Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 65/2009/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 27 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ, ĐỘI DÂN PHÒNG, TỔ DÂN PHÒNG, TỔ TUẦN TRA NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật An ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Căn cứ Chỉ thị số 135/CT ngày 14 tháng 5 năm 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới;
Căn cứ Chỉ thị số 36/2005/CT-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng, Tổ tuần tra nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 352/QĐ-UBT ngày 15 tháng 11 năm 1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ) về việc ban hành Quy định hoạt động của Hội đồng bảo vệ An ninh trật tự xã hội cấp phường, xã, thị trấn và Quy chế số 340/QC-UBT ngày 15 tháng 11 năm 1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang (cũ) về hoạt động của Đội dân phòng ở xã.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Bộ Công an;
- TT. Thành ủy;
- TT.HĐND thành phố;
- TT.UBND thành phố;
- UBMTTQ và các đoàn thể;
- Sở, ban ngành thành phố;   
- UBND quận, huyện;
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Website Chính phủ;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VT.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ, ĐỘI DÂN PHÒNG, TỔ DÂN PHÒNG, TỔ TUẦN TRA NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2009/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Chương I

HỘI ĐỒNG BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ

Điều 1. Tổ chức của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự

Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự được thành lập ở từng xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự.

Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự cấp xã gồm các thành viên:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân                                  - Chủ tịch Hội đồng;

2. Trưởng Công an                                                - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng;

3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng;

4. Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ                             - Ủy viên;

5. Chủ tịch Hội Nông dân                                       - Ủy viên;

6. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh                               - Ủy viên;

7. Bí thư Đoàn Thanh niên                                     - Ủy viên;

8. Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự                   - Ủy viên;

9. Trưởng trạm y tế                                               - Ủy viên;

10. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch                                 - Ủy viên;

11. Cán bộ Văn hóa - xã hội                                   - Ủy viên;

12. Cán bộ Tài chính - kế toán                                - Ủy viên;

13. Cán bộ Lao động, Thương binh vả xã hội           - Ủy viên;

14. Cán bộ Văn phòng - thống kê                           - Ủy viên.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự

1. Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức, chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân nắm vững, tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh trật tự.

2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành về công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa vi phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và đấu tranh với mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch, phần tử xấu, tội phạm hình sự và các hành vi vi phạm pháp luật khác để giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

3. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử lý hành chính khác theo thẩm quyền. Quản lý giáo dục, đấu tranh làm chuyển hóa những người có tiền án, tiền sự trở thành công dân tốt, làm ăn lương thiện không để tái phạm; giáo dục những người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù được hưởng án treo, tù tha về, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, mồ côi sống lang thang, nghiện ma túy, cờ bạc, mại dâm, thường xuyên uống rượu say gây mất trật tự công cộng.

4. Tổ chức, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng, lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân quân tự vệ và Tổ tuần tra nhân dân.

5. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai, thực hiện lồng ghép, kết hợp giữa công tác an ninh trật tự với các cuộc vận động lớn, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương.

6. Tham gia kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở cán bộ và nhân dân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước quy định về giữ gìn an ninh trật tự.

7. Chỉ đạo các ngành, phối hợp với đoàn thể lồng ghép hoạt động của các chương trình như: Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em… thực hiện tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

8. Tổ chức xây dựng củng cố, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức như: Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng, Tổ tuần tra nhân dân và huy động Dân quân tự vệ, Thanh niên tình nguyện, Ban Bảo vệ dân phố, Tổ Bảo vệ dân phố đi tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

9. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức thu quỹ quốc phòng an ninh và quản lý thu chi đúng theo quy định.

10. Hướng dẫn các ngành và các tổ chức kinh tế, xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và khách lưu trú; phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn, giới thiệu việc làm cho số đối tượng phạm pháp đã ăn năn hối cải và những người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

11. Đối với địa bàn phường và thị trấn, Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự tổ chức và chỉ đạo hoạt động lực lượng Bảo vệ dân phố theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố và Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2007 của Bộ Công an - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP; đối với địa bàn xã, Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân theo quy định này.

Điều 3. Chế độ làm việc

1. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo, điều hành các hoạt động của Hội đồng theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

2. Các thành viên Hội đồng tham gia các cuộc họp, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số về các vấn đề sau:

a) Chương trình công tác hàng năm của Hội đồng.

b) Phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

c) Các vấn đề về chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Hội đồng về công tác giữ gìn an ninh trật tự.

3. Trường hợp không tổ chức họp được thì theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch phụ trách từng lĩnh vực giải quyết và báo cáo lại cho Chủ tịch Hội đồng.

4. Các Ủy viên trong Hội đồng có trách nhiệm xây dựng lực lượng mình trong sạch vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự.

5. Đại diện các ngành, đoàn thể là Ủy viên của Hội đồng phải chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng giao.

6. Hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Hội đồng họp để đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng và đề ra phương hướng nhiệm vụ hoạt động tiếp theo. Đồng thời báo cáo về thường trực Ban chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp huyện.

Chương II

ĐỘI DÂN PHÒNG

Điều 4. Tổ chức

1. Đội Dân phòng là lực lượng quần chúng được thành lập ở các xã, làm nhiệm vụ tuần tra canh gác giữ gìn an ninh trật tự; thực hiện chức năng phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Đội Dân phòng chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã, Công an xã hướng dẫn về nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ra quyết định thành lập Đội Dân phòng.

Riêng tại phường và thị trấn thành lập Ban bảo vệ dân phố, tại khu vực của phường, ấp của thị trấn thành lập Tổ Bảo vệ dân phố theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố và Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01 tháng 3 năm 2007 của Bộ Công an - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP.

2. Công dân từ 18 đến 40 tuổi, có đủ sức khỏe, phẩm chất, đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm, không phân biệt thành phần, tôn giáo, dân tộc đều có quyền và nghĩa vụ tham gia vào tổ chức Đội Dân phòng ở xã.

3. Đội Dân phòng là một tổ chức độc lập, đội viên Đội Dân phòng không nằm trong lực lượng Dân quân tự vệ và Thanh niên tình nguyện.

4. Đội có từ 12 đến 15 đội viên, trong đó có 01 Đội trưởng phụ trách, có không quá 02 Đội phó giúp việc.

Điều 5. Nhiệm vụ

1. Tuần tra đêm phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra trong khu vực quản lý.

2. Tham gia phòng, chống cháy, nổ, cấp cứu người khi bị nạn. Khi tuần tra, phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động, trực tiếp tham gia chữa cháy và tìm cách báo ngay về Công an và Ủy ban nhân dân xã.

3. Vận động nhân dân trong xã tự bảo quản tài sản của gia đình và có ý thức bảo quản tài sản chung.

4. Phối hợp cùng các lực lượng khác tổ chức tuần tra canh gác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Điều 6. Quyền hạn

1. Được huy động người và phương tiện trong khi chữa cháy, nổ, cấp cứu người bị nạn.

2. Được bắt, tước vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… và dẫn giải người phạm tội quả tang; người đang bị truy nã đến cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân xã.

3. Nhắc nhở hoặc giải tán những nhóm thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập ban đêm quá giờ quy định, uống rượu say, gây mất trật tự ở địa phương.

4. Khi thực hiện nhiệm vụ, nếu gặp tình huống phức tạp phải báo ngay về Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự để có hướng xử lý.

Điều 7. Chế độ làm việc

1. Đội Dân phòng làm việc theo chế độ Thủ trưởng.

2. Đội trưởng chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Đội, thường xuyên báo cáo kết quả công tác của Đội về Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự xã.

3. Đội phó là người giúp việc cho Đội trưởng theo dõi việc phân công tuần tra, kiểm soát hàng đêm.

4. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Đội Dân phòng phải mặc trang phục và đeo bảng Đội Dân phòng đúng theo quy định.

5. Hàng tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm họp Đội để đánh giá kết quả hoạt động của Đội và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ cho thời gian tới.

6. Đội trưởng có trách nhiệm lên lịch tuần tra hàng đêm của Đội. Thời gian tuần tra từ 21 giờ đến 5 giờ sáng.

Điều 8. Mối quan hệ công tác

Đối với lực lượng Dân quân tự vệ, đoàn thể quần chúng và lực lượng bảo vệ cơ quan chuyên trách, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, Đội Dân phòng phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong địa bàn theo chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã.

Điều 9. Chế độ chính sách

1. Đội Dân phòng được trang bị công cụ hỗ trợ để tuần tra, được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tuần tra đêm theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Trong thời gian tham gia, các thành viên Đội Dân phòng được cơ quan ra Quyết định thành lập cấp giấy chứng nhận theo mẫu thống nhất trong thành phố, được trang bị quần áo đồng phục, vải màu vỏ đậu đậm, loại vải kakima, áo may kiểu philippin, mũ mềm, dép nhựa có quai hậu đồng thời trên tay trái có mang băng màu đỏ có in chữ “Dân phòng” màu vàng. Năm đầu tham gia, mỗi thành viên được trang bị 02 bộ đồng phục, các năm sau trang bị mỗi năm 01 bộ đồng phục

3. Được hỗ trợ vật chất nếu gia đình thật sự gặp khó khăn.

4. Được xét khen thưởng hàng năm và đột xuất theo quy định của Nhà nước.

5. Trong khi làm nhiệm vụ mà bị hy sinh, bị thương, theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì được công nhận là liệt sĩ hoặc người được hưởng chính sách như thương binh.

Chương III

TỔ DÂN PHÒNG

Điều 10. Tổ chức

1. Tổ Dân phòng là một tổ chức quần chúng ở từng ấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định thành lập Tổ Dân phòng.

2. Tổ Dân phòng có từ 05 đến 07 thành viên, các thành viên trong tổ tự chọn và bầu ra 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó, là những người có đạo đức, phẩm chất tốt, có uy tín với quần chúng nhân dân, bản thân và gia đình phải gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực, nhiệt tình đi đầu trong các phong trào và làm tốt nghĩa vụ công dân ở địa phương.

3. Tổ trưởng, Tổ phó mỗi năm bầu lại 01 lần, trừ những trường hợp đột xuất nếu thiếu phải bầu bổ sung thêm và được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ.

4. Tổ Dân phòng chịu sự chỉ đạo, quản lý của Trưởng ấp; hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Tổ họp đánh giá hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của Tổ, kiểm điểm kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình giữ gìn an ninh trật tự, phổ biến và bàn các biện pháp thực hiện các chủ trương, chính sách mới, đề nghị khen thưởng cho những tổ viên có thành tích xuất sắc, đồng thời phê bình, giúp đỡ những tổ viên yếu kém, vi phạm nhỏ.

Điều 11. Nhiệm vụ

1. Tuần tra đêm để giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý.

2. Tham gia học tập để nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương.

3. Tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, vận động nhân dân chấp hành công tác đăng ký, quản lý nhân hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm Luật giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm, bài trừ các loại tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, cờ bạc, đá gà, số đề, ma túy, mại dâm, uống rượu, bia say gây mất an ninh trật tự …

4. Thường xuyên quan tâm, theo dõi nắm chắc được nghề nghiệp và cuộc sống của từng hộ, từng người trong ấp để có biện pháp đề xuất giúp đỡ kịp thời, động viên mọi người khắc phục khó khăn để từng bước ổn định nâng cao cuộc sống, tiết kiệm trong tiêu dùng, giúp đỡ nhau về vật chất, tinh thần và giải quyết việc làm, hướng dẫn trao đổi về kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

5. Đoàn kết giúp đỡ nhau trong Tổ, tích cực tham gia hòa giải các tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, bảo vệ, chăm sóc giáo dục thanh thiếu niên; xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự; kiên quyết bài trừ các thói hư, tật xấu trong sinh hoạt, các loại văn hóa đồi trụy, các hủ tục mê tín dị đoan.

6. Tham gia bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân, xây dựng các đoàn thể quần chúng; khi phát hiện tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đoàn thể và ngoài xã hội hay dấu hiệu hoạt động phá hoại của các đối tượng, phải kịp thời báo cáo ngay cho người có trách nhiệm ở địa phương để giải quyết.

Điều 12. Quyền hạn của Tổ trưởng Tổ Dân phòng

1. Trực tiếp đến từng gia đình tổ viên hoặc mời từng tổ viên trong Tổ đến một địa điểm thuận lợi trong phạm vi của Tổ để tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật.

2. Tập hợp các tổ viên trong Tổ họp định kỳ hoặc đột xuất để kiểm điểm việc thực hiện các mặt công tác trong kỳ, đồng thời phổ biến những chủ trương, chính sách mới để tiếp tục thực hiện.

3. Bắt, lập biên bản tạm giữ người và tang vật trong trường hợp phạm tội quả tang và ngay sau đó dẫn giải người và tang vật về Công an xã để giải quyết.

4. Tham gia thảo luận các vấn đề có liên quan đến trật tự an toàn xã hội ở tổ, ấp và Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự.

5. Tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường khi có vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại địa bàn mình quản lý.

Điều 13. Mối quan hệ công tác

1. Đối với Công an xã: Tổ Dân phòng chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ về công tác quản lý hộ khẩu, quản lý đối tượng, đăng ký tạm trú, tạm vắng ở địa phương.

2. Đối với lực lượng Đội Dân phòng và các tổ chức đóng trên địa bàn của ấp, tổ, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong địa bàn.

Điều 14. Chế độ chính sách

1. Trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn thì được xem xét, giúp đỡ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần.

2. Khi tham gia tuần tra canh gác trong ấp được bồi dưỡng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Trong khi làm nhiệm vụ mà bị hy sinh, bị thương thì áp dụng Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng để được xem xét công nhận là liệt sĩ hoặc được hưởng chính sách như thương binh.

Chương IV

TỔ TUẦN TRA NHÂN DÂN

Điều 15 Tổ chức

1. Tổ tuần tra nhân dân là một tổ chức quần chúng ở từng khu dân cư của ấp, khu vực. Mỗi ấp, khu vực tuy theo địa bàn (có thể thành lập nhiều hơn hoặc ít hơn 05 tổ tuần tra), Tổ tuần tra nhân dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký quyết định thành lập.

2. Tổ trưởng, Tổ phó do các thành viên trong tổ bầu ra, những người tham gia tổ tuần tra nhân dân phải có phẩm chất, đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên.

3. Tổ trưởng, Tổ phó định kỳ mỗi năm bầu lại 01 lần trừ trường hợp cần thiết cần phải bầu bổ sung thêm và được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ.

4. Tổ tuần tra nhân dân chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Trưởng ấp, khu vực. Hàng quý, 6 tháng, năm phải tổ chức họp sơ, tổng kết đánh giá hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Tổ và đề ra kế hoạch tới.

Điều 16. Nhiệm vụ

1. Tuần tra đêm để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tổ, ấp, khu vực quản lý.

2. Tham gia học tập để nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

3. Tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội đặc biệt là trộm cắp, cướp giật tài sản.

4. Tích cực vận động nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thanh thiếu niên chậm tiến.

5. Tham gia bảo vệ, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn, hội cơ sở. Khi phát hiện những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, tiêu cực thì kịp thời báo cáo ngay cho người có thẩm quyền ở địa phương để giải quyết.

6. Mỗi tháng Tổ họp 01 lần để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong tháng và bàn các biện pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Điều 17. Quyền hạn của Tổ tuần tra nhân dân

1. Đến từng hộ gia đình và tổ viên tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật.

2. Giải tán thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

3. Bắt, tước vũ khí, công cụ hỗ trợ, hung khí, người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã và giải ngay đến cơ quan Công an xã, phường, thị trấn.     

4. Tham gia thảo luận các vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự ở tổ, ấp, khu vực và Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự.

5. Tham gia bảo vệ hiện trường khi có vụ việc xảy ra trong khu vực tổ của mình.

Điều 18. Mối quan hệ công tác

1. Đối với Công an xã, phường, thị trấn thì tổ tuần tra nhân dân chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ và công tác tuần tra, quản lý hộ khẩu, quản lý đối tượng, đăng ký tạm trú, tạm vắng trong khu vực tổ của mình.

2. Đối với lực lượng Bảo vệ dân phố, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và tổ chức khác đóng trên địa bàn trong khu vực tổ thì tổ phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ an ninh trật tự.

Điều 19. Chế độ chính sách

1. Những trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn thì được xem xét, giúp đỡ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần.

2. Trong khi tuần tra canh gác được bồi dưỡng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Trong khi làm nhiệm vụ mà bị hy sinh, bị thương thì áp dụng Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng để được xem xét công nhận là liệt sĩ hoặc được hưởng chính sách như thương binh.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Kinh phí

1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự được chi từ nguồn ngân sách địa phương.

2. Kinh phí hoạt động của Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân được chi từ nguồn ngân sách và quỹ Quốc phòng, an ninh của địa phương theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 21. Trách nhiệm Công an thành phố

1. Giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng lực lượng và hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân.

2. Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự cho Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân.

3. Chỉ đạo Công an các cấp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp mở Hội nghị sơ kết, tổng kết thi đua về công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự để rút kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến nhằm động viên, kịp thời đề nghị khen thưởng những cá nhân, đơn vị làm tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Điều 22. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các thành viên tham gia Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân khi bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện và xã, phường, thị trấn

1. Chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân theo thẩm quyền và sự hướng dẫn, kiểm tra của Công an cấp trên.

2. Đảm bảo kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện, thực hiện các chế độ, chính sách đối với Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân theo quy định.

3. Tạo mọi điều kiện để Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng và Tổ tuần tra nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

Công an thành phố theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Quy định này.

Các sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và cơ sở trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để sửa đổi, bổ sung Quy định cho phù hợp với tình hình thực tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 65/2009/QĐ-UBND Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự, Đội Dân phòng, Tổ Dân phòng, Tổ tuần tra nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 65/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/11/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản