Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2019/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 11 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 65/2017/QĐ-UBND NGÀY 15/8/2017 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X kỳ họp thứ 7 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định kèm theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 04/TTr-SNNPTNT ngày 09 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1. Khoản 3 Mục III Phần II được sửa đổi, bổ sung như sau:

3. Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

3.1. Nội dung, mức hỗ trợ, đối tượng và hồ sơ hỗ trợ

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết:

- Nội dung hỗ trợ: Tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường;

- Mức hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng;

- Đối tượng nhận hỗ trợ: Hợp tác xã, doanh nghiệp;

- Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ: Bản sao Hợp đồng, thanh lý hợp đồng thuê tư vấn và hóa đơn của đơn vị tư vấn xây dựng liên kết.

b) Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết:

- Nội dung hỗ trợ: Đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30% vốn đầu tư, nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng cho mỗi Dự án liên kết;

- Đối tượng nhận hỗ trợ: Hợp tác xã;

- Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ: Bản sao Hợp đồng; thanh lý hợp đồng mua thiết bị, xây dựng công trình; hóa đơn của đơn vị cung ứng thiết bị, xây dựng công trình.

c) Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông:

- Nội dung mô hình khuyến nông: Theo đề xuất của các bên tham gia Dự án liên kết, phù hợp với nội dung liên kết;

- Mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ: Thực hiện theo chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với hoạt động khuyến nông hiện hành;

- Đối tượng nhận hỗ trợ: Hợp tác xã;

- Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ: Bản sao hóa đơn của đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị,... xây dựng mô hình; bản kê chi phí nhân công, chi phí khác theo thực tế (nếu có).

d) Hỗ trợ đào tạo, tập huấn:

- Hỗ trợ đào tạo nghề: Theo quy định tại Quyết định số 45/2011/NQ-HĐND ngày 14/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân; nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ Hợp tác xã;

+ Mức hỗ trợ: 125.000 đồng/người/lớp, hỗ trợ chi phí quản lý lớp học tương ứng theo tỷ lệ 5% tổng chi phí toàn khóa học;

+ Đối tượng nhận hỗ trợ: Nông dân tham gia liên kết và cán bộ hợp tác xã được hỗ trợ thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn theo đề nghị của các huyện, thành phố);

+ Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ: Các chứng từ, bảng kê chi phí thực tế việc tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng (có chữ ký người nhận đối với các khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân).

đ) Hỗ trợ giống, vật tư (nông dân được hỗ trợ thông qua hợp tác xã):

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt: 30% chi phí mua giống cây trồng trong vụ sản xuất đầu tiên; 30% dịch vụ bảo vệ thực vật (chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc) trong 02 vụ sản xuất;

+ Hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (không áp dụng cho liên kết chăn nuôi gia công, người nuôi hưởng tiền công theo đơn vị khối lượng sản phẩm) 01 (một) lần chi phí mua vắc xin và công tiêm phòng đối với các bệnh nguy hiểm theo quy định hiện hành: 77.000 đồng/con bò; 11.000 đồng/con dê, cừu;

- Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ: Bản sao chứng từ, hóa đơn mua giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, bảng kê nhân công làm dịch vụ bảo vệ thực vật; chứng từ mua vắc xin và công tiêm phòng đối với các bệnh nguy hiểm.

e) Hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm: Tổ chức hoặc cá nhân đại diện cho nông dân được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 liên kết. Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ gồm có bản sao chứng từ, hóa đơn mua bao bì, nhãn mác sản phẩm.

g) Tổ chức hoặc cá nhân đại diện cho nông dân được hỗ trợ tối đa 30% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/01 liên kết. Chứng từ kèm theo hồ sơ hỗ trợ gồm có hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chứng từ thanh toán với đơn vị chuyển giao.

3.2. Phê duyệt và tổ chức hỗ trợ các dự án liên kết

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phê duyệt và tổ chức hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

- Phê duyệt dự án liên kết: Mỗi dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo các điều kiện quy định tại các Điều 10 và 11 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; phải có hợp tác xã làm đại diện cho nông dân tham gia liên kết; thuộc ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần ưu tiên khuyến khích hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Hồ sơ hỗ trợ dự án liên kết: Theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ và kèm theo bản sao các chứng từ của từng nội dung hỗ trợ.

2. Khoản 2 Mục IV phần III được sửa đổi như sau:

2. Quy trình cấp phát, thanh toán, quyết toán

a) Quy trình cấp phát:

- Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh có kế hoạch vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn hàng năm, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp ngân sách cho Ủy ban nhân cấp huyện;

- Ủy ban nhân cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, nghiệm thu khối lượng (do lãnh đạo UBND cấp huyện làm chủ tịch Hội đồng, Phòng Nông nghiệp/phòng Kinh tế làm thường trực Hội đồng, thành viên là các phòng ban cấp huyện và UBND cấp xã có liên quan) để tham mưu thực hiện việc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện/thành phố; báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Thực hiện thủ tục thanh, quyết toán

- Các tổ chức, cá nhân căn cứ nội dung hỗ trợ, nộp 01 đơn đề nghị hỗ trợ theo từng nội dung hỗ trợ cụ thể về Ủy ban nhân dân cấp xã, riêng hồ sơ hỗ trợ dự án liên kết theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ (kèm bản sao các chứng từ liên quan, khi nộp mang theo bản gốc để đối chiếu); tối đa 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, tổng hợp và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, kèm theo bảng tổng hợp thể hiện nội dung, quy mô, đối tượng, địa điểm, kinh phí thực hiện và hồ sơ (bản sao). Việc xác định quy mô diện tích đề nghị hỗ trợ trong trường hợp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đã thế chấp ngân hàng hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm xác nhận diện tích thực tế cho nông dân; về đối tượng cây trồng đối với các diện tích có trồng xen các loại cây, phải xác định đối tượng cây trồng chính, nếu đối tượng cây trồng chính thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách thì Hội đồng thẩm định cấp huyện xem xét đề nghị hỗ trợ;

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) tham mưu Hội đồng thẩm định cấp huyện tổ chức thẩm định hồ sơ, nghiệm thu từng nội dung đề nghị hỗ trợ. Nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi thẩm định, phải thông báo và nêu rõ lý do cho cấp xã được biết để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân (có hồ sơ đề nghị hỗ trợ không đủ điều kiện) hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Đối với các hồ sơ đủ điều kiện, trong thời hạn 10 ngày làm việc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế) phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ;

- Kho bạc Nhà nước cấp huyện chi tiền hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thanh toán tiền hỗ trợ đúng đối tượng được hưởng, theo đúng các quy định của pháp luật.

c) Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Đoàn kiểm tra kết quả hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp phát hiện việc hỗ trợ sai quy định thì Sở Tài chính kịp thời tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi số kinh phí đã chi sai quy định.

Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

Các liên kết xây dựng cánh đồng lớn được phê duyệt trước ngày 25/12/2018 tiếp tục được hưởng chính sách quy định tại Quyết số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc được chọn hưởng chính sách theo quy định tại Quyết này nếu đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 02 năm 2019.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, TC
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Thường trực HĐND các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐ, Khối NC-TH;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT. QMT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 11/2019/QĐ-UBND sửa đổi Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận kèm theo Quyết định 65/2017/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 11/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/02/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản