Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 44-KL/TW

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019

 

KẾT LUẬN
CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 09-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA XI VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tại phiên họp ngày 18/12/2018, sau khi nghe Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới (viết tắt là Chỉ thị số 09) và ý kiến của các cơ quan, Ban Bí thư đã kết luận như sau:

1. Thực hiện Chỉ thị số 09, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân về nhiệm vụ này được nâng cao hơn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được quan tâm. Nội dung, hình thức của Phong trào được đổi mới, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều mô hình, điển hình có hiệu quả được nhân rộng. Nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã được phát hiện và giải quyết kịp thời tại cơ sở. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã gắn kết, cùng phát triển với các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần quan trọng bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có lúc, có nơi chưa được duy trì thường xuyên, chưa vững chắc; nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của Phong trào trong xây dựng, tăng cường thế trận an ninh nhân dân chưa đầy đủ. Nội dung, chất lượng, hiệu quả của một số mô hình vận động nhân dân tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn hạn chế; lực lượng nòng cốt ở một số nơi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do: Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số nơi chưa cao. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chưa chặt chẽ. Công tác tham mưu, phối hợp để giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, những vấn đề phức tạp về an ninh liên quan đến tôn giáo, dân tộc ở một số địa phương còn lúng túng, hiệu quả thấp. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, đặc biệt là ở các cộng đồng dân cư chưa được thực sự quan tâm đúng tầm mức.

2. Tình hình an ninh, trật tự hiện nay đang có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối đang lợi dụng dân chủ và không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ..., bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi, song còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp; một số nơi tội phạm hoạt động còn lộng hành, thách thức, gây án theo kiểu "xã hội đen"... gây tâm lý bất an trong xã hội. Tình hình trên, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước phát triển.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư; đồng thời quán triệt và tập trung thực hiện một số nội dung sau:

2.1. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là cơ sở rất quan trọng để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả của Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu; là biện pháp cơ bản, quan trọng để đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

2.2. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, phức tạp về an ninh, trật tự, tuyến biên giới, biển, đảo. Lưu ý mọi chủ trương, biện pháp, kế hoạch vận động toàn dân tham gia xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trước hết phải hợp lòng dân, vừa sức dân, vì lợi ích và yêu cầu của đời sống nhân dân; hoạt động của Phong trào phải được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua và kế hoạch, chương trình công tác, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, cơ quan.

Phát huy hiệu quả các loại hình tuyên truyền phù hợp với tình hình hiện nay, kết hợp giữa các phương pháp truyền thống với việc ứng dụng công nghệ thông tin (báo điện tử, mạng xã hội...) để nhân dân được cập nhật thông tin kịp thời, thường xuyên về tình hình an ninh, trật tự; nâng cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống, phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2.3. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, bộ, ngành, đoàn thể. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tập trung thống nhất, toàn diện; khắc phục tình trạng có nhiều ban chỉ đạo cùng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Việc tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được duy trì thường xuyên hằng năm, hướng về cơ sở, thôn, xóm, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường để đông đảo nhân dân trực tiếp tham gia. Nội dung phải thiết thực, tập trung ghi nhận, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2.4. Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt (bí thư chi bộ đảng, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, bản, người có uy tín, các chức sắc trong tôn giáo, dân tộc...) làm hạt nhân, chỗ dựa của nhân dân trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất, có uy tín để bổ sung vào các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật về Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.5. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần chăm lo, tạo điều kiện xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng kiện toàn lực lượng công an xã, phường, thị trấn và từng bước bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Công an xã phải gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực sự là nòng cốt bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Sớm có quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.6. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; khắc phục những sơ hở, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm quán triệt và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể triển khai thực hiện Kết luận này.

Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kết luận, hằng năm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

 


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị (để báo cáo),
- Ban Bí thư (để báo cáo),
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Trần Quốc Vượng