp, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ DN thành lập Đội CNXK; phối hợp Ban lãnh đạo DN hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho các Đội CNXK hoạt động.

- Chỉ đạo lực lượng Quân sự và các ngành chức năng thuộc quyền phối hợp Công an cùng cấp tổ chức vận động, hướng dẫn, phối hợp DN thành lập Đội CNXK.

- Khen thưởng hoặc đề xuất cấp trên có hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích; xác minh, đề nghị chế độ, chính sách đối với cá nhân bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản trong quá trình tham gia công tác giữ gìn ANTT theo quy định.

- Tổ chức sơ, tổng kết và báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình hoạt động Đội CNXK về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Trên đây là Đề án thành lập “Đội CNXK” trong DN trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2023 - 2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương và DN có ý kiến phản ánh về Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 



1 Trích Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

2 Trích Báo cáo tình hình đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của Liên đoàn lao động tỉnh (ngày 29/4/2021).

3 Số liệu trích từ báo cáo của các phòng nghiệp vụ và Công an thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành năm 2018, 2019, 2020, 2021 và 7 tháng đầu năm 2022.

4 Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI.

5 Trích Phụ lục 10 Báo cáo số 178/BC-TCT ngày 29/6/2021 của Tổ công tác PCI Bình Phước.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 932/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án thành lập Đội Công nhân xung kích, tự quản về an ninh, trật tự trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 932/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Trần Tuệ Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản