Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 653/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 25 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TẬP TRUNG TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 169/TTr-SNN ngày 15 tháng 01 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Y tế; Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Công ty Điện lực Đồng Nai, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Võ Văn Phi

 

MẠNG LƯỚI

CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TẬP TRUNG TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ

Từ năm 2008 đến năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung trên địa bàn 08 huyện, thị xã Long Khánh. Tuy nhiên, trong quá triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập khó khăn, đặc biệt là số lượng, vị trí quy hoạch và vấn đề kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Vì vậy, sau khi rà soát thực tế, UBND tỉnh đã phê duyệt riêng quy hoạch giết mổ tại các Quyết định: Số 2037/QĐ-UBND ngày 20/7/2015 về việc phê duyệt quy hoạch các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 604/QĐ-UBND ngày 02/3/2016 về việc điều chỉnh, sửa đổi nội dung quy hoạch các cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến 2020, tầm nhìn 2030; số 285/QĐ-UBND ngày 24/01/2018 về việc phê duyệt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các địa phương đã triển khai xây dựng 41 cơ sở giết mổ theo quy hoạch (trong đó có 33 cơ sở được Dự án LIFSAP hỗ trợ đầu tư), có dây chuyền mổ treo, hệ thống xử lý chất thải… đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các huyện: Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh đã thực hiện xong quy hoạch; các cơ sở giết mổ còn lại đến nay chưa có chủ đầu tư để triển khai hoặc chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, các địa phương đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019; Luật Thú y năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 (quy hoạch giết mổ không thuộc danh mục tiếp tục lập quy hoạch và UBND tỉnh đã bãi bỏ quy hoạch giết mổ tại Quyết định số 2037/2020/QĐ-UBND ngày 17/6/2020). Để định hướng phát triển ngành nghề kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Thú y 2015, các quy định ngành và quy hoạch có liên quan; góp phần quản lý, sắp xếp giết mổ có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư yên tâm sản xuất, cần thiết phải xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ

1. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, đất đai, thành tựu phát triển chăn nuôi, giết mổ an toàn thực phẩm trong những năm qua. Tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào giết mổ trên các khu vực đã và đang được xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; tăng quy mô, năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý tốt chất thải từ cơ sở giết mổ, bảo vệ môi trường.

2. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật; đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ sở giết mổ được xây dựng và cấp phép hoạt động theo quy định.

3. Khuyến khích thành lập các hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp giết mổ tập trung; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để chủ cơ sở tổ chức sản xuất kinh doanh, chủ cơ sở tự đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động sản xuất kinh doanh giết mổ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

4. Xây dựng cơ sở giết mổ lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan đến liên kết sản xuất chăn nuôi, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

III. MỤC TIÊU XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ

1. Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Kết nối các vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ (theo chuỗi), bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm an toàn cho thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung địa điểm xây dựng các cơ sở giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đáp ứng các điều kiện theo quy định; đồng thời tạo điều kiện, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ trên địa bàn.

3. Xóa bỏ các điểm giết mổ không phép hoặc không phù hợp quy định, sắp xếp vào các cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được cấp phép hoạt động theo quy định.

4. Ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động theo chuỗi.

IV. YÊU CẦU MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ

1. Về địa điểm cơ sở giết mổ

a) Trên cơ sở kế thừa, cập nhật 47/49 cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch (xóa bỏ quy hoạch 02 cơ sở giết mổ do không tiếp tục thực hiện) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 24/01/2018 về việc phê duyệt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, các quy hoạch có liên quan (quy hoạch sử dụng đất, nông thôn mới, xây dựng, giao thông,…), đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

c) Cơ sở phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm.

2. Về cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ

a) Cơ sở giết mổ động vật khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động vật và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

b) Thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo;

c) Trang thiết bị, dụng cụ, nước cho việc giết mổ động vật phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

d) Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

V. NỘI DUNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ

1. Tổng số cơ sở giết mổ trong mạng lưới là 58 cơ sở (Phụ lục đính kèm). Trong đó, kế thừa quy hoạch cơ sở giết mổ đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 24/01/2018, với 47 cơ sở (41 cơ sở giết mổ đã xây dựng, đang hoạt động; 01 cơ sở đang xây dựng và 05 cơ sở chưa xây dựng). Bổ sung 11 điểm giết mổ vào mạng lưới gồm: Trảng Bom: 08 cơ sở, Thống Nhất: 01 cơ sở, Tân Phú: 01 cơ sở (đã xây dựng) và thành phố Long Khánh: 01 cơ sở (đã xây dựng).

2. Lộ trình thực hiện

a) Giai đoạn 2021 - 2025

- Giữ ổn định các cơ sở giết mổ về số lượng và vị trí đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.

- Mở rộng công suất tối đa của các cơ sở giết mổ để bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn thực phẩm theo nhu cầu.

- Tổ chức xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 15 cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Năm 2021: Xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 04 cơ sở (Trảng Bom: 02 cơ sở; Thống Nhất: 01 cơ sở; Biên Hòa: 01 cơ sở).

Năm 2022: Xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 04 cơ sở (Trảng Bom: 02 cơ sở; Long Thành: 01 cơ sở; Vĩnh Cửu: 01 cơ sở).

Năm 2023: Xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 04 cơ sở (Trảng Bom: 02 cơ sở; Long Thành: 01 cơ sở; Cẩm Mỹ: 01 cơ sở).

Năm 2024: Xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 02 cơ sở tại huyện Trảng Bom.

Năm 2025: Xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 01 cơ sở tại huyện Trảng Bom.

b) Định hướng đến năm 2030

- Ổn định các cơ sở giết mổ và mở rộng công suất bảo đảm nhu cầu phục vụ cho xã hội.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở giết mổ tập trung khi đáp ứng các điều kiện quy định hiện hành vào mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai cho phù hợp với nhu cầu thực tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện.

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Sắp xếp, xây dựng cơ sở giết mổ.

a) Xây dựng cơ sở giết mổ: Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động tất cả các cơ sở giết mổ động vật tập trung trong năm 2025.

b) Rút giấy phép các điểm giết mổ

- Các địa phương có cơ sở giết mổ tập trung đã hoạt động: Rút giấy phép toàn bộ các điểm giết mổ không thuộc mạng lưới.

- Các địa phương có cơ sở giết mổ tập trung đang xây dựng: Lập kế hoạch, lộ trình rút giấy phép các điểm giết mổ không thuộc mạng lưới sau khi cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động.

- Các địa phương chưa xây dựng cơ sở giết mổ tập trung: Cho phép tồn tại tạm thời các điểm giết mổ động vật đến khi hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động.

2. Giải pháp cơ chế chính sách

a) Triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

b) Hỗ trợ xây dựng đường giao thông, điện lưới trung thế đến hàng rào cơ sở giết mổ tập trung; triển khai thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư lưới điện trung thế vào các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Triển khai các chính sách ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

d) Các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung: ưu đãi về mức vay, thời hạn, lãi suất,...

3. Tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

a) Công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, truyền hình,...) về địa điểm được phê duyệt xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, các quy định liên quan đến lĩnh vực giết mổ và pháp luật bảo vệ môi trường.

b) Triển khai nội dung phê duyệt mạng lưới giết mổ đến các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật biết để thực hiện.

c) Xây dựng liên kết chuỗi ngành hàng giữa sản xuất, giết mổ và phân phối; tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng vào hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng.

d) Tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực sản xuất; nâng vai trò chủ đạo của hiệp hội doanh nghiệp trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, lưu thông động vật, sản phẩm động vật; xây dựng tiêu chuẩn, thông tin sản phẩm an toàn. Hỗ trợ các cơ sở giết mổ xây dựng thương hiệu sản phẩm và quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chợ, hội chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và cộng đồng dân cư.

đ) Tuyên truyền cho người tiêu dùng biết cách nhận biết và lựa chọn sản phẩm an toàn.

4. Quản lý mạng lưới cơ sở giết mổ

a) Tập trung chỉ đạo sắp xếp giết mổ để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật.

b) Tổ chức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi và thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

c) Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh giết mổ di dời vào các cơ sở giết mổ tập trung theo quy định và quy hoạch có liên quan.

d) Tổ chức, sắp xếp những điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, đảm bảo điều kiện trong kinh doanh và thuận tiện cho người tiêu dùng.

đ) Tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giết mổ; đồng thời công bố các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát.

5. Giải pháp khoa học công nghệ

a) Nghiên cứu công nghệ mới, tiên tiến của các nước trong giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm sạch để phổ biến ứng dụng triển khai thực hiện.

b) Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lựa chọn nguồn nguyên liệu an toàn, giết mổ vệ sinh, cung ứng sản phẩm theo chuỗi; cải thiện công nghệ sản xuất an toàn, kiểm soát hiệu quả các nguy cơ về an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

c) Sử dụng công nghệ (Biogas, hồ sinh học,...) để xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động giết mổ, đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định.

6. Giải pháp tài chính

a) Nguồn vốn từ các chương trình, dự án: Lồng ghép nguồn lực từ Dự án, Chương trình nông thôn mới,... để xây dựng hạ tầng phục vụ công tác giết mổ, cung ứng sản phẩm động vật an toàn theo chuỗi và giải quyết vấn đề chất thải trong sản xuất.

b) Ngân sách nhà nước

- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng hạ tầng (đường, điện,...) đến cơ sở giết mổ tập trung.

c) Đầu tư của các tổ chức, cá nhân kinh doanh: Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất trong kinh doanh giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật (Nhà xưởng, trang thiết bị, áp dụng chương trình quản lý chất lượng...) nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo hướng dẫn xây dựng cơ sở đảm bảo yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; quy trình và kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; thẩm định và cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; tổ chức kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định.

b) Phối hợp với UBND các huyện và thành phố lập kế hoạch thực hiện mạng lưới giết mổ động vật tập trung; triển khai các nhóm giải pháp thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn.

c) Tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025.

2. Công an tỉnh

Chủ động công tác nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định của nhà nước đối với hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật khi phát hiện các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trong hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.

3. Sở Công Thương

a) Tập trung thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh, cả nước, các nước trong khu vực và trên thế giới. Kịp thời thông tin về thị trường tiêu thụ và dự báo về thị trường tạo thuận lợi để cơ sở giết mổ có kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

b) Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ phối hợp cơ quan thú y thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với sản phẩm động vật nhập vào chợ theo đúng quy định.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện các dự án được hỗ trợ từ ngân sách.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp hướng dẫn các thủ tục môi trường đúng theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh.

b) Kiểm tra, thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường trong hoạt động giết mổ theo thẩm quyền.

c) Phối hợp ngành nông nghiệp và địa phương, thống nhất rà soát, điều chỉnh và cập nhật quy hoạch ngành có liên quan đối với các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn.

6. Sở Y tế

a) Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ động vật, điểm buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật.

b) Quản lý sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn có nguồn gốc từ động vật.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã qua chế biến; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất đối với thực phẩm đã qua chế biến có nguồn gốc động vật lưu thông trên thị trường.

d) Phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 13888/UBND-KT ngày 18/12/2018.

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia thẩm định các dự án đầu tư.

8. Sở Xây dựng

Phối hợp ngành nông nghiệp và địa phương, thống nhất rà soát, điều chỉnh và cập nhật quy hoạch ngành có liên quan đối với các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn.

9. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ về giết mổ, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và công nghệ xử lý chất thải.

b) Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm an toàn, chất lượng.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm hàng hóa chế biến từ động vật trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Giao thông vận tải

a) Hướng dẫn lộ trình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

b) Tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền các nội dung quy định về giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; quảng bá các sản phẩm an toàn, công bố các trường hợp vi phạm, hình thức xử lý; hướng dẫn lựa chọn sản phẩm an toàn đến tất cả các đối tượng biết và thực hiện theo quy định.

12. Cục Quản lý thị trường

Tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh về giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường.

13. Điện lực Đồng Nai

Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư lưới điện trung thế vào các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản theo quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

14. Các tổ chức đoàn thể

Tuyên truyền, vận động gia đình hội viên và người dân tích cực tham gia hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm. Tham gia các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để giúp đỡ, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

15. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Lập kế hoạch thực hiện mạng lưới giết mổ động vật tập trung trên địa bàn.

b) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng giết mổ không phép, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mà không báo cáo hoặc xử lý không nghiêm trên địa bàn quản lý.

c) Bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở giết mổ động vật.

d) Hướng dẫn, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật phù hợp quy hoạch có liên quan và quy định ngành. Rà soát, cập nhật quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ thực hiện thủ tục đất đai.

đ) Tổ chức, quản lý và kiểm soát hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.

g) Chỉ đạo UBND cấp xã quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là hoạt động giết mổ không phép. Tổ chức xử lý động vật, sản phẩm động vật không qua kiểm soát của ngành thú y.

h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án cơ sở giết mổ động vật tập trung thuộc thẩm quyền xác nhận kế hoạch, đề án, cam kết bảo vệ môi trường của UBND huyện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn do các cơ sở giết mổ động vật tập trung gây ra; tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn việc lập các thủ tục môi trường đối với dự án giết mổ động vật tập trung trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

i) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xóa bỏ các cơ sở giết mổ tập trung trong mạng lưới cơ sở giết mổ cho phù hợp nhu cầu thực tế, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và quy định hiện hành. Lưu ý, đối với các cơ sở giết mổ đã đầu tư xây dựng và đang hoạt động theo quy hoạch trước đây, địa phương cần rà soát, xây dựng lộ trình tồn tại, di dời nếu không đảm bảo các điều kiện về quy hoạch liên quan, cự ly khoảng cách của cơ sở giết mổ đến dân cư, công trình công cộng, nguồn nước,… theo quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giết mổ đã đầu tư theo quy hoạch trước đây có điều kiện hoạt động (nhưng phải đảm bảo môi trường trong hoạt động sản xuất) và thu hồi vốn đầu tư, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cơ sở khi thuộc diện phải di dời.

k) Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn biết về mạng lưới giết mổ động vật của tỉnh, kế hoạch, lộ trình thực hiện; đồng thời thông báo trên đài truyền thanh các trường hợp kinh doanh động vật, giết mổ động vật trái phép, các trường hợp vi phạm để người dân biết và cùng giám sát.

16. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở giết mổ, buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.

b) Tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân kinh doanh giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật biết và chấp hành đúng quy định của pháp luật.

c) Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện nếu để xảy ra tình trạng giết mổ không phép, kinh doanh sản phẩm không qua kiểm soát trên địa bàn quản lý./.

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ TRONG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Stt

Địa điểm

Tên cơ sở giết mổ

Công suất thiết kế của cơ sở giết mổ định hướng đến năm 2030 (con/ ngày)

Tổng diện tích; Số tờ, số thửa; tình trạng quy hoạch sử dụng đất

Ghi chú

Huyện/ TP

1

Xuân Lộc (04)

Xã Xuân Trường

Nguyễn Thị Yến

Heo: 30

Số tờ 22; các thửa số 27, 210, 211; diện tích 3.478 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

2

Xã Bảo Hòa

Hòa Hợp

Heo: 200

Gà: 10.000

Số tờ 04; thửa số 31; diện tích 8.029,5 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

3

Xã Xuân Thọ

Hưng Thuận

Heo: 30

Trâu, bò: 20

Số tờ 85; thửa số 59; diện tích 5.831,6 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

4

Xã Xuân Tâm

Đồng Tiến

Heo: 30

Số tờ 95; các thửa số 38, 39; diện tích 7.688,8 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

5

Trảng Bom (18)

Xã Sông Thao

Thuận Trường

Gà: 15.000

Số tờ 30; các thửa số 378, 379, 380; diện tích 14.017,3 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

6

Xã An Viễn

Tám sao

Heo: 30

Số tờ 05; thửa số 3032; diện tích 27.478,1 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

7

Xã Trung Hòa

Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam

Heo: 400

Gà: 16.000

Số tờ 02; thửa số 26; diện tích 56.468,8 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

8

Xã Hố Nai 3

Hoàng Thị Hiền

Gà: 4.000

Số tờ 04; các thửa số 374, 332, 152; diện tích 4.117,5 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

9

Xã Hố Nai 3

Nguyễn Thị Hằng

Gà: 4.000

Số tờ 04; thửa số 162; diện tích 4.713,3 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

10

Xã Hố Nai 3

Ngô Văn Tú

Heo: 100

Gà: 4.000

Số tờ 04; các thửa số 151, 159, 189; diện tích 9.527,4 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

11

Xã Hố Nai 3

Hoàng Văn Tham

Heo: 200

Số tờ 04; các thửa số 161, 281; diện tích 2.905,2 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

12

Xã Hố Nai 3

Liên Hiệp Tấn Tài

Trâu, bò: 30

Số tờ 07; thửa số 132; diện tích 12.086 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Chưa xây dựng

13

Xã Bình Minh

Công ty Vạn Kiến Đạt (Huỳnh Thị Ngọc Tiến)

Heo: 400

Số tờ 12; các thửa số 402, 403, 366; diện tích 24.885,3 m2. Quy hoạch đất sản xuất kinh doanh

Đã xây dựng

14

Xã Sông Thao

Nguyễn Bá Thành

Heo: 200

Số tờ 34; các thửa số 122, 124, 126, 127; diện tích 25.696,3 m2. Quy hoạch sử dụng đất là cây lâu năm và đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm, vật liệu san lấp.

Đã xây dựng

15

Xã Cây Gáo

Công ty Sing Mark

Heo: 1.000

Thửa đất số 2, 5, 6, 7, 8, 9, 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43, 44 (thửa đất số 506 tờ bản đồ số 3 cũ), 45, 47, 48, 49, 50, 51, 52 tờ bản đồ số 17; tổng diện tích 34.408,6 m2

Bổ sung, chưa xây dựng

16

Xã Hố Nai 3

Công ty Hoàng Phúc Hiển

Trâu, bò: 50

Thửa đất số 28, 47, 48, 49, 50 tờ bản đồ số 15; thửa đất số 70 tờ bản đồ số 14

Bổ sung, chưa xây dựng

17

Xã Hưng Thịnh

Công ty Đại Hùng Phát

Gà: 20.000

Thửa đất số 6, 7, 8, 10, 38, 39, 44, 52 tờ bản đồ số 23

Bổ sung, chưa xây dựng

18

Xã Sông Trầu

Công ty Bình Minh

Gà: 20.000

Thửa đất số 296 tờ bản đồ số 34

Bổ sung, chưa xây dựng

19

Xã Bắc Sơn

Nguyễn Thanh Minh

Heo: 100

Một phần thửa đất số 3, 4, 7, 8 tờ bản đồ số 6

Bổ sung, chưa xây dựng

20

Xã Hố Nai 3

Bùi Đăng Nhu

Heo: 100

Thửa đất số 109, 370, 328, 329 tờ bản đồ số 4

Bổ sung, chưa xây dựng

21

Xã Hố Nai 3

Trịnh Thị Yến

Trâu, bò: 50

Thửa đất 01, 03 tờ bản đồ số 44; thửa số 01 tờ bản đồ số 43

Bổ sung, chưa xây dựng

22

Xã Hố Nai 3

Ngô Văn Tú

Heo: 400

Thửa đất 124; tờ bản đồ số 04; tổng diện tích 10.278,7 m2

Bổ sung, chưa xây dựng

23

Thống Nhất (08)

Xã Bàu Hàm 2

Bàu Hàm 2

Heo: 200

Số tờ 01; thửa số 75; diện tích 4.847 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

24

Xã Gia Tân 2

Nguyễn Thị Thanh

Heo: 150

Số tờ 06; Một phần thửa 520, 534 và thửa 600; diện tích 3.622,5 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

25

Xã Lộ 25

Minh Toàn

Heo: 30

Số tờ 41; thửa số 493; diện tích 770 m2 (đất giao thông 108,6m2; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 661,4m2)

Đã xây dựng

26

Xã Gia Tân 3

Thiên Ân

Gà: 10.000

Số tờ 27; thửa 45; diện tích 4.743,4 m2 (đất giao thông 329,9m2; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 4.413,5 m2)

Đã xây dựng

27

Xã Gia Kiệm

Phạm Quốc Phong

Heo: 50

Số tờ 20; các thửa số 10, 469; diện tích 9.354,7 m2 (Đất giao thông 386,2m2; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 8.968,5 m2)

Đã xây dựng

28

Xã Hưng Lộc

Tú Loan

Heo: 50

Số tờ 26; thửa số 09; diện tích 8.421,4m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

29

Xã Quang Trung

Cơ sở Hoa Lan

Nhím, Thỏ, Dê, Heo rừng lai: 100

Số tờ 16; thửa số 215; diện tích 1.094 m2 (đất giao thông 188,7m2; đất trồng cây lâu năm 905,3 m2); Đã cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, mục đích sử dụng đất SKC

Đã xây dựng

30

Xã Gia Tân 2

Trương Thị Phượng

Trâu, bò: 30

Số tờ 4, thửa đất số 536, UBND huyện đang phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh cập nhật thửa đất trên vào quy hoạch đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Bổ sung, chưa xây dựng

31

Long Khánh (03)

Xã Bàu Trâm

Thy Thọ

Heo: 250

Số tờ 12; các thửa số 411, 478; diện tích 17.004,9 m2; Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

32

Xã Bàu Trâm

Phong Hiền

Gà: 10.000

Số tờ 04; các thửa số 432, 433, 434, 102, 115 và 671; diện tích 7.346 m2; Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp và đất giao thông

Đã xây dựng

33

Xã Bàu Trâm

Đoàn Thu

Heo: 150

Trâu, bò: 50

Số tờ 05, thửa số 259; diện tích 7.940 m2; đã cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của thành phố trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt

Bổ sung, đang hoạt động

34

Cẩm Mỹ (05)

Xã Xuân Mỹ

Hoàng Cử

Heo: 100

Số tờ 37, số thửa 39, diện tích 4.242 m2, đất quy hoạch cơ sở giết mổ

Đã xây dựng

35

Xã Sông Ray

Khang Thùy

Heo: 40

Số tờ 22, số thửa 133, diện tích 4.206 m2, quy hoạch cơ sở giết mổ

Đã xây dựng

36

Xã Nhân Nghĩa

Nguyễn Xuân Phương

Heo: 40

Số tờ 21, số thửa 110, diện tích 1.117 m2, quy hoạch cơ sở giết mổ

Đã xây dựng

37

Xã Xuân Quế

Nguyễn Ngọc Hùng

Heo: 30

Số tờ 24; các thửa số 3, 39; diện tích 7.151 m2, quy hoạch cơ sở giết mổ

Đã xây dựng

38

Xã Lâm San

Công ty TNHH Chăn nuôi Lan Chi

Vịt: 4.000

Số tờ 36; các thửa số 34, 374, 375, 376, 377, 378, 379, 380, 381, 382; diện tích 10.984 m2, quy hoạch cơ sở giết mổ

Chưa xây dựng

39

Long Thành (03)

Xã Long An

Phương Nguyễn

Heo: 300

Trâu, bò: 50

Gà: 10.000

Số tờ 51; thửa số 123; diện tích 31.914,5 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

40

Xã Cẩm Đường

 

Heo: 50

Số tờ 21; thửa số 156; diện tích 4.957,3 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Chưa xây dựng

41

Xã Tân Hiệp

 

Heo: 50

Số tờ 16; các thửa số 3, 8, 226, 227; diện tích 8.162m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Chưa xây dựng

42

Tân Phú (05)

Xã Tà Lài

Trần Thị Nụ

Heo: 30

Số tờ 18; thửa số 201; diện tích 2.226,5 m2. Đất quy hoạch giết mổ

Đã xây dựng

43

Xã Phú Điền

Hồ Thị Bích Liên

Heo: 20

Số tờ 16; các thửa số 77, 78, 79; diện tích 1.706,4 m2. Đất quy hoạch giết mổ

Đã xây dựng

44

Xã Phú Lâm

HTX Hiệp Nhất

Heo: 250

Số tờ 35; các thửa số 288, 293, 41, 28, 43, 59, 60, 315; diện tích 18.493 m2. Đất quy hoạch giết mổ

Đã xây dựng

45

Xã Nam Cát Tiên

Nguyễn Văn Toán

Heo: 15

Số tờ 11; thửa số 424; diện tích 1.000 m2. Tình trạng quy hoạch đất trồng cây lâu năm

Đã xây dựng

46

Xã Phú Lộc

Trương Văn Ngọc

Heo: 15

Số tờ 19; thửa số 27; diện tích 9.665 m2. Đất quy hoạch giết mổ

Bổ sung, đang hoạt động

47

Định Quán (04)

Xã La Ngà

Phạm Thị Hà

Heo: 30

Số tờ 20, số thửa 18, diện tích 1.812,4 m2, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (SKC)

Đã xây dựng

48

Xã Suối Nho

Lý Huỳnh Anh

Heo: 30

Số tờ 38, số thửa 79, diện tích 3.025 m2, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (SKC)

Đã xây dựng

49

Xã Thanh Sơn

Cao Thị Đức

Heo: 30

Số tờ 48, số thửa 63, tổng diện tích 1.183 m2, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (một phần diện tích thửa 25 tờ số 63 mới, diện tích 2.238 m2)

Đã xây dựng

50

Xã Ngọc Định

Văn Trí

Heo: 30

Trâu, bò: 30

Số tờ 31, số thửa 152, tổng diện tích 51.453 m2, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (một phần diện tích thửa 152, diện tích 9.970 m2)

Đã xây dựng

51

Vĩnh Cửu (04)

Xã Thạnh Phú

Anh Hoàng Thy

Heo: 250

Số tờ 11; các thửa số 55, 99; diện tích khoảng 10.000 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

52

Xã Phú Lý

Hoàng Đức Văn

Heo: 10

Số tờ 48, số thửa 01, diện tích 1.901 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

53

Thị Trấn Vĩnh An

Thân Hương

Heo: 200

Số tờ 50; các thửa số 248, 249; diện tích khoảng 12.100 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

54

Xã Tân An

 

Heo: 50

Gà: 5.000

Số tờ 99; các thửa số 30, 34, 35, 36, 56, 59, 341, 342; diện tích khoảng 200.000 m2. Đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm

Chưa xây dựng

55

Nhơn Trạch (02)

Xã Vĩnh Thanh

Hoàng Thị Liêm

Heo: 300

Số tờ 51; các thửa số 208, 210, 219, 186, 187, 250, 251; diện tích khoảng 6.000 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

56

Thị trấn Hiệp Phước

Phạm Hữu Vẹn

Heo: 200

Số tờ 09; các thửa số 55, 56, 60; diện tích khoảng 6.900 m2. Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Đã xây dựng

57

Biên Hòa (02)

KCN Loteco, Long Bình

Công ty KOYU& UNITEK

Gà: 30.000

KCN Loteco, Long Bình

Đã xây dựng

58

Phường Long Bình

Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình

Heo: 1.200

Trâu, bò: 50

Gà: 20.000

Số tờ 48, số thửa 09, diện tích 42.653,5 m2, quy hoạch cơ sở giết mổ (216,6 m2 đất nằm trong quy hoạch đất quốc phòng)

Đang xây dựng

Tổng cộng: 58 cơ sở với công suất thiết kế của các cơ sở giết mổ định hướng đến năm 2030 (con/ ngày): Trâu, bò: 360; Heo: 7.370 con; Gà: 178.000; Vịt: 4.000; Thỏ, Dê, Heo rừng lai, Nhím: 100.