Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 729/1999/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 729/1999/QĐ-BGTVT NGÀY 24 THÁNG 03 NĂM 1999 BAN HÀNH QUI CHẾ VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE ÔTÔ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH THEO PHƯƠNG THỨC HỢP ĐỒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường bộ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng vụ Pháp chế- Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.-

Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Qui chế về tổ chức quản lý hoạt động của xe ôtô vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng".

Điều 2.-

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3.-

Cục trưởng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các Sở GTVT (GTCC) tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4.-

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, các Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE Ô TÔ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH THEO PHƯƠNG THỨC HỢP ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 729/1999/QĐ-BGTVT ngày 24/03/1999 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải )

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.-

Quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản về tổ chức quản lý hoạt động của các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách công cộng theo phương thức hợp đồng thuê bao trọn gói.

Điều 2.- Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

- Quy chế này được áp dụng đối với tất cả các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế -kể cả tổ chức, cá nhân có vốn liên doanh hoặc hợp tác kinh doanh với nước ngoài-, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép kinh doanh vận tải công cộng (gọi chung là đơn vị vận tải) ở trong nước và ở nước ngoài (thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ được ký kết giữa CHXHCN Việt nam với các nước).

- Ô tô không được phép kinh doanh VTHK công cộng thì không được chở khách theo phương thức hợp đồng thuê bao trọn gói.

- Xe Taxi hoạt động theo phương thức hợp đồng thực hiện theo quy định tạm thời về tổ chức quản lý VTHKCC bằng taxi ban hành kèm theo Quyết định 2472 QĐ/GTVT ngày 20/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Xe ôtô vận chuyển khách du lịch theo hợp đồng thực hiện theo quy định về quản lý vận chuyển khách du lịch đường bộ, đường thuỷ ban hành kèm theo Quyết định số 2418/QĐ-LB ngày 4/12/1993 của liên bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Du lịch.

Điều 3.- Trong quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Xe ôtô vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng (sau đây gọi tắt là xe hợp đồng) là các xe có từ 04 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ ngồi của lái xe) kinh doanh vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng thuê bao trọn gói thuộc các đơn vị vận tải.

- Hợp đồng vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng: là sự tự nguyện thoả thuận giữa đơn vị vận tải với người thuê xe hợp đồng hoặc hành khách để thống nhất mục đích, cách thức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng như thoả thuận về địa điểm, thời gian đón trả khách, về hành trình, thời hạn vận tải, thanh toán cước phí, về các khoản phí cho thời gian chờ đợi và các yêu cầu khác.

- Hành khách đi xe hợp đồng là người sử dụng xe hợp đồng để đi lại.

- Người thuê xe hợp đồng là người nhân danh mình hoặc được người khác uỷ thác ký hợp đồng thuê bao trọn gói xe ô tô để phục vụ cho việc đi lại.

- Đơn vị vận tải: là các tổ chức hoặc cá nhân cho thuê xe ôtô hợp đồng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép vận tải hành khách công cộng.

Chương 2

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ XE Ô TÔ THEO PHƯƠNG THỨC HỢP ĐỒNG

Điều 4.- Điều kiện để được VTHK theo phương thức hợp đồng thuê bao trọn gói

4.1- Đối với đơn vị vận tải:

Đơn vị vận tải là các doanh nghiệp vận tải được thành lập hợp pháp theo quy định của các Luật: Doanh nghiệp nhà nước, Công ty, Hợp tác xã (bao gồm các mô hình HTX theo Điều lệ mẫu HTX GTVT ban hành kèm theo Nghị định 45/CP ngày 29/4/1997), Doanh nghiệp tư nhân và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam hoặc các cá nhân, nhóm kinh doanh có mức vốn dưới vốn pháp định có phương tiện hoạt động theo Nghị định 66/HĐBT ngày 02/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đều được vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng.

4.2- Đối với xe hợp đồng:

Xe hợp đồng phải có Giấy phép vận tải hành khách (vận tải trong nước) hoặc Giấy phép vận tải quốc tế (vận tải ngoài nước) do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông vận tải cấp.

Xe hợp đồng phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Bộ GTVT quy định. Xe hợp đồng phải luôn luôn ở trong tình trạng kỹ thuật tốt và an toàn, có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn.

Khi thực hiện hợp đồng, xe hợp đồng phải có biển "xe chạy hợp đồng" cài đặt ở bên trong kính chắn gió phía bên phải người lái xe.

Quy định thống nhất trong cả nước biển "xe chạy hợp đồng" nền mầu trắng chữ mầu đỏ, kiểu chữ theo phông chữ Vn TimeH của máy vi tính, cỡ chữ từ 130 đến 160 (có làm đậm nét) tuỳ loại xe có sức chứa khác nhau.

4.3- Đối với lái xe:

Lái xe phải có Giấy phép lái xe hợp lệ phù hợp với loại xe ôtô đang điều khiển. Lái xe phải luôn mang theo bản hợp đồng vận tải hành khách (hoặc phiếu tạm ứng tiền cước vận chuyển) và các giấy tờ có liên quan khác để xuất trình khi có yêu cầu kiểm tra của nhà chức trách.

4.4- Đối với hành khách, người thuê xe:

Hành khách đi xe có thể là một tập thể thuộc các cơ quan, đơn vị hoặc có thể là cá nhân có nhu cầu hợp đồng thuê xe để đi lại.

Hành khách, người thuê xe phải thuê bao cả chuyến (một lượt hoặc cả hai lượt đi, về) trong một hợp đồng vận tải.

Điều 5.- Ký và thực hiện hợp đồng

Hợp đồng vận tải hành khách bằng ôtô được ký giữa đơn vị vận tải và người thuê xe hoặc hành khách đi xe hợp đồng phải là hợp đồng bằng văn bản theo mẫu quy định của Bộ Giao thông vận tải (có mẫu kèm theo).

Điều 6.- Giá cước

- Giá cước vận tải hành khách của xe hợp đồng là giá cước thoả thuận giữa đơn vị vận tải và người thuê xe ôtô hoặc đại diện của hành khách đi xe, được tính toán trên cơ sở đơn giá cước VTHK nội tỉnh (nếu là xe hợp đồng VTHK nội tỉnh) hoặc đơn giá cước VTHK liên tỉnh (nếu là xe hợp đồng VTHK liên tỉnh) cộng với lệ phí cầu, phà, đường (nếu có).

- Xe hợp đồng không áp dụng hình thức bán vé. Kết thúc hợp đồng, hành khách đi xe được thanh toán cho chuyến đi của mình bằng hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành.

Điều 7.- Đón và trả khách của xe hợp đồng

- Việc đón trả khách của xe hợp đồng được thực hiện tại địa điểm đón trả khách đã được thỏa thuận trong hợp đồng hay ghi trên phiếu thu cước hoặc thực hiện tại các địa điểm do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

- Nghiêm cấm xe hợp đồng đón thêm khách ngoài hợp đồng trên dọc đường đi (bao gồm cả xung quanh khu vực bến xe) khi đang thực hiện hợp đồng.

Điều 8.- Phạm vi hoạt động của xe hợp đồng

- Xe hợp đồng của các doanh nghiêp vận tải được thành lập theo các Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Công ty, Luật HTX (bao gồm các mô hình HTX theo Điều lệ mẫu HTX GTVT ban hành kèm theo Nghị định 45/CP ngày 29/4/1997 của Chính phủ), Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam được hoạt động trong phạm vi khu vực hoặc trong toàn quốc do Cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Xe hợp đồng của cá nhân hoạt động theo Nghị định 66/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thực hiện theo Thông tư 19 TT/PC-VT ngày 20/01/1995 của Bộ GTVT.

- Phạm vi hoạt động của xe hợp đồng đi nước ngoài thực hiện theo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và các nước có liên quan.

- Xe hợp đồng chỉ được phép chở khách hợp đồng trên các tuyến đã hợp đồng. Nghiêm cấm xe hợp đồng chạy theo hình thức thuê bao không theo hành trình cụ thể.

Điều 9.- Cấp phép cho xe chạy hợp đồng

9.1- Điều kiện được cấp phép:

- Xe chạy hợp đồng phải do đơn vị vận tải quản lý, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép vận tải hành khách công cộng.

- Có đủ điều kiện và thực hiện theo quy định tại điều 7, điều 8.

9.2- Hồ sơ xin cấp phép, thời hạn hiệu lực của giấy phép, cơ quan cấp giấy phép được thực hiện theo Qui định ban hành kèm theo Quyết định 1748/QĐ-GTVT ngày 12/7/1997, quy định ban hành kèm theo Quyết định 2076/1998/QĐ-BGTVT ngày 18/8/1998 của Bộ trưởng bộ GTVT (có bổ sung sửa đổi tại Quyết định 3292/1998/QĐ-BGTVT ngày 10/12/1998).

Nếu là xe liên doanh liên kết phải kèm theo hợp đồng liên doanh liên kết (bản sao có công chứng hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Việc cấp phép vận tải quốc tế cho xe hợp đồng hoạt động ra nước ngoài được thực hiện theo Thông tư hướng dẫn riêng của Bộ GTVT.

Đơn xin cấp giấy phép ôtô vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng như mẫu kèm theo.

Chương 3

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 10.- Kiểm tra

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra, kiểm soát được tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật đối với xe hợp đồng.

Điều 11.-

Mọi vi phạm quy chế về xe hợp đồng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Xe hợp đồng vi phạm Quy chế này, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm, còn bị lập biên bản tại chỗ và được gửi về cơ quan cấp Giấy phép vận tải để đình chỉ cấp phép trong thời hạn 6 tháng, 01 năm, trường hợp tái phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản còn bị thu hồi Giấy phép vận tải và đình chỉ cấp phép trong thời hạn 02 năm.

Điều 12.-

Thẩm quyền và các hình thức xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 80/CP ngày 5/12/1996 của Chính phủ quy định "Tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải"; Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1996 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị (có sửa đổi bổ sung theo Nghị định 78/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998) và các quy định có liên quan khác.

Chương 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13.-

Cục trưởng cục Đường bộ Việt nam có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp với các Sở GTVT (GTCC) tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

Điều 14.-

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh hoặc cần bổ sung, sửa đổi các điều khoản của Quy chế này, Sở GTVT (GTCC) báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ GTVT nghiên cứu giải quyết.

TÊN ĐƠN VỊ VẬN TẢI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

ĐƠN XIN CẤP PHÉP

ÔTÔ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH THEO PHƯƠNG THỨC HỢP ĐỒNG

Kính gửi: . . . . . . . . . . . .

1. Tên đơn vị vận tải (hoặc cá nhân) : . . . . . . . . . . .. .. . . .

2. Địa chỉ: . . . . . . . . . . . . . . . . . .

3. Số điện thoại: . . . . . . . . . . Fax: . . . . . .

4. Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh (hoặc Giấy phép hành nghề) số: . . . . . . ngày . / . / .. Cơ quan cấp: . . . . . . .

5. Chủ sở hữu phương tiện vận tải : ( Dành cho trường hợp đơn vị vận tải không phải là chủ sở hữu phương tiện)

- Tên cơ quan (hoặc cá nhân) :

- Địa chỉ:

6. Đơn vị vận tải đề nghị: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

7. Đơn vị vận tải cam đoan đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nội dung đã khai trong đơn.

8. Bảng kê phương tiện xin cấp phép : (gửi kèm theo trong trường hợp xin cho nhiều phương tiện)

STT

Biển số xe

Mác kiểu xe

Trọng tải (Ghế xe)

Phạm vi

hoạt động, tuyến

Thời hạn Giấy phép

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nơi nhận: (Ký tên, đóng dấu (nếu có))
- Cơ quan cấp phép,
- Lưu cơ quan xin phép

......, Ngày.. tháng..năm..
Chủ đơn vị

 

(Mẫu Hợp đồng vận tải hành khách bằng ôtô)

TÊN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Số: / ......, ngày tháng năm

HỢP ĐỒNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG ÔTÔ

(theo hình thức thuê bao trọn gói)

Hôm nay, tại ......... chúng tôi gồm:

1. Đại diện bên A:

Tên cơ quan:

Trụ sở tại

Tên người đại diện: Số Giấy chứng minh nhân dân:

Địa chỉ cơ quan (hoặc nhà riêng): Số điện thoại:

2. Đại diện bên B:

Tên cơ quan:

Số Giấy Đăng ký kinh doanh:

Trụ sở tại

Tên người đại diện: Số Giấy chứng minh nhân dân:

Địa chỉ cơ quan (hoặc nhà riêng):

Số điện thoại:

Hai bên đã cùng nhau thống nhất những nội dung sau đây :

Bên B cho bên A thuê xe ôtô để vận tải với những điều kiện cụ thể sau đây:

1. Đối với xe:

Số đăng ký xe: Số ghế xe:

2. Thời gian, địa điểm:

Thời điểm, địa điểm đón khách:

Thời điểm, địa điểm trả khách:

Thời gian xe chạy trên đường:

Thời gian xe chờ:

Hành trình chạy xe( một số điểm trên hành trình):

3. Thanh toán cước phí:

Tổng cước phí phải trả:

Phương thức thanh toán (Thanh toán tiền mặt hay bằng ngân phiếu, chuyển khoản):

- Số đợt thanh toán, thời hạn thanh toán:

4. Thoả thuận khác về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bên:

.........

Hai bên cam kết nghiêm chỉnh thực hiện những điều đã thoả thuận trong hợp đồng. Nếu có vướng mắc phát sinh sẽ cùng bàn bạc giải quyết.

ĐẠI DIỆN BÊN A
(Ký tên, đóng dấu nếu có)

ĐẠI DIỆN BÊN B
(Ký tên, đóng dấu nếu có)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 729/1999/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế tổ chức quản lý hoạt động của xe ôtô vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 729/1999/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: 08/04/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản