Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ HỌC BỔNG CẤP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG CẤP, SƠ CẤP CHUYÊN NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Mấy năm qua, tốc độ tăng chi về sự nghiệp giáo dục đều nhanh hơn tốc độ tăng thu của ngân sách Nhà nước.

Nguyên nhân rất quan trọng là khoản chi về học bổng quá lớn, chiếm khoảng trên 40% tổng số chi về sự nghiệp giáo dục.

Nhìn lại việc cấp học bổng thì hầu hết sinh viên, học sinhcác trường đại học và chuyên nghiệp (trung cấp, sơ cấp) đều được cấp học bổng, trong đó phần lớn được cấp học bổng toàn phần; nhiều gia đình được Nhà nước cấp hai, ba học bổng toàn phần hoặc ba phần tư.

Đó là do việc chỉ đạo xét cấp học bổng không chặt chẽ và chủ yếu là do chế độ học bổng hiện hành không thích hợp với tình hình mới.

Mấy năm trước đây, đời sống nhân dân ta còn nhiều khó khăn, chúng ta lại cần gấp rút đào tạo một loạt trí thức mới xuất thân từ công nông nhằm cung cấp kịp thời cho các ngành kinh tế và văn hóa; do đó Nhà nước có phải chi nhiều về học bổng cũng là đúng và cần thiết.

Hiện nay ở miền Bắc nước ta, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành về cơ bản, giai cấp bóc lột không còn nữa, giầu nghèo tùy thuộc vào kết quả lao động của từng người. Đời sống nhân dân ta nói chung và nhất là ở nông thôn đã được cải thiện hơn trước. Nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội tiến hành khẩn trương hơn đang đòi hỏi tập trung vốn, sử dụng vốn thật tiết kiệm. Sự nghiệp giáo dục cần tiếp tục phát triển, chất lượng đào tạo cần nâng cao hơn.

Sự biến đổi của tình hình như trên đang tạo điều kiện, đồng thời cũng đang yêu cầu Nhà nước giảm chi về học bổng. Duy trì khoản chi về học bổng quá lớn trong giai đoạn hiện nay là không hợp lý và nhất định sẽ hạn chế tốc độ phát triển của sự nghiệp đào tạo cán bộ.

Vì vậy, Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp ngày 2-1-1964, đã quyết định phải sửa đổi chế độ học bổng.

Chính phủ nhận rằng việc nuôi dưỡng sinh viên, học sinh theo học là nhiệm vụ của gia đình.

Học bổng chỉ là một hình thức giúp đỡ của Nhà nước đối với một số sinh viên, học sinh thuộc loại cần chiếu cốcó điều kiện tiếp tục theo học.

Cụ thể là:

- Các sinh viên, học sinh là con các người có công với cách mạng (liệt sĩ, tử sĩ, v.v…);

- Các sinh viên, học sinh dân tộc ít người;

- Các sinh viên, học sinh giỏi toàn diện, đạo đức tốt nhưng gia đình quá nghèo;

- Các sinh viên, học sinh giỏi, đạo đức tốt đang theo học, nhưng do gia đình gặp tai nạn bất ngờ, có khó khăn đặc biệt nên không đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục theo học.

Chính phủ giao cho Bộ giáo dục phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ phương hướng cấp học bổng trên đây, tổ chức nghiên cứu sửa đổi chế độ học bổng và trình Chính phủ thông qua trong quý I-1964, để kịp áp dụng ngay từ niên học 1964 – 1965 đối với các học sinh trúng tuyển kỳ tuyển sinh vào các trường đại học và chuyên nghiệp niên khóa 1964 – 1965.

Riêng đối với các sinh viên, học sinh hiện đang họcở các trường đại học và chuyên nghiệp thì cần có sự chiếu cố, châm chước nhằm đảm bảo cho các sinh viên, học sinh này có điều kiện tiếp tục theo học. Bộ Giáo dục bàn với Bộ Tài chính chủ trương cấp học bổng đối với loại sinh viên, học sinh này và cùng đưa trình Chính phủ khi trình về việc sửa đổi chế độ học bổng và cũng để thi hành kể từ niên học 1964 – 1965. Trước mắt, cần tổ chức xét cấp học bổng cho loại sinh viên, học sinh này theo đúng chế độ học bổng hiện hành và trong khi xét cấp phải dựa vào các căn cứ chính xác và không được chiếu cố, châm chước bất cứ trong trường hợp nào.

Việc sửa đổi chế độ học bổng đề ra hiện nay là cần thiết và phù hợp với tình hình miền Bắc nước ta trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Bộ Giáo dục cần có kế hoạch tổ chức phổ biến chu đáo và phổ biến sớm chủ trương sửa đổi chế độ học bổng nhằm làm cho mọi người có nhận thức đúng đắn và kịp thời chủ động bố trí việc học hành của con em mình.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng