Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số : 88-GD/QĐ

Hà Nội, ngày 28  tháng 03 năm 1968

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC CÁC LỚP SƠ CẤP CHUYÊN NGHIỆP CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Căn cứ Nghị định số 183-CP ngày 02-11-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng.
Để đưa việc tổ chức các lớp sơ cấp chuyên nghiệp vào nề nếp.
Xét đề nghị của các ông Vụ trưởng Vụ giáo dục và Vụ lao động tiền lương.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Nay ban hành bản quy chế tạm thời về tổ chức các lớp sơ cấp chuyên nghiệp của Bộ Công nghiệp nặng.

Điều 2. - Vụ tổ chức cán bộ, Vụ giáo dục và Vụ lao động tiền lương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành quy chế này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Đình Đồng


QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC CÁC LỚP SƠ CẤP CHUYÊN NGHIỆP CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 88-GD/QĐ ngày 28-3-1968  của Bộ Công nghiệp nặng)

Trong những năm qua, song song với việc đào tạo công nhân kỹ thuật, các cơ quan, xí nghiệp, công trường thuộc Bộ ta đã tổ chức các lớp đào tạo nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất, nhưng việc tổ chức và quản lý những lớp này chưa theo một quy chế thống nhất, do đó chưa đảm bảo chất lượng đào tạo.

Hiện nay cũng như sau này, trong sự nghiệp phát triển kinh tế của nước nhà, hàng năm đòi hỏi phải đào tạo một số lượng khá lớn những người làm công tác kỹ thuật và nghiệp vụ ở trình độ sơ cấp để cung cấp cho các cơ sở. Công tác này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác đào tạo cán bộ, công nhân nói chung.

Vì vậy, trong lúc chờ Nhà nước ban hành một quy chế thống nhất, Bộ tạm thời ban hành quy chế này nhằm tăng cường công tác tổ chức và quản lý các lớp đào tạo nói trên, đưa công tác này vào nề nếp thống nhất và đảm bảo chất lượng tốt, đồng thời tạo điều kiện phát triển hơn nữa về số lượng và ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng.

I. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ

Điều 1. - Lớp sơ cấp chuyên nghiệp là loại lớp đào tạo nhân viên mới, được tổ chức bên cạnh đơn vị sản xuất, công tác nhằm mục đích đào tạo nhân viên giúp việc kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ (chủ yếu là nghiệp vụ kinh tế) theo một chương trình có hệ thống. Học sinh ở các lớp này sau khi tốt nghiệp phải có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, nắm được lý thuyết cơ bản và có khả năng thực hành công tác theo yêu cầu đào tạo của chuyên nghiệp đã học.

Điều 2. - Để đạt mục đích trên, các lớp sơ cấp chuyên nghiệp có nhiệm vụ:

- Lấy việc rèn luyện chính trị tư tưởng làm gốc giáo dục cho học sinh trở thành những người lao động tốt, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

- Áp dụng phương châm học tập kết hợp với thực hành, lý luận liên hệ với thực tế, giáo dục kết hợp với lao động, sản xuất làm cho học sinh dễ dàng nắm được kiến thức và nhanh chóng có năng lực thực hành công tác.

II. NGUYÊN TẮC GIAO CHỈ TIÊU VÀ XÉT DUYỆT MỞ LỚP

Điều 3. - Về chỉ tiêu đào tạo, Bộ không trực tiếp giao cho các cơ sở, hàng năm căn cứ vào kế hoạch sản xuất và yêu cầu chung, Bộ sẽ giao chỉ tiêu đào tạo cho các cục, tổng cục công ty và công ty trực thuộc.

Căn cứ chỉ tiêu cho phép của Bộ, các cục, tổng công ty và công ty trực thuộc dựa vào khả năng thực hiện để ấn định chỉ tiêu cụ thể cho cơ sở hoặc trực tiếp mở lớp.

Điều 4. - Quyết định giao chỉ tiêu đào tạo của cục, tổng công ty và công ty trực thuộc đối với các xí nghiệp được coi là quyết định cho phép mở lớp. Căn cứ vào quyết định giao chỉ tiêu, đơn vị mở lớp có trách nhiệm lập kế hoạch thực hiện.

Kế hoạch thực hiện phải được cục, tổng công ty hoặc công ty xét duyệt trước khi thi hành.

III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC LỚP

Điều 5.Tùy theo tình hình thực tế của nơi mở lớp, các lớp sơ cấp chuyên nghiệp có thể tổ chức theo hai hình thức:

- Hình thức tập trung, tổ chức cho từng chuyên nghiệp có từ 20 học sinh trở lên, thời gian đào tạo được phân ra làm hai giai đoạn: giai đoạn tập trung học lý thuyết và giai đoạn thực tập trong thực tế công tác.

- Hình thức vừa học vừa làm, tổ chức cho những chuyên nghiệp đào tạo số lượng ít, thời gian học lý thuyết và thực tập thực hành được bố trí xen kẽ nhau trong quá trình đào tạo.

Điều 6. - Để quản lý học sinh về mặt sinh hoạt, giờ giấc học tập và thực hiện nội quy, lớp có ban cán sự lớp gồm một lớp trưởng, một hoặc hai lớp phó. Lớp trưởng và lớp phó do bộ phận trực tiếp phụ trách chỉ định.

IV. HỌC SINH

Điều 7. - Đối tượng tuyển sinh vào các lớp sơ cấp chuyên nghiệp là những anh chị em lao động (trong hoặc ngoài biên chế) trong cơ quan xí nghiệp, công trường… Nếu tuyển ngoài phải theo đúng các nguyên tắc thủ tục của cơ quan lao động địa phương.

Điều 8.Tùy thuộc tính chất của từng ngành học, khi giao chỉ tiêu, các cục, tổng công ty, công ty sẽ ấn định tiêu chuẩn tuyển sinh cụ thể và hướng dẫn cho cơ sở mở lớp thực hiện, nhưng phải đảm bảo các điều kiện chung sau đây:

- Lý lịch rõ ràng, có tư cách đạo đức tốt.

- Trình độ văn hóa có thể theo học và tiếp thu được phần nội dung học tập đã quy định trong chương trình đào tạo nhưng tối thiểu là phải tốt nghiệp cấp I cho các lớp nghiệp vụ và hết lớp 6 cho các lớp kỹ thuật.

- Có đủ sức khỏe để học tập và công tác sau khi tốt nghiệp.

- Tuổi từ 16 đến 25 (nếu ngoài biên chế) và không quá 35 (nếu trong biên chế).

Điều 9. - Nhiệm vụ của học sinh:

- Tích cực học tập chính trị, thời sự và sinh hoạt tư tưởng để không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, rèn luyện tác phong đạo đức của giai cấp công nhân.

- Chấp hành đầy đủ kế hoạch học tập, thực tập của lớp, hoàn thành tốt và kịp thời các bài vở về lý thuyết cũng như thực hành kể cả các bài kiểm tra và thi tốt nghiệp.

- Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy kỷ luật của lớp và của cơ quan, xí nghiệp mở lớp.

Điều 10. - Quyền lợi của học sinh và chế độ đãi ngộ sau khi tốt nghiệp:

- Trong thời gian học, đối với công nhân, viên chức được chọn cứ đi học được hưởng sinh hoạt phí theo chế độ chung của Nhà nước như đã quy định Thông tư số 40 – TTg ngày 25-5-1964 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 10-LĐ/TT ngày 24-6-1964 của Bộ Lao động. Đối với học sinh thường thì hưởng chế độ học bổng theo Thông tư số 12-TTg ngày 31-1-1964 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 37-TT/LBngày 30-7-1964 của Liên bộ Giáo dục – Tài chính.

- Sau khi mãn khóa nếu đạt yêu cầu sẽ được bố trí vào các nhiệm vụ công tác theo ngành nghề đã học.

- Trong thời gian tập sự, những học sinh tốt nghiệp được hưởng 85% lương bậc yêu cầu đào tạo. Hết thời gian tập sự được xét vào biên chế và xếp lương chính thức.

- Nếu là cán bộ, công nhân viên trước khi đi học được hưởng lương cao hơn mức lương của bậc nghề yêu cầu đào tạo thì khi tốt nghiệp được giữ mức lương cũ và chậm nhất là sau 16 tháng, nơi sử dụng sẽcăn cứ vào khả năng và nhiệm vụ được giao mà sắp xếp vào thang lương nhân viên giúp việc kỹ thuật, nghiệp vụ.

- Những học sinh không tốt nghiệp nếu được bố trí công tác thì hưởng 75% lương bậc nghề yêu cầu đào tạo. Sau 3 tháng, nơi sử dụng sẽ căn cứ vào kết quả công tác của công việc được giao để xét tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu thì được hưởng 85% lương bậc nghề yêu cầu đào tạo cho đến hết thời gian tập sự còn lại, nếu không đạt yêu cầu thì tiếp tục hưởng 75% cho đến khi nào công nhận tốt nghiệp thì mới xét vào biên chế và xếp lương chính thức.

V. GIÁO VIÊN

Điều 11.Giáo viên ở các lớp sơ cấp chuyên nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm và lựa chọn trong số những cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ của cơ quan, xí nghiệp.

Giáo viên phải có tưcách đạo đức tốt, có khả năng sư phạm, nắm vững nội dung giáo trình được phân công giảng dạy, đã kinh qua công tác thực tế ít nhất là 1 năm.

Giáo viên do phòng tổ chức giáo dục đề nghị, giám đốc xí nghiệp, cơ quan duyệt.

Điều 12.Nhiệm vụ của giáo viên:

- Phải chấp hành đầy đủ kế hoạch và chương trình giảng dạy đã được quy định, thực hiện đúng các chế độ lên lớp như chuẩn bị bài giảng, làm đề cương giáo án… đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt theo yêu cầu đào tạo.

- Theo dõi kết quả học tập, thực tập của học sinh.

- Tham gia sinh hoạt chuyên môn của tổ giáo viên để rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp giảng dạy và kiểm điểm tình hình thực hiện chương trình công tác.

Điều 13. - Quyền lợi của giáo viên:

- Giáo viên giảng dạy ở các lớp sơ cấp chuyên nghiệp được hưởng chế độ thù lao như các giáo viên giảng dạy ở các trường, lớp đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân kỹ thuật theo Thông tư số 03 – TTg ngày 11-1-1964 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06 – LĐ/TT ngày 22-4-1964 của Bộ Lao động.

- Thành tích giảng dạy hàng năm của giáo viên được kết hợp với công tác chính để bình bầu thi đua và xét khen thưởng.

VI. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 14. - Học sinh có thành tích xuất sắc về học tập và công tác sẽ được tuyên dương khen thưởng.

Học sinh vi phạm nội quy kỷ luật sẽ tùy lỗi nhẹ nặng mà thi hành kỷ luật theo mức độ từ phê bình đến đuổi học, bồi hoàn chi phí đào tạo.

Điều 15. - Việc khen thưởng hoặc kỷ luật đối với học sinh do bộ phận trực tiếp quản lý học sinh đề nghị, giám đốc cơ quan, xí nghiệp quyết định. Riêng đối với các hình thức từ đuổi học trở lênphải báo cáo cục, tổng công ty hoặc công ty trước khi thi hành.

VII. KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH CÁC MÔN HỌC VÀ THỜI GIAN ĐÀO TẠO

Điều 16. - Kế hoạch đào tạo các lớp sơ cấp chuyên nghiệp phải đảm bảo được mục tiêu đào tạo và những nguyên tắc, phương châm, phương pháp đào tạo cán bộ, công nhân nói chung của Đảng và Nhà nước.

Trong kế hoạch đào tạo phải quy định cụ thể:

- Thời gian đào tạo và tổng số giờ toàn khóa cho mỗi nghề.

- Phân phối rõ thời gian học lý thuyết, ôn tập, thực tập, thi…

- Số môn học, số giờ học (có lý thuyết và thực hành) cho từng môn, trình tự các môn học, tỷ lệ giữa các loại môn học, giữa lý thuyết và thực hành.

- Môn thi và thời gian thi tốt nghiệp.

Điều 17. - Nội dung chương trình học tập ở các lớp sơ cấp chuyên nghiệp bao gồm cả hai phần lý thuyết và thực hành.

Phần lý thuyết gồm các môn:

- Chính trị: 10 – 15 ngày, theo đề cương chung của Tổng công đoàn biên soạn cho các trường lớp đào tạo công nhân bên cạnh xí nghiệp.

- Kỹ thuật đại cương (cho các lớp kỹ thuật), hoặc đại cương về quản lý kinh tế (cho các lớp nghiệp vụ): 100 – 120 giờ.

- Lý thuyết chuyên môn của nghề đào tạo: 250 – 300 giờ.

Phần thực hành là phần nghiệp vụ công tác và sẽ căn cứ vào từng nghề đào tạo mà ấn định nội dung và thời gian cụ thể.

Điều 18. - Thời gian đào tạo quy định từ 6 đến 9 tháng. Thời gian tập sự quy định chung cho tất cả các nghề là 6 tháng.

Điều 19. - Kế hoạch đào tạo, nội dung chương trình, số giờ cụ thể cho từng môn học và thời gian đào tạo cho từng loại nghề khác nhau do thủ trưởng đơn vị mở lớp đề nghị, cục, tổng công ty và công ty trực thuộc duyệt, đồng thời báo cáo Bộ iết để kiểm tra theo dõi.

VIII. THI TỐT NGHIỆP VÀ THỦ TỤC CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP

Điều 20.Sau khi kết thúc chương trình học tập đã được quy định, học sinh ở các lớp sơ cấp chuyên nghiệp nếu đủ các điều kiện sau đây đều được tham dự kỳ thi tốt nghiệp do cơ quan, xí nghiệp mở lớp tổ chức.

- Tham gia học tập liên tục, đều đặn (cả về lý thuyết và thực hành).

- Thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ đã quy định đối với học sinh như ở điều 9 mục IV.

- Trong thời gian học không phạm những sai lầm nghiêm trọng.

Điều 21. - Đề thi tốt nghiệp do giáo viên biên soạn, thủ trưởng đơn vị xét chọn và đề nghị cục, tổng công ty hoặc công ty trực thuộc xét duyệt và quyết định.

Điều 22. - Những học sinh thi tốt nghiệp đạt yêu cầu được thủ trưởng đơn vị cấp bằng tốt nghiệp theo quyết định công nhận tốt nghiệp của cục, tổng công ty hoặc công ty trực thuộc.

IX. TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO

Điều 23. - Lớp sơ cấp chuyên nghiệp chịu sự chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị thông qua phòng giáo dục (hoặc tổ chức giáo dục), thủ trưởng đơn vị mở lớp chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo trước cục, tổng công ty hoặc công ty trực thuộc.

Điều 24. - Để đảm bảo chất lượng đào tạo, các phòng, ban, phân xưởng trong cơ quan, xí nghiệp chịu trách nhiệm trước thủ trưởng quản lý từng mặt của lớp học theo phạm vi chức năng của mình, đồng thời có trách nhiệm cung cấp giáo viên và thu nhận học sinh thực tập trong quá trình đào tạo.

X. KINH PHÍ

Điều 25.Căn cứ vào quyết định giao chỉ tiêu và kế hoạch đào tạo đã duyệt, các cơ sở có mở lớp sẽ được xét cấp kinh phí đào tạo.

Tùy theo mục đích sử dụng học sinh sau khi tốt nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ thuộc kinh phí sự nghiệp nếu là đào tạo dự trữ, thuộc kinh phí kiến thiết cơ bản nếu là đào tạo để phục vụ cho việc mở rộng cơ sở sản xuất.

XI. SỬA ĐỔI QUY CHẾ

Điều 26.Quy chế này được áp dụng cho tất cả các trường, lớp đào tạo các loại nhân viên giúp việc kỹ thuật và nghiệp vụ thuộc Bộ. Việc sửa đổi quy chế do Bộ quyết định.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Đình Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 88-GD/QĐ năm 1968 về việc ban hành bản quy chế tạm thời về tổ chức các lớp sơ cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ban hành

  • Số hiệu: 88-GD/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/03/1968
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nặng
  • Người ký: Bùi Đình Đồng
  • Ngày công báo: 30/04/1968
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 12/04/1968
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản