Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/QĐ-TTg | Hà Nội ngày 10 tháng 02 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 56/BC-HĐTĐ ngày 07 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với các nội dung sau đây:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG QUY HOẠCH
1. Phạm vi quy hoạch: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Đối tượng quy hoạch: Trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Không bao gồm trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm phát triển
- Phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể quốc gia và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan.
- Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
- Phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; ngành, nghề trọng điểm; hình thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa, thực hiện liên kết vùng hiệu quả; quan tâm phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở vùng khó khăn, đào tạo các nhóm ngành nghề và đối tượng đặc thù.
- Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thống nhất đầu mối quản lý một số trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
- Ưu tiên ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp.
2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2025
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
- Đến năm 2030
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
1. Cơ cấu mạng lưới và quy mô đào tạo
a) Cơ cấu mạng lưới
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Đến năm 2025: có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 400 trường cao đẳng, 400 trường trung cấp, 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 06 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đến năm 2030: có 1.700 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 380 trường cao đẳng, 390 trường trung cấp, 930 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 06 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
- Loại hình sở hữu
Đến năm 2025, có 980 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, bao gồm: 290 trường cao đẳng, 130 trường trung cấp, 560 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 820 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: 110 trường cao đẳng, 270 trường trung cấp, 440 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Đến năm 2030, có 850 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, bao gồm: 260 trường cao đẳng, 110 trường trung cấp, 480 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 850 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: 120 trường cao đẳng, 280 trường trung cấp, 450 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
- Trường cao đẳng chất lượng cao
Đến năm 2025: Có 70 trường chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, có 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.
Đến năm 2030: Có 90 trường chất lượng cao, trong đó 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 06 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.
b) Quy mô tuyển sinh, đào tạo
- Theo trình độ đào tạo
Đến năm 2025, đạt từ 2.500.000 đến 2.700.000 lượt người/năm, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25%.
Đến năm 2030, đạt từ 3.800.000 đến 4.000.000 lượt người/năm, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25 - 30%.
- Theo ngành, nghề
Đến năm 2025: Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.030.000 lượt người, chiếm 38%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 670.000 lượt người, chiếm 25%; dịch vụ đạt 1.000.000 lượt người, chiếm 37%.
Đến năm 2030: Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1.800.000 lượt người, chiếm 45%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 600.000 người, chiếm 15%; dịch vụ đạt 1.600.000 lượt người, chiếm 40%.
2. Phân bố mạng lưới theo vùng đến năm 2030
a) Vùng trung du và miền núi Bắc bộ: Chiếm khoảng 14% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
b) Vùng đồng bằng sông Hồng: Chiếm khoảng 26% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 02 - 03 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 02 - 03 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
c) Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ: Chiếm khoảng 26% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
d) Vùng Tây Nguyên: Chiếm khoảng 06% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
đ) Vùng Đông Nam Bộ: Chiếm khoảng 17% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 02 - 03 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Chiếm khoảng 11% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 01 - 02 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
3. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp
a) Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
- Về số lượng
Đến năm 2025: Có 70.000 nhà giáo; phấn đấu thu hút 14.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Đến năm 2030: Có 67.000 nhà giáo; phấn đấu thu hút 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
- Về chất lượng
Đến năm 2025: Khoảng 50% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sỹ trở lên; khoảng 20% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ kỹ năng nghề cao hơn một bậc so với yêu cầu chuẩn kỹ năng nghề đối với nhà giáo. Khoảng 60% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
- Đến năm 2030: Khoảng 70% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sỹ trở lên; 30% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ kỹ năng nghề cao hơn một bậc so với yêu cầu chuẩn kỹ năng nghề đối với nhà giáo. Khoảng 65% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
b) Cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp
- Về số lượng
Đến năm 2025: Phấn đấu có 26.000 cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 400 cán bộ quản lý tại các trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đến năm 2030: Phấn đấu có 25.000 cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 800 cán bộ quản lý tại các trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
- Về cơ cấu
Bảo đảm cơ cấu hợp lý, gắn với vị trí việc làm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu; phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ quản lý trong đổi mới, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp thích ứng trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 60% và đến năm 2030 đạt khoảng 75% cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
- Về chất lượng
Đến năm 2025: Khoảng 30% - 40% cán bộ quản lý các trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đạt chuẩn tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
Đến năm 2030: Khoảng 70% cán bộ quản lý các trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao đạt chuẩn tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
4. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo
a) Về diện tích đất xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội khóa 15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và các quy định về pháp luật đất đai khác có liên quan.
b) Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, các công trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Đến năm 2025: khoảng 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm đủ số lượng và diện tích các công trình; đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế và tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm theo ngành, nghề đào tạo, trong đó có khoảng 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tiếp cận các chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế.
- Đến năm 2030: 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm đủ số lượng và diện tích các công trình; đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế và tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm, trong đó có khoảng 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tiếp cận các chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế.
c) Thiết bị đào tạo
- Đến năm 2025: Khoảng 85% ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh, xanh phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của thực tiễn sản xuất.
- Đến năm 2030: Khoảng 95% ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại, thông minh, xanh phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của thực tiễn sản xuất, đáp ứng yêu cầu của những ngành nghề mới, kỹ năng mới.
IV. DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
1. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 chi tiết tại Phụ lục kèm theo quyết định này.
2. Việc đầu tư theo danh mục các dự án ưu tiên nêu trên được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Rà soát, hoàn thiện chính sách đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch.
- Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đối với các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết.
2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
a) Về phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề
- Tổ chức, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo việc làm phù hợp và các chế độ, chính sách, quyền lợi đối với nhà giáo.
- Ưu tiên nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, ưu tiên nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và các nước phát triển trong nhóm G20 có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhà giáo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ngành, nghề mới mà xã hội có nhu cầu.
- Đẩy mạnh phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề. Hình thành mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp.
- Tăng cường năng lực các cơ sở thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hướng phù hợp với cơ cấu các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo và phân bổ hợp lý theo vùng miền, đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.
b) Về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo phân tầng chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo tại doanh nghiệp.
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tại các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển về mô hình tổ chức bộ máy, năng lực quản trị, quản trị cơ sở.
- Đẩy mạnh thu hút đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo
- Bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và các quy định về pháp luật đất đai khác có liên quan. Bảo đảm ổn định diện tích đất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hiện có, đồng thời ưu tiên bố trí quỹ đất dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và quỹ đất được bổ sung, tăng thêm ở khu vực có hạ tầng giao thông thuận lợi, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút đầu tư, đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về xây dựng và thiết kế theo các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo phân tầng chất lượng, theo cấp độ và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Nâng cao hiệu quả và hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, nhất là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên cơ sở chia sẻ tài nguyên và tối ưu hóa quy trình đào tạo.
- Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đạt chuẩn theo quy định, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đầu tư các thiết bị mô phỏng cho thực hành, thực tập; phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”, “nhà trường xanh”.
4. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ
- Tăng cường kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường do hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Hạn chế thành lập mới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở khu vực nhạy cảm về môi trường; trường hợp bắt buộc phải thành lập mới thì cần có phương án bồi hoàn hệ sinh thái phù hợp.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng điện, năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng thay thế khác đặc biệt là những ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ số, công nghệ thực tế ảo, Internet vạn vật...
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và phát triển, công nhận trình độ kỹ năng; từng bước số hóa, xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông minh, có khả năng kết nối, chia sẻ tài nguyên.
5. Giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển
- Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó phát huy vai trò kết nối của các trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN và thế giới, từng bước tiến tới công nhận kết quả đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trên cơ sở tăng cường hiệu quả liên thông dựa trên khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra quốc gia, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, lượng hóa giá trị đơn vị học tập, công nhận kết quả học tập theo cả trình độ và đơn vị học tập.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp một cách thực chất thông qua các hoạt động liên kết cụ thể. Xây dựng, triển khai các mô hình đào tạo theo chuỗi, gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các doanh nghiệp, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hướng tới đổi mới sáng tạo.
6. Giải pháp về giáo dục, tuyên truyền
- Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và toàn xã hội về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao.
- Đẩy mạnh truyền thông về chủ trương, chính sách, cơ chế, đặc biệt là chủ trương, cơ chế, chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Phát triển hệ sinh thái truyền thông phù hợp với phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đối tác. Hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp phù hợp với cơ cấu nguồn nhân lực, việc làm sau đào tạo, vùng kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm công tác phân luồng hợp lý gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
7. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở đào tạo trong khu vực ASEAN, các nước thuộc nhóm G20; khuyến khích liên kết đào tạo và thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư tài chính và kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ từ các tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế, từ các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhất là việc xây dựng, vận hành mô hình trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
- Đẩy mạnh thực hiện các hiệp định, thỏa thuận song phương với các đối tác phát triển trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế; đẩy nhanh quá trình công nhận kỹ năng nghề nghiệp giữa Việt Nam và các nước.
8. Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư
- Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư các trường chất lượng cao, trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; đồng thời tập trung nguồn lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho các đối tượng đặc thù.
- Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân thông qua hỗ trợ về thuế, ưu đãi vốn vay, hỗ trợ bố trí đất để đầu tư, xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt trong việc hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm ASEAN-4 và G20.
9. Giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động
- Đa dạng hóa mô hình, phương thức quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dựa trên tính chất, quy mô của cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu phát triển nhân lực và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Đẩy mạnh phân cấp về trách nhiệm, quyền hạn từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến các cơ quan quản lý các cấp; từng bước thực hiện lộ trình tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
- Đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn “đầu ra”. Triển khai mô hình quản lý, quản trị, vận hành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo.
10. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát, thực hiện quy hoạch
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhân dân khi triển khai thực hiện.
- Chủ động thực hiện việc rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp tục duy trì, phát triển để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực theo ngành, lĩnh vực hoặc chuyển về địa phương hoặc giải thể nếu không đáp ứng yêu cầu đối với: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu, đặc thù, đào tạo các ngành, nghề phục vụ quốc phòng, an ninh; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.
- Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hình thành các trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao với quy mô đào tạo lớn, ngành, nghề, chất lượng đào tạo vượt trội, có tính chất dẫn dắt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
- Rà soát, sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện; rà soát, sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập; sáp nhập các trường cao đẳng công lập trên cùng địa bàn có đa số các ngành, nghề đào tạo trùng nhau; giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả; duy trì hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm 100% chi thường xuyên.
- Không thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trường hợp cần thiết phải thành lập mới thì cơ sở đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính. Không hình thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các đơn vị hành chính cấp huyện đã có trường cao đẳng hoặc trường trung cấp công lập hoặc phân hiệu/cơ sở của trường cao đẳng hoặc trung cấp công lập đóng trên địa bàn. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện theo phương án phát triển giáo dục nghề nghiệp được xác định trong quy hoạch cấp tỉnh.
- Hỗ trợ tạo điều kiện phát triển, từng bước nâng cao chất lượng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho người dân tộc thiểu số; người khuyết tật; các ngành, nghề đặc thù.
- Đẩy mạnh phát triển số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên các cơ sở đào tạo các ngành, nghề kỹ thuật - công nghệ cao tại các khu vực ngoài đô thị.
- Xây dựng và ban hành hệ thống quy chế, quy định, tiêu chuẩn nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của pháp luật về tổ chức triển khai các hoạt động sau khi quy hoạch được phê duyệt.
- Định kỳ đánh giá, kiểm tra, giám sát việc quy hoạch theo quy định.
- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm những nội dung đã được quy hoạch.
Điều 2. Trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tổ chức công bố, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện và hướng dẫn thực hiện quy hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai các đề án, dự án; rà soát, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng phương án tiếp nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành và địa phương về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; tổ chức, sắp xếp lại và tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp này thành trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
- Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương: Xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn và phê duyệt danh mục các ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm theo từng thời kỳ; xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí ngân sách hàng năm thực hiện quy hoạch này.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất điều chỉnh quy hoạch này (nếu cần thiết) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương có liên quan
- Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu, đặc thù, đào tạo các ngành, nghề phục vụ quốc phòng, an ninh; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan thuộc Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, nội dung quy hoạch bảo đảm có hiệu quả, đồng bộ và thống nhất với chiến lược, quy hoạch khác có liên quan và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý, xây dựng và thực hiện nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Quyết định này.
- Thống nhất đầu mối quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của địa phương theo quy định.
- Bố trí quỹ đất để phát triển giáo dục nghề nghiệp bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch và quy định tại khoản 3 Phần V Điều 1 Quyết định này.
- Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 73 /QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Danh mục dự án đầu tư | Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 | Giai đoạn 2021 - 2025 | Giai đoạn 2026 - 2030 | Sau năm 2030 | ||||||||||||
Cao đẳng | Trung cấp | Trung tâm giáo dục nghề nghiệp | I | II | III | IV | V | VI | I | II | III | IV | V | VI | |||
1 | Đầu tư trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao | 6 | - | - | 1 | 1 | - | 1 | - | - | 2-3 | 1-2 | - | 1-2 | 1-2 | x | |
2 | Đầu tư trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao | 12 | - | - | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1-2 | 2-3 | 1-2 | 1-2 | 2-3 | 1-2 | x |
3 | Đầu tư trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20 | 60 | - | - | 40 | 60 | x | ||||||||||
4 | Đầu tư trường chất lượng cao | 90 | - | - | 70 | 90 | x | ||||||||||
5 | Đầu tư trường có các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia | x | x | - | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x |
6 | Đầu tư trường đào tạo cho đối tượng, ngành nghề đặc thù | x | x | - | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x |
7 | Đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x | x |
Ghi chú:
I: Vùng trung du và miền núi Bắc bộ | III: Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ | V: Vùng Đông Nam bộ |
II: Vùng đồng bằng sông Hồng | IV: Vùng Tây Nguyên | VI: Vùng đồng bằng sông Cửu Long |
- 1Quyết định 209/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành
- 2Công văn 2161/TCGDNN-KHTC năm 2021 về cung cấp thông tin xây dựng bản đồ số phục vụ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành
- 3Quyết định 2089/QĐ-TTg năm 2021 về thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014
- 2Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 4Luật Đầu tư 2020
- 5Luật Quy hoạch 2017
- 6Luật Đầu tư công 2019
- 7Luật giáo dục 2019
- 8Nghị quyết 08/NQ-CP năm 2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 10Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 11Quyết định 897/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 209/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành
- 13Công văn 2161/TCGDNN-KHTC năm 2021 về cung cấp thông tin xây dựng bản đồ số phục vụ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành
- 14Nghị quyết 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 do Quốc hội ban hành
- 15Quyết định 2089/QĐ-TTg năm 2021 về thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 2239/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 73/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 73/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/02/2023
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra