ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 730/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 22 tháng 05 năm 2013 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 07/4/2007 của Chính phủ về việc quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng V/v Hướng dẫn một số điều của Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo số 63/BC-SXD ngày 13/5/2013 về việc thẩm định đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:
1. Tên quy hoạch: Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Phạm vi và đối tượng lập quy hoạch
- Phạm vi quy hoạch: Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với quy mô diện tích 3.827,85 km2, quy mô dân số hiện trạng khoảng 1,6 triệu người.
- Đối tượng quy hoạch:
+ Chất thải rắn sinh hoạt đô thị và điểm dân cư nông thôn.
+ Chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) của Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN).
+ Chất thải rắn y tế.
- Quản lý chất thải rắn (CTR) là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Giang, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững;
- Công tác quản lý CTR phải lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng CTR chôn lấp;
- Quản lý CTR là trách nhiệm chung của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý CTR và chính quyền địa phương. Xã hội hóa công tác quản lý CTR. Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các công trình xử lý và quản lý CTR;
- Quản lý CTR không khép kín theo địa giới hành chính, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường;
- Phấn đấu tới năm 2030, trên 90% các loại CTR phát sinh được thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
a) Mục tiêu tổng quát
- Nâng cao hiệu quả quản lý CTR nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
- Xây dựng hệ thống quản lý CTR hiện đại, theo đó CTR được phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp.
- Thiết lập cơ sở pháp lý để quản lý, xây dựng các khu xử lý CTR theo quy hoạch và triển khai lập quy hoạch chi tiết các cơ sở xử lý chất thải rắn đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác xử lý CTR, đặc biệt là CTR nguy hại.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp CTR.
b) Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng được các phương thức phân loại CTR tại nguồn và xác định lộ trình triển khai thực hiện phân loại CTR tại nguồn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng khu vực.
- Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển CTR cho các đô thị, khu công nghiệp và điểm dân cư nông thôn.
- Tính toán quy mô và phân bố hợp lý các khu xử lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang, đảm bảo phục vụ các đô thị, các cơ sở công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn. Đồng thời lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lý, tái chế các loại chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại nhằm đảm bảo xử lý triệt để chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.
- Đề xuất hệ thống quản lý, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của tỉnh.
- Đề xuất kế hoạch, lộ trình và xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.
5.1. Phân loại CTR tại nguồn
a) Phân loại CTRSH:
Giai đoạn 2016-2020: Thực hiện thí điểm phân loại CTR tại nguồn tại các phường thuộc thành phố Bắc Giang, đầu tư trang thiết bị phục vụ phân loại CTR tại nguồn cho thị xã Chũ, thị xã Thắng và thị trấn Bích Động.
Giai đoạn 2021-2030: Phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn TP Bắc Giang. Thực hiện phân loại CTR tại nguồn trên phạm vi toàn thị xã Chũ, thị xã Thắng và thị xã Bích Động. Thực hiện thí điểm và mở rộng phân loại CTR tại nguồn trên phạm vi thị trấn đô thị loại IV. Thí điểm phân loại CTR tại nguồn các đô thị loại V.
b) Phân loại CTR công nghiệp:
Giai đoạn 2013-2020: Phân loại CTR tại các nhà máy đã và đang hoạt động tại tỉnh Bắc Giang, các điểm tập kết của KCN, CCN đã và đang hoạt động, các khu phân loại CTR tại khu liên hợp xử lý CTR.
Giai đoạn 2021-2030: Phân loại tại tất cả các nhà máy, tăng cường khả năng trao đổi CTR có khả năng tái chế, phân loại tại một số điểm tập kết, trạm trung chuyển CTR trong các KCN, CCN.
c) Phân loại CTR y tế:
Thực hiện phân loại CTR y tế ở 100% các cơ sở y tế trên toàn tỉnh trong giai đoạn 2013-2015. Đặc biệt đối với khối cơ sở y tế tư nhân, cần có văn bản hướng dẫn việc phân loại và thu gom theo đúng quy trình của Bộ Y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT).
5.2. Phương thức thu gom, vận chuyển CTR
a) Phương thức thu gom, vận chuyển CTRSH
Chất thải rắn sinh hoạt đô thị
Định hướng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị được thực hiện dựa trên 03 phương thức chủ yếu sau đây:
- Phương thức 1: Việc thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH liên đô thị (từ 02 đô thị trở lên) cần ưu tiên thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung tại khu xử lý mỗi huyện, do một đơn vị chuyên trách của huyện thực hiện, khuyến khích đơn vị tư nhân tham gia, thu gom, xử lý CTR liên đô thị.
- Phương thức 2: CTRSH tại thành phố Bắc Giang được phân loại tại nguồn, trước khi thu gom bằng xe đẩy tay hoặc xe chuyên dụng (loại 1,5-3 tấn) tới trạm trung chuyển đặt tại mỗi phường, sau đó sử dụng xe loại 7,5 tấn, vận chuyển đến khu liên hợp Đa Mai. Công tác thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn thành phố Bắc Giang do Công ty CP quản lý công trình đô thị Bắc Giang thực hiện.
- Phương thức 3: CTRSH tại thị trấn các huyện được thu gom bằng xe đẩy tay hoặc xe chuyên dụng loại 1,5 tấn (thu gom ven đường giao thông), sau đó CTR được vận chuyển đến điểm tập kết của thị trấn hoặc sử dụng xe chuyên dụng (loại 7,5 tấn), vận chuyển trực tiếp đến khu xử lý. Đối với CTRSH các xã khu vực phụ cận, xây dựng điểm tập kết CTR, công tác thu gom CTR tại các xã phụ cận do đội vệ sinh môi trường (VSMT) của xã thu gom bằng xe đẩy tay, hoặc xe loại 1,5 tấn đến điểm tập kết. Tại điểm tập kết CTR được Hợp tác xã VSMT hoặc đội VSMT của mỗi xã, thị trấn vận chuyển đến khu xử lý CTR tập trung của mỗi thị trấn.
Phương thức thu gom, vận chuyển CTRSH nông thôn
Định hướng thu gom, vận chuyển CTRSH khu vực nông thôn được thực hiện dựa trên 02 phương thức chủ yếu sau đây:
- Phương thức thu gom, vận chuyển CTRSH nông thôn theo cụm các xã: Phương thức này áp dụng đối với các xã có vị trí xa trung tâm huyện, địa hình vùng núi, thu gom vận chuyển khó khăn. CTRSH khu vực nông thôn các xã được thu gom bằng xe đẩy tay hoặc xe chuyên dụng loại 1,5 tấn (thu gom tại các thôn, xóm), vận chuyển đến điểm tập kết CTR tại mỗi xã, sau đó đội VSMT mỗi xã vận chuyển tới khu xử lý theo cụm xã.
- Phương thức thu gom, vận chuyển CTRSH nông thôn theo từng xã: Phương thức này áp dụng đối với xã vùng núi, địa hình khó khăn và chỉ áp dụng trong giai đoạn 2013-2020. Vị trí các khu xử lý tại mỗi xã thực hiện theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm xử lý tạm thời CTR phát sinh. Sau năm 2020, CTR của xã được tập kết, sau đó vận chuyển về KXL tập trung của huyện.
b) Phương thức thu gom, vận chuyển CTR công nghiệp
Định hướng thu gom, vận chuyển CTRCN, CTRCN nguy hại được thực hiện dựa trên 02 phương thức chủ yếu:
- Phương thức thu gom tập trung: Các cơ sở công nghiệp (CN) trong KCN (diện tích ³ 300ha) chịu trách nhiệm việc phân loại tại nguồn và điểm tập kết CTR, sau đó vận chuyển hoặc thuê đơn vị chuyên trách vận chuyển đến trạm trung chuyển trong KCN. Riêng CTRCN nguy hại cần phân loại tại mỗi cơ sở công nghiệp và được thu gom trực tiếp hoặc đốt tập trung bằng lò đốt CTRCN nguy hại tại mỗi KCN.
- Phương thức thu gom riêng, lẻ: Các cơ sở CN trong KCN (diện tích < 300ha), CCN chịu trách nhiệm việc phân loại tại điểm tập kết CTR sau đó hợp đồng với đơn vị vận chuyển CTR nguy hại (được cấp phép) và không nguy hại thu gom đến khu xử lý.
c) Phương thức thu gom, vận chuyển CTR y tế
Định hướng thu gom, vận chuyển CTR y tế được thực hiện dựa trên 03 phương thức chủ yếu:
- Thu gom, vận chuyển CTR y tế tập trung: Áp dụng tại thành phố Bắc Giang, khu vực tập trung số lượng lớn các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực, bệnh viện tư nhân có quy mô giường bệnh lớn, sử dụng khu xử lý CTR Đa Mai để xây dựng hợp phần xử lý CTR y tế cho toàn thành phố Bắc Giang.
- Thu gom, vận chuyển và xử lý CTR y tế theo cụm bệnh viện: Áp dụng đối với bệnh viện đa khoa (BVĐK) các huyện, BVĐK khu vực Lục Ngạn, sử dụng lò đốt hiện trạng đối với các BVĐK đã có lò đốt (đến năm 2020) và lắp đặt hệ thống khử trùng công nghệ Microwave tại các BVĐK chưa có lò đốt hoặc thay thế dần công nghệ đốt sang xử lý bằng hệ thống khử trùng công nghệ Microwave (sau năm 2020) nhằm xử lý cho các cơ sở y tế phụ cận.
- Thu gom và xử lý CTR y tế tại chỗ: Xử lý CTR y tế tại chỗ chỉ áp dụng đối với cơ sở y tế nhỏ, thường là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, cơ sở y tế tư nhân có khối lượng phát sinh CTR y tế nguy hại không lớn, xa các trung tâm xử lý tập trung.
5.3. Lựa chọn công nghệ xử lý CTR
Việc xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ được thực hiện bằng cách phối hợp sử dụng các loại hình công nghệ xử lý CTR như sau:
- Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh: Áp dụng tại các khu xử lý (KXL) CTRSH, đặc biệt áp dụng tại hầu hết các đô thị khu vực miền núi. Công nghệ này sẽ xử lý các loại CTRSH và CTR từ các CCN.
- Công nghệ đốt CTR y tế nguy hại, CTRCN nguy hại, tái chế CTRCN, CTRSH sẽ được hình thành tại 03 khu xử lý tập trung: KXL Đa Mai (thành phố Bắc Giang) và KXL Thắng Cương - Nham Sơn (huyện Yên Dũng), KXL Cao Xá (huyện Tân Yên).
- Công nghệ chế biến CTR thành phân hữu cơ, phân loại thu hồi các thành phần có khả năng tái chế sẽ được áp dụng tại các KXL cấp vùng huyện.
- Công nghệ đốt CTRSH, thu hồi các thành phần có khả năng tái chế, chế biến phân hữu cơ sẽ được áp dụng tại các khu xử lý, ưu tiên các KXL thuộc vùng đồng bằng, ít có khả năng mở rộng diện tích.
5.4. Quy hoạch khu xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Xây dựng 03 khu liên hợp quy mô lớn gồm: KXL Đa Mai (thành phố Bắc Giang); KXL Nham Sơn - Thắng Cương (huyện Yên Dũng); KXL Cao Xá (huyện Tân Yên) với đầy đủ công nghệ: Chế biến phân hữu cơ, tái chế CTR, chôn lấp CTR hợp vệ sinh nhằm xử lý CTR sinh hoạt cho thành phố Bắc Giang, huyện Yên Dũng, huyện Tân Yên và CTR công nghiệp, CTR công nghiệp nguy hại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Xây dựng 06 khu xử lý cấp vùng huyện, xử lý cho đô thị là trung tâm hành chính các huyện, các đô thị và khu vực nông thôn phụ cận. Sử dụng công nghệ phân loại, thu hồi các thành phần có khả năng tái chế, chế biến phân hữu cơ tại các khu xử lý. Tập trung đầu tư lò đốt CTRSH giai đoạn (2016-2020) cho KXL Ngọc Sơn (huyện Hiệp Hòa) và KXL Biên Sơn (huyện Lục Ngạn).
Xây dựng 10 khu xử lý tập trung của huyện, xử lý CTR cho 1 đô thị hoặc cho cụm xã nông thôn, có khoảng cách xa các khu xử lý tập trung. Sử dụng dây chuyền phân loại, thu hồi các thành phần có khả năng tái chế, công nghệ chế biến phân hữu cơ tại các khu xử lý Đồng Tân (huyện Hiệp Hòa); KXL TT. Thanh Sơn (huyện Sơn Động); KXL Quý Sơn, KXL Nghĩa Phương. Các KXL quy mô nhỏ còn lại sẽ áp dụng công nghệ đốt CTRSH.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, vị trí các khu xử lý tại mỗi xã thực hiện theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm xử lý tạm thời CTR phát sinh. Sau năm 2020, CTR của xã được tập kết, sau đó vận chuyển về KXL tập trung của huyện.
Xây dựng 01 lò đốt CTR y tế nguy hại tập trung tại KXL Đa Mai (giai đoạn 2016-2020), nhằm xử lý tập trung CTR các cơ sở y tế tại thành phố Bắc Giang. Xây dựng lò hấp khử khuẩn, sử dụng công nghệ vi sóng (trong 02 BVĐK Hiệp Hòa và BVĐK Thanh Sơn). Giai đoạn 2021-2030, tiến hành thay thế dần lò đốt tại BVĐK các huyện, thị xã sang công nghệ hấp khử khuẩn, sử dụng công nghệ vi sóng (Microwave).
Quy hoạch hệ thống các khu xử lý CTR vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2030
TT | Tên KXL | Vị trí | Công suất tiếp nhận (tấn/ngày) | Diện tích KXL (ha) | Phạm vi phục vụ |
1 | KXL vùng tỉnh | ||||
1.1 | KXL Đa Mai | Xã Đa Mai, Thành phố Bắc Giang | 502 | 35 | CTRSH Thành phố Bắc Giang, CTRYT nguy hại Thành phố Bắc Giang |
1.2 | KXL Thắng Cương - Nham Sơn | Xã Thắng Cương và Nham Sơn, h. Yên Dũng | 354 | 16 | CTRSH TT. Neo, TT. Tân Dân và các xã h. Yên Dũng; CTRCN h. Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam |
1.3 | KXL Cao Xá | Thôn Ngọc Yên, xã Cao Xá, huyện Tân Yên | 383 | 37 | CTRSH TT. Cao Thượng, CTRCN Bắc Giang, các xã phụ cận huyện Tân Yên |
2 | KXL vùng huyện | ||||
2.1 | KXL Đồi Ông Mật; | TT. Bích Động. h. Việt Yên | 155 | 8 | CTRSH TT. Bích Động, TT. Nếnh, TT. Quán Rãnh và các xã thuộc, h. Việt Yên |
2.2 | KXL Cầu Sen | TT. Đồi Ngô, h. Lục Nam | 139 | 7 | CTRSH TT. Đồi Ngô, TT Lục Nam và các xã phụ cận; CTR CCN huyện Lục Nam |
2.3 | KXL Tân Hưng | thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng | 148 | 7,5 | CTRSH TT. Vôi và TT. Kép các xã trên địa bàn huyện Lạng Giang |
2.4 | KXL Tam Tiến | Xã Tam Tiến, h. Yên Thế | 70 | 5 | CTRSH TT. Cầu Gồ, TT. Mỏ Trạng các xã khu vực phía bắc thị trấn, CTR CCN huyện Yên Thế |
2.5 | KXL Biên Sơn | Xã Biên Sơn, h. Lục Ngạn | 132 | 6,5 | CTRSH, CTRCN TT. Chũ, Kép Hai, Tân Sơn, các xã phụ cận h. Lục Ngạn |
2.6 | KXL Ngọc Sơn | Xã Ngọc Sơn, h. Hiệp Hòa | 96 | 5 | TT. Thắng mở rộng, các xã Ngọc Sơn, Lương Phong, Danh Thắng, Thường Thắng, Đức Thắng, Hoàng Thanh. |
3 | KXL tập trung của huyện | ||||
3.1 | KXL Đông Lỗ | Xã Đông Lỗ, h. Hiệp Hòa | 49 | 2,5 | CTRSH TT. Phố Hoa, các xã phía Nam: Xuân Cẩm, Bắc Lý, Đông Lỗ, Hương Lâm, Châu Minh, Đoan Bái |
3.2 | KXL Đại Thành | Xã Đại Thành, h. Hiệp Hòa | 37 | 2 | CTRSH TT. Bách Nhẫn, Các xã phía Tây huyện: Mai Chung, Hợp Thịnh, Đại Thành, Quang Minh, Hùng Sơn, Hòa Sơn, Thái Sơn. |
3.3 | KXL Đồng Tân | Xã Đông Tân, h. Hiệp Hòa | 14 | 1,0 | Các xã phía Bắc huyện: Đông Tân, Thanh Vân, Hoàng Lương, Hoàng An, Hoàng Vân. |
3.4 | KXL Đồng Hưu | Xã Đồng Hưu, h. Yên Thế | 28 | 1,5 | CTRSH TT. Bố Hạ, các xã khu vực phía Tây Nam h. Yên Thế |
3.5 | KXL Nhã Nam | Xã Nhã Nam, h. Tân Yên | 27 | 2,5 | CTRSH TT. Nhã Nam, các xã phụ cận huyện Tân Yên |
3.6 | KXL Đèo Chinh | TT. An Châu, h. Sơn Động | 17 | 2,5 | CTRSH; CTRCCN TT. An Châu, các xã phụ cận huyện Sơn Động. |
3.7 | KXL TT. Thanh Sơn | TT. Thanh Sơn, h. Sơn Động | 23 | 2,0 | TT. Thanh Sơn, TT. Long Sơn và các xã phụ cận |
3.8 | KXL Nghĩa Phương | Xã Nghĩa Phương, h. Lục Nam | 40 | 3,5 | CTRSH khu du lịch Suối Mỡ và các xã phụ cận |
3.9 | KXL Quý Sơn | Xã Quý Sơn, h. Lục Ngạn | 25 | 2 | CTRSH TT. Phố Kim và cụm xã phụ cận |
3.10 | KXL Biển Động | Xã Biển Động, h. Lục Ngạn | 12 | 1,2 | CTRSH nông thôn xã Biển Động và các xã phụ cận h. Lục Ngạn |
6. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch.
- Tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về quản lý CTR;
- Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý CTR;
- Ưu tiên phân bố hợp lý nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn ODA hoặc các nguồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho các đô thị để đầu tư trang thiết bị và xây dựng các cơ sở xử lý CTR;
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Khuyến khích các doanh nghiệp môi trường đô thị sử dụng vốn tự có, vốn tín dụng để đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR.
- Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp với việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR.
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật lành nghề bằng nhiều hình thức thích hợp.
7.1. Giai đoạn 2013 - 2015
- Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đáp ứng cho việc thực hiện phân loại CTR tại nguồn tại thành phố Bắc Giang.
- Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý và nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại và xử lý CTR.
- Tập trung đầu tư xây dựng 03 khu xử lý cấp vùng tỉnh gồm KXL Đa Mai (thành phố Bắc Giang); KXL Nham Sơn - Thắng Cương (huyện Yên Dũng); KXL Cao Xá (huyện Tân Yên).
- Đầu tư xây dựng, mở rộng các KXL hiện trạng như KXL Đồi Ông Mật (TT. Bích Động, huyện Việt Yên), KXL Cầu Sen (huyện Lục Nam), KXL Ngọc Sơn (huyện Hiệp Hòa) sử dụng công nghệ phân loại, thu hồi thành phần có khả năng tái chế, chế biến phân hữu cơ, chôn lấp hợp vệ sinh.
- Đầu tư xây dựng mới KXL Tân Hưng (huyện Lạng Giang), KXL Biển Động (huyện Lục Ngạn).
- Đóng cửa các bãi chôn lấp tại một số thị trấn, không có khả năng mở rộng, không hợp vệ sinh và đã quá tải như: Bãi chôn lấp (BCL) thị trấn Lục Nam (huyện Lục Nam), BCL thị trấn Neo (huyện Yên Dũng), BCL tạm thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động).
- Đầu tư mới hệ thống xử lý CTR y tế sử dụng công nghệ hấp, khử khuẩn (sử dụng vi sóng) tại: BVĐK huyện Hiệp Hòa và BVĐK thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động.
7.2. Giai đoạn 2016 - 2020
- Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý và nhận thức của cộng đồng trong việc thu gom và xử lý CTR. Hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cho cán bộ quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường, công ty CP quản lý công trình đô thị Bắc Giang, các đơn vị tham gia thực hiện thu gom, xử lý CTR tại các huyện và cán bộ quản lý cấp xã, phường.
- Thí điểm thực hiện phân loại CTR tại nguồn tại thành phố Bắc Giang và dần mở rộng phạm vi phân loại CTR trên toàn thành phố.
- Tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đáp ứng cho việc thực hiện phân loại CTR tại nguồn, tập trung tại TT. Nếnh, TT. Bích Động (huyện Việt Yên) và TT. Nhã Nam (huyện Tân Yên), TT. Chũ (huyện Lục Ngạn).
- Xây dựng, hoàn thiện công nghệ tại khu xử lý CTR Thắng Cương (huyện Yên Dũng); KXL Cao Xá (huyện Tân Yên); KXL Đồi Ông Mật (TT. Bích Động, huyện Việt Yên), KXL Cầu Sen (huyện Lục Nam), KXL Ngọc Sơn (huyện Hiệp Hòa); Sử dụng công nghệ phân loại, thu hồi các thành phần có khả năng tái chế, chế biến phân hữu cơ, xử lý CTRSH.
- Hoàn thiện, đầu tư bổ sung dây truyền tái chế CTR, đốt CTR y tế nguy hại tập trung tại khu xử lý liên hợp Đa Mai, thành phố Bắc Giang.
- Đầu tư, xây dựng lò đốt CTRSH, bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại KXL Đèo Chinh (h. Sơn Động); KXL Ngọc Sơn (TT. Thắng, huyện Hiệp Hòa); KXL Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa); KXL Nhã Nam (khu vực đồi Cành Sung, thôn Tiến Trại, xã Nhã Nam).
Hoàn thiện cơ chế chính sách trong đó khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom và xử lý CTR.
7.3. Giai đoạn 2021 - 2030
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phân loại CTR tại nguồn. Hướng dẫn người dân thực hiện phân loại CTR tại nguồn tại các đô thị thành lập thị xã như TX. Bích Động; TX. Chũ; TX. Thắng, và TT. Đồi Ngô và TT. Lục Nam (huyện Lục Nam).
- Tiếp tục đầu tư, mở rộng, nâng công suất xử lý các khu xử lý cấp vùng tỉnh (KXL Đa Mai, KXL Thắng Cương, KXL Cao Xá) và các KXL đã hình thành trong giai đoạn trước.
- Tiếp tục đầu tư thêm hệ thống lò đốt CTRSH quy mô nhỏ tại các khu xử lý vùng huyện và khu xử lý tập trung các huyện.
- Xây dựng thêm dây truyền phân loại, chế biến phân hữu cơ quy mô nhỏ, thu hồi thành phần có khả năng tái chế và chôn lấp HVS tại khu xử lý CTR tại các huyện.
- Thay đổi dần công nghệ đốt CTR y tế nguy hại tại BVĐK các huyện sang công nghệ hấp, khử khuẩn, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí vận hành.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung có liên quan của Quy hoạch kèm theo Quyết định này; đồng thời định kỳ báo cáo tình hình, tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế; Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 1932/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 2159/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện lập điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 3Quyết định 4514/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 1Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về quy chế quản lý chất thải y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 5Thông tư 13/2007/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Quyết định 1932/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 2159/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện lập điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 8Quyết định 4514/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
Quyết định 730/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 730/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/05/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Lại Thanh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/05/2013
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực