Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 708/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THAM GIA ĐỀ ÁN “ NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2012-2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 16/9/2011 của Liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 04/7/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2020”;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 29/TTr-SKHCN ngày 14/01/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020”.

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan thường trực Ban Điều hành Đề án Năng suất chất lượng có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xét, lựa chọn, hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định tại Quyết định này, đảm bảo đúng đối tượng, phát huy hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT UBND tỉnh ( báo cáo);
- Ban Điều hành Đề án NSCL;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Sở KH&CN;
- Chi cục TCĐLCL;
- Lưu: VX, VT.
D:Thanh a 2015\KHCN\QD 120214
QD ho tro DN - NSCL.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Thanh

 

QUY ĐỊNH

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THAM GIA ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”
(Ban hành theo Quyết định số: 708 /QĐ-UBND ngày 14 /02/2015 của UBND tỉnh)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng và lĩnh vực được hỗ trợ

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thủ tục, trình tự, trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020 ” (gọi tắt là Đề án) được phê duyệt tại Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 04/7/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam.

2. Đối tượng được hỗ trợ:

a) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, có quy mô vừa và nhỏ theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

b) Hợp tác xã, làng nghề.

c) Đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực kiểm định, thử nghiệm và đánh giá chứng nhận.

3. Lĩnh vực hỗ trợ.

a) Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã, Làng nghề (gọi chung là doanh nghiệp) thực hiện các nội dung:

- Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở

- Đánh giá và công bố hợp chuẩn, hợp quy

- Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế

- Thực hành nông nghiệp tốt GAP

- Áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng

- Hoàn thiện, cải tiến, ứng dụng, đổi mới công nghệ

- Đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa đã có tiêu chuẩn quốc gia

- Đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nước ngoài cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực và xuất khẩu.

b) Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nội dung

- Xây dựng phòng thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn ISO17025, ISO15189

- Xây dựng tổ chức đánh giá, chứng nhận sự phù hợp.

Điều 2. Hình thức hỗ trợ

1. Thông qua tổ chức tư vấn nếu doanh nghiệp được lựa chọn vào danh sách 50 Doanh nghiệp xây dựng thành doanh nghiệp điển hình toàn diện theo Đề án đã được phê duyệt (trừ nội dung hoàn thiện, cải tiến, ứng dụng, đổi mới công nghệ).

2. Trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các nội dung đã đăng ký tham gia Đề án (khoản 3 Điều 1) và đã có bằng chứng về kết quả đã thực hiện.

3. Mỗi doanh nghiệp có thể được hỗ trợ nhiều nội dung tích hợp nhưng không quá 05 hệ thống quản lý chất lượng, công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Điều 3. Điều kiện được hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia Đề án.

Để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

1. Là đối tượng phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy định này và không có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Chưa nhận hỗ trợ với cùng nội dung từ nguồn kinh phí khác của Nhà nước.

3. Là doanh nghiệp thuộc danh sách doanh nghiệp được hỗ trợ do Ban điều hành Đề án xác lập.

4. Có bản “Đăng ký tham gia Đề án” theo hướng dẫn của Ban điều hành.

Điều 4. Hồ sơ đăng ký hỗ trợ.

1. Bản “Đăng ký tham gia Đề án”.

2. Bằng chứng về kết quả thực hiện các nội dung đã đăng ký tham gia Đề án.

3. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đối với các tổ chức (có chứng thực).

4. Công văn của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.

Điều 5. Xác định doanh nghiệp được hỗ trợ khi tham gia Đề án

Căn cứ vào kế hoạch kinh phí phân bổ hàng năm, kết quả khảo sát, hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, Cơ quan thường trực Ban điều hành (Sở Khoa học và Công nghệ) lập danh sách các doanh nghiệp được hỗ trợ theo hàng quý, hàng năm, theo từng giai đoạn trình Trưởng Ban Điều hành Đề án quyết định.

Điều 6. Mức hỗ trợ:

1. Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở: 10.000.000 đồng/1 doanh nghiệp

2. Đánh giá và công bố hợp chuẩn: 15.000.000 đồng/1 doanh nghiệp

3. Hợp quy: 15.000.000 đồng/1doanh nghiệp

4. Xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế: 50.000.000 đồng/01 HTQLCL

5. Thực hành nông nghiệp tốt GAP: 50.000.000 đồng/01 đơn vị

6. Áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng: 40.000.000 đồng/01 công cụ

7. Hoàn thiện, cải tiến, ứng dụng, đổi mới công nghệ: Không quá 30% kinh phí cho hoàn thiện, cải tiến, ứng dụng, đổi mới công nghệ và giới hạn tối đa kinh phí hỗ trợ được cụ thể cho từng đối tượng như sau:

a) Doanh nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường: Không quá 250.000.000 đồng/01 doanh nghiệp

b) Doanh nghiệp ứng dụng, cải tiến và hoàn thiện chế tạo máy cơ khí nông nghiệp: Không quá 200.000.000 đồng/01 doanh nghiệp

c) Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh, hữu cơ trong Sản xuất nông nghiệp: Không quá 250.000.000 đồng/01 doanh nghiệp

d) Doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu: Không quá 100.000.000 đồng/01 doanh nghiệp

e) Doanh nghiệp cải tiến và hoàn thiện công nghệ sơ chế và bảo quản nông sản, thủy sản: Không quá 90.000.000 đồng/01 doanh nghiệp

8. Xây dựng phòng kiểm định, thử nghiệm đạt chuẩn ISO17025, ISO 15189: Không quá 80.000.000 đồng/01 phòng kiểm định, thử nghiệm

9. Xây dựng tổ chức đánh giá sự phù hợp: Không quá 400.000.000 đồng/01 tổ chức.

Điều 7: Phân công trách nhiệm

1. Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan Thường trực Ban Điều hành

- Tổ chức triển khai Đề án theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

- Thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công theo Quy chế làm việc của Ban Điều hành Đề án (Quyết định số 21/QĐ-BĐH ngày 08/4/2014 của Ban Điều hành).

- Xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án theo Quy định này.

2. Doanh nghiệp

- Thực hiện đúng nội dung, tiến độ theo bản cam kết.

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu về tình hình, tiến độ, kinh phí, những thuận lợi khó khăn và đề xuất cho cơ quan thường trực Ban Điều hành.

- Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thường trực Ban Điều hành Đề án. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu của cơ quan thường trực Ban Điều hành trong quá trình tham gia Đề án.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Khoa học và Công nghệ cơ quan thường trực Ban Điều hành Đề án để kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 708/QĐ-UBND năm 2015 Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020

  • Số hiệu: 708/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/02/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản