Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2017/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 15 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Căn cứ Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

Căn cứ Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

Thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020;

Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 10 tháng 10 năm 2016 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 3 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 4 Ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 160/TTr-SNNPTNT ngày 03/8/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2017.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Thường trực HĐND các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐ, Khối NC-TH;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, OMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh)

Phần I

THỰC TRẠNG, SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2016:

1. Thực trạng triển khai và bất cập trong một số chính sách:

Qua rà soát thống kê trong giai đoạn này có 10 chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và 03 văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và 01 văn bản cá biệt (do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành) để cụ thể hóa các chính sách của Trung ương trên địa bàn tỉnh.

Trong các chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số bất cập khi thực hiện, đó là:

1.1. Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản:

a) Để triển khai Quyết định này, các Bộ, ngành Trung ương đã có các Thông tư hướng dẫn sau:

- Thông tư, liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

- Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg.

b) Kết quả triển khai trên địa bàn tỉnh:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm: (i) Ban hành cụ thể nội dung, mức hỗ trợ đầu tư; Danh mục sản phẩm đặc thù của địa phương được hỗ trợ ngoài Danh mục sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; (ii) Chỉ đạo phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất tập trung; (iii) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này và chế độ báo cáo định kỳ theo quy định về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 26/6/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020 (Quyết định số 1319/QĐ-UBND); ngày 20/11/2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (Quyết định số 2672/QĐ-UBND); tuy nhiên các Sở, ngành liên quan chưa tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cụ thể nội dung, mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg.

1.2. Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn:

a) Để triển khai Quyết định này, các Bộ, ngành Trung ương đã có các Thông tư, văn bản hướng dẫn sau:

- Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (cụ thể là hướng dẫn ban hành tiêu chí cánh đồng lớn);

- Công văn số 2103/BTC-NSNN ngày 10/02/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Để thực hiện Quyết định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 25/11/2014). Sau khi ban hành Quyết định, hiện nay chưa có địa phương nào xây dựng “phương án cánh đồng lớn” và nhận được hỗ trợ theo Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 25/11/2014; nguyên nhân một phần do các ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai, mặt khác Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 có những bất cập như:

- Quyết định chỉ quy định tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh nhưng chưa quy định mức hỗ trợ;

- Quyết định chưa thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh, do vậy chưa được cân đối kinh phí hỗ trợ và trong các năm 2015, 2016 đều chưa bố trí kinh phí thực hiện trong cân đối ngân sách hàng năm;

- Các cơ quan chức năng chưa tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 3, Điều 9 Quyết định 62/2013/QĐ-TTg, cụ thể nhiệm vụ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy hoạch các dự án cánh đồng lớn tại địa phương và thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền;

+ Căn cứ chính sách quy định tại Quyết định này, các chính sách hiện hành và khả năng ngân sách địa phương để ban hành mức hỗ trợ cụ thể;

+ Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp hướng dẫn, tư vấn pháp lý cho nông dân, hợp tác xã quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng, thanh lý hợp đồng hoặc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.

1.3. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:

a) Để triển khai Quyết định này, các Bộ, ngành Trung ương đã có các Thông tư hướng dẫn sau:

- Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT ngày 30/9/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ;

- Thông tư số 43/2014/TT-BNNPTNT ngày 18/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm phụ trợ, sản phẩm cơ khí để bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản được hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

b) Để cụ thể hóa Nghị định này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định 52/2015/QĐ-UBND ngày 17/8/2015 ban hành chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

c) Những vướng mắc trong 02 văn bản nêu trên:

- Nghị định số 210/2013/NĐ-CP còn một số điểm chưa thực sự tạo điều kiện cho các địa phương (nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn) thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đó là: về điều kiện để các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ đầu tư, quy định trong Nghị định chung cho tất cả các vùng miền, do vậy đối với tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa sẽ rất ít hoặc không có doanh nghiệp được nhận hỗ trợ.

Ví dụ như quy định về điều kiện hỗ trợ: “Công suất giết mổ ngày đêm phải đạt 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm”. “Có quy mô chăn nuôi tập trung 1.000 con trở lên đối với lợn thịt; hoặc từ 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê, cừu thịt; hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại; hoặc 500 con đối với bò sữa cao sản”. Với quy định này, các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ không có hoặc không có nhiều cơ sở giết mổ, chăn nuôi đáp ứng được quy định để hưởng hỗ trợ,...

- Đối với Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND ngày 17/8/2015: Hiện nay chưa có hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, cần tiếp tục tuyên truyền để triển khai chính sách trong thời gian tới.

2. Bối cảnh và sự cần thiết ban hành một số chính sách mới và cụ thể hóa một số chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành:

2.1. Bối cảnh:

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 01/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đến cuối năm 2016 nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã đạt được một số kết quả khá quan trọng trên các lĩnh vực. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao; bước đầu hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tập trung theo quy hoạch; hình thành các mô hình liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được đầu tư hoàn thiện; khoa học công nghệ và cơ giới được áp dụng trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị ở nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế đó là: Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành giữa trồng trọt và chăn nuôi còn chậm, các sản phẩm đặc thù chưa phát huy hết lợi thế; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phân tán; kinh tế tập thể chậm phát triển, vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, chưa hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất; năng lực thích ứng với hạn hán, lũ lụt, hoang mạc hóa cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nhất là công nghệ tưới nước tiết kiệm. Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều, nhất là lĩnh vực bảo quản, chế biến và nông nghiệp công nghệ cao. Có nhiều nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, trong đó có một nguyên nhân chính đó là: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh để khơi dậy, phát huy được lợi thế các ngành hàng có tính đặc thù của tỉnh; việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ. Một số cơ chế chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, chưa thật sự khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bước sang giai đoạn mới, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 11/11/2016, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của các Nghị quyết thì việc ban hành “Đề án về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh” là hết sức cấp thiết.

2.2. Sự cần thiết ban hành một số chính sách đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trên địa bàn tỉnh và cụ thể hóa một số chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành:

a) Đối với chính sách hỗ trợ nhân rộng tưới tiết kiệm nước:

Biến đổi khí hậu, trực tiếp là hạn hán đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân, đặc biệt là trong 3 năm gần đây (từ năm 2014-2016), hạn hán diễn ra trên diện rộng, kéo dài gây thiếu nước nghiêm trọng nên nhiều diện tích đất bỏ hoang không thể sản xuất. Tưới tiết kiệm là giải pháp thủy lợi khoa học để tiết kiệm nguồn nước, nâng cao năng suất cây trồng và là giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh được Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Khóa X) xác định là giải pháp cần phải nhân rộng và có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích. Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước được triển khai ở quy mô nhỏ, nhiều hộ dân muốn được áp dụng nhưng chưa đủ nguồn lực và chưa được hướng dẫn cụ thể. Do vậy cần thiết phải ban hành chính sách hỗ trợ nhân rộng tưới tiết kiệm nước, cụ thể:

- Mục tiêu: Nhằm tăng hiệu quả sản xuất, qua đó tăng thu nhập cho hộ dân, đổi mới kỹ thuật canh tác thuộc vùng quy hoạch các cây trồng chủ lực được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Việc hỗ trợ trên nguyên tắc là nhân dân tự đầu tư, nhà nước hỗ trợ một phần để đầu tư xây dựng lần đầu;

- Tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng có liên quan:

+ Nếu chính sách được ban hành sẽ góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; hạn chế diện tích bị bỏ hoang do thiếu nước tưới, cân bằng nguồn nước cho trồng trọt, chăn nuôi, các ngành kinh tế khác và môi trường để phát triển bền vững;

+ Tưới tiết kiệm còn giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí nhân công (tưới nước, làm cỏ,...), là cơ sở để ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác mới có hiệu quả, qua đó tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nông dân (theo báo cáo chuyên đề của Sở Nông nghiệp và PTNT, tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm làm giảm từ 30-50% lượng nước tưới, giảm 30% công lao động; tiết kiệm 30% phân bón,...).

b) Đối với chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa nước sang cây trồng cạn, cây ăn quả:

Do biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh, do vậy trong các Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 11/11/2016 và Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 đã xác định đến 2020 cần phải chuyển đổi khoảng 2.000 ha diện tích sản xuất lúa thường xuyên thiếu nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng cạn, tiết kiệm nước, có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, để chuyển đổi ngoài các giải pháp vận động, thuyết phục cần có chính sách hỗ trợ để thay đổi tập quán sản xuất lúa nước, hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất cho nhân dân thuộc vùng chuyển đổi.

- Mục tiêu của chính sách: Nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của hộ dân thông qua chuyển đổi sang cây trồng sử dụng ít nước, có hiệu quả hơn so với trồng lúa, tiết kiệm nguồn nước trong điều kiện thường xuyên bị hạn hán ở tỉnh ta;

- Tác động của các giải pháp đối với nông dân: Sử dụng các giống cây trồng cạn, đáp ứng yêu cầu của thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm sẽ tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, đặc biệt là giảm từ 30-50% lượng nước tưới so với sản xuất lúa, tận thu được nguồn phụ phẩm cho gia súc trong điều kiện hạn hán, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

c) Đối với việc triển khai thực hiện Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn:

Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp thiết để cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được xác định rõ trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh. Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực gần 4 năm. Tuy nhiên, đến nay Tỉnh chưa quy định cụ thể hóa tại Khoản 3, Điều 9 Quyết định 62/2013/QĐ-TTg để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân tham gia hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn; vì vậy cần thiết phải quy định cụ thể về mức hỗ trợ để khuyến khích, hỗ trợ liên kết hợp tác, xây dựng cánh đồng lớn trong thời gian tới nhằm thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

d) Đối với triển khai thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Sản xuất nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (viết tắt là GAP), “nông nghiệp hữu cơ”, “nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đang là xu thế tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh nước ta gia nhập sâu hơn vào thị trường thế giới thông qua các Hiệp định Thương mại thế hệ mới; nhu cầu thị trường về nông sản sạch, an toàn, có chứng nhận ngày càng tăng cao. Trong Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 11/11/2016 và Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 đã xác định rõ “hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quy hoạch các khu vực sản xuất rau an toàn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Do vậy việc ban hành cụ thể nội dung, mức hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu trên.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

1. Các văn bản của Trung ương:

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

- Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

- Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

- Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

- Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

- Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;

- Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

- Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

- Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các văn bản của địa phương:

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015- 2020;

- Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 10 tháng 10 năm 2016 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

- Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 3 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

- Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 4 Ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.

Phần II

NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU TRONG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH:

1. Quan điểm:

- Chính sách hỗ trợ bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 10/10/2016, Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 11/11/2016, Nghị quyết 73/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 và các Nghị quyết chuyên đề khác về phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đủ mạnh để tạo động lực cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng cao; chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả, để ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu;

- Chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ một phần, phần còn lại do các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi tự đầu tư. Chính sách hỗ trợ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm và được giao cho các địa phương thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể năm kế hoạch;

- Tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế; nông dân, các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thu hút tối đa mọi nguồn lực, cơ hội đầu tư từ các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.

2. Mục tiêu đến năm 2020:

2.1. Mục tiêu chung: Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đề ra trong các Nghị quyết của Ban chấp hành Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh, đó là: Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 10/10/2016 về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 11/11/2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và góp phần thực hiện Nghị quyết XIII của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Có 1.200 ha cây trồng cạn và cây ăn quả được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước;

- Chuyển đổi bền vững 2.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn và cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn;

- Xây dựng các cánh đồng lớn với tổng diện tích 4.000 ha;

- Hình thành 30 vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP.

II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ VÀ NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ:

1. Giải thích từ ngữ:

Trong Đề án này một số thuật ngữ được hiểu như sau:

(1) Hệ thống tưới tiết kiệm là hệ thống đường ống cung cấp nước cho cây trồng thông qua các thiết bị tưới và chỉ làm ướt từng khoảng đất nhỏ ở gốc cây trồng (phần hoạt động của bộ rễ). Được phân loại như sau:

- Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây;

- Tưới phun mưa là kỹ thuật tưới cung cấp nước cho cây trồng dưới dạng các hạt mưa hoặc hạt sương rơi xung quanh gốc cây trồng;

- Tưới ngầm là kỹ thuật tưới đưa nước vào đất dưới dạng các giọt nước ra thường xuyên từ thiết bị tưới đặt dưới mặt đất ở vùng rễ cây hoạt động.

(2) Sản phẩm an toàn là sản phẩm nông lâm thủy sản được đánh giá, chứng nhận, công bố là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật hoặc với VietGAP.

(3) Rau an toàn: Có 4 tiêu chuẩn sau đây nếu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ thuộc vào loại không an toàn, các nhóm chất đó là: (i) Dư lượng thuốc hóa học (thuốc sâu, bệnh, thuốc cỏ), (ii) Số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh, (iii) Dư lượng đạm nitrát, (iv) Dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asêníc, kẽm, đồng,...).

(4) Tổ chức đại diện của nông dân gồm các Hợp tác xã và Hội nông dân.

(5) Cây trồng cạn (được giới hạn hỗ trợ tại chính sách này, phải có trong quy hoạch cây trồng thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh): Hành, tỏi, ớt, cà chua, măng tây, nha đam, bắp, đậu xanh, đậu phụng, cỏ chăn nuôi, mía, mỳ. Cây ăn quả: Nho, táo và bưởi da xanh.

(6) Hỗ trợ lần đầu: Là mô hình do hộ gia đình, tổ chức triển khai lần đầu tiên nhận được hỗ trợ, việc nhân rộng mô hình của một đối tượng cây trồng không được hỗ trợ.

2. Nguyên tắc hỗ trợ:

- Chính sách này hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo điều kiện quy định, gồm các nội dung hỗ trợ: Nhân rộng tưới tiết kiệm nước; chuyển đổi lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, cây trồng cạn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Ngoài chính sách hỗ trợ tại Quy định này, các đối tượng còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành. Trường hợp các chính sách có cùng nội dung hỗ trợ thì chỉ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất;

- Chính sách được hỗ trợ một lần (trừ một số nội dung htrợ được quy định tại các điều, khoản cụ thể), không thu hồi ngân sách hỗ trợ;

- Hỗ trợ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến năm 2020 của từng địa phương;

- Hỗ trợ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo lộ trình, kế hoạch hàng năm;

- Quản lý, sử dụng kinh phí đúng đối tượng, mục đích, đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.

III. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ HỒ SƠ HỖ TRỢ:

1. Hỗ trợ nhân rộng tưới tiết kiệm nước:

1.1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất cây nho, táo, bưởi da xanh, cây trồng cạn, rau an toàn đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước.

1.2. Điều kiện hỗ trợ:

a) Diện tích sản xuất cây nho, táo, bưởi da xanh, cây trồng cạn có quy mô từ 0,2 ha trở lên hoặc sản xuất rau an toàn có quy mô từ 0,1 ha trở lên; được địa phương xác nhận đang sản xuất loại cây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương trên phạm vi toàn tỉnh;

b) Hệ thống tưới tiết kiệm nước được hỗ trợ lần đầu khi đã đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành nhưng chưa được hỗ trợ từ các chính sách, chương trình, dự án khác;

c) Thứ tự ưu tiên hỗ trợ:

- Nhóm 1: Các vùng chuyển đổi lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, táo, bưởi da xanh, cây trồng cạn, rau an toàn;

- Nhóm 2: Các vùng sản xuất xuất tập trung chủ lực cây nho, táo, bưởi da xanh, cây trồng cạn, rau an toàn;

- Nhóm 3: Các vùng sản xuất có hợp tác xã sản xuất cây nho, táo, bưởi da xanh, cây trồng cạn, rau an toàn;

- Nhóm 4: Các vùng sản xuất nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

1.3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước nhưng tối đa không  triệu đồng/ha.

1.4. Hồ sơ hỗ trợ:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ và cam kết chuyển đổi lâu dài (theo mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo);

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất;

c) Biên bản kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu (Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hoặc phòng Kinh tế thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) đạt các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống tưới tiết kiệm và xác nhận diện tích thực hiện lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.

2. Hỗ trợ chuyển đổi lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, cây trồng cạn:

2.1. Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp trồng mới nho, táo, cây trồng cạn trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả.

2.2. Điều kiện hỗ trợ:

a) Trồng mới nho, táo, cây trồng cạn trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, cây trồng cạn gắn với đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm;

b) Cây giống, hạt giống phải được mua từ các cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn;

c) Có quy mô tập trung từ 0,1 ha trở lên đối với nho (2.000 gốc/ha), táo (600 gốc/ha); quy mô từ 0,2 ha trở lên đối với cây trồng cạn.

2.3. Mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ chuyển đổi sang cây nho, táo:

- Hỗ trợ giống 01 (một) lần với mức 30% chi phí mua giống, nhưng không quá 7 triệu đồng/ha đối với nho gốc ghép, không quá 3,6 triệu đồng/ha đối với táo ghép;

- Hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo Điểm 1.3, Khoản 1, Mục III, Phần II của Đề án này nếu kết hợp chuyển đổi cây trồng và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.

b) Hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng cạn:

- Hỗ trợ một lần kinh phí mua giống cho vụ sản xuất đầu tiên với mức hỗ trợ 2,6 triệu đồng/ha;

- Hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo Điểm 1.3, Khoản 1, Mục III, Phần II của Đề án này nếu kết hợp chuyển đổi cây trồng và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.

2.4. Hồ sơ hỗ trợ:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ và cam kết chuyển đổi lâu dài (theo mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo)

b) Bản sao (có chứng thực) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất;

c) Văn bản xác nhận hộ mua giống từ các vườn cây đạt tiêu chuẩn theo quy định của UBND cấp huyện;

d) Hồ sơ hệ thống tưới tiết kiệm theo quy định tại Điểm 1.4, Khoản 1, Mục III Phần II này

3. Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn:

3.1. Hỗ trợ nông dân chi phí mua giống cây trồng để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn:

a) Đối tượng hỗ trợ: Hộ nông dân tham gia trong dự án cánh đồng lớn;

b) Điều kiện hỗ trợ: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn theo hướng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt;

c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn.

Đơn giá mua giống cây trồng để hỗ trợ hàng năm và định mức gieo trồng từng loại cây trồng theo quy định của cấp có thẩm quyền.

d) Hồ sơ hỗ trợ: Bản sao chứng từ, hóa đơn mua giống cây trồng và biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản ký giữa doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân với nông dân (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã việc thực hiện hợp đng của nông dân).

3.2. Hỗ trợ bảo vệ thực vật:

a) Đối tượng hỗ trợ: Tổ chức đại diện của nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn;

b) Điều kiện hỗ trợ: Tổ chức đại diện của nông dân có hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên và nông dân trên địa bàn; có dự án hoặc phương án cánh đồng lớn (trong đó đề xuất hỗ trợ kinh phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động để thực hiện bảo vệ thực vật) chung cho các thành viên và được cấp thẩm quyền phê duyệt;

c) Mức hỗ trợ: Tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên.

Đơn giá thuốc bảo vệ thực vật, nhân công để hỗ trợ hàng năm và định mức thuốc bảo vệ thực vật, nhân công theo quy định của cấp có thẩm quyền.

d) Hồ sơ hỗ trợ: Các chứng từ, bảng kê có ký nhận (đối với khoản chi thuê nhân công) thực tế chi phí triển khai việc bảo vệ thực vật chung cho các thành viên tổ chức đại diện của nông dân.

3.3. Hỗ trợ lưu kho và thu mua tạm trữ trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản:

a) Đối tượng hỗ trợ: Hộ nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn;

b) Điều kiện hỗ trợ: Hộ nông dân có cam kết thực hiện sản xuất, bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được cấp có thẩm quyền xác nhận;

c) Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại doanh nghiệp, thời hạn tối đa là 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản; doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và tổ chức đại diện của nông dân được tạo điều kiện tham gia thực hiện chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ.

d) Hồ sơ hỗ trợ: Chứng từ thuê kho, biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản ký giữa doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân với nông dân (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã việc thực hiện hợp đồng của nông dân).

3.4. Ưu đãi tiền thuê đất cho các tổ chức, cá nhân để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn:

Việc ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện theo Điều 18, 19, 20, Mục 2, Chương II Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

3.5. Hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật:

a) Đối tượng hỗ trợ: Doanh nghiệp; Tổ chức đại diện của nông dân;

b) Điều kiện hỗ trợ: Đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 4 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; ngân sách nhà nước hỗ trợ sau khi tổ chức hoàn thành khóa học, các khoản chi trực tiếp cho nông dân phải có chữ ký xác nhận của nông dân (hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại);

c) Mức hỗ trợ:

- Tổ chức đại diện của nông dân tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân:

+ Hỗ trợ khoán 125.000 đồng/người/lớp;

+ Hỗ trợ chi phí quản lý lớp học tương ứng theo tỷ lệ 5% tổng chi phí toàn khóa học. Tùy theo yêu cầu của từng khóa bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật có tổ chức tham quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong chương trình của khóa học, tổ chức đại diện của nông dân được chi trả tiền thuê xe và các chi phí liên hệ để tổ chức tham quan cho nông dân (đối với các lớp do tổ chức đại diện của nông dân mở, không áp dụng cho doanh nghiệp).

- Doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng với các mức bằng 50% so với tổ chức đại diện của nông dân tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật;

- Hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất: Hỗ trợ khoán 125.000 đồng/người/lớp.

d) Hồ sơ hỗ trợ: Các chứng từ, bảng kê có ký nhận (đối với khoản chi htrợ trực tiếp cho cá nhân) thực tế chi phí triển khai việc tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng.

4. Hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt:

4.1. Xây dựng dự án VietGAP:

a) Đối tượng hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế (viết tt là người sản xuất) các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thuộc Danh mục sản phẩm được hỗ trợ theo quy định của cấp có thẩm quyền;

b) Điều kiện hỗ trợ: Ngoài việc đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phải có các điều kiện sau:

- Thuộc vùng sản xuất tập trung rau an toàn, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản thuộc quy hoạch hoặc có Dự án về áp dụng VietGAP được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Mỗi vùng có quy mô tối thiểu 05 ha trở lên đối với rau, củ, cây ăn quả và tối thiểu 05 ha đối với nuôi trồng thủy sản khu vực Đầm Nại và 10 ha trở lên đối vùng nuôi thủy sản tập trung An Hải, Phước Dinh;

- Chương trình, Dự án về áp dụng VietGAP do UBND tỉnh phê duyệt. Khi xây dựng, phê duyệt Dự án VietGAP quy định cụ thể nội dung: Chủ đầu tư; địa bàn hoặc đơn vị áp dụng VietGAP; mục tiêu; đối tượng được hỗ trợ; nội dung; cấp độ áp dụng VietGAP; dự án thành phần (nếu có); sản phẩm của dự án; chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ.

c) Mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các Dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng VietGAP do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

d) Hồ sơ hỗ trợ:

- Dự án về áp dụng VietGAP được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng với đơn vị thực hiện điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí.

4.2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua các Chương trình, Dự án về áp dụng VietGAP và các Dự án, Chương trình mục tiêu khác có liên quan (kinh phí khuyến nông, kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ phù hợp với phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành).

a) Hỗ trợ cho tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật:

- Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; lao động nông thôn áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế;

- Điều kiện hỗ trợ: Theo Tiết b, Điểm 4.1, Khoản 4, Mục III, Phần II Đề án này;

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; lao động nông thôn áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế.

- Hồ sơ hỗ trợ:

+ Giấy đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo);

+ Hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng với đơn vị thực hiện đào tạo, tập huấn;

+ Tổng hợp kinh phí biên soạn, in ấn tài liệu, biểu mẫu phục vụ các lớp đào tạo, tập huấn (kèm theo các hóa đơn, chứng từ liên quan).

b) Hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP:

- Đối tượng hỗ trợ: Theo Tiết a, Điểm 4.1, Khoản 4, Mục III, Phần II Đề án này;

- Điều kiện hỗ trợ: Theo Tiết b, Điểm 4.1, Khoản 4, Mục III, Phần II Đề án này;

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP (lần đầu hoặc cấp lại Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP). Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 50 triệu đồng/vùng sản xuất được cấp giấy chứng nhận.

- Hồ sơ hỗ trợ đối với chứng nhận VietGAP:

+ Giấy đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo;

+ Người sản xuất gửi Bản đăng ký cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP cho chủ đầu tư dự án VietGAP kèm theo kết quả tự đánh giá nội bộ đạt yêu cầu VietGAP và bản sao Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP được cấp lần đầu (đối với trường hợp đề nghị cấp lại).

Chủ đầu tư dự án VietGAP lựa chọn tổ chức chứng nhận có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật về đấu thầu và trả kinh phí chứng nhận sản phẩm VietGAP cho tổ chức chứng nhận.

IV. QUY TRÌNH LẬP KẾ HOẠCH, DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN:

1. Xây dựng kế hoạch và dự toán hàng năm:

1.1. Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố và các Sở, ngành, doanh nghiệp, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch (nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện chính sách trên địa bàn; kèm theo tài liệu thuyết minh cụ thể về địa điểm, quy mô, đối tượng, đơn vị thực hiện) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.

1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp kế hoạch thực hiện chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước ngày 20/7 hàng năm) để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hằng năm thực hiện chính sách.

1.3. Sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch cho các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố, đơn vị thuộc Sở (nếu có) chi tiết về nội dung hỗ trợ, khối lượng, kinh phí.

2. Quy trình cấp phát, thanh toán, quyết toán:

2.1. Quy định chung:

a) Đối với các đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ trực tiếp.

b) Đối với các đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình, cá nhân: Sau khi có quyết định giao kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp ngân sách cho Ủy ban nhân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm phân khai kế hoạch cho Ủy ban nhân dân cấp xã; ban hành quyết định giao dự toán cho Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời gửi cho Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi.

2.2. Thực hiện cấp phát và thủ tục thanh quyết toán:

a) Hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

- Đối với hỗ trợ đào tạo, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân:

+ Trên cơ sở các hồ sơ hỗ trợ việc tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng và mức hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đề nghị Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;

+ Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh cấp tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân.

- Đối với hỗ trợ kinh phí tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thực hiện, thanh quyết toán theo quy định hiện hành;

- Về hỗ trợ nông dân chi phí mua giống cây trồng để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn; bảo vệ thực vật:

+ Trên cơ sở các hồ sơ hỗ trợ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc phòng Kinh tế thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện/thành phố gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đề nghị Sở Tài chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện chi trả;

+ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc phòng Kinh tế thành phố Phan Rang - Tháp Chàm phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và Kho bạc Nhà nước cấp huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện/thành phố ban hành quyết định hỗ trợ cho từng hộ nông dân. Kho bạc Nhà nước cấp huyện thông báo lịch cấp tiền hỗ trợ để hộ nông dân đến Kho bạc Nhà nước cấp huyện làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.

- Đối với hỗ trợ chi phí lưu kho trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản:

+ Căn cứ hồ sơ hỗ trợ, mức giá thuê kho hỗ trợ cho nông dân, Ủy ban nhân dân huyện/thành phố báo cáo Sở Tài chính, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện chi trả;

+ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc phòng Kinh tế thành phố Phan Rang - Tháp Chàm phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và Kho bạc Nhà nước cấp huyện tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện/thành phố ban hành quyết định hỗ trợ cho từng hộ nông dân. Kho bạc Nhà nước cấp huyện thông báo lịch cấp tiền hỗ trợ để hộ nông dân đến Kho bạc Nhà nước cấp huyện làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.

b) Đối với hỗ trợ theo các nội dung tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Mục III, Phần II

- Đối với các đối tượng do Tỉnh kiểm tra và cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp (bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân, tổ chức khác). Tương tự như gạch đầu dòng thứ nhất và thứ hai của Tiết a, Điểm 2.2, Khoản 2, Mục IV, Phần II;

- Đối với các đối tượng do Ủy ban nhân dân huyện/thành phố kiểm tra nghiệm thu, ban hành quyết định hỗ trợ trực tiếp:

+ Các hộ gia đình, cá nhân căn cứ nội dung hỗ trợ, nộp 01 bộ hồ sơ (bản sao) theo từng nội dung hỗ trợ cụ thể về Ủy ban nhân dân các xã/phường/thị trấn (khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu); Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn xem xét, tổng hợp và lập Tờ trình gửi Ủy ban nhân dân huyện/thành phố, kèm theo bảng tổng hợp thể hiện nội dung, quy mô, đối tượng, địa điểm, kinh phí thực hiện và hồ sơ (bản sao) của hộ gia đình, cá nhân;

+ Căn cứ Tờ trình đề nghị hỗ trợ của Ủy ban nhân dân các xã/phường/thị trấn và hồ sơ của các hộ gia đình, cá nhân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc phòng Kinh tế thành phố Phan Rang - Tháp Chàm phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tiến hành kiểm tra và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện/thành phố ban hành quyết định hỗ trợ cho từng xã/phường/thị trấn kèm theo danh sách được hỗ trợ, gửi Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn (đồng thời gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn có trách nhiệm thanh toán tiền hỗ trợ đúng đối tượng được hưởng, theo đúng các quy định của pháp luật.

c) Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Đoàn kiểm tra kết quả nghiệm thu, kết quả hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách của Ủy ban nhân dân huyện/thành phố. Trường hợp phát hiện việc hỗ trợ sai quy định thì Sở Tài chính kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi số kinh phí đã chi sai quy định;

d) Quy định thời gian nhận hồ sơ hỗ trợ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Được chia thành 02 đợt/năm.

- Đợt 1: Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 02/5 đến ngày 31/5;

- Đợt 2: Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 01/11 đến ngày 30/11.

V. KHÁI TOÁN KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ

1. Tổng kinh phí hỗ trợ đến năm 2020 là 44,67 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách tỉnh:  17,39 tỷ đồng;

- Chương trình MTQG Nông thôn mới (vốn sự nghiệp): 9,61 tỷ đồng;

- Sự nghiệp khoa học công nghệ: 2,52 tỷ đồng;

- Các dự án ứng phó biến đổi khí hậu: 4 tỷ đồng;

- Dự án Tam nông giai đoạn 2: 10 tỷ đồng;

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ (tạm trữ nông sản):  1,15 tỷ đồng.

(Chi tiết theo Biểu kèm theo Đề án)

2. Kinh phí quản lý, chỉ đạo, kiểm tra nghiệm thu: Thuộc ngân sách cấp nào thì do ngân sách cấp đó tự đảm bảo; mức chi do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp với tính chất từng của đợt kiểm tra, nhưng tối đa 2% tổng kinh phí hỗ trợ.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Phân công trách nhiệm trong việc thực hiện đề án

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Là cơ quan đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành liên quan căn cứ nhu cầu và khả năng nguồn kinh phí thực hiện, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm trên địa bàn tỉnh (nhiệm vụ, nguồn kinh phí thực hiện,…) trình Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính) xem xét, phân bổ cho các ngành, địa phương thực hiện;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan kiểm tra, nghiệm thu kết quả triển khai thực hiện chính sách của các doanh nghiệp;

d) Định kỳ hằng năm, tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh;

e) Ban hành các văn bản hướng dẫn về một số tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành liên quan trong Đề án này; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với hệ thống tưới tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, cho từng loại cây trồng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, các chương trình và các dự án có liên quan để hỗ trợ theo Đề án này.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan thẩm định Kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện từ các nguồn: Ngân sách tỉnh và lồng ghép các nguồn vốn khác (Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn htrợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, kinh phí phát triển kinh tế tập thể và các nguồn vốn hợp pháp khác);

b) Hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan về quy trình, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ. Chủ trì giải quyết các vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung các quy trình, thủ tục, hồ sơ về thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện chính sách;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, phúc tra kết quả triển khai thực hiện chính sách của Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, triển khai các chương trình, dự án VietGAP trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện các chính sách về đất đai, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả và bảo vệ môi trường;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương xây dựng bản đồ đối với diện tích chuyển đổi từ lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, táo, cây trồng cạn;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.

6. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hàng năm, trong đó có hoạt động tiêu thụ nông sản.

7. Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố:

a) Chịu trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu, phê duyệt đối với các nội dung hỗ trợ cho đối tượng là hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân theo quy định; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành liên quan;

b) Quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn hằng năm theo đúng quy định;

c) Hằng năm lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp đúng thời gian quy định;

d) Tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, hiệu quả của chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn theo định kỳ hàng năm;

đ) Hướng dẫn thành lập các tổ chức đại diện của nông dân tham gia thực hiện các dự án cánh đồng lớn;

e) Chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn:

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn biết, tham gia; tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trên địa bàn; vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký, ký cam kết đối chuyển đổi lâu dài diện tích lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, cây trồng cạn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách ở địa phương, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân chuyển đổi diện tích lúa nước sang cây nho, táo, cây trồng cạn; trường hợp phát hiện đối tượng lợi dụng chính sách phải báo cáo Ủy ban nhân dân huyện/thành phố kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo đúng quy định hiện hành;

- Thực hiện hỗ trợ kinh phí và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng chế độ quy định; định kỳ hằng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân huyện/thành phố.

8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận:

Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về chính sách hỗ trợ này để các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân biết, tham gia triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả.

9. Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Sở Tư pháp:

Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, nông dân về các thủ tục để được hỗ trợ theo chính sách này; bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác.

10. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh:

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, Quỹ đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân, nông dân được vay vốn để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định.

11. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được nhà nước hỗ trợ kinh phí:

Tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và thanh toán, quyết toán theo đúng quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, phối hợp với Sở Tài chính và cơ quan liên quan thống nhất tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./

 

KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN 2017-2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/08/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Nội dung hỗ trợ

Đơn vị

Qui mô

Đơn giá hỗ trợ

Thành tiền (tỷ đồng)

Nguồn kinh phí

Cơ quan tham mưu

Tổng số

 

 

 

44,67

 

 

1

Chính sách hỗ trợ nhân rộng tưới tiết kiệm nước (*)

 

1.200

20,0

24,00

 

 

Ha

500

20,0

10,00

Ngân sách tỉnh

Sở Tài chính

Ha

500

20,0

10,00

Dự án Tam nông giai đoạn 2

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ha

200

20,0

4,00

Huy động các nhà tài trợ cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi lúa nước sang cây nho, táo, cây trồng cạn

Ha

2.000

 

5,91

- Kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ các xã;

- Ngân sách tỉnh 10% để hỗ trợ các phường, thị trấn.

Sở Tài chính

2.1

Hỗ trợ 30% kinh phí mua giống chuyển đổi sang trồng nho, táo:

 

 

 

1,23

 

 

-

Hỗ trợ giống nho

Ha

150

7,0

1,05

 

 

-

Hỗ trợ giống táo

 

50

3,6

0,18

 

 

2.2

Hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn 100% kinh phí mua giống lần đầu.

Ha

1.800

2,6

4,68

 

 

3

Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

 

 

 

12,24

 

 

3.1

Hỗ trợ nông dân chi phí mua giống cây trồng để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án cánh đồng lớn (30%).

Ha

4.000

0,9

3,60

Kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

 

3.2

Hỗ trợ nông dân chi phí bảo vệ thực vật.

Ha

4.000

1,7

6,80

Ngân sách tỉnh

Sở Tài chính

3.3

Hỗ trợ chi phí lưu kho trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.

 

 

 

1,15

Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh

Sở Tài chính

3.4

Hỗ trợ ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

 

 

 

-

Ngân sách tỉnh

Sở Tài chính

3.5

Hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật:

 

 

 

0,69

Kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Sở Tài chính

-

Hỗ trợ các tổ chức đại diện nông dân về bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân:

 

 

 

0,39

 

 

 

Kinh phí tổ chức lớp

Lượt người

3.000

0,125

0,38

 

 

 

Kinh phí quản lý lớp (5% kinh phí tổ chức lớp)

 

 

 

0,02

 

 

-

Hỗ trợ doanh nghiệp về bồi dưỡng, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân

Lượt người

4.000

0,063

0,25

 

 

-

Hỗ trợ kinh phí tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất

Lượt người

400

0,125

0,05

 

 

4

Chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt:

 

 

 

2,52

Kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ

4.1

Đầu tư kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các dự án sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vùng

30

70,0

2,10

 

 

4.2

Hỗ trợ kinh phí tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật.

Lượt người

300

0,5

0,15

 

 

4.3

Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGap.

Giấy

30

9,0

0,27

 

 

Ghi chú:

1. Diện tích dự kiến hỗ trợ đầu tư tưới tiết kiệm

- Diện tích dự kiến đầu tư tưới tiết kiệm đối với diện tích nho, táo hiện có: 500 ha;

- Diện tích dự kiến đầu tư tưới tiết kiệm dự kiến 80% diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng nho, táo: 200ha x 80% = 160ha;

- Diện tích dự kiến đầu tư tưới tiết kiệm dự kiến 30% diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau, cỏ chăn nuôi (70% diện tích trồng bắp, đậu các loại, mè,... không đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm): 1.800ha x 30% = 540ha.

Như vậy, tổng diện tích đầu tư tưới tiết kiệm dự kiến khoảng 1.200ha.

2. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ:

- Ngân sách tỉnh dự kiến bố trí từ nguồn đối ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho cả giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Cả giai đoạn 17,39 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 4,35 tỷ đồng. Nếu trừ kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng/năm (hơn 100 triệu đồng phát triển Hợp tác xã; 1,5 tỷ đồng thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới) đã và đang bố trí ổn định hàng năm có liên quan đến chính sách này thực hiện, thì Ngân sách tỉnh chỉ cân đối 2,7 tỷ đồng/năm để thực hiện chính sách này là phù hợp với khả năng cân đối của tỉnh.

- Nguồn kinh phí sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của Trung ương, kinh phí hỗ trợ từ dự án Tam nông giai đoạn 2, kinh phí sự nghiệp Khoa học Công nghệ,... được xác định theo kế hoạch 2016-2020.

 

PHỤ LỤC I

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI LÂU DÀI TỪ SẢN XUẤT LÚA NƯỚC SANG CÂY NHO, TÁO, CÂY TRỒNG CẠN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

……….., ngày….. tháng….  năm…

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ VÀ CAM KẾT CHUYỂN ĐỔI LÂU DÀI

Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn……………….

1. Họ tên người sản xuất:.................................. Sinh năm............................................

2. Số CMND số: …….., ngày cấp:.../.../ do CA ……….cấp; điện thoại: ..........................

3. Địa chỉ thường trú: ...................................................................................................

4. Có đất sản xuất nông nghiệp có diện tích (ha hoặc m2): .............................................

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số (nếu có): Hoặc Hợp đồng thuê đất (nêu rõ với ai, đơn vị nào, ở đâu):  

Nếu không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ghi rõ:

+ Tại khu vực:............................ , Thôn/khu/phố:............................ , xã/phường/thị trấn                        , huyện/thành phố:.............................................................................................

Sau khi nghiên cứu Quyết định số: ……/QĐ-UBND ngày.... tháng... năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích sản lúa nước sang cây nho, táo, cây trồng cạn; tôi nhận thức rõ lợi ích và trách nhiệm của gia đình trong việc chuyển đổi sang cây nho, táo, cây trồng cạn.

Tôi làm đơn này đề nghị các cấp chính quyền xem xét cho Tôi được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Tôi cam kết chấp hành đầy đủ các chủ trương và các trách nhiệm liên quan khi chuyển đổi sang cây nho, táo, cây trồng cạn, sử dụng tiết kiệm nước, chuyển đổi bền vững lâu dài./.

 

Xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn
(Ký tên, đóng dấu)

Người sản xuất
(Ký tên)

 

PHỤ LỤC II

MẪU GIẤY ĐĂNG KÝ ÁP DỤNG VIETGAP

(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

……….., ngày….. tháng….  năm….

GIẤY ĐĂNG KÝ ÁP DỤNG VietGAP

Kính gửi: (Chủ đầu tư dự án áp dụng VietGAP)

1. Tên người sản xuất:..................................................................................................

2. Địa chỉ: ...................................................................................................................

ĐT........................................... Fax............................. Email .....................................

3. Quyết định thành lập hoặc Giấy phép kinh doanh (nếu có):

4. Đăng ký áp dụng VietGAP:

- Giai đoạn áp dụng: Sản xuất □; Sơ chế □; Sản xuất và sơ chế □

- Chủng loại sản phẩm:

- Diện tích sản xuất (ha hoặc m2)

- Công suất sơ chế (kg hoặc tấn/ngày):

- Sản lượng sản xuất/sơ chế (kg hoặc tấn/năm):

- Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm:…..hoặc

- Phương án tiêu thụ sản phẩm VietGAP:....

5. Chúng tôi cam kết áp dụng VietGAP trong quá trình

Sản xuất □; Sơ chế □; Sản xuất và sơ chế □ đối với sản phẩm……..

Đề nghị (Chủ đầu tư dự án) cho tham gia dự án VietGAP để được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ./.

 

Xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn
(Ký tên, đóng dấu)

Người sản xuất
(Ký tên, đóng dấu nếu có)