Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 718/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 26 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27/11/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính Quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Thực hiện Công văn số 4577/BNV-ĐT ngày 07/10/2015 của Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 679/TTr-SNV ngày 09 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ; Tài chính; Lao động Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ; (B/c)
- Vụ ĐTBD-BNV; (B/c)
- Bộ Tài chính; (B/c)
- TT Tỉnh ủy; (B/c)
- TT HĐND tỉnh; (B/c)
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, VXLĐ, NCNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27/11/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 718/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

I. THỰC TRẠNG VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

1. Số lượng

Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2015, tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 2802 người trong đó: Cán bộ công chức xã là: 1368 người, Công chức chuyên môn: 1424 người.

2. Chất lượng cán bộ và công chức xã

- Về trình độ văn hóa: Tiểu học: 99 người, chiếm 3,53%; Trung học cơ sở: 1083 người, chiếm 38,65%; Trung học phổ thông: 1393 người, chiếm 49,71%.

- Về trình độ chuyên môn: Đại học là 360 người, đạt 12,84%; Cao đẳng là 198 người, đạt 7,06%; Trung cấp là 1502 người, đạt 53,6%; sơ cấp là 89 người, chiếm 3,1%; Chứng chỉ là 15 người, chiếm 0,53%; chưa qua đào tạo là 410 người, chiếm 14,6% (chủ yếu là đội ngũ cán bộ chuyên trách);

- Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp là 7 người, chiếm 0,24%; Trung cấp là 825 người, chiếm 29,4%, sơ cấp là 147 người, chiếm 5,24%, còn lại chưa qua đào tạo là 1595 người, chiếm 56,9%;

- Về trình độ quản lý nhà nước: Đã qua đào tạo, bồi dưỡng là 888 người, chiếm 31,69%, còn lại là chưa qua đào tạo, bồi dưỡng là 1686 người, chiếm 68,31%.

3. Đánh giá chung

- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn chưa cao (chiếm 40,36%).

- Công chức cấp xã hiện tại cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm 98,8%). Nhưng tỷ lệ tham gia đào tạo, bồi dưỡng về trình độ Quản lý Nhà nước, Lý luận chính trị còn chiếm tỷ lệ thấp (84,5% số công chức chưa qua đào tạo, bồi dưỡng).

- Cán bộ chuyên trách xã đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn (chiếm 61%). Còn 8,4% chưa đạt về trình độ văn hóa; 39% chưa đạt về trình độ chuyên môn; 33,7% chưa đạt về trình độ Lý luận chính trị; 48,6% số cán bộ chưa qua bồi dưỡng quản lý nhà nước; 55% cán bộ chưa đạt về tin học văn phòng).

II. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định đối với từng vị trí công tác, trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tại địa phương.

2. Yêu cầu

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo nội dung trong các chuyên đề của Bộ tài liệu do các Bộ, ngành Trung ương biên soạn để thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng phù hợp với nhu cầu học tập của CBCC xã. Đảm bảo nguyên tắc “vừa làm, vừa học” không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc được giao tại địa phương. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho những cán bộ, công chức xã lần đầu được bổ nhiệm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

III. ĐỐI TƯỢNG

Cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2020.

IV. NỘI DUNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

1. Đào tạo

- Đào tạo trình độ Trung cấp LLCT trở lên đối với cán bộ, công chức chưa qua đào tạo LLCT để đạt chuẩn theo quy định, có tuổi đời còn đủ tuổi tham gia công tác lâu dài, những người hoạt động không chuyên trách trong nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ, công chức xã đã được phê duyệt.

- Tổ chức đào tạo chuyên môn từ trung cấp trở lên cho những cán bộ công chức xã chưa có Trình độ chuyên môn, có tuổi đời còn đủ tham gia công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ công tác trở lên trong nguồn quy hoạch; cán bộ trẻ hoạt động bán chuyên trách trong nguồn quy hoạch đã được phê duyệt.

- Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn từ Trung cấp lên đại học cho số cán bộ lãnh đạo, công chức đã có trình độ chuyên môn Trung cấp còn trong độ tuổi đào tạo; cán bộ trẻ có triển vọng (cán bộ thuộc diện quy hoạch chức danh cán bộ, công chức xã).

2. Bồi dưỡng

- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý đối với cán bộ, công chức xã theo chức danh, vị trí làm việc theo các bộ tài liệu mẫu do Bộ Nội vụ ban hành.

- Bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, Quản lý nhà nước, cập nhật tình hình kinh tế xã hội, nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ ở địa phương. Đảm bảo mỗi cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm (Thời gian thực hiện là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học). Thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng khác nhau được cộng dồn.

V. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27/11/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1. Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng

Giai đoạn 2016-2020 dự kiến đào tạo, bồi dưỡng cho 16.570 lượt cán bộ, công chức xã, cụ thể:

Năm 2016: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 2795 lượt người, trong đó: Đào tạo trình độ Trung cấp: 80 lượt người, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ: 2715 lượt người;

Năm 2017: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 3624 lượt người, trong đó: Đào tạo trình độ Trung cấp: 373 lượt người, (trong đó: Đào tạo trình độ trung cấp của năm 2016 chuyển sang: 80 lượt người, đào tạo trình độ trung cấp của năm 2017 là: 293 lượt người); Đào tạo trình độ Đại học: 60 lượt người, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ: 3271 lượt người;

Năm 2018: Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ: 3304 lượt người; Tiếp tục tổ chức đào tạo trình độ Đại học cho 60 lượt người, đào tạo trình độ trung cấp của năm 2017 chuyển sang là: 293 lượt người

Năm 2019: Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ: 3441 lượt người; đào tạo trình độ Trung cấp cho 294 lượt người. Tiếp tục tổ chức đào tạo trình độ Đại học cho 60 lượt người.

Năm 2020: Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ: 3112 lượt người; Tiếp tục đào tạo trình độ Trung cấp cho 294 lượt người của năm 2018 chuyển sang, tiếp tục tổ chức đào tạo trình độ Đại học cho 60 lượt người.

2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng

a) Sử dụng từ nguồn kinh phí Trung ương cấp có mục tiêu cho tỉnh để thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" được phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Nguồn ngân sách địa phương trích trong nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm của tỉnh.

c) Việc quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thực hiện theo Luật ngân sách và các chế độ hiện hành.

VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cán bộ, công chức xã về chức năng, vai trò của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tạo sự chuyển biến sâu sắc, chất lượng và hiệu quả về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.

2. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức xã về trách nhiệm học và tự học để không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Đổi mới, cập nhật, bổ sung nội dung tài liệu bồi dưỡng, biên soạn lại chương trình, tài liệu bồi dưỡng có cập nhật, bổ sung những nội dung mới phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm không trùng lặp, có kết cấu phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn theo chương trình do Bộ Nội vụ ban hành.

4. Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy trực tiếp cho cán bộ, công chức xã tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố có cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn. Lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành có chuyên môn công tác phù hợp với chuyên môn của 07 chức danh công chức cấp xã, có kinh nghiệm và phương pháp truyền đạt tham gia làm giảng viên.

5. Tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức xã yên tâm tham gia học tập. Cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của cán bộ, công chức xã trong việc lựa chọn chương trình, địa điểm và thời gian tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh và vị trí công tác, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

6. Thực hiện đánh giá chất lượng, hiệu quả trong và sau các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo; đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức xã.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

- Cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, Thị xã, Thành phố và các cơ sở đào tạo thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết và dự toán kinh phí thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã cụ thể của từng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Khảo sát, lựa chọn các trường, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, phù hợp với nhu cầu để hợp đồng triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm. Theo dõi, đôn đốc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, nội dung, chương trình đào tạo, việc cử cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng. Phối hợp với các cơ sở đào tạo nghiên cứu, đề xuất với Bộ Nội vụ những chương trình, nội dung, kiến thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.”

- Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng đạt chất lượng và hiệu quả;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được ký kết.

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác sơ kết, tổng kết về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo đúng quy định. Tổng hợp báo cáo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo định kỳ.

2. Sở Tài chính

- Tổ chức thẩm định dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm theo nguồn kinh phí thuộc Đề án của Trung ương cấp có mục tiêu cho tỉnh đảm bảo thực hiện các nội dung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh;

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cơ sở đào tạo của tỉnh trong việc lập dự toán và thanh quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã;

- Kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo quy định.

- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổng hợp nội dung và nhu cầu kinh phí hàng năm và cả giai đoạn thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020" đối với nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

5. Các cơ sở đào tạo

- Hàng năm phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, Thị xã, Thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã;

- Trên cơ sở các bộ tài liệu mẫu của Bộ, ngành Trung ương biên soạn. Lựa chọn và xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng tham gia khóa học; Cử giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy các lĩnh vực chuyên môn theo các chuyên ngành đã được tập huấn.

- Đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện mở lớp; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức xã theo nhiệm vụ được phân công;

- Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã gửi Sở Nội vụ theo quy định.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ đến từng cán bộ, công chức xã thuộc đơn vị mình quản lý về mục tiêu, nội dung của kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã giai đoạn 2016- 2020 của tỉnh thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

- Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hàng năm UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng cán bộ, công chức xã theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí công việc. Từ đó, xây dựng chi tiết kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đạt chỉ tiêu trong kế hoạch đã đề ra.

- Rà soát, chọn, cử cán bộ, công chức xã tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng theo đúng đối tượng, chức danh và thông báo chiêu sinh của Sở Nội vụ, các Sở, ngành chuyên môn hoặc các cơ sở đào tạo;

- Bố trí địa điểm tổ chức lớp học, chuẩn bị điều kiện cơ sở, vật chất (nếu có); cử cán bộ, công chức phối hợp quản lý học viên của đơn vị;

- Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 718/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg

  • Số hiệu: 718/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Mùa A Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản