Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 84/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ, TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tại Tờ trình số 39/TTr-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2014 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 9849/BKHĐT-KTĐPLT ngày 30 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án điều chỉnh: Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2020.

2. Phạm vi: Áp dụng cho 40 xã, bao gồm: 36 xã, phường thuộc Đề án cũ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 và 04 xã bổ sung, gồm: Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn), Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy), Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy), Mỹ Hòa (huyện Kim Bôi).

3. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ);

- Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng giảm giá thành sản phẩm;

- Phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20 - 25% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% trong nông thôn;

- Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới;

- Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cho nhân dân vùng hồ ngang bằng với các khu vực khác trong tỉnh;

- Phát triển rừng phòng hộ kết hợp với rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 60%.

4. Các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu:

a) Về di dân, tái định cư:

- Tập trung di chuyển các hộ dân trong vùng Đề án có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến khu tái định cư tập trung và tạo điều kiện cho các hộ có đất ở, đất sản xuất đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững;

- Di dãn các hộ dân từ nơi đông dân cư, nơi có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét đến xen ghép với các điểm thưa dân có đủ đất ở, sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, ổn định.

b) Về đầu tư phát triển sản xuất:

- Tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững như: Trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa;

- Đối với vùng còn đất có khả năng khai hoang, phục hóa hoặc tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ theo quy định;

- Đối với hộ không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo thu nhập thì được vay theo quy định;

- Thả bổ sung cá giống cho hồ thủy điện, tạo điều kiện cho nhân dân các xã ven hồ không có đất sản xuất, có nguồn đánh bắt thường xuyên đảm bảo cuộc sống;

- Đào tạo nghề tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, có chuyên môn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

c) Về cơ chế chính sách:

Áp dụng các cơ chế, chính sách theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020; cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ (đối với các huyện nghèo thuộc vùng Đề án) và các cơ chế, chính sách khác về hỗ trợ phát triển sản xuất, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn để sớm thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống người dân vùng chuyển dân sông Đà bằng mức bình quân chung của toàn tỉnh Hòa Bình.

d) Về xây dựng cơ sở hạ tầng:

- Tập trung cứng hóa mặt đường bằng bê tông xi măng đến các trung tâm cụm xã và nâng cấp, mở mới đường đến xóm bản và các vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp nông thôn;

- Khai thác tiềm năng, thế mạnh các xã vùng hồ để phát triển đồng bộ du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân.

5. Tổng nhu cầu và nguồn vốn đầu tư:

a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đề án điều chỉnh là 4.053,256 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn:

- Vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách trung ương:

3.061,043 tỷ đồng.

- Vốn lồng ghép các chương trình:

820,000 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh Hòa Bình cân đối:

150,000 tỷ đồng.

- Nhân dân đóng góp:

22,213 tỷ đồng.

c) Tiến độ thực hiện:

- Giai đoạn 2009 - 2015 (đã cấp): 897,713 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách trung ương:

580,500 tỷ đồng.

+ Vốn lồng ghép các chương trình:

317,213 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 3.155,543 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách trung ương:

2.480,543 tỷ đồng.

+ Vốn lồng ghép các chương trình:

675,000 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và hiệu quả của Đề án; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án.

b) Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn các huyện thuộc phạm vi Đề án, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh làm căn cứ kêu gọi và thực hiện đầu tư theo mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực chỉ đạo việc lựa chọn, lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần theo quy định hiện hành và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Ban hành danh mục dự án cụ thể làm căn cứ phê duyệt, triển khai thực hiện theo tiến độ và mục tiêu của Đề án.

d) Cam kết thực hiện có kết quả việc lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình dự án trên địa bàn để thực hiện Đề án có hiệu quả.

đ) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào khả năng của ngân sách trung ương để cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho tỉnh Hòa Bình thực hiện Đề án;

- Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

3. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành quản lý, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đến đầu tư trong phạm vi của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).M

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 84/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 84/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 175 đến số 176
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản