BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/TCHQ-QĐ | Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU ĐƯỢC PHÉP CHUYỂN TIẾP
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Điều 12, Điều 17 Pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990
Căn cứ Điều 3, Điều 4 Bản quy định thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định số 171/HĐBT ngày 27-5-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Căn cứ Nghị định 16-CP ngày 7-3-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của bộ máy Tổng cục Hải quan.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục giám sát - quản lý về Hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu được phép chuyển tiếp về Hải quan tỉnh, thành phố ngoài khu vực cửa khẩu để làm tiếp thủ tục hải quan.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3: Các ông thủ trưởng các đơn vị cơ quan Tổng cục, ông Hiệu trưởng trường Hải quan Việt Nam và các ông Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU ĐƯỢC PHÉP CHUYỂN TIẾP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 89/TCHQ-QĐ ngày 02 tháng 08 năm 1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Hàng hoá nhập khẩu được phép chuyển tiếp trong bản quy định này là hàng hoá kinh doanh đã có giấy phép nhập khẩu nhưng chưa làm xong thủ tục hải quan tại Hải quan tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhập khẩu, mà chuyển tiếp đến hải quan tỉnh, thành phố khác để kiểm tra thu thuế và kết thúc thủ tục hải quan.
2. Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập chỉ được phép chấp nhận đăng ký, làm thủ tục cho các đơn vị kinh doanh xuất, nhập khẩu của các cơ quan Trung ương và của tỉnh, thành phố với điều kiện sau:
- Có trụ sở đóng tại địa bàn cùng Hải quan tỉnh, thành phố.
- Có trụ sở đóng tại các tỉnh, thành phố lân cận không có tổ chức Hải quan.
- Đã đăng ký và được Hải quan cấp tỉnh, thành phố công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài khu vực cửa khẩu.
3. Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập không được tổ chức việc kiểm tra hàng hoá tại tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhập và cũng không được tổ chức kiểm tra hàng hoá của các công ty, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố có tổ chức Hải quan.
4. Việc vận chuyển hàng hoá được phép chuyển tiếp về Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập phải được thực hiện theo phương thức container, thùng, kiện hàng có niêm phong hải quan hoặc có nhân viên Hải quan áp tải.
5. Hàng nhập khẩu được phép chuyển tiếp phải đi đúng tuyến đường, đúng thời gian, về đúng địa điểm đã được cấp giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài khu vực cửa khẩu.
II. THỦ TỤC HÀNG NHẬP KHẨU CHUYỂN TIẾP
1. Trách nhiệm chủ hàng: Phải khai báo và nộp bộ hồ sơ cho Hải quan:
a) Việc khai báo là cơ sở pháp lý để Hải quan căn cứ tiến hành quyết định làm thủ tục, do đó người khai hàng phải là chủ sở hữu lô hàng nhập khẩu hoặc người được chủ hàng uỷ nhiệm, có đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm bằng văn bản, có đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo của mình.
Khai báo phải đầy đủ, chính xác các cột, mục, phần dành cho chủ hàng trên nội dung tờ khai như:
- Tên hàng, mã hàng theo đúng quy định của biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Số lượng, trọng lượng, đơn giá, giá thanh toán theo hợp đồng đã được Bộ Thương mại xác nhận.
(Mọi trường hợp khai sai, khai không đầy đủ đều bị lập biên bản xử lý theo luật định)
b) Bộ hồ sơ xuất trình và nộp cho Hải quan gồm có:
- Tờ khai hàng nhập khẩu
- Giấy phép nhập hàng
- Vận đơn (bản sao)
- Bản kê chi tiết (đối với loại hàng đóng gói không đồng nhất)
- Hợp đồng (bản sao có xác nhận ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp)
- Giấy phép công nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài khu vực cửa khẩu.
- Công văn xin phép chuyển tiếp hàng hoá nhập khẩu.
2. Trách nhiệm Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập, khi tiếp nhận hồ sơ để đăng ký cần phải thực hiện:
- Kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đặc biệt kiểm tra, đối chiếu kỹ tờ khai hàng nhập khẩu về tên hàng, mã hàng, quy cách, phẩm chất để áp dụng chính xác thuế xuất theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, về đơn giá, trị giá, số lượng, trọng lượng để có cơ sở tính thuế.
- Khi kiểm tra, đối chiếu phát hiện có vấn đề nghi vấn thì yêu cầu chủ hàng giải thích, bổ sung đầy đủ.
- Nếu bộ hồ sơ hợp lệ thì tiến hành đăng ký theo quy định.
- Ghi ý kiến chấp nhận, ký tên đóng dấu Hải quan tỉnh, thành phố vào công văn xin chuyển tiếp hàng nhập khẩu.
- Tuỳ từng trường hợp, niêm phong hoặc cùng với chủ hàng mang bộ hồ sơ đến Hải quan tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhập để làm thủ tục chuyển tiếp.
3. Trách nhiệm Hải quan tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhập:
- Tiếp nhận và kiểm tra lại bộ hồ sơ đã quy định.
+ Nếu hợp lệ thì tiến hành đăng ký vào sổ theo dõi riêng dành cho loại hàng nhập khẩu được phép chuyển tiếp.
+ Ghi ý kiến chấp thuận, xác nhận ký tên, đóng dấu vào công văn để Hải quan cửa khẩu căn cứ làm thủ tục bàn giao.
+ Lưu trữ một bộ hồ sơ photo để theo dõi tiếp.
- Trường hợp khi đối chiếu, kiểm tra như trên, phát hiện thấy có sai sót, vướng mắc về tên hàng, mã số, quy cách, phẩm chất, đơn giá, tổng trị giá nguyên tệ, tỷ giá, thuế suất v.v... thì đại diện Hải quan 2 địa phương cùng nhau trao đổi thống nhất cách giải quyết. Nếu 2 bên không tự giải quyết được thì báo cáo bằng công điện về Tổng cục Hải quan xin ý kiến để chỉ đạo kịp thời.
4. Hải quan cửa khẩu nhập:
- Tiếp nhận hồ sơ, căn cứ vào quyết định của Hải quan tỉnh, thành phố để tiến hành làm thủ tục bàn giao lô hàng.
- Ghi rõ số lượng, trọng lượng, số hiệu và tình trạng bao bì của lô hàng.
- Niêm phong, kẹp chì, ghi rõ số hiệu cụ thể và thanh khoản lô hàng theo quy định.
- Trường hợp thấy có vấn đề gì nghi vấn đối với thực tế lô hàng hoặc không đảm bảo việc vận chuyển theo quy định thì Hải quan cửa khẩu lập biên bản xác nhận, tạm thời đình chỉ việc bàn giao để báo cáo lên Hải quan tỉnh, thành phố xin ý kiến chỉ đạo.
5. Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập sau khi tiếp nhận, áp tải vận chuyển lô hàng về địa điểm đã được phép kiểm tra hàng hoá, thì tổ chức việc giám sát, kiểm hoá, thu thuế, kết thúc thủ tục giải phóng hàng theo đúng chính sách, luật pháp và quy trình nghiệp vụ hải quan như những lô hàng nhập khẩu khác. Ngoài ra, do đặc thù của một lô hàng nhập khẩu chuyển tiếp có nhiều phức tạp qua các khâu quản lý khác nhau, do đó từng bước thủ tục, Hải quan tỉnh, thành phố cần tổ chức phối kết hợp với các bộ phận chức năng như: Điều tra chống buôn lậu, thanh tra... để đảm bảo việc thực hiện các bước thủ tục nhanh chóng, chặt chẽ hơn.
III. XỬ LÝ VI PHẠM
Những hành vi vi phạm các điều khoản trong bản Quy định này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật pháp.
IV. KHOẢN THI HÀNH
1. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký.
- 1Quyết định 66/TCHQ-GSQL năm 1996 về Qui chế hải quan Khu chế xuất do Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan ban hành
- 2Quyết định 197/1999/QĐ-TCHQ về Quy chế quản lý hải quan đối với địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiếp do Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Pháp lệnh Hải quan năm 1990
- 2Nghị định 171-HĐBT năm 1991 Quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Nghị định 16-CP năm 1994 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan
- 4Công văn về việc tăng cường công tác quản lý đối với hàng nhập khẩu chuyển tiếp
- 5Quyết định 66/TCHQ-GSQL năm 1996 về Qui chế hải quan Khu chế xuất do Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan ban hành
Quyết định 89/TCHQ-QĐ năm 1994 về bản Quy định thủ tục Hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu được phép chuyển tiếp do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan ban hành
- Số hiệu: 89/TCHQ-QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 02/08/1994
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Phan Văn Dĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/08/1994
- Ngày hết hiệu lực: 18/06/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực