Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 401/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ XÂY DỰNG THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH THUỘC TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tại tờ trình số 286/TTr-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2014 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 864/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 11 tháng 02 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2017 (sau đây viết tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi của Đề án

Vùng ảnh hưởng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La gồm 50 xã và 2 thị trấn thuộc 6 huyện: Phù Yên, Mộc Châu, Bắc Yên, Mường La, Mai Sơn, Vân Hồ. Tổng số bản là 664, với số dân trong vùng Đề án là 54.153 hộ.

2. Đối tượng thực hiện

Bao gồm các hộ phải di chuyển đến các điểm tái định cư tập trung và xen ghép trong nội bộ xã; các đối tượng hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 trong vùng Đề án, tổng số là 18.176 hộ.

3. Mục tiêu của Đề án

a) Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2017, ổn định nơi ở của các hộ dân, không còn hộ thiếu đất sản xuất và hộ đói, giảm hộ nghèo xuống bằng mức bình quân chung của Tỉnh. Vùng thực hiện Đề án có nền kinh tế phát triển toàn diện, địa bàn dân cư ổn định, có điều kiện phát triển bền vững, cùng với sự phát triển chung của Tỉnh, đời sống của người dân được bảo đảm và ngày càng được nâng cao.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn.

Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án theo định hướng phát triển nông thôn mới.

Nâng độ che phủ rừng của vùng hồ nhằm tăng khả năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2017, ưu tiên sắp xếp tái định cư cho 1.017 hộ dân, bao gồm: di dân đến các điểm tái định cư tập trung cho khoảng 339 hộ, bố trí tái định cư xen ghép trong nội bộ xã khoảng 678 hộ dân;

- Phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm bảo đảm an ninh lương thực, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế trong vùng dự án: Nông, Lâm, Ngư nghiệp (47%) - Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, Xây dựng (35%) - Thương mại, dịch vụ (18 %);

- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường ô tô đến xã và đường đến các bản đi lại được 4 mùa. 95% số hộ trong vùng Đề án được sử dụng điện lưới quốc gia và được dùng nước sạch hợp vệ sinh. 100% số hộ được xem truyền hình;

- Đến hết năm 2015, vùng dự án không còn hộ đói, hộ nghèo bằng mức bình quân chung của cả tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm;

- Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cho nhân dân vùng Đề án ngang bằng với các vùng khác trong tỉnh. Sắp xếp lại lao động, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động xã hội bằng mức bình quân chung của Tỉnh, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trên 50%.

4. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2011 đến năm 2017.

5. Các hạng mục đầu tư chủ yếu

a) Sắp xếp ổn định dân cư: Ưu tiên sắp xếp cho 1.017 hộ dân, trong đó: 339 hộ di chuyển do thiếu đất sản xuất và đất ở; 678 hộ phải di chuyển do không có đất ở (đã có đủ đất sản xuất). Xây dựng đồng bộ 9 điểm tái định cư tập trung và 25 điểm dân cư trong nội bộ xã cho các hộ thiếu đất ở.

b) Đầu tư phát triển sản xuất: Hỗ trợ cho 18.176 hộ nghèo vốn để sản xuất cây ngắn ngày và chăn nuôi đại gia súc.

c) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng:

Ưu tiên đầu tư 256 công trình cấp bách cần thiết trong điểm tái định cư và các xã trong vùng Đề án có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và có vai trò cốt lõi trong vùng Đề án, cụ thể như sau:

- Điểm tái định cư tập trung: Ưu tiên đầu tư xây dựng đường đến điểm tái định cư; đường nội bộ trong điểm tái định cư; san nền nhà; công trình điện; công trình thủy lợi; nước sinh hoạt; lớp học mầm non; lớp học bậc tiểu học, nghĩa địa, với tổng số 59 dự án;

- Điểm tái định cư xen ghép nội xã: Ưu tiên đầu tư xây dựng đường đến điểm tái định cư; đường nội bộ trong điểm tái định cư; san nền nhà; công trình điện; nước sinh hoạt, với tổng số 116 dự án;

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng Đề án: Ưu tiên đầu tư xây dựng 04 dự án đường giao thông liên xã, 11 cầu treo dân sinh; 16 công trình thủy lợi; 25 công trình nước sinh hoạt; 13 nhà lớp học mầm non và tiểu học, 01 nhà công vụ giáo viên; 01 nhà văn hóa xã, 04 dự án với 12 nhà văn hóa bản; 02 dự án điện và 04 công trình trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Trong đó: Đã xây dựng hoàn thành 53 dự án; đầu tư xây dựng mới 28 dự án (bao gồm: 04 tuyến đường liên xã; 04 cầu treo dân sinh; 12 công trình nước sinh hoạt; 04 công trình thủy lợi; 04 công trình trụ sở Ủy ban nhân dân xã).

6. Tổng vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương: 1.396,636 tỷ đồng, trong đó:

- Tổng vốn Trung ương đã giao 2012 - 2014: 303,277 tỷ đồng;

- Tổng vốn Trung ương cấp tiếp giai đoạn 2015 - 2017: 1.066,636 tỷ đồng, trong đó:

+ Bồi thường, hỗ trợ tái định cư: 343,462 tỷ đồng.

+ Đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất: 120,358 tỷ đồng.

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng: 582,816 tỷ đồng.

+ Dự phòng và chi phí khác: 20 tỷ đồng.

7. Các giải pháp thực hiện Đề án

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011 về việc phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011, không trái với Quyết định này;

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác di dân, ổn định đời sống dân cư;

- Thực hiện công tác di dân, xây dựng các điểm tái định cư theo quy mô, khối lượng, tổng mức vốn đầu tư trong Đề án điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo đúng với các cơ chế, chính sách áp dụng cho Đề án và các quy định hiện hành có liên quan. Được phép điều chỉnh phương án bố trí tái định cư, quy mô các công trình kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư của các dự án thành phần và mục tiêu của Đề án, nhưng không làm tăng tổng mức vốn đầu tư được phân bổ cho tỉnh theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Quyết định này;

- Xây dựng phương án lựa chọn các điểm tái định cư khả thi để sắp xếp ổn định cho 813 hộ dân còn lại trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho các hộ dân;

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Đề án, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự giám sát của nhân dân trong tổ chức thực hiện Đề án; đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng Đề án. Thực hiện báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào khả năng của ngân sách trung ương để cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho tỉnh Sơn La thực hiện Đề án;

- Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành quản lý, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đến đầu tư trong phạm vi của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- HĐND, UBND tỉnh Sơn La;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 401/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 401/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 465 đến số 466
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản