Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
 TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 658/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 10 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TỈNH BẮC NINH

CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 142/TTr-SNV ngày 31/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã được Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013 - 2018 thông qua ngày 31/01/2013.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan, đơn vị có liên quan và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tử Quỳnh

 

ĐIỀU LỆ

HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỈNH BẮC NINH
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 10/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh)

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi

1. Tên của Hội là: Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh

2. Tên viết bằng tiếng Anh: Bac Ninh Province Asosiation of Historical Sciences

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh là tổ chức xã hội nghề nghiệp; tập hợp các tổ chức, cá nhân trong tỉnh hoạt động trong các ngành khoa học lịch sử và những ngành khoa học có liên quan mật thiết với khoa học lịch sử góp phần xây dựng, phát triển ngành khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Bắc Ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia nghiên cứu học tập, tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh là thành viên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh.

Điều 3. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động

1. Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí.

2. Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh trong lĩnh vực khoa học lịch sử.

3. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Ninh.

4. Trụ sở Hội tại thành phố Bắc Ninh.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Nhiệm vụ của Hội

1. Tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ hội viên trong việc nghiên cứu, học tập, phổ biến và cập nhật thông tin để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn ngành sử học tỉnh Bắc Ninh. Tham gia nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng ở các địa phương, các ngành trong tỉnh, thực hiện các đề tài khoa học thuộc khoa học xã hội nhân văn.

2. Động viên quần chúng nhân dân tham gia công tác sưu tầm, bảo quản, bảo vệ tài liệu lịch sử, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể.

3. Đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền về các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển ngành sử học tỉnh Bắc Ninh.

4. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, với quốc tế trong lĩnh vực sử học theo quy định của pháp luật để học tập, trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự giúp đỡ và tạo điều kiện cho Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh phát triển.

5. Tư vấn, phản biện và giám định đối với các dự án, công trình, đề tài nghiên cứu của tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến khoa học lịch sử khi có yêu cầu.

6. Bảo vệ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên phù hợp với pháp luật hiện hành.

Điều 5. Quyền hạn của Hội

1. Đại diện cho hội viên trong các hoạt động có liên quan đến tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh.

2. Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động dịch vụ về nghiên cứu và tuyên truyền lịch sử đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật.

3. Bảo trợ cho hội viên triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia đánh giá, thẩm định các công trình nghiên cứu khoa học, dự án thuộc lĩnh vực khoa học lịch sử khi có yêu cầu.

4. Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản các ấn phẩm lịch sử văn hoá theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức các diễn đàn khoa học, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết cho hội viên và quần chúng yêu thích lịch sử.

6. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học theo quy định của pháp luật.

7. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

8. Hội được gia nhập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh theo quy định của pháp luật.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 6. Tiêu chuẩn hội viên

Hội viên Hội khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh gồm hội viên chính thức và hội viên danh dự

1. Hội viên chính thức:

Công dân tỉnh Bắc Ninh từ 18 tuổi trở lên, có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học ở trong và ngoài ngành sử học đang làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các cá nhân đã nghỉ hưu, không vi phạm pháp luật, có tâm huyết với ngành sử học; tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội; tự nguyện nộp đơn xin gia nhập Hội đều được xem xét và kết nạp làm hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh.

2. Hội viên danh dự:

Công dân Bắc Ninh hoạt động trong các lĩnh vực chính trị xã hội có uy tín, có đóng góp cho hoạt động của Hội, tán thành điều lệ Hội thì được Hội suy tôn làm hội viên danh dự của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh.

Điều 7. Thủ tục kết nạp hội viên chính thức

Những người muốn tham gia sinh hoạt Hội phải tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội để Ban Chấp hành xem xét quyết định.

Điều 8. Thủ tục xoá tên hội viên

1. Hội viên bị xoá tên trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm pháp luật;

b) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp;

c) Vi phạm Điều lệ Hội, không chấp hành nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành Hội, làm mất uy tín của Hội;

2. Hội viên có nguyện vọng xin thôi sinh hoạt Hội hoặc qua đời thì được xoá tên;

3. Thủ tục xoá tên: Việc xoá tên do Tổng Thư ký Hội và hội viên đề nghị, Ban Chấp hành Hội xem xét quyết định;

4. Sau khi có quyết định xoá tên hội viên, Tổng Thư ký Hội có trách nhiệm thông báo đến hội viên bị xoá tên.

Điều 9. Nhiệm vụ của hội viên

1. Thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Điều lệ, Nghị quyết, Quyết định của Hội, tham gia sinh hoạt Hội và đóng Hội phí đầy đủ, đúng hạn.

2. Tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng và uy tín của Hội; vận động quần chúng hưởng ứng mọi hoạt động của Hội; tích cực tham gia công tác phát triển hội viên.

3. Chăm lo xây dựng đoàn kết trong Hội, đấu tranh chống những tư tưởng, hành động có hại đến thanh danh, uy tín và sự đoàn kết của Hội.

4. Tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đóng góp vào việc bảo vệ, bảo quản các di tích, di vật, các tài liệu lịch sử, di sản văn hoá của tỉnh Bắc Ninh.

Điều 10. Quyền của hội viên

1. Được trực tiếp tham gia các hoạt động của Hội; tham gia các khoá bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các cuộc hội thảo khoa học, các cuộc tham quan nghiên cứu do Hội tổ chức và phối hợp tổ chức.

2. Được Hội bảo trợ, tạo điều kiện tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về những vấn đề liên quan đến lịch sử trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế.

3. Yêu cầu Hội bảo vệ lợi ích hợp pháp trong hoạt động nghề nghiệp của cá nhân hội viên khi bị xâm phạm.

4. Kiến nghị với Hội để đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền về những vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách có liên quan đến hoạt động của Hội, liên quan đến nghiên cứu và tuyên truyền lịch sử tỉnh Bắc Ninh.

5. Hội viên chính thức được ứng cử, đề cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội; được tham dự và biểu quyết trong các hội nghị của Hội.

Hội viên danh dự không có quyền ứng cử, bầu cử và biểu quyết các vấn đề của Hội.

6. Được xin ra khỏi Hội khi xét thấy không có nguyện vọng tiếp tục tham gia Hội.

Chương IV

TỔ CHỨC HỘI

Điều 11. Tổ chức của Hội

1. Hội được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số.

2. Tổ chức của Hội gồm:

a) Đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể hội viên.

b) Ban Chấp hành.

c) Ban Thường vụ.

d) Thường trực Hội.

đ) Ban Kiểm tra.

g) Văn phòng và các Ban chuyên môn giúp việc Ban Chấp hành.

h) Các tổ chức trực thuộc Hội được thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể hội viên

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên (sau đây gọi chung là Đại hội). Nhiệm kỳ của đại hội là 5 năm một lần do Ban Chấp hành triệu tập. Trường hợp cần thiết Ban Chấp hành có thể triệu tập đại hội bất thường khi có ít nhất 2/3 số ủy viên Ban Chấp hành hoặc ít nhất 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị.

2. Đại hội có nhiệm vụ sau:

a) Thông qua báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu dự đại hội.

b) Thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ mới.

c) Thảo luận và thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Hội (nếu có).

d) Thông qua báo cáo thu, chi tài chính nhiệm kỳ trước và kế hoạch thu chi tài chính nhiệm kỳ mới, quyết định mức thu hội phí theo từng loại hội viên.

đ) Quyết định số lượng thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra của Hội nhiệm kỳ mới.

Điều 13. Ban Chấp hành Hội

1. Ban Chấp hành do Đại hội bầu ra, là cơ quan lãnh đạo Hội giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội. Ban Chấp hành Hội họp mỗi năm 2 lần. Trường hợp cần thiết thì họp bất thường do Chủ tịch Hội triệu tập khi có quá 1/2 số ủy viên Ban Chấp hành yêu cầu.

2. Giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội, nếu thiếu từ 2 ủy viên Ban Chấp hành trở lên thì Ban Chấp hành được bầu bổ sung thêm số ủy viên Ban Chấp hành.

3. Ban Chấp hành Hội có nhiệm vụ:

a) Bầu Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên Thường vụ với số lượng người không quá 1/3 số ủy viên Ban Chấp hành.

b) Bầu các Trưởng tiểu ban và Chánh văn phòng Hội.

c) Tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết của Ban Chấp hành.

d) Xây dựng chương trình hoạt động của Ban Chấp hành hàng năm và cả nhiệm kỳ, tổ chức thực hiện chương trình theo nghị quyết Đại hội.

đ) Báo cáo tổng kết hàng năm, xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện chủ yếu năm sau.

g) Chuẩn bị Văn kiện đại hội, quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường.

Điều 14. Ban Thường vụ

1. Ban Thường vụ Hội là cơ quan Thường trực của Ban Chấp hành do Ban Chấp hành bầu ra trong tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

2. Ban Thường vụ họp định kỳ 3 tháng 1 lần. Nếu họp bất thường do Chủ tịch Hội triệu tập khi có trên 1/2 số ủy viên Thường vụ yêu cầu.

3. Ban Thường vụ Hội có nhiệm vụ:

a) Thay mặt Ban Chấp hành chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Hội theo Điều lệ Hội, nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Ban Chấp hành giữa hai nhiệm kỳ.

b) Quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung kỳ họp của Ban Chấp hành.

c) Chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển Hội. Quyết định các vấn đề về công tác tổ chức và cán bộ.

d) Báo cáo tình hình hoạt động của Hội trước Ban Chấp hành.

Điều 15. Thường trực Hội

1. Thường trực Hội gồm: Chủ tịch Hội, các Phó chủ tịch và Tổng thư ký Hội.

2. Thường trực Hội là cơ quan giúp việc Ban Thường vụ, có nhiệm vụ điều hành các hoạt động thường xuyên của Hội và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Văn phòng Hội và các Ban chuyên môn của Hội; thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Hội.

3. Thường trực Hội họp định kỳ một tháng một lần.

Điều 16. Chủ tịch Hội

Chủ tịch Hội là đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ:

1. Chủ tọa các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội; Điều hành việc triển khai các nghị quyết của đại hội, hội nghị của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Ký các nghị quyết của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.

2. Sau khi có nghị quyết của Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ, ký quyết định thành lập các Ban chuyên môn, bổ nhiệm, bãi nhiệm lãnh đạo các đơn vị thuộc Hội; quyết định khen thưởng, kỷ luật, kết nạp hoặc xoá tên hội viên.

3. Ký, ban hành các quy chế quản lý và hoạt động của Hội.

4. Trường hợp khi Chủ tịch Hội vắng mặt, nếu cần thiết có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch Thường trực thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch.

Điều 17. Phó chủ tịch Hội

1. Phó chủ tịch Hội là người giúp việc cho Chủ tịch Hội, được Chủ tịch Hội phân công phụ trách và lãnh đạo, điều hành một số mặt hoạt động chuyên môn của Hội, có trách nhiệm và quyền hạn trong phạm vi được phân công.

2. Phó chủ tịch Thường trực thay mặt Chủ tịch Hội điều hành các hoạt động của Hội theo sự phân công của Chủ tịch và được ủy quyền điều hành các công việc của Hội khi Chủ tịch đi vắng.

Điều 18. Tổng Thư ký Hội

1. Tổng Thư ký Hội là người giúp việc Chủ tịch Hội, do Chủ tịch phân công và triển khai điều hành các hoạt động thường ngày của Hội.

2. Tổng thư ký có nhiệm vụ sau:

a) Điều hành, phối hợp các hoạt động hàng ngày của Hội.

b) Lãnh đạo, điều hành công tác của Văn phòng Hội; tổ chức quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội theo quy định của pháp luật.

c) Chuẩn bị báo cáo định kỳ, báo cáo năm và báo cáo nhiệm kỳ của BCH cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

d) Ký các văn bản hành chính và các văn bản khác theo sự phân công của Thường trực Hội hoặc Chủ tịch Hội.

Điều 19. Ban Kiểm tra Hội

1. Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra, gồm trưởng, phó ban và một số ủy viên. Trưởng ban Kiểm tra là ủy viên Ban Thường vụ do Ban Kiểm tra bầu.

2. Ban Kiểm tra có nhiệm vụ:

a) Kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội; thực hiện các nghị quyết của Đại hội, nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội.

b) Kiểm tra các hoạt động của Ban Chấp hành, các tổ chức trực thuộc Hội, các Ban chuyên môn thuộc Hội.

c) Kiểm tra việc thu, chi tài chính, quản lý, sử dụng tài sản của Hội.

d) Xem xét và kiến nghị với Ban Thường vụ Hội để giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Hội và hội viên.

3. Ban Kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội theo quy chế hoạt động và theo quy định của pháp luật. Ban Kiểm tra có quyền kiến nghị với Ban Chấp hành hoặc Chủ tịch Hội những biện pháp cần thiết để giải quyết những vấn đề quan trọng và cấp bách phát sinh trong hoạt động của Hội.

Điều 20. Văn phòng Hội và các Ban chuyên môn

1. Văn phòng Hội và các Ban chuyên môn của Hội do Ban Thường vụ đề nghị Chủ tịch Hội quyết định thành lập.

2. Văn phòng Hội và các Ban chuyên môn là bộ phận giúp việc cho Ban Thường vụ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội hoặc Tổng Thư ký Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội.

Điều 21. Thu nhập của cán bộ, nhân viên của cơ quan Hội

1. Các thành viên Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và các Ban chuyên môn khác nếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm thì được hưởng một khoản phụ cấp (nếu có) theo công việc được giao.

2. Các cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên hoặc vụ việc được ký hợp đồng với Hội (nếu có) được hưởng lương theo chế độ chính sách hiện hành và theo quy định của Hội.

3. Việc ký hợp đồng, tiền lương và mức phụ cấp do Ban Thường vụ đề nghị Chủ tịch Hội quyết định.

Chương V

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA HỘI

Điều 22. Tài sản của Hội

1. Tài sản của Hội gồm: Tài sản do cơ quan Nhà nước hỗ trợ, tài sản tự có của Hội, tài sản thuê dài hạn (nếu có). Toàn bộ tài sản phải được thể hiện đầy đủ trong sổ sách kế toán của Hội.

2. Văn phòng Hội có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sử dụng tài sản đúng mục đích và hiệu quả.

3. Nếu tài sản bị hư hỏng, không thể sửa chữa để tiếp tục sử dụng được thì Văn phòng Hội làm thủ tục thanh lý trình Chủ tịch Hội quyết định.

Điều 23. Tài chính của Hội

Tài chính của Hội gồm các nguồn thu:

1. Tiền hội phí của hội viên.

2. Thu nhập từ hoạt động nghiệp vụ của Hội theo quy định của pháp luật.

3. Tiền tài trợ, tiền ủng hộ từ các cơ quan Nhà nước, từ hội viên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

4. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 24. Các khoản chi của Hội

1. Chi cho hoạt động nghiệp vụ.

2. Chi thông tin, tuyên truyền, xuất bản, hội nghị, hội thảo.

3. Chi bồi dưỡng cập nhật kiến thức kế toán, kiểm toán, tài chính.

4. Chi hợp tác quốc tế (nếu có), hợp tác trong và ngoài tỉnh.

5. Chi lương, phụ cấp, công tác phí, bảo hiểm, phúc lợi xã hội cho cán bộ kiêm nhiệm công tác Hội và nhân viên hợp đồng (nếu có) của Hội theo quy định của pháp luật.

6. Chi mua sắm tài sản.

7. Chi phí hành chính.

8. Chi khen thưởng.

9. Các khoản chi khác theo quy định.

Điều 25. Quản lý tài chính, kế toán

1. Tài chính, kế toán của Hội được quản lý theo quy chế tài chính, kế toán của Hội, phù hợp với pháp luật về tài chính, kế toán.

2. Báo cáo về tài chính hàng năm của Hội được kiểm toán và báo cáo trong Hội nghị Ban Chấp hành, trong Đại hội nhiệm kỳ của Hội và công khai theo quy chế của Hội.

Điều 26. Giải thể và xử lý tài chính khi giải thể

1. Khi xét thấy hoạt động của Hội không có hiệu quả, không mang lại lợi ích cho hội viên hoặc gây cản trở, phiền hà cho hội viên thì Ban Chấp hành Hội quyết định triệu tập Đại hội để bàn biện pháp củng cố tổ chức hoặc giải thể Hội. Việc giải thể Hội do Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên thông qua và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

2. Khi Hội bị giải thể, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra Hội phải tiến hành kiểm kê tài sản, kiểm quỹ và báo cáo Ban Chấp hành Hội quyết định việc xử lý tài sản, tiền tồn quỹ và tiến hành thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Khen thưởng

Hội viên, các tổ chức Hội, cán bộ nhân viên của Hội có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Hội được Hội khen thưởng hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng.

Điều 28. Xử lý vi phạm

1. Hội viên, các tổ chức Hội, cán bộ nhân viên của Hội làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Hội, làm trái với Điều lệ, nghị quyết của Hội hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì tuỳ theo mức độ sai phạm mà áp dụng các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ khỏi Hội. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì ngoài hình thức kỷ luật còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Hội viên vi phạm pháp luật, bị khởi tố thì bị khai trừ ngay khỏi danh sách của hội viên.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải do Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của Hội thông qua.

Điều 30. Hiệu lực thi hành

1. Bản Điều lệ này gồm 7 Chương, 30 Điều và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

2. Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm hướng dẫn hội viên thi hành Điều lệ này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 658/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Điều lệ Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 658/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Tử Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản