Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 843/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 14 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TỈNH VĨNH LONG” GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

Xét Tờ trình số 44/TTr-SNNPTNT, ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Vĩnh Long” giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Vĩnh Long” giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015.

(Kèm theo Kế hoạch số 27/KH-SNNPTNT, ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch đã được phê duyệt triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-SNNPTNT

Vĩnh Long, ngày 06 tháng 5 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2013 ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-UBND, ngày 14/5/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Công văn số 1050/UBND-KTN ngày 16/4/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn năm 2013 - 2015. Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN, HIỆN TRẠNG

I. TÓM TẮTVỀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN - XÃ HỘI:

1. Vị trí địa lý:

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng giữa sông Tiền - sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 136 km với toạ độ địa lý từ 9o 52' 45" đến 10o 19' 50" vĩ độ Bắc và từ 104o 41' 25" đến 106o 17' 00" kinh độ Đông. Vị trí giáp giới như sau:

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

- Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

- Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh.

- Phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.

Toàn tỉnh, tổng diện tích tự nhiên là 1.504,9 km2.

Tỉnh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương: 06 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố thuộc tỉnh với 109 đơn vị hành chính cấp xã và tương đương: Bao gồm 94 xã và 15 phường, thị trấn.

2. Dân số:

Tổng dân số toàn tỉnh Vĩnh Long là 1.028.550 người (Niên giám thống kê năm 2011).

+ Mật độ: 683 người/km².

+ Nông thôn: 84,51%

+ Thành thị: 15,49%

3. Khí hậu, sông ngòi:

Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào.

* Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình cả năm từ 27 - 28oC, so với thời kỳ trước năm 1996 nhiệt độ trung bình cả năm có cao hơn khoảng 0,5-1oC. Nhiệt độ tối cao 36,9oC; nhiệt độ tối thấp 17,7oC. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân 7-8oC.

* Bức xạ: Bức xạ tương đối cao, bình quân số giờ nắng/ngày là 7,5 giờ. Bức xạ quang hợp/năm 795.600 kcal/m2. Thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.181 - 2.676 giờ/năm. Điều kiện dồi dào về nhiệt và nắng là tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng vụ.

* Ẩm độ: Ẩm độ không khí bình quân 74 - 83%, trong đó năm 1998 có ẩm độ bình quân thấp nhất 74,7%; ẩm độ không khí cao nhất tập trung vào tháng 9 và tháng 10 giá trị đạt trung bình 86 - 87% và những tháng thấp nhất là tháng 3 ẩm độ trung bình 75-79%.

* Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi bình quân hàng năm của tỉnh khá lớn, khoảng 1.400-1.500mm/năm, trong đó lượng bốc hơi/ tháng vào mùa khô là 116-179 mm/tháng.

* Lượng mưa và sự phân bố mưa: Lượng mưa bình quân qua các năm từ 2008 đến 2012 có sự chênh lệch khá lớn. Tổng lượng mưa bình quân cao nhất trong năm là 1.982,3mm/năm (năm 2008) và thấp nhất 937,1mm/năm (năm 2009) điều này cho thấy có sự thay đổi thất thường về thời tiết. Do đó ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi các đặc trưng của đất đai cũng như điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, lượng mưa năm của tỉnh phân bố tập trung vào tháng 5 - 11 dl, chủ yếu vào tháng 8 - 10 dl.

- Hệ thống sông ngòi chằng chịt nối liền sông Hậu và sông Tiền thông qua sông Trà Ôn và sông Măng Thít con đường huyết mạch vận chuyển nông, thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng giao thương giữa các vùng miền.

- Chế độ thuỷ văn phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ bán nhật triều biển Đông và chế độ dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông.

4. Địa hình, địa mạo:

Địa hình tỉnh Vĩnh Long tương đối bằng phẳng, địa hình cao ven các sông lớn là sông Tiền - sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Mang Thít và thấp dần vào phía trong vùng trung tâm của tỉnh. Cao độ mặt đất ven sông lớn bình quân từ 1,2 - 1,5 m, vùng trung tâm cao độ mặt đất bình quân từ 0,6 - 0,8 m.

Dân cư phân bố đều khắp trong tỉnh, tập trung chủ yếu ven trục lộ và ven sông, rạch.

Do sông ngòi chằng chịt nên các điểm dân cư trong đồng thường bị chia cắt với các khu dân cư tập trung khi bị lũ lớn.

II. ĐẶC ĐIỂM CÁC LOẠI HÌNH THIÊN TAI CHỦ YẾU:

1. Lũ lụt, triều cường:

Nguyên nhân sinh ra lũ lụt tại Vĩnh Long do lũ thượng nguồn đổ về và triều cường gây ra tình trạng ngập lụt là chính, nếu thời gian lũ lớn trùng với kỳ triều cường và lượng mưa tại chỗ nhiều thì mức độ ngập lụt sẽ nghiêm trọng hơn.

Lũ xuất hiện ở Vĩnh Long từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Nước lũ vào chảy nội đồng theo 2 hướng, từ sông Tiền và sông Hậu chảy theo các trục kênh chính vào. Riêng khu vực Bắc quốc lộ 1A dòng chảy lũ trong thời kỳ đầu tập trung trong lòng dẫn kênh rạch, sau đó tràn qua bờ bao vào đồng. Tình hình ngập lụt cũng xảy ra gần như hết diện tích, các khu vực còn lại tập trung ở những vùng trũng mà chủ yếu vùng giữa là vùng giáp nước của 2 sông Cổ Chiên và sông Hậu. Nước lũ thoát theo 2 hướng ra sông Cổ Chiên và sông Hậu.

Đỉnh lũ hàng năm thường xuất hiện từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11, có năm kết hợp triều cường mức nước cao kéo dài tới tháng 12.

2. Sạt lở bờ sông:

Tỉnh Vĩnh Long là vùng ảnh hưởng lũ, triều cường và là vùng ngập nông của ĐBSCL. Vùng trọng điểm lũ và chịu ảnh hưởng lũ mạnh nhất của tỉnh là vùng Bắc quốc lộ 1A (giáp tỉnh Đồng Tháp) và các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu chiếm diện tích khoảng 37.546,7 ha (vùng Bắc quốc lộ 1A là 26.846,7 ha và vùng cù lao 10.700 ha). Phần lớn diện tích đất ở vùng này là canh tác lúa, rau màu và vườn cây ăn trái. Hàng năm lũ về vào giữa tháng 8 và chịu ảnh hưởng lũ khoảng 2 - 3 tháng. Trong những năm gần đây lũ lụt có khuynh hướng về sớm, mực nước ngày càng gia tăng và gây thiệt hại ngày càng tăng. Dòng chảy là nguyên nhân trực tiếp đóng vai trò chủ đạo gây biến đổi dòng và sạt lở bờ sông.

- Những điểm sạt lở chính thường nằm trên sông Tiền và sông Hậu là 2 dòng chủ lực của tỉnh ở những nơi sông uốn cong, hướng chính của dòng chảy là chảy thẳng vào bờ với một sức công phá nhất định có tốc độ vượt quá lưu tốc cho phép xói của đất bờ sông.

- Gió mùa Tây Nam và Đông Bắc gây sóng to vỗ vào bờ góp phần làm sạt lở bờ sông. Trên sông Hậu vào mùa mưa, gió Tây Nam thổi vào gần như vuông góc với bờ sông Hậu (phía Vĩnh Long) gây sóng to nhất và lúc đỉnh triều thấp, sóng làm cuốn trôi lớp bùn cát mịn phía dưới tạo hỏng chân cho tầng bên trên, gây sạt lở. Trên sông Tiền gió mùa Tây Nam sẽ vỗ vào bờ các cù lao Minh (huyện Long Hồ) và cù lao Dài (huyện Vũng Liêm). Gió mùa Đông Bắc vào mùa khô tác động mạnh đến quá trình sạt lở bờ hữu của sông Tiền từ thành phố Vĩnh Long đến huyện Vũng Liêm.

- Các hoạt động khai thác thuỷ lợi như nạo vét kênh, làm tăng khả năng tiêu nước từ nội đồng ra sông làm sạt lở bờ kênh trục, các hoạt động giao thông thuỷ nhất là các phương tiện giao thông thuỷ có tốc độ lớn, xây dựng công trình trên sông, công trình nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt việc khai thác cát trong lòng sông, việc khai thác các bãi bồi ven sông để làm ao, hồ nuôi thuỷ sản làm lấn dòng chảy. Hiện nay công tác quản lý khai thác cát trên sông còn nhiều bất cập, nên cũng ảnh hưởng lớn tới vấn đề sạt lở bờ sông.

Theo thống kê năm 2012 toàn tỉnh có 60 khu vực sạt lở bờ sông dài 118.955,5km, số hộ ảnh hưởng trên tuyến là 4.881 hộ.

3. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm:

Bão và áp thấp nhiệt đới: Từ năm 2008 đến nay năm nào cũng có từ 3 đến 5 cơn ảnh hưởng tới Vĩnh Long.

Giông lốc, sét đánh: Xảy ra quanh năm, thường xuyên nhất vào các tháng đầu mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, đặc biệt khi có mưa giông.

4. Biến đổi khí hậu - nước biển dâng:

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tổn hại nhất do biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng Bắc bộ là chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Hiện tượng ENSO (ENNINO và LANINA) ngày càng có tác động mạnh mẽ đến chế độ thời tiết và đặc trưng khí hậu trên nhiều khu vực ở Việt Nam.

5. Tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 2008 đến năm 2012:

Từ năm 2008 đến 2012 do ảnh hưởng của bão, ATNĐ, lũ và triều cường và các đợt dông, lốc gây ra trên địa bàn tỉnh đã làm thiệt hại 359 căn nhà sập, 1.083 căn nhà bị tốc mái, bị thương 13 người, sét đánh chết 9 người, cháy nhà 25 căn, hàng ngàn ha lúa, rau, màu bị chết hoặc hư hỏng, hàng trăm km đường giao thông, công trỉnh thuỷ lợi bị ngập hoặc sạt lở và nhiều công trình hạ tầng khác bị hư hại, ước tổng giá trị bị thiệt hại trong 5 năm là 292.565,54 triệu đồng.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC ỨNG PHÓ:

Tỉnh Vĩnh Long thành lập ban chỉ huy phòng chống lụt bão ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban. Riêng ở cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.

Ban chỉ huy mỗi cấp có các ngành, các đoàn thể cử đồng chí lãnh đạo trong ban này. Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ ban chỉ huy PCLB các cấp giao trách nhiệm cho các đồng chí trong ban chỉ huy xây dựng kế hoạch ứng phó.

Ở cấp tỉnh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của ban chỉ huy cấp tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở NN và PTNT phó trưởng ban trực phụ trách PCLB, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng chí Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phó trưởng ban trực phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn. Chi cục Thuỷ lợi là Văn phòng Thường trực do Chi cục trưởng làm Chánh Văn phòng.

Ở cấp huyện đồng chí Trưởng phòng NN và PTNT phó trưởng ban trực phụ trách PCLB, đồng chí Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện phó trưởng ban trực phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn.

Ở cấp xã: Đồng chí lãnh đạo phụ trách nông nghiệp hoặc kinh tế và xã đội trưởng phụ trách các lĩnh vực này.

IV. ĐÁNH GIÁ NGUỒN LỰC ỨNG PHÓ THIÊN TAI TẠI ĐỊA PHƯƠNG:

Nguồn lực ứng phó thiên tai (trang thiết bị) của địa phương chủ yếu dựa vào sức dân là chính, cho nên năng lực ứng phó còn yếu, nhất là khâu huy động vật lực, tài lực. Mặt khác khâu tổ chức và tập hợp lực lượng tham gia ứng phó còn hạn chế.

Về trang thiết bị chuyên dùng cho công tác tìm kiếm cứu nạn còn thiếu. Hiện tại các phương tiện chuyên dùng có hệ thống thông tin liên lạc do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và 8 huyện, thành phố, thị xã quản lý. Các trang bị khác như: 1.722 áo phao, 1.350 phao tròn và 131 nhà, 01 ca nô, 16 xuồng cứu sinh loại nhỏ...

Một số thiết bị văn phòng tuy được đầu tư như bộ thu nhận thông tin (chảo anten và bộ máy vi tính của Trung tâm KTTV Vĩnh Long) còn các thiết bị văn phòng cho Ban Chỉ huy PCLB các cấp chưa đáp ứng yêu cầu.

Về lực lượng: Lực lượng làm nhiệm vụ PCLB kiêm nhiệm, giảng viên cấp tỉnh có 8 người, lực lượng hướng dẫn cộng đồng thực hiện xây dựng kế hoạch chưa có. Tài liệu tuyên truyền còn thiếu, tài liệu giảng dạy chưa có (đặc biệt giáo án cho giảng viên và hướng dẫn viên cấp huyện, xã).

V. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG NHẬN THỨC CỦA CỘNG ĐỒNG VỀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI TẠI ĐỊA BÀN:

Nhận thức của cán bộ và nhân dân tại các địa phương đã được nâng cao rõ rệt nhất là các cấp lãnh đạo và người dân đã xác định rõ: Các tỉnh Tây Nam Bộ không còn là khu vực an toàn về bão và áp thấp nhiệt đới. Lũ ngày càng nguy hiểm hơn, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là có thực, mức nước mỗi năm lại cao hơn. Khô hạn, mặn ngày càng uy hiếp nhiều hơn... Do đó công tác chuẩn bị cho phòng chống thiên tai ngày càng tích cực hơn.

VI. ĐÁNH GIÁ CÁC KHU VỰC THƯỜNG XUYÊN BỊ ẢNH HƯỞNG VÀ NHỮNG VÙNG CÓ NGUY CƠ CAO THEO TỪNG LOẠI:

1. Vùng có thể xảy ra bão, lốc xoáy:

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới với xu hướng ngày càng nhiều hơn và mức độ thiệt hại ngày càng nặng nề hơn. Trong các năm 1997 và 2006 đã bị ảnh hưởng nặng của cơn bão số 5 năm 1997, cơn bão số 9 năm 2006. Trong các năm từ 2009 đến 2012 kèm theo ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới là các trận lốc xoáy mạnh.

Do địa bàn tỉnh nhỏ phân bố tập trung nên bão xảy ra sẽ ảnh hưởng toàn địa bàn. Lốc xoáy thường xuyên vùng ven sông Cổ Chiên, sông Hậu và các cù lao trên sông, dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy nhiên các hiện tượng này ngày càng có chiều hướng phức tạp, không theo quy luật.

Về lốc xoáy: Hoạt động không theo quy luật và địa bàn nào. Bình quân hàng năm xuất hiện từ 5 đến 7 trận.

2. Vùng ngập lũ, triều cường hoặc kết hợp lũ - triều:

- Vùng Bắc quốc lộ 1A: Là vùng có độ ngập lên đến 1m, sâu nhất toàn tỉnh, thời gian ngập lụt cũng lâu hơn những vùng khác;

- Vùng từ quốc lộ 1A đến bờ Bắc sông Măng Thít: Đây là vùng trũng nội đồng, độ ngập dao động khoảng 0,5 ÷ 1,0m và có thời gian ngập khá lâu;

- Vùng các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu.

3. Vùng bị hạn:

Các vùng bị hạn thường xảy ra dọc sông Tiền, Cổ Chiên, sông Mang Thít và các khu vực có cao độ mặt đất > 1,2 m.

4. Vùng thường xảy ra hạn do mặn:

Mặn xâm nhập theo 2 hướng sông Cổ Chiên và sông Hậu. Phía sông Cổ Chiên độ mặn cao hơn. Về vùng ảnh hưởng có các huyện Vũng Liêm (sông Cổ Chiên) và Trà Ôn (sông Hậu). Mặn hiện ảnh hưởng ở cồn Quới Thiện, Thanh Bình và khu vực thị trấn huyện Vũng Liêm và khu vực xã Tích Thiện thuộc huyện Trà Ôn. Khi đóng cống ngăn mặn nước mặn không xâm nhập nhưng xảy ra thiếu nước, đặc biệt tại khu vực các xã của huyện Vũng Liêm giáp với huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh.

5. Vùng thường bị lốc xoáy và sét:

Vùng ven sông Cổ Chiên, sông Hậu và các cù lao trên sông, dọc theo các tỉnh lộ, đặc biệt dọc quốc lộ 54 thuộc huyện Bình Tân. Tuy nhiên các hiện tượng này ngày càng có chiều hướng phức tạp, không theo quy luật. Riêng bão sẽ ảnh hưởng toàn tỉnh.

6. Các khu vực sạt lở:

Do điều kiện nền đất yếu, tình hình sạt lở xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau. Tuy nhiên cần chú ý các điểm sạt lở có đông dân cư sinh sống và các khu đô thị, nơi tập trung các công trình quan trọng. Hiện tượng sạt lở xảy ra quanh năm. Đáng chú ý trong thời gian chuyển từ mùa lũ sang mùa khô hoặc khi triều rút… Dọc sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Mang Thít và các trục giao thông thuỷ trong tỉnh là các sông rạch thường xảy ra nhiều với mức độ xâm thực cao hơn các nơi khác.

7. Quy luật hoạt động của thiên tai:

- Bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông thường ảnh hưởng đến Nam Bộ nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong các tháng cuối năm (tháng 10 - 12). Tuy nhiên trong các năm từ 2010 trở lại đây, quy luật có thay đổi, năm nào cũng có xảy ra bão hoặc áp thấp nhiệt đới ngay trong mùa khô (từ tháng 01 đến tháng 4). Tỉnh Vĩnh Long có diện tích nhỏ và địa bàn bằng phẳng nên khi chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới cả tỉnh đều chịu ảnh hưởng, không có sự chênh lệch lớn về thời gian giữa các huyện, thành phố, thị xã.

- Lốc xoáy thường xảy ra ở thời điểm giao mùa, tuy nhiên quy luật này đã có sự thay đổi. Trong những năm gần đây đã xảy ra kể cả trong mùa khô và mùa mưa.

- Lũ lụt thường xuất hiện từ giữa tháng 8 dl, cao nhất thường xuất hiện trong các tháng 10, tháng 11 dl và sau đó giảm dần. Hiện nay quy luật có thể bị thay đổi và phụ thuộc lượng nước thượng nguồn đổ về.

- Triều cường dâng cao, kết hợp mưa lớn gây sạt lở đất, ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, triều cường thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 12, có năm tới tháng 01 năm sau.

- Hạn hán, xâm nhập mặn thường xuất hiện cao nhất khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 trùng với thời điểm lượng nước thượng nguồn thấp.

VII. CÁC HOẠT ĐỘNG NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG DO CÁC TỔ CHỨC TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC HỖ TRỢ ĐÃ VÀ ĐANG TRIỂN KHAI Ở ĐỊA PHƯƠNG:

Hiện tại tỉnh Vĩnh Long chưa có dự án nào do tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2015

I. NHỮNG CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH:

Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn năm 2013 - 2015, dựa vào những căn cứ sau:

- Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08/3/1993 và Pháp lệnh số 27/UBTVQH 10 ngày 24/4/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão;

- Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

- Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

- Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2013 - 2015;

- Công văn số 1121/BNN-TCTL ngày 04 tháng 4 năm 2103 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” năm 2013;

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân ở các xã, phường, thị trấn, khóm, ấp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hoá do thiên nhiên gây ra, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai: Đảm bảo đến năm 2015 có 50 % cán bộ được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tất cả xã, phường, thị trấn, khóm, ấp ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng được kế hoạch phòng tránh thiên tai, có hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng được lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai, lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, 40 % số dân các xã, phường, thị trấn, khóm, ấp thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai và 20 % các vùng còn lại được phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Đưa kiến thức phòng tránh giảm nhẹ thiên tai vào chương trình đào tạo của trường học phổ thông và trên chương trình phát thanh truyền hình của tỉnh.

III. QUY MÔ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:

1. Quy mô:

Thực hiện trên 109 xã, phường, thị trấn trên phạm vi tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 2015 có 50 xã xây dựng được bản đồ thiên tai và kế hoạch lồng ghép, các huyện và một số ban ngành được trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai. (Chi tiết theo phụ lục II).

2. Các hoạt động chính:

Theo công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2013 đến 2015 kế hoạch xây dựng gồm 2 hợp phần để đảm bảo tính đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, bao gồm các nội dung sau:

a) Hợp phần 1: Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động QLTTCĐ ở các tỉnh, thành phố, gồm các hoạt động:

Hoạt động 1.1: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn phù hợp và thống nhất về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp và tại cộng đồng.

Hoạt động 1.7: Tổ chức đào tạo về các bước thực hiện QLTTCĐ cho các đội ngũ giảng dạy QLTTCĐ ở các cấp.

Hoạt động 1.9:

- Trang bị công cụ hỗ trợ công tác phòng, chống lụt bão cho các cơ quan, chính quyền các cấp.

- Bộ dụng cụ giảng dạy về QLTTCĐ cho đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp.

b) Hợp phần 2: Tăng cường truyền thông giáo dục và nâng cao năng lực cho cộng đồng về QLTTCĐ, kế hoạch gồm các hoạt động:

Hoạt động 2.2: Thiết lập bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng (do cộng đồng tự xây dựng dựa trên hướng dẫn của nhóm thực hiện QLTTCĐ tại cộng đồng); xây dựng pano bản đồ và bảng hướng dẫn các bước cơ bản về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi với từng giai đoạn: Trước, trong và sau thiên tai phù hợp cho từng cộng đồng (theo văn hoá và điều kiện kinh tế xã hội của từng cộng đồng/nhóm cộng đồng).

Hoạt động 2.4: Thu thập, cập nhật thông tin cho bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương và được duy trì thực hiện hàng năm (thành viên cộng đồng thực hiện)

Hoạt động 2.5: Cộng đồng xây dựng kế hoạch hàng năm về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai của cộng đồng.

Hoạt động 2.6: Các thành viên cộng đồng xây dựng kế hoạch phát triển của cộng đồng có lồng ghép kế hoạch về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai.

Hoạt động 2.7: Xây dựng kế hoạch diễn tập về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng hàng năm (bao gồm cả các trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ).

Hoạt động 2.9: Thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát các hoạt động về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng.

Hoạt động 2.10: Các hoạt động về QLTTCĐ thường xuyên được truyền bá thông qua trang web, TV, đài, báo và các pano, áp phích, tờ rơi…

Hoạt động 2.12: Tổ chức các lớp đào tạo hàng năm cho cộng đồng về từng hoạt động riêng biệt trong công tác quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng (các hoạt động đào tạo, tập huấn này được tổ chức riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể trong cộng đồng như giới tính, học sinh phổ thông, người lớn tuổi…)

Hoạt động 2.13: Tổ chức các buổi biểu diễn, kịch về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng nhân các ngày lễ của cộng đồng.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thường trực ban chỉ huy PCLB và TKCN) là cơ quan chủ trì tổ chức thực đề án có trách nhiệm:

- Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Quản lý dự án thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các sở, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương xây dựng, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch hàng năm, 5 năm.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết. Hướng dẫn kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại các sở, ngành tỉnh và địa phương; định kỳ hàng năm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí, tìm nguồn vốn (kể cả tài trợ khác) để thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban chỉ huy PCLB và TKCN các cấp biên soạn tài liệu và đưa nội dung về công tác PCLB và GNTT lồng ghép vào các môn học để giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trong các giờ chính khoá hoặc ngoại khoá.

4. Các sở, ban, ngành tỉnh:

Theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện Kế hoạch này.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan theo sự phân công trong kế hoạch.

- Đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả nguồn vốn của đề án, thực hiện chống tham nhũng và thất thoát vốn.

- Chủ động huy động nguồn lực của nhân dân trên địa bàn và lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để thực hiện kế hoạch.

- Thực hiện báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án trên địa bàn theo quy định.

6. Các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân:

Các hoạt động về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi do thiên tai dựa vào cộng đồng là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân vận động các hội viên, thành viên trong tổ chức tích cực tham gia cùng với cộng đồng thực hiện tốt Kế hoạch này.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2015 (xem phụ lục):

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2013 đến 2015 kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch như sau:

1. Tổng kinh phí thực hiện:

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn từ 2013 đến 2015 (theo mẫu hướng dẫn) ước tính 7.379 triệu đồng, chia ra:

- Hợp phần I: 2.306 triệu đồng; trong đó:

+ Năm 2013: 752 triệu đồng.

+ Năm 2014: 1.072 triệu đồng.

+ Năm 2015: 472 triệu đồng.

- Hợp phần II: 5.083 triệu đồng, trong đó:

+ Năm 2013: 1.267 triệu đồng.

+ Năm 2014: 1.776 triệu đồng.

+ Năm 2015: 2.050 triệu đồng.

(Chi tiết theo bảng phụ lục đính kèm).

2. Nguồn vốn:

- Vốn ngân sách 6.779 triệu đồng, (bao gồm TW, tỉnh, tài trợ của nước ngoài), chiếm 91,9% tổng kinh phí.

- Vốn dân đóng góp là 600 triệu đồng, chiếm 8,13 % tổng kinh phí (dùng cho diễn tập PCLB và xây dựng công trình và hầm tránh trú bão).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Tài chính tổ chức tiếp nhận, quản lý và cấp phát nguồn vốn do Trung ương phân bổ đến các ngành, các cấp thực hiện theo kế hoạch đề ra.

2. Căn cứ vào kế hoạch chung của tỉnh, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các hoạt động liên quan đến ngành, địa phương mình có hiệu quả.

3. Trên cơ sở các hoạt động trong kế hoạch, các ngành xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, xác định những nội dung cần ưu tiên để tiến hành thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các ngành, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện các hoạt động được giao; lồng ghép các nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc thực hiện; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của các ngành, địa phương; định kỳ hàng năm, 5 năm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh việc điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, hiệu quả./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Phan Nhựt Ái

 

PHỤ LỤC II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VỀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Hạng mục chính

(Căn cứ QĐ số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009)

Hoạt động

Đơn vị thực hiện

Đơn vị phối hợp

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng kinh phí

Kết quả dự kiến

Kinh phí

Kết quả dự kiến

Kinh phí

Kết quả dự kiến

Kinh phí

Hợp phần 1: Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động QLTTCĐ ở các tỉnh, thành phố. Tổng kinh phí: 2.296 triệu đồng (hai tỷ, hai trăm chín mươi sáu triệu đồng)

Hoạt động 1.1: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn phù hợp và thống nhất về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp và tại cộng đồng.

Cung cấp tài liệu cho cộng đồng do BCĐ PCLB TW cung cấp

Cơ quan

Ban chỉ huy PCLB các cấp

Băng đĩa cho 109 xã, phường, thị trấn

32 triệu đồng

Cập nhật mới (109)

32 triệu đồng

Cập nhật mới 109)

32 triệu đồng

96 triệu đồng

Hoạt động 1.7: Tổ chức đào tạo về các bước thực hiện QLTTCĐ cho các đội ngũ giảng dạy QLTTCĐ ở các cấp.

Giảng dạy QLTT DVCĐ cho cán bộ giảng dạy cấp huyện, xã

CCTL và giảng viên cấp tỉnh

CTĐ

5 lớp

200 triệu đồng

10 lớp

400 triệu đồng

10 lớp

400 triệu đồng

1.000 triệu đồng

Hoạt động 1.9:

- Trang bị công cụ hỗ trợ công tác phòng, chống lụt bão cho các cơ quan, chính quyền các cấp

 

- Bộ dụng cụ giảng dạy về QLTTCĐ cho đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp.

- Thiết bị văn phòng cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh, huyện, thị xã, thành phố (11 đơn vị)

- Tài liệu giảng dạy cho cán bộ cấp huyện.

Cơ quan

Sở Tài chính, ban chỉ huy PCLB tỉnh

5

 

 

 

 

5

500 triệu đồng

 

 

 

20 triệu đồng

6

 

 

 

 

10

600 triệu đồng

 

 

 

40 triệu đồng

 

 

 

 

 

10

 

 

 

 

 

40 triệu đồng

1.100 triệu đồng

 

 

 

100 triệu đồng

Hợp phần 2: Tăng cường truyền thông giáo dục và nâng cao năng lực cho cộng đồng về QLTTCĐ. Tổng kinh phí: 5.083 triệu đồng (năm tỷ không trăm tám mươi ba triệu đồng)

Hoạt động 2.2: Thiết lập bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng (do cộng đồng tự xây dựng dựa trên hướng dẫn của nhóm thực hiện QLTTCĐ tại cộng đồng); xây dựng pano bản đồ và bảng hướng dẫn các bước cơ bản về chuẩn bị, ứng phó và phục hồi với từng giai đoạn: Trước, trong và sau thiên tai phù hợp cho từng cộng đồng (theo văn hoá và điều kiện kinh tế xã hội của từng cộng đồng/nhóm cộng đồng)

Xây dựng bản đồ của ấp, xã

Ban chỉ huy PCLB VHTT, CTĐ cấp huyện, xã

10 xã

50 triệu đồng

30 xã

150 triệu đồng

50 xã

250 triệu đồng

450 triệu đồng

Hoạt động 2.4: Thu thập, cập nhật thông tin cho bản đồ thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương và được duy trì thực hiện hàng năm (thành viên cộng đồng thực hiện)

Thu thập thông tin bổ sung bản đồ hiểm họa và tình trạng dễ bị tổn thương

BCH PCLB các cấp

10 xã

10 triệu đồng

30 xã

30 triệu đồng

50 xã

50 triệu đồng

90 triệu đồng

Hoạt động 2.5: Cộng đồng xây dựng kế hoạch hàng năm về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai của cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch ấp/xã an toàn hơn

Xã, ấp, khóm

BCH PCLB cấp huyện

5 xã

15 triệu đồng

10 xã

30 triệu đồng

16 xã

48 triệu đồng

93 triệu đồng

Hoạt động 2.6: Các thành viên cộng đồng xây dựng kế hoạch phát triển của cộng đồng có lồng ghép kế hoạch về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai

Xây dựng kế hoạch phát triển KT tại cộng đồng

Xã, huyện

Ban chỉ huy PCLB các cấp

8 xã

8 triệu đồng

30 xã

30 triệu đồng

50 xã

50 triệu đồng

88 triệu đồng

Hoạt động 2.7: Xây dựng kế hoạch diễn tập về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng hàng năm (bao gồm cả các trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ)

Mỗi năm tổ chức 1 cuộc diễn tập cấp huyện và 8 cuộc diễn tập cấp xã

Xã, huyện

Bộ Chỉ huy QS tỉnh, huyện và BCHPCLB các cấp

8 xã, 01 huyện

700 triệu đồng

8 xã, 01 huyện

700 triệu đồng

8 xã, 01 huyện

700 triệu đồng

2.100 triệu đồng

(trong đó dân đóng góp 600 triệu đồng)

Hoạt động 2.9: Thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát các hoạt động về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng.

Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc, tổ chức các hình thức tuyên truyền

Xã, huyện

Sở TTTT, VH- TT-DL

10 xã, phường

100 triệu đồng

20 xã, phường

200 triệu đồng

30 xã, phường

300 triệu đồng

600 triệu đồng

Hoạt động 2.10: Các hoạt động về QLTTCĐ thường xuyên được truyền bá thông qua trang web, TV, đài, báo và các pano áp phích, tờ rơi…

Các loại hình thông tin

Huyện

Sở TTTT, Sở VHTT-DL

Lập trang WEB, 24 bản tin /năm

24 triệu đồng

36 bản tin/ năm

36 triệu đồng

52 bản tin/năm

52 triệu đồng

112 triệu đồng

Hoạt động 2.12: Tổ chức các lớp đào tạo hàng năm cho cộng đồng về từng hoạt động riêng biệt trong công tác quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng (các hoạt động đào tạo, tập huấn này được tổ chức riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể trong cộng đồng như giới tính, học sinh phổ thông, người lớn tuổi…)

Tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng động và cảnh báo sớm, hội thảo định hướng trường học an toàn lũ

Cơ quan

Sở GD ĐT, VH-TT-DL, CTĐ và BCHPCLB các cấp

Phòng ngừa thảm họa cho hộ gia đình và cộng đồng (3 lớp), dạy bơi cho học sinh ở các bậc học (6 lớp)

270

Phòng ngừa thảm họa cho hộ gia đình và cộng đồng (3 lớp), dạy bơi cho học sinh ở các bậc học (6 lớp), cho giới nữ (3 lớp)

360

Phòng ngừa thảm họa cho hộ gia đình và cộng đồng (3 lớp), dạy bơi cho học sinh ở các bậc học (6 lớp) cho giới nữ (3 lớp)

360

990 triệu đồng

Hoạt động 2.13: Tổ chức các buổi biểu diễn, kịch về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng nhân các ngày lễ của cộng đồng.

Tổ chức các buổi văn nghệ về đề tài phòng, chống và GNTT tại xã, khóm, ấp

Sở TTTT, Ban VHTT tỉnh, huyện, xã

8 buổi

80

24 buổi

240

24 buổi

240

560 triệu đồng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 843/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015

  • Số hiệu: 843/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Phan Anh Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản