Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 67/2009/QĐ-UBND

Vinh, ngày 27 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004;
Căn cứ Quyết định số 64/2008/QĐ-BNN ngày 23/5/2008 ban hành quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm;
Căn cứ Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2101/TTr-SNN ngày 13 tháng 7 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý chất lượng giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 41/2006/QĐ-UBND ngày 22/3/2006 ban hành quy định quản lý chất lượng trong hoạt động khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 51/2006/QĐ-UBND ngày 12/5/2006 về việc điều chỉnh, bổ sung chương II, Quyết định số 41//2006/QĐ-UBND ngày 22/3/2006 của UBND tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị; các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 67/2009/QĐ-UBND ngày 27/7/2009 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều phải thực hiện quy định này và các quy định khác về quản lý giống cây trồng của Nhà nước.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng để quản lý các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phục vụ sản xuất ngành trồng trọt theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Cây trồng nông nghiệp: Là những cây trồng bao gồm: Cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp (ngắn ngày, dài ngày), cây ăn quả và một số cây dược liệu.

b) Hệ thống giống bốn cấp: Là bốn cấp giống được nhà nước quy định xếp theo thứ tự cấp hạt giống tác giả, cấp hạt giống siêu nguyên chủng, cấp hạt giống nguyên chủng, cấp hạt giống xác nhận.

c) Hạt giống lai: Là hạt giống được sản xuất ra từ việc lai giữa ít nhất là hai dòng thuần, do tính di truyền không ổn định nên hạt giống lai chỉ phát huy ưu thế lai trong vụ thứ nhất (hạt F1). Nếu dùng làm giống tiếp sang vụ sau quần thể cây trồng sẽ bị phân ly mạnh năng suất giảm nhanh.

d) Nhân giống vô tính: Là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như chiết, ghép, dâm hom, dâm cành, nuôi cấy mô tế bào để nhân giống từ một bộ phận (không phải là từ hạt) của cơ thể mẹ.

đ) Khảo nghiệm thăm dò giống: Là việc đưa một giống chưa có khảo nghiệm, sản xuất tại địa phương vào gieo trồng thử nghiệm để kiểm tra sinh trưởng, phát triển của giống đó. Khảo nghiệm thăm dò thực chất là khảo nghiệm tác giả theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

e) Dòng bố mẹ: Là những dòng thuần được chọn, tạo làm bố mẹ để sản xuất hạt giống lai.

Chương II

QUẢN LÝ KHẢO NGHIỆM VÀ SẢN XUẤT THỬ GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 4. Trình tự thủ tục, quy mô khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng thực hiện theo quy định về khảo nghiệm, sản xuất giống cây trồng theo Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

Điều 5. Khi đưa giống vào khảo nghiệm, sản xuất thử (kể cả khảo nghiệm thăm dò) tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm, sản xuất thử phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật và báo cáo (bằng văn bản) với Sở Nông nghiệp và PTNT giống, địa điểm, quy mô, thời gian, ký hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm, sản xuất thử trước khi tiến hành. Kết quả khảo nghiệm, sản xuất thử phải báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT vào cuối vụ thu hoạch.

Điều 6. Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ phối hợp với Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia thực hiện nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tại Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 Ban hành quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới và Quyết định số 64/2008/QĐ-BNN ngày 23/5/2008 Ban hành quy định quản lý về sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; cụ thể như sau:

a) Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đưa giống vào khảo nghiệm, sản xuất thử tiến hành thuận lợi;

b) Theo dõi, giám sát và tham gia đánh giá kết quả khảo nghiệm;

c) Xác nhận kết quả sản xuất thử để tổ chức, cá nhân đưa giống sản xuất thử trình Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống.

Điều 7. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu trao đổi nguồn gen cây trồng quý hiếm thực hiện theo Quy định về trao đổi quốc tế nguồn gen cây trồng quý hiếm ban hành kèm theo Quyết định số 79/2005/QĐ-BNN ngày 05/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định về trao đổi quốc tế nguồn gen giống cây trồng quý hiếm.

Chương III

QUẢN LÝ SẢN XUẤT GIỐNG

Điều 8. Điều kiện sản xuất giống cây trồng

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng vì mục đích thương mại phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp lệnh giống cây trồng, bao gồm:

a) Chứng nhận đăng ký sản xuất giống do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp;

b) Địa điểm phù hợp với yêu cầu sản xuất giống cây trồng và các yêu cầu khác theo quy định của nhà nước.

c) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại giống, cấp giống.

d) Có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành Trồng trọt hoặc Bảo vệ thực vật có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên.

đ) Có nhân viên chuyên ngành và thiết bị về kiểm tra chất lượng hạt giống, cây giống.

e) Có nguồn giống hoặc hợp đồng mua vật liệu nhân giống từ nguồn được công nhận.

2. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống không vì mục đích thương mại thì không phải thực hiện các quy định ở các điểm a, b, c, d, đ, e, khoản 1 của Điều này, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn cây, hạt giống theo quy định và tự chịu trách nhiệm về chất lượng cây, hạt giống sản xuất ra.

Điều 9. Sản xuất hạt giống thuần

1. Hạt giống thuần được sản xuất theo hệ thống giống 4 cấp do Nhà nước quy định. Hạt giống cấp dưới được sản xuất trực tiếp từ hạt giống cấp trên theo quy trình sản xuất giống từng cấp do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Tiêu chuẩn cấp hạt giống áp dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Trong trường hợp không có hạt giống tác giả thì việc sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng được thực hiện theo quy trình phục tráng giống siêu nguyên chủng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT giám sát và xác nhận kết quả việc thực hiện quy trình sản xuất các cấp hạt giống nguyên chủng, hạt giống xác nhận.

4. Phòng kiểm nghiệm được chỉ định của Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ chất lượng hạt giống nguyên chủng, hạt giống xác nhận.

5. Sản xuất hạt giống nguyên chủng do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia quản lý giám sát quy trình sản xuất và cấp chứng chỉ chất lượng.

Điều 10. Sản xuất hạt giống lai

1. Dòng bố mẹ: Việc chọn cặp bố mẹ để sản xuất hạt lai F1 phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng ý (trừ trường hợp liên kết sản xuất giống F1 cho địa phương khác). Tổ chức, cá nhân sản xuất hạt giống lai phải ký hợp đồng mua dòng bố mẹ có bảo hành về chất lượng và phải được Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia kiểm tra và cấp chứng chỉ chứng nhận chất lượng.

2. Phải có cán bộ kỹ thuật (có thể hợp đồng) được đào tạo nghiệp vụ về sản xuất hạt giống lai để chỉ đạo thực hiện quy trình kỹ thuật tạo giống. Nếu liên doanh, liên kết sản xuất phải chọn đối tác có đủ năng lực chuyên môn, tư cách pháp nhân để thực hiện.

3. Sản xuất hạt giống lai do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia quản lý giám sát quy trình sản xuất và cấp chứng chỉ chất lượng hạt giống.

4. Tổ chức, cá nhân sản xuất hạt giống lai phải thực hiện hậu kiểm ngay sau khi thu hoạch để khẳng định chất lượng hạt giống.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp, giám sát, xác nhận kết quả thực hiện quy trình sản xuất hạt lai và xác nhận kết quả hậu kiểm.

Điều 11. Sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp gieo ươm hạt

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm phải sử dụng hạt giống từ cây mẹ, vườn giống sạch sâu bệnh được Sở Nông nghiệp và PTNT bình tuyển và công nhận.

2. Nếu hạt giống mua từ ngoài tỉnh về phải có xác nhận hạt giống lấy từ cây mẹ hoặc vườn giống của Sở Nông nghiệp và PTNT nơi bán giống.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất giống bằng phương pháp gieo ươm hạt và xác nhận chất lượng giống cây trồng đạt tiêu chuẩn trước khi xuất vườn.

Điều 12. Sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả bằng phương pháp vô tính

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây nông nghiệp bằng phương pháp vô tính (Chiết, ghép, dâm hom, dâm cành, nuôi cấy mô,...) phải nhân giống từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng sạch sâu bệnh.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng tiêu chí về cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cho từng giống cây và thành lập hội đồng bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất giống. Hội đồng thực hiện việc bình tuyển, công nhận theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BNN ngày 23/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ban hành quy định quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất cây trồng bằng phương pháp vô tính và xác nhận chất lượng giống cây trồng đạt tiêu chuẩn trước khi xuất vườn.

Chương IV

QUẢN LÝ KINH DOANH GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 13. Điều kiện kinh doanh giống cây trồng

Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp lệnh giống cây trồng, bao gồm:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống cây trồng.

2. Có địa điểm và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp việc kinh doanh từng loại giống, từng cấp giống đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng dịch.

3. Có nhân viên kỹ thuật đủ năng lực nhận biết các loại giống, chất lượng giống hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cơ bản về bảo quản, sử dụng các loại giống cây trồng, có trình độ đào tạo từ Cao đẳng Trồng trọt hoặc Bảo vệ thực vật trở lên.

4. Có nhân viên kiểm nghiệm, thiết bị kiểm nghiệm các loại giống kinh doanh.

Điều 14. Giống cây trồng được kinh doanh tại Nghệ An

1. Giống cây trồng đã có trong danh mục giống của Bộ Nông nghiệp và PTNT và đã được sản xuất tại Nghệ An

2. Giống cây trồng nông nghiệp mới được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và đã qua khảo nghiệm , sản xuất thử hoặc có mô hình trình diễn giống thành công ở Nghệ An;

3. Giống sản xuất thử: Do cục trồng trọt cấp phép và phải ghi rõ được sản xuất ở Nghệ An.

Điều 15. Hồ sơ quản lý giống cây trồng

Các giống cây trồng khi đưa vào lưu thông phải có các loại giấy tờ sau:

1. Hồ sơ quản lý chất lượng:

a) Đối với các loại giống sản xuất trong nước phải có:

- Chứng chỉ chất lượng lô giống do phòng kiểm nghiệm được chỉ định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nơi sản xuất giống;

- Chứng nhận kiểm dịch thực vật của Chi cục bảo vệ thực vật nơi sản xuất giống (chỉ áp dụng đối với giống được sản xuất và vận chuyển từ vùng có dịch hoặc qua vùng dịch).

b) Đối với các giống cây trồng nhập khẩu phải có:

- Giấy phép nhập khẩu giống của Bộ Nông nghiệp và PTNT (đối với giống sản xuất thử);

- Văn bản cam kết chất lượng của bên bán;

- Mẫu giống chuẩn do đơn vị sản xuất đã đăng ký ở nước xuất bán cấp;

- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của lô giống do cơ quan kiểm dịch thực vật được chỉ định cấp còn có hiệu lực, có ghi rõ được gieo trồng ở Nghệ An;

- Giấy chứng nhận lô giống phù hợp tiêu chuẩn do phòng kiểm nghiệm được chỉ định cấp.

2. Tóm tắt quy trình sản xuất hoặc tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của giống.

Điều 16. Nhãn giống cây trông

1. Nhãn giống cây trồng: Giống cây trồng trong lưu thông phải ghi nhãn đầy đủ, cụ thể như sau:

a) Đối với giống cây trồng có bao bì chứa đựng theo từng đơn vị khối lượng khi kinh doanh phải được ghi nhãn đầy đủ các nội dung sau (in bằng tiếng Việt):

- Tên giống cây trồng;

- Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất, kinh doanh;

- Định lượng giống cây trồng;

- Các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu;

- Hướng dẫn bảo quản và sử dụng;

- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng;

- Tên nước sản xuất đối với cây trồng nhập khẩu;

b) Đối với giông cây trồng không có bao bì chứa đựng theo đơn vị khối lượng thì phải có tài liệu kèm theo ghi đầy đủ các nội dung theo quy định trên.

2. Hình thức tem nhãn hàng hoá thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý thị trường và phải ghi mã số kinh doanh của đơn vị do Sở Nông nghiệp và PTNT cấp.

Chương V

CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ PHẠT

Điều 17. Kiểm tra

1. Kiểm tra thường xuyên của UBND huyện , thành phố, thị xã:

a) UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện việc kiểm tra thường xuyên đối với các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn;

b) Thành phần đoàn kiểm tra do chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã quyết định trong đó chủ trì là phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc phòng kinh tế) huyện, thành phố, thị xã.

c) Đối tượng kiểm tra: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán giống trên địa bàn.

d) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc thực hiện chủ trương của địa phương về cơ cấu giống. Kiểm tra điều kiện kinh doanh, hồ sơ chất lượng của lô giống được buôn bán trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã theo quyết định tại các Điều 13, 14, 15, 16 của quy định này.

2. Kiểm tra định kỳ của Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ theo mùa vụ đối với các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tàon tỉnh;

b) Thành phần kiểm tra do Giám đốc sở quyết định trong đó bao gồm đại diện các phòng ban đơn vị chuyên môn của Sở, phối hợp phòng chuyên môn của UBND huyện , thành phố, thị xã nơi kiểm tra.

c) Đối tượng kiểm tra: Tất cả các tổ chức cá nhân có hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên phạm vi toàn tỉnh.

d) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc thực hiện chủ trương về cơ cấu giống của tỉnh. Kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống và hồ sơ chất lượng của từng lô giống được quy định tại Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 của quy định này.

3. Kiểm tra đột xuất Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố, thị xã.

- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã quyết định các cuộc kiểm tra đột xuất khi có đơn thư tranh chấp, khiếu kiện của công dân với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống với nhau hoặc khi có ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Điều 18. Trách nhiệm và quyền hạn các đoàn kiểm tra

1. Các đoàn kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất có nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra phát hiện để uốn nắn sai sót trong các hoạt động khảo nghiệm sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng;

2. Đình chỉ các hoạt động khi phát hiện các vi phạm có nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, môi trường;

3. Đề xuất với Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã ra các quyết định xử lý theo thẩm quyền.

Điều 19. Thanh tra

1. Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thành phố, thị xã. Khi có đề xuất của các đoàn kiểm tra hoặc đơn thư khiếu kiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra để xử lý theo thẩm quyền. Thành phần và nội dung mỗi cuộc thanh tra được ghi rõ trong quyết định.

2. Thanh tra liên ngành: Do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Điều 20. Xử phạt

V/v xử phạt vi phạm được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 172/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2005/NĐ-CP ngày 27/4/2005 của Chính phủ V/v xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng; Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ V/v quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chương VI

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT

1. Là đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý về quy hoạch , kế hoạch phát triển giống cây trồng trên phạm vi toàn tỉnh, có nhiệm vụ:

a) Xây dựng quy hoạch, bố trí cơ cấu giống cây trồng hàng vụ, hàng năm

b) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện cơ cấu giống theo đúng đề án sản xuất từng mùa vụ;

c) Kiểm tra giám sát việc thực hiện chủ trương phát triển giống cây trồng theo mùa vụ.

2. Thực hiện nhiệm vụ phối hợp quản lý các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử so Bộ Nông nghiệp và PTNT phân côUBND thị xã Thái Hoà, cụ thể:

a) Theo dõi, giám sát việc thực hiện khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng trên địa bàn tỉnh;

b) Nhận xét kết quả sản xuất thử để đề xuất công nhận giống cây trồng mới;

c) Tổ chức hội thảo, giới thiệu các giống tốt đã có kết quả trong khảo nggiệm , sản xuất ở địa phương.

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật trong các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử và sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra chất lượng giống cây trồng trên địa bàn và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Trách nhiệm của các ngành liên quan

Công an, quản lý thị trường tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành của tỉnh và huyện, phối hợp thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 23. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố, thị xã

a) Xây dựng và tổ chức chỉ đạo cơ cấu giống cây trồng thông qua đề án sản xuất hàng vụ, kế hoạch sản xuất hàng năm các địa phương theo định hướng của tỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

b) Tham gia với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, giám sát các hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng trên địa bàn huyện.

c) Tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên và xử phạt vi phạm theo thẩm quyền đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn.

Điều 24. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng có nhiệm vụ:

1. Thực hiện đầy đủ các quy định về khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng trong pháp lệnh giống cây trồng, Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT , cac nội dung Quyết định này và quy định của pháp luật khác có liên quan;

2. Từng mùa vụ và hàng năm có báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT .

Điều 25. Điều khoản cuối cùng

Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này nếu có gì vướng mắc hoặc phát sinh, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất kinh doanh giống cây trồng phản ảnh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét đièu chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 67/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý chất lượng giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 67/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Đình Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản