THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 924/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2020 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2016;
Căn cứ Quyết định số 70/2020/QĐ-CTN ngày 13/01/2020 của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LA HAY NĂM 1970 VỀ THU THẬP CHỨNG CỨ Ở NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ HOẶC THƯƠNG MẠI CỦA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Mục tiêu
- Khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Công ước của Việt Nam.
- Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong thu thập chứng cứ của Việt Nam qua đó hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo chuẩn mực quốc tế.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành với lộ trình cụ thể để thực hiện hiệu quả quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước.
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Tư pháp - Cơ quan Trung ương thực thi Công ước của Việt Nam với các bộ, ngành hữu quan trong nước và giữa các cơ quan của Việt Nam với các cơ quan của các nước thành viên trong việc thực hiện Công ước.
II. NHIÊM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Công ước
a. Tuyên truyền, phổ biến về Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, sau khi Công ước có hiệu lực, có lồng ghép, kết nối với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
- Kết quả đầu ra: Bài viết, chuyên đề, tin tức, phóng sự giới thiệu về nội dung và việc thực thi Công ước được đăng tải và cập nhật trên cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, đăng tải trên mạng, sách, báo, tạp chí và tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức cho các đối tượng có liên quan.
b. Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực thi Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thời gian thực hiện:
+ Năm 2020-2021: Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực thi Công ước của Việt Nam trên cơ sở quy định pháp luật trong nước và sổ tay thực thi Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay);
+ Các năm tiếp theo: Định kỳ rà soát, bổ sung tài liệu hướng dẫn.
- Kết quả đầu ra: Tài liệu hướng dẫn thực hiện Công ước của Việt Nam được phát hành, cập nhật hàng năm, đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn thực thi Công ước.
c. Tập hợp và cập nhật thông tin về Công ước và thực thi Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp - Cơ quan Trung ương thực hiện Công ước.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thời gian thực hiện:
+ Ngay sau khi Công ước có hiệu lực với Việt Nam: (i) rà soát, cung cấp và cập nhật các thông tin về thu thập chứng cứ theo pháp luật Việt Nam cho Hội nghị La Hay; (ii) cập nhật thông tin các quốc gia thành viên đồng ý việc gia nhập của Việt Nam và quy định của các quốc gia đó đối với yêu cầu thu thập chứng cứ;
+ Năm 2021 và các năm tiếp theo: Xây dựng và cập nhật thông tin riêng về Công ước, tình hình thực thi Công ước trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
- Kết quả đầu ra:
+ Bảng thông tin về thu thập chứng cứ của Việt Nam được cung cấp và đăng tải trên trang thông tin Hội nghị La Hay để các nước thành viên có thể tham khảo khi thực hiện ủy thác tư pháp thu thập chứng cứ với Việt Nam;
+ Mục thông tin riêng về Công ước được xây dựng bao gồm nội dung Công ước, các tài liệu hướng dẫn, thông tin về tổ chức, thực thi Công ước của Hội nghị La Hay, các quốc gia thành viên và được cập nhật thường xuyên.
2. Thực hiện hiệu quả Công ước
a. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Trung ương
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
Chủ động theo dõi, đôn đốc, rà soát tình hình thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ của Việt Nam và của các nước thành viên Công ước; thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác trực tiếp với Cơ quan trung ương của các nước thành viên Công ước và Ban thư ký Hội nghị La Hay về việc thực thi Công ước.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
- Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên từ ngày 03/5/2020.
- Kết quả đầu ra: Bộ Tư pháp thực hiện chủ động và tích cực vai trò Cơ quan Trung ương; quan hệ giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan thực thi trong nước và với Cơ quan Trung ương các nước thành viên được thiết lập chặt chẽ và phối hợp hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các yêu cầu thu thập chứng cứ.
b. Thực hiện ủy thác tư pháp thu thập chứng cứ theo Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cụ thể:
+ Bộ Tư pháp đầu mối tiếp nhận, kiểm tra, trả lời các yêu cầu thu thập chứng cứ của Việt Nam gửi đến các nước thành viên Công ước và của các nước thành viên Công ước đã đồng ý việc gia nhập của Việt Nam gửi đến Việt Nam;
+ Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các Tòa án, Viện kiểm sát các cấp thực thi Công ước nghiêm túc, hiệu quả;
+ Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật lập hồ sơ thu thập chứng cứ gửi ra nước ngoài; Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ của các nước thành viên Công ước phù hợp với quy định của Công ước và pháp luật trong nước có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên từ ngày 03/5/2020 theo thời điểm Công ước có hiệu lực giữa Việt Nam với các quốc gia đồng ý việc gia nhập Công ước của Việt Nam.
- Kết quả đầu ra: Hồ sơ ủy thác thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam được lập, gửi đi theo đúng quy định của Công ước và quốc gia được yêu cầu; các yêu cầu ủy thác thu thập chứng cứ của nước ngoài được thực hiện nhanh chóng theo quy định của Công ước.
c. Đẩy mạnh tin học hóa hoạt động ủy thác tư pháp
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan có thẩm quyền lập và thực hiện hồ sơ ủy thác thu thập chứng cứ khác.
- Thời gian thực hiện:
+ Năm 2020-2022: Nâng cấp phần mềm của Bộ Tư pháp thực hiện và quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp nói chung, thu thập chứng cứ theo khuôn khổ Công ước nói riêng;
+ Năm 2023-2025: Chuẩn bị các điều kiện để kết nối phần mềm thực hiện và quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp giữa Cơ quan Trung ương - Bộ Tư pháp với các cơ quan, đơn vị thực hiện ủy thác tư pháp.
- Kết quả đầu ra:
+ Phần mềm thực hiện và quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp tại Bộ Tư pháp được nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ;
+ Các cơ quan, đơn vị thực hiện ủy thác tư pháp kết nối với Phần mềm ủy thác tư pháp của Bộ Tư pháp để tin học hóa quy trình chuyển nhận, tra cứu hồ sơ ủy thác tư pháp.
d. Rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện thu thập chứng cứ theo Công ước.
- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Lồng ghép trong Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp của Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Công ước.
- Kết quả đầu ra: Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp của Chính phủ trình Quốc hội; báo cáo theo yêu cầu của Công ước.
3. Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tơ pháp thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021- 2022.
- Kết quả đầu ra: Đề xuất các quy định phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Công ước trong quá trình xây dựng Luật tương trợ tư pháp về dân sự (theo kế hoạch xây dựng Luật).
4. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước
a. Hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức liên quan.
- Thời gian thực hiện:
+ Năm - 2020-2021: Tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn nghiệp vụ về thực thi Công ước cho các cán bộ của các cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác thu thập chứng cứ trên toàn quốc;
+ Những năm tiếp theo: Tiếp tục tập huấn nâng cao, định kỳ hàng năm hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực thi Công ước lồng ghép với các lớp tập huấn về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và tập huấn nâng cao năng lực khác.
- Kết quả đầu ra:
+ Các cán bộ trực tiếp thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự được trang bị kiến thức, kỹ năng để thực hiện thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Công ước;
+ Các cán bộ thực hiện Công ước được cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng chủ động xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Công ước.
b. Cử cán bộ tham gia vào các phiên họp của Hội nghị La Hay có nội dung liên quan đến Công ước; trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên của Công ước
- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan và tổ chức liên quan.
- Thời gian thực hiện: Theo yêu cầu thực tế công việc.
- Kết quả đầu ra: Các cán bộ, chuyên gia tiếp thu và áp dụng được những kiến thức, kinh nghiệm tốt, phù hợp của các nước; báo cáo kết quả phiên họp, tài liệu về kinh nghiệm của các quốc gia thành viên Công ước được phổ biến rộng rãi.
Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Mục II của Kế hoạch này.
Bộ Tư pháp định kỳ hàng năm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch lồng ghép trong Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp của Chính phủ trình Quốc hội.
2. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan
Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, căn cứ Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch thực hiện riêng; chủ động tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được phân công; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, đảm bảo thực hiện Công ước đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
3. Về kinh phí thực hiện Kế hoạch
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động tối đa từ các nguồn tài trợ, viện trợ, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với phần sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, căn cứ vào từng nhiệm vụ được giao cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
- 1Công văn 1658/VKSTC-VP năm 2014 chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Nghị định 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul
- 3Công văn 101/TANDTC-HTQT năm 2020 về tống đạt văn bản tố tụng dân sự ra nước ngoài do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 4Công văn 107/TANDTC-HTQT năm 2020 về Công ước thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 1Công văn 1658/VKSTC-VP năm 2014 chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 3Luật điều ước quốc tế 2016
- 4Thông báo 30/2020/TB-LPQT hiệu lực của Công ước về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Convention on the taking of evidence abroad in civil or commercial matters) do Bộ Ngoại giao ban hành
- 5Nghị định 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul
- 6Công văn 101/TANDTC-HTQT năm 2020 về tống đạt văn bản tố tụng dân sự ra nước ngoài do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 7Công văn 107/TANDTC-HTQT năm 2020 về Công ước thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Quyết định 924/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 924/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2020
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: 12/07/2020
- Số công báo: Từ số 673 đến số 674
- Ngày hiệu lực: 30/06/2020
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết