Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 81/2009/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 16 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 177/2004/QĐ-UB ngày 01 tháng 10 năm 2004, Quyết định số 65/2006/QĐ-UB ngày 04 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp quản lý khai thác, bảo vệ và thủy lợi phí đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2009/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này được áp dụng đối với việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi là hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, hệ thống kênh và công trình trên kênh thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Quy định này là các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Công trình thủy lợi” là các công trình: hồ chứa nước, đập dâng, cống, trạm bơm, kênh và các công trình trên kênh.

2. “Hệ thống công trình thủy lợi” bao gồm các công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau trong quản lý, vận hành và bảo vệ trong một lưu vực hoặc một khu vực nhất định.

3. Phân loại kênh thực hiện theo Thông tư 134/1999/TT-BNN ngày 25 tháng 9 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Kênh loại I: Kênh trục chính của hệ thống lớn quan trọng.

- Kênh loại II: Kênh liên huyện, liên xã.

- Kênh loại III: Kênh nội đồng, liên thôn.

4. “Cống đầu kênh cửa tổ chức hợp tác dùng nước” là cống đầu kênh loại III có diện tích tưới không lớn hơn 100 ha.

5. “Tổ chức hợp tác dùng nước” là hình thức hợp tác của những người cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi, làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 4. Nguyên tắc chung quản lý công trình thủy lợi

1. Mỗi hệ thống thủy lợi hoặc công trình thủy lợi phải do một tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành, bảo trì và bảo vệ theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc quản lý hệ thống công trình thủy lợi phải bảo đảm tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính.

3. Các cơ quan đơn vị được phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trong bản quy định này có trách nhiệm vận hành an toàn và khai thác công trình có hiệu quả, bảo đảm các yêu cầu phòng chống, suy giảm, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và các tác hại khác do nước gây ra.

Điều 5. Phân cấp quản lý hệ thống công trình thủy lợi

Công trình thủy lợi hoặc hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được phân cấp quản lý như sau:

1. Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi quản lý các công trình:

- Hồ chứa: có dung tích chứa từ 500.000 m3 nước trở lên, hoặc đập có chiều cao từ 12 m trở lên.

- Đập dâng, trạm bơm: có phạm vi tưới liên xã.

- Kênh và công trình trên kênh loại I, loại II, loại III có diện tích tưới lớn hơn 100 ha.

2. Đối với công trình thủy lợi không thuộc đối tượng quản lý của Công ty Khai thác công trình thủy lợi theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì việc quản lý, khai thác và bảo vệ được thực hiện như sau:

a) Tại các huyện đồng bằng: Giao Ủy ban nhân dân xã nơi có công trình thủy lợi quản lý, khai thác và bảo vệ:

- Hệ thống kênh mương (kể cả công trình trên kênh) từ hạ lưu cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến kênh mương nội đồng.

- Các công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm loại nhỏ, có tính chất kỹ thuật đơn giản, tưới độc lập trong một xã thì giao Ủy ban nhân dân xã quản lý, khai thác, bảo vệ toàn bộ hệ thống từ công trình đầu mối đến kênh nội đồng.

Ủy ban nhân dân xã có thể ủy quyền cho Hợp tác xã hoặc tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, khai thác, bảo vệ đối với công trình được phân cấp.

b) Tại hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh:

Giao Ủy ban nhân dân huyện quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi từ công trình đầu mối (hồ chứa, đập dâng, trạm bơm) đến kênh nội đồng.

Ủy ban nhân dân huyện có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình thủy lợi quản lý, khai thác, bảo vệ đối với công trình được phân cấp.

3. Các công trình thủy lợi quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng có đặc điểm, tính chất kỹ thuật đơn giản, tưới độc lập trong một xã có thể xem xét phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nếu có đủ năng lực quản lý để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công trình.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã được phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi quy định tại khoản 2, 3 Điều này có trách nhiệm giao lại công trình thủy lợi được phân cấp cho Tổ hợp tác dùng nước quản lý, khai thác và bảo vệ khi địa phương có Tổ hợp tác dùng nước được thành lập.

Điều 6. Bảo vệ công trình thủy lợi

Các đơn vị được phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi có trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các Công ty Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng danh mục các công trình được phân cấp, vị trí các cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước, thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang; Ủy ban nhân dân cấp xã ngoài trách nhiệm quản lý được phân cấp tại khoản 2, 3 Điều 5 tại Quy định này còn có trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại Điều 29 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; tiến hành củng cố, xây dựng các tổ chức hợp tác dùng nước tham gia quản lý, duy tu, vận hành khai thác công trình có hiệu quả.

3. Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi căn cứ vào Quy định này phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng danh mục các công trình thủy lợi, các tuyến kênh phân cấp, vị trí các cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện.

Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi cần thiết về hiện trạng công trình và thực trạng quản lý, khai thác công trình thủy lợi đối với các cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi trên địa bàn và cấp trên.

Điều 8. Sửa đổi, bổ sung

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có những nội dung không phù hợp hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp những kiến nghị, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.