- 1Nghị định 110/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa
- 2Thông tư 66/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa các cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Thông tư liên tịch 102/2016/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2Quyết định 1240/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 355/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1071/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 4291/QĐ-BGTVT năm 2013 về Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến 2010 và định hướng 2030 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 8Thông báo 374/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 4146/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 10Quyết định 4360/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 11Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 666/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN LẮP ĐẶT THIẾT BỊ TỰ ĐỘNG NHẬN DẠNG AIS VÀ TRANG BỊ VHF TRÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông Đường thủy nội địa Việt Nam số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật Giao thông đường thủy nội địa số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Căn cứ Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;
Căn cứ Thông báo Kết luận số 374/TBB-VPCP ngày 17/11/2015 của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 4146/QĐ-BGTVT ngày 19/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4360/QĐ-BGTVT ngày 12/10/2015 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chi tiết thuộc quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 4291/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải pha sông biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa” với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Hiện đại hóa đội tàu sông là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa Việt Nam theo Quyết định số 4146/QĐ-BGTVT ngày 19/11/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT phù hợp với các Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030.
- Lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy là những nội dung quan trọng nhằm hiện đại hóa đội tàu sông Việt Nam, nâng cao an toàn cho phương tiện vận tải thủy, nâng cao năng lực chuyên chở, giảm gánh nặng vận tải cho đường bộ, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, tạo Điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế và khu vực.
- Phát triển kết cấu hạ tầng AIS đường thủy nội địa theo hướng đồng bộ, hiện đại là cơ sở để nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, Mục tiêu phát triển lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
- Nâng cao năng lực Điều hành và quản lý phương tiện từ đó nâng cao hiệu quả trong kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa; ngăn ngừa, giảm thiểu các thiệt hại về phương tiện, con người, hàng hóa do các sự cố đâm va, mất an toàn trong quá trình khai thác phương tiện.
- Kết hợp hài hòa giữa Mục tiêu quản lý và phát triển theo hướng phát triển bền vững; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hệ thống AIS hiện có kết hợp đầu tư mới để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực; đảm bảo trật tự an toàn giao thông thủy, bảo vệ môi trường, chủ động hội nhập và phát triển.
2. Mục tiêu
2.1. Trong công tác quản lý nhà nước:
- Việc lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nhằm Mục tiêu phát triển đội tàu theo hướng hiện đại đáp ứng đòi hỏi về hội nhập và phát triển, đảm bảo an toàn giao thông vận tải thủy nội địa trên các tuyến vận tải, góp Phần nâng cao thị Phần vận tải thủy nội địa.
- Tăng cường an toàn an ninh và tìm kiếm cứu nạn cho các phương tiện thủy nội địa; AIS, VHF là những phương tiện hỗ trợ đảm bảo an toàn, giúp công tác tìm tiếm cứu nạn được thực hiện một cách kịp thời và chính xác.
- Tổ chức giao thông, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc quản lý, giám sát trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, giám sát hoạt động của các tàu công tác trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng đường thủy nội địa.
- Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông đường thủy nội địa.
- Trong công tác nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa, hệ thống AIS giúp quản lý tốt hoạt động của các phương tiện nạo vét và đổ thải, góp Phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng công tác nạo vét luồng đường thủy.
2.2. Đối với doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện
- Giúp các doanh nghiệp, chủ phương tiện trong việc quản lý giám sát hành trình của phương tiện thủy nội địa trên cơ sở đó có các giải pháp hợp lý về tổ chức vận tải, tăng hiệu quả kinh tế.
- Đối với thuyền trưởng, thiết bị AIS là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc Điều khiển con tàu, thông qua việc trao đổi thông tin với các phương tiện khác mà thực hiện tránh va có hiệu quả, bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tài sản trên tàu.
- Đảm bảo an toàn, an ninh cho phương tiện, kịp thời có các giải pháp trong các trường hợp xảy ra cướp hoặc các sự cố mất an toàn.
II. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI LẮP ĐẶT THIẾT BỊ AIS VÀ VHF
1. Nguyên tắc thực hiện
- Cơ quan quản lý nhà nước triển khai lắp đặt, vận hành, quản lý và khai thác thông tin đối với hệ thống giám sát trên bờ và trên luồng đường thủy nội địa. Nguồn lực thực hiện có thể sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn kinh tế sự nghiệp, nguồn xử phạt vi phạm an toàn giao thông,... Cục ĐTNĐ bố trí nguồn vốn hợp pháp phục vụ đầu tư, khai thác vận hành, bảo trì hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy tập trung, bao gồm: các trạm AIS, VHF hiện có, các thiết bị thu thập thông số về kết cấu hạ tầng, khí tượng thủy văn, và hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy trung tâm.
- Doanh nghiệp, người dân và chủ tàu thực hiện lắp đặt, vận hành, duy tu và bảo dưỡng trang thiết bị trên tàu (AIS Class B và hệ thống thông tin liên lạc VHF). Nguồn kinh phí lắp đặt thiết bị trên phương tiện sẽ do doanh nghiệp tự chủ.
2. Hệ thống giám sát AIS và VHF trên bờ
- Tận dụng được hạ tầng và cơ sở dữ liệu AIS hiện có của các hệ thống giám sát tại Việt Nam (Cục ĐNTĐ Việt Nam, VISHIPEL);
- Đảm bảo giám sát chung các khu vực đường thủy và hàng hải trên một giao diện thống nhất;
- Bổ sung các trạm thu AIS, VHF cần thiết đảm bảo phạm vi phủ sóng theo lộ trình của đề án.
- Bổ sung, thiết lập hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy tập trung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu từ các trạm thu AIS và các thông tin về kết cấu hạ tầng đường thủy, các thông tin về khí tượng thủy văn... Các trung tâm này được tích hợp tập trung tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đảm bảo thực hiện được công tác giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy toàn diện, tổng thể tại tất cả các địa bàn trên cả nước.
3. Trang bị AIS và VHF trên phương tiện thủy
- Phương tiện thủy nội địa theo quy định phải lắp đặt thiết bị AIS Class B (hoặc AIS Class A) và trang bị thiết bị liên lạc VHF trên phương tiện. Thiết bị AIS phải nhận được thông tin: vị trí, tốc độ, loại tàu...từ các thiết bị AIS được trang bị trên các tàu xung quanh và hiển thị trên màn hình hiển thị thông tin. Đồng thời thiết bị AIS sẽ chuyển thông tin hiện tại của tàu đến các tàu khác.
- Cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện ban hành các quy định quản lý để yêu cầu các chủ phương tiện bắt buộc phải trang bị thiết bị AIS và chỉ định doanh nghiệp có khả năng đánh giá tính phù hợp của thiết bị AIS được trang bị trên phương tiện;
- Trên cơ sở các văn bản quy định, chủ phương tiện tự thực hiện trang bị thiết bị AIS trên các phương tiện của mình;
- Doanh nghiệp được chỉ định sẽ thực hiện đánh giá tính phù hợp của thiết bị AIS trang bị trên tàu và báo cáo kết quả cho các bên liên quan.
4. Yêu cầu kỹ thuật về thiết bị AIS
- Phải thỏa mãn các tiêu chuẩn IEC 61162, IEC 662287 và IEC 60945 do Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế IEC công bố.
- Phải có chức năng thông báo trạng thái hoạt động.
- Chức năng cảnh báo nguy cơ đâm va để người Điều khiển phương tiện có hành động thực hiện tránh va.
- Chức năng ghi lưu và hiển thị dữ liệu: Thiết bị AIS Class B phải có chức năng lưu trữ và hiển thị các thông tin về trạng thái tàu: thời gian, tốc độ tàu, tọa độ tàu, hướng di chuyển, điểm đến; thông tin về tàu: hô hiệu, loại tàu, hàng hóa...
- Chức năng nhận và trao đổi thông tin tàu với tàu và truyền dữ liệu thông tin tàu về các trạm AIS để cập nhật toàn bộ thông tin liên quan đến tàu và hành trình về trung tâm xử lý.
- Thiết bị AIS Class B phải tích hợp được với các thiết bị khác như ECDIS, GPS, DGPS...vv
- Chức năng cài đặt các tham số ban đầu như: tên tàu, hô hiệu, loại tàu, mớn nước, hàng hóa, cảng đến...
III. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Giai đoạn 2018 - 2020
a. Hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy
- Phủ sóng toàn bộ khu vực duyên hải dọc bờ biển Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ; các tuyến vận tải thủy quan trọng; các tuyến tiếp giáp với vùng nước hàng hải.
- Mở rộng phạm vi phủ sóng tại các tuyến vận tải khu vực miền Trung.
- Tại các trạm AIS, bố trí máy VHF cố định.
- Kết nối hệ thống của Cục và hệ thống của Vishipel.
- Lắp đặt thêm một số thiết bị thu thập thông tin về kết cấu hạ tầng giao thông thủy và thông tin về khí tượng thủy văn, như: thông báo mực nước, tĩnh không cầu, các thông số về tuyến luồng, dòng chảy, thủy triều...
- Lắp đặt thiết bị theo dõi, thông báo tình trạng tuyến luồng - tổ chức giao thông.
- Kinh phí dự kiến huy động từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn kinh phí quản lý, bảo trì ĐTNĐ, nguồn thu phí hoặc xử phạt vi phạm an toàn giao thông.
b. Trang bị thiết bị AIS và VHF trên phương tiện thủy
- Hoàn tất việc trang bị cho các đối tượng phương tiện bắt buộc phải trang bị thiết bị AIS theo Nghị định 110/2014/NĐ-CP , Thông tư 66/2014/TT-BGTVT ; phương tiện thủy mang cấp VR-SB hoạt động trên các tuyến vận tải ven biển, tuyến hàng hải.
- Lắp đặt thiết bị AIS và VHP đối với các phương tiện chuyên chở container, hàng hóa nguy hiểm (xăng dầu, hóa chất), phương tiện thi công, phương tiện nạo vét, phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng.
- Trang bị cho các phương tiện chở hàng có trọng tải toàn Phần trên 1.000 tấn và các phương tiện chở khách trên 50 khách.
- Hoàn tất việc trang bị AIS, VHF cho đối tượng là các tàu công tác phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng; tàu trục, thả phao; tàu Điều tiết, chống va trôi đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; tàu nạo vét và các phương tiện phục vụ thi công nạo vét luồng đường thủy nội địa.
c. Tổ chức đánh giá kết quả lắp đặt, quản lý thiết bị nhận dạng tự động AIS
2. Giai đoạn 2021 - 2022
a. Hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy
- Mở rộng phạm vi phủ sóng tại các vị trí trọng điểm thuộc các tuyến vận tải khu vực miền núi phía Bắc, và bổ sung các trạm thu dự phòng tại các vị trí trọng điểm thuộc các tuyến vận tải khu vực duyên hải ven biển.
- Nâng cấp trung tâm dữ liệu: Cập nhật Phần mềm và nâng cấp Phần cứng hệ thống.
- Lắp đặt thêm một số thiết bị thu thập thông tin về kết cấu hạ tầng giao thông thủy và thông tin về khí tượng thủy văn, như: thông báo mực nước, tĩnh không cầu, các thông số về tuyến luồng, dòng chảy, thủy triều...
- Nguồn kinh phí này dự kiến huy động từ kinh phí quản lý, bảo trì ĐTNĐ hàng năm.
b. Trang bị thiết bị AIS và VHF trên phương tiện
Hoàn tất việc trang bị cho các phương tiện chở hàng, tàu kéo có trọng tải toàn Phần từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn và các phương tiện chở khách từ 20 đến dưới 50 khách.
c. Tổ chức đánh giá kết quả lắp đặt, quản lý thiết bị nhận dạng tự động AIS
3. Giai đoạn sau 2022
Căn cứ kết quả lắp đặt thiết bị AIS và VHF giai đoạn 2018-2022, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiến hành rà soát, tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng lộ trình lắp đặt thiết bị giai đoạn tiếp theo.
a. Hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy
Bổ sung các trạm thu dự phòng tại các vị trí trọng điểm thuộc các tuyến vận tải khu vực duyên hải đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.
b. Trang bị thiết bị AIS và VHF trên phương tiện
- Xem xét việc trang bị cho các phương tiện chở hàng (bao gồm cả phương tiện có động cơ và phương tiện không có động cơ) có trọng tải toàn Phần từ 300 tấn đến 500 tấn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước
a) Vụ Vận tải
- Xem xét sửa đổi Nghị định 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
b) Vụ Khoa học-Công nghệ
- Tham mưu, chủ trì trình quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị AIS và VHF lắp đặt trên phương tiện thủy.
- Tham mưu, chủ trì trình Tiêu chuẩn dịch vụ AIS, VHF, các quy chuẩn phục vụ các phương tiện thủy nội địa để làm cơ sở xây dựng Quy trình công nghệ cũng như Định mức kinh tế kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng hệ thống AIS, VHF.
- Tham mưu, chủ trì trình Định mức kinh tế-kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng hệ thống các trạm AIS để làm cơ sở xác định giá dịch vụ vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống AIS hàng năm.
c) Vụ Tài chính
Xem xét, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đề án.
d) Thanh tra Bộ
Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với các đơn vị thực hiện cung cấp thiết bị AIS và VHF, các chủ tàu, các cơ quan quản lý có liên quan đến thiết bị AIS và VHF về việc thực hiện các quy định pháp luật.
đ) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:
- Chủ trì soạn thảo Định mức kinh tế-kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng hệ thống các trạm AIS để làm cơ sở xác định giá dịch vụ vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống AIS hàng năm.
- Đưa quy định việc lắp đặt AIS, VHF vào nội dung Nghị định quản lý hoạt động đường thủy nội địa; Nghị định quản lý hoạt động nạo vét luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và luồng đường thủy nội địa; Nghị định quản lý phương tiện thủy nội địa, Nghị định quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ hoạt động du lịch, thể thao, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa.
- Bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng, khai thác, vận hành Hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy (Bao gồm các hạng Mục: các trạm AIS, VHF; Hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy trung tâm) từ Mục chi sự nghiệp đường thủy nội địa theo Thông tư 102/2016/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 102/2016/TTLT-BTC-BGTVT và các văn bản QPPL liên quan khác (nếu cần) về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa đối với nội dung quản lý khai thác, bảo trì.
- Kết nối hệ thống trạm AIS của Cục ĐTNĐ VN với hệ thống của Vishipel.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đảm bảo khai thác hiệu quả các trạm thu AIS trên cơ sở các trạm thu AIS và hệ thống phao tiêu, báo hiệu hiện hành đảm bảo phủ sóng hiệu quả trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu từ thiết bị AIS quản lý thông tin từ các thiết bị AIS được lắp trên tàu truyền về.
- Xây dựng các Chương trình, Phần mềm tin học, đào tạo nhân lực phục vụ công tác quản lý, lưu trữ, giám sát thông tin về hành trình của toàn bộ các phương tiện thủy nội địa và hoạt động đảm bảo phủ sóng.
- Xây dựng và hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn sử dụng và vận hành thiết bị AIS và VHF; mở các lớp đào tạo cho các thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa về việc vận hành và khai thác thiết bị AIS, VHF.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến việc lắp đặt thiết bị AIS, VHF tại các hội nghị vận tải thủy và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Kiểm tra, thanh tra việc trang bị thiết bị AIS và VHF trên các phương tiện thủy nội địa; thực hiện các quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật.
- Trên cơ sở các trạm hiện hữu, Cục ĐTNĐ VN tiếp tục rà soát, bố trí các trạm thu AIS và VHF, các trạm giám sát thông tin phù hợp, đảm bảo khai thác hiệu quả Hệ thống Giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông thủy sử dụng công nghệ AIS, VHF.
- Đăng ký Hệ thống kênh VHF chung cho giao thông thủy nội địa, bố trí nhân lực giám sát đảm bảo thông tin liên lạc qua hệ thống VHF được thông suốt, đảm bảo an toàn giao thông.
- Công bố hợp quy thiết bị AIS và VHF.
e) Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Chủ trì soạn thảo (hoặc sửa đổi, bổ sung) quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị AIS và VHF lắp đặt trên phương tiện thủy.
- Rà soát, bổ sung, sửa đổi quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa trên cơ sở yêu cầu các phương tiện phải lắp đặt thiết bị AIS và VHF theo lộ trình nêu trên.
2. Đối với các doanh nghiệp
- Tiến hành triển khai mua sắm và lắp đặt thiết bị AIS theo đúng quy định hiện hành trên phương tiện thủy nội địa.
- Tham gia tập huấn về khai thác sử dụng AIS, xử lý thông tin AIS cũng như các thiết bị an toàn, thiết bị truyền nhận vô tuyến được lắp đặt trên phương tiện.
- Báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về tình hình triển khai lắp đặt thiết bị AIS trên các phương tiện thủy nội địa.
Điều 2. Điều Khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
- 1Thông tư 25/2017/TT-BGTVT quy định về biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Thông tư 15/2017/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm - Sửa đổi lần 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa - Sửa đổi lần 2:2016 QCVN 17:2011/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 9351/VPCP-CN năm 2017 về xây dựng Nghị định quy định quản lý hoạt động phương tiện thủy nội địa phục vụ hoạt động thể thao, du lịch, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 2537/QĐ-BGTVT năm 2016 về thí điểm đăng ký làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2Quyết định 1240/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 355/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1071/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 4291/QĐ-BGTVT năm 2013 về Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến 2010 và định hướng 2030 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 8Nghị định 110/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa
- 9Thông tư 66/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa các cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 10Thông báo 374/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 4146/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 12Quyết định 4360/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 13Thông tư liên tịch 102/2016/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 14Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 15Thông tư 25/2017/TT-BGTVT quy định về biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 16Thông tư 15/2017/TT-BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ thép chở xô hóa chất nguy hiểm - Sửa đổi lần 1:2016 QCVN 01:2008/BGTVT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa - Sửa đổi lần 2:2016 QCVN 17:2011/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 17Công văn 9351/VPCP-CN năm 2017 về xây dựng Nghị định quy định quản lý hoạt động phương tiện thủy nội địa phục vụ hoạt động thể thao, du lịch, vui chơi giải trí trên đường thủy nội địa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 18Quyết định 2537/QĐ-BGTVT năm 2016 về thí điểm đăng ký làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào rời cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 666/QĐ-BGTVT năm 2018 phê duyệt Đề án Lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 666/QĐ-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/04/2018
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/04/2018
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực