Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 17 tháng 3 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIAO RỪNG TRỒNG GẮN VỚI GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 327 VÀ DỰ ÁN 661 ĐÃ QUY HOẠCH LẠI LÀ RỪNG SẢN XUẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư;
Căn cứ Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính;
Căn cứ Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Căn cứ Quyết định số 310/QĐ-CT ngày 26/2/2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 30/01/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIV) về việc phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn năm 2006-2010, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 05/4/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XIV) về phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 31/8/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Thông báo số 666/TB-TU ngày 15/12/2008 của Tỉnh ủy về ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 11/12/2008;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 192/TTr-SNN ngày 27/02/2010 về việc đề nghị phê duyệt Đề án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2010; đề nghị của liên ngành tại Biên bản hội nghị ngày 04/02/2010 về nội dung Đề án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2010, với những nội dung chính sau:
I. Quan điểm
1. Giao rừng trồng sản xuất gắn với giao đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài để rừng có chủ đích thực; nhằm bảo vệ và khai thác có hiệu quả tiềm năng rừng của tỉnh; tạo động lực khuyến khích nhân dân tham gia bảo vệ và đầu tư phát triển rừng.
2. Đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người được giao rừng và đất lâm nghiệp; thực hiện nguyên tắc giao rừng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, không làm mất vốn của Nhà nước đã đầu tư trồng rừng.
II. Mục tiêu
1. Đến hết năm 2010 cơ bản giao xong toàn bộ diện tích rừng trồng thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có nhu cầu, khả năng sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương, ổn định chính trị - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để rừng sau khi giao được quản lý, bảo vệ đúng quy định, đầu tư phát triển có hiệu quả.
3. Sơ kết, đánh giá cụ thể việc giao rừng trồng sản xuất gắn với giao đất lâm nghiệp, để rút kinh nghiệm và triển khai giao các đối tượng rừng khác trên địa bàn tỉnh.
III. Yêu cầu
1. Việc giao rừng trồng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp phải được thực hiện đồng thời, đúng quy định của Nhà nước, đúng đối tượng, đảm bảo dân chủ, công khai và có sự tham gia của người dân địa phương.
2. Ưu tiên giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; các hộ thiếu đất sản xuất đang ở gần rừng; các hộ tại chỗ có nhu cầu và khả năng quản lý, bảo vệ, đầu tư phát triển rừng.
3. Lồng ghép và phối kết hợp các chương trình, dự án trên địa bàn với công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp để đảm bảo tính thống nhất, tiết kiệm và hiệu quả.
IV. Nội dung
1. Quy mô
Thực hiện giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên diện tích 18.809,51 ha rừng trồng thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi là rừng trồng dự án), cụ thể:
STT | Tên huyện, thị xã | Tổng số xã | Diện tích (ha) |
1 | Na Hang | 15 | 3.276,95 |
2 | Chiêm Hoá | 20 | 2.139,66 |
3 | Hàm Yên | 17 | 3.996,40 |
4 | Sơn Dương | 21 | 2.686,60 |
5 | Yên Sơn | 25 | 6.507,70 |
6 | Thị xã Tuyên Quang | 7 | 202,20 |
Tổng cộng: | 105 | 18.809,51 |
2. Nhiệm vụ
a) Rà soát, thống kê, phân loại và xác định diện tích rừng trồng thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn.
b) Xây dựng, trình duyệt phương án giao rừng và tổ chức thực hiện giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đúng nội dung Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Giải pháp chủ yếu
a) Đào tạo và tuyên truyền về giao rừng gắn với giao đất
- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn cho các cơ quan, cán bộ quản lý và kỹ thuật thực hiện phương án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp.
- Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ cho các Ban chỉ đạo cấp huyện, Hội đồng giao rừng cấp xã, Trưởng thôn bản trong công tác lập phương án giao rừng trồng dự án gắn với giao đất lâm nghiệp.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chính sách của Nhà nước về giao rừng trồng dự án gắn với giao đất lâm nghiệp, quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
b) Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng loại rừng
- Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cụ thể phục vụ công tác giao rừng và đất lâm nghiệp.
- Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của chủ rừng để tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Quy định chế độ quản lý hồ sơ giao và cho thuê rừng đảm bảo cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng đáp ứng hiệu quả cho các hoạt động của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
c) Trình tự, thủ tục giao rừng
Thực hiện theo Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư và các quy định của Luật Đất đai.
d) Xác định đối tượng và thứ tự ưu tiên
Căn cứ vào hiện trạng quản lý, sử dụng rừng ở địa phương, đối tượng nhận rừng được xác định theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Hộ gia đình, cá nhân đang nhận khoán trồng và bảo vệ rừng trồng dự án hoặc đã gắn bó lâu đời với khu rừng cụ thể ở địa phương.
- Hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất, giao rừng hoặc thiếu đất sản xuất lâm nghiệp; hộ sinh sống ở gần lô rừng và các hộ chính sách khác do Hội đồng giao rừng của xã quyết định cụ thể từng trường hợp.
- Các hộ có nghề nghiệp chính là sản xuất nông, lâm nghiệp; có nhu cầu, có khả năng quản lý, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp thuộc rừng trồng dự án theo quy định.
e) Hạn mức giao rừng và đất lâm nghiệp
Trên cơ sở quỹ rừng và đất lâm nghiệp của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao rừng và giao đất lâm nghiệp, tối đa không quá 5ha/hộ, tối thiểu không hạn chế mà theo diện tích của từng lô, đảm bảo nguyên tắc giao trọn lô rừng theo hồ sơ thiết kế trồng, chăm sóc rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
g) Cơ chế hưởng lợi và nghĩa vụ của chủ rừng (người được giao rừng)
Chủ rừng được Nhà nước giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, sử dụng rừng theo quy định của pháp luật hiện hành và các quy định về cơ chế, chính sách thực hiện giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
h) Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước cấp và đóng góp của các chủ rừng, được quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
k) Tiến độ thực hiện
- Công tác chuẩn bị, tổ chức tuyên truyền: Quý I năm 2010;
- Xây dựng và phê duyệt phương án giao rừng trồng dự án gắn với giao đất lâm nghiệp: Chậm nhất xong trong quý II năm 2010;
- Triển khai công tác giao rừng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Từ quý II đến hết năm 2010;
- Đánh giá kết quả thực hiện giao rừng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Quý I/2011;
Điều 2. Tổ chức thực hiện đề án
1. Cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện công tác giao rừng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện công tác giao, cho thuê rừng, kiểm tra, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các địa phương, theo dõi, tổng hợp báo cáo và đề xuất biện pháp chỉ đạo với Ủy ban nhân dân tỉnh 1 tháng/1 lần kể từ tháng 4 năm 2010.
2. Cấp huyện
Thành lập Ban chỉ đạo giao rừng và Tổ công tác giao rừng cấp huyện. Ban chỉ đạo giao rừng cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban, thành viên là Lãnh đạo các cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm lâm, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:
- Chỉ đạo việc lập và phê duyệt phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cấp xã.
- Thành lập Tổ công tác giao rừng cấp huyện, thành viên là các cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp và địa chính; Tổ công tác có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, hoàn thiện các hồ sơ về phương án giao rừng báo cáo Ban chỉ đạo giao rừng cấp huyện.
- Những địa phương đã có Ban chỉ đạo giao đất cấp huyện thì bổ sung thêm thành phần liên quan đến giao rừng và giao nhiệm vụ về giao rừng cho Ban này và gọi là Ban chỉ đạo giao đất giao rừng cấp huyện.
- Chỉ đạo thực hiện việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
- Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã xây dựng phương án giao rừng trồng dự án gắn với giao đất lâm nghiệp.
3. Cấp xã
Thành lập Hội đồng giao rừng và đất lâm nghiệp của xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là: Cán bộ địa chính, cán bộ theo dõi về lâm nghiệp, Kiểm lâm địa bàn, đại diện của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, đại diện bí thư chi bộ và trưởng các thôn, bản trong xã; trường hợp xã đã thành lập Hội đồng giao đất thì có thể bổ sung nhiệm vụ cho Hội đồng giao đất thực hiện việc giao rừng của xã.
Nhiệm vụ của Hội đồng:
- Tuyên truyền, phổ biến, tổ chức cho các tổ chức và nhân dân trong xã học tập chủ trương chính sách của Nhà nước về giao rừng, về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng.
- Lập phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp của địa phương thông qua Hội đồng nhân dân xã, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Giải quyết vướng mắc, tranh chấp phát sinh trong quá trình giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
4. Các ngành chức năng
a) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ việc giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với việc giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Xây dựng, hướng dẫn mẫu biểu, trình tự, thủ tục lập hồ sơ giao rừng trồng dự án gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Cung cấp tài liệu, số liệu liên quan việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Sở Tài chính
- Hướng dẫn thủ tục, trình tự hạch toán tăng, giảm vốn Nhà nước đã đầu tư đối với diện tích rừng trồng dự án thực hiện giao rừng, thu hồi rừng, hoàn trả vốn vay đầu tư trồng rừng và nộp ngân sách Nhà nước đối với diện tích rừng được giao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Xây dựng trình tự, thủ tục thực hiện bán đấu giá rừng trồng dự án đã đến tuổi thành thục công nghệ để giao rừng.
- Cân đối, bố trí, cấp kinh phí đúng tiến độ, đảm bảo hoàn thành công tác giao rừng.
- Thẩm định dự toán chi phí cho công tác giao rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, quyết toán việc sử dụng kinh phí giao rừng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Đài Phát thanh Truyền hình Tuyên Quang, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Báo Tuyên Quang
Phối hợp với các ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và chủ trương giao rừng trồng dự án gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang, Báo Tuyên Quang; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 07/2012/QĐ-UBND về Quy định xác định tài sản và chính sách bồi thường tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp khi thực hiện thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của tổ chức, cá nhân để giao cho các hộ tái định cư tỉnh Tuyên Quang
- 2Quyết định 7252/QĐ-UBND năm 2012 phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3Quyết định 44/2012/QĐ-UBND về Quy định Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng rừng, gây nuôi động vật rừng và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang
- 1Nghị định 23/2006/NĐ-CP thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng
- 2Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 38/2007/TT-BNN hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 4Luật Đất đai 2003
- 5Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 6Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 7Thông tư 09/2007/TT-BTNMT hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 8Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- 9Thông tư 17/2009/TT-BTNMT về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Quyết định 07/2012/QĐ-UBND về Quy định xác định tài sản và chính sách bồi thường tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp khi thực hiện thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của tổ chức, cá nhân để giao cho các hộ tái định cư tỉnh Tuyên Quang
- 11Quyết định 7252/QĐ-UBND năm 2012 phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 12Quyết định 44/2012/QĐ-UBND về Quy định Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng rừng, gây nuôi động vật rừng và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang
- 13Quyết định 310/QĐ-CT năm 2007 về quy hoạch phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) tỉnh Tuyên Quang
- 14Quyết định 135/QĐ-UBND năm 2007 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 15Quyết định 30/2007/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
Quyết định 65/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án giao rừng trồng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2010
- Số hiệu: 65/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/03/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Chẩu Văn Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/03/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra