Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 135-CT

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Tình hình trật tự, an toàn xã hội thời gian qua, tuy ta đã cố gắng liên tục, hạn chế được một số mặt phức tạp, nhưng vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu, không bình thường, có mặt nghiêm trọng. Tội phạm xẩy ra trên nhiều lĩnh vực và đều tăng ở hầu hết các địa phương, nhất là các thành phố lớn, các khu vực biên giới, các tuyến giao thông quan trọng, gây thiệt hại về nhiều mặt và gây bất bình, lo lắng trong nhân dân.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; nguyên nhân trực tiếp là nhiều vấn đề xã hội gay gắt chưa được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đúng mức; công tác quản lý trật tự, an toàn xã hội còn yếu và có một số khuyết điểm, đấu tranh chống những hành vi phạm pháp và tệ nạn xã hội thiếu kiên quyết và chưa dựa vào phong trào quần chúng rộng rãi.

Để tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp sau đây:

1. Phát động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp và thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng "phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở đường phố, thôn xã và "phong trào phòng gian bảo mật, bảo vệ cơ quan" trong các cơ quan, xí nghiệp. Tổ chức các hội nghị phổ biến, nhân những điển hình tiên tiến của quần chúng làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự ở các cấp huyện, tỉnh, tạo ra khí thế tiến công của quần chúng trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Để tạo điều kiện cho phong trào ở cơ sở, cần thành lập "Hội đồng bảo vệ trật tự an toàn xã hội" ở phường, xã do Mặt trận Tổ quốc chủ trì và chính quyền địa phương chỉ đạo, củng cố các đội dân phòng. Công an phải hỗ trợ và có trách nhiệm bảo vệ quần chúng trong các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Cho phép lập "quỹ bảo trợ an ninh trật tự" do sự tham gia đóng góp của nhân dân, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn phường, xã.

Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận nghiên cứu hướng dẫn nội dung và tổ chức các hình thức hoạt động của phong trào theo hướng "tự quản" "tự bảo vệ" từ cơ sở. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất với Hội đồng Bộ trưởng chính sách khen thưởng và đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc và những người bị hy sinh, bị thương, bị thiệt hại tài sản trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.

Định kỳ hàng tháng, quý, thủ trưởng các cấp công an có trách nhiệm thông báo cho nhân dân biết rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch và các bọn tội phạm. Hướng dẫn quần chúng các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh. Tổ chức cho quần chúng kiểm điểm, giáo dục, giúp đỡ những người phạm tội để họ trở thành người tốt.

2. Thủ trưởng các ngành tổ chức tốt công tác bảo vệ ở đơn vị mình; tăng cường công tác quản lý giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội.

- Thủ trưởng các Bộ, các ngành, các cơ quan xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản ở đơn vị mình. Các Bộ, các ngành, các cơ quan, xí nghiệp phải tổ chức kiểm điểm công tác bảo vệ nội bộ cơ quan, xí nghiệp, khắc phục ngay các sơ hở trong công tác bảo vệ. Mở đợt giáo dục cho cán bộ, công nhân viên ý thức cảnh giác, phòng gian bảo mật, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp của mình.

Các cơ quan, xí nghiệp phải củng cố các Ban bảo vệ theo đúng quy định, tổ chức lại lực lượng bảo vệ chuyên trách là những người tin cậy và phải có chính sách, chế độ đãi ngộ thích hợp. Lực lượng bảo vệ phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cơ quan công an để thực hiện chế độ thông tin hai chiều chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp về nghiệp vụ của công an . Những cơ sở kinh tế, văn hoá lớn, những chuyến vận chuyển quan trọng... cần thực hiện chế độ hợp đồng bảo vệ với công an. Cơ quan, xí nghiệp phải có kinh phí cần thiết để sửa chữa hàng rào bảo vệ, cửa khoá kho tàng... và mua sắm các phương tiện, trang bị khác cho công tác bảo vệ.

- Các ngành có trách nhiệm phải tự kiểm điểm và sửa chữa ngay khuyết điểm buông lỏng trách nhiệm quản lý xã hội của mình.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác quản lý xử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong các ngành, các cơ quan, đơn vị; tổ chức thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ trái phép. Nghiêm trị bọn lấy cắp, buôn bán các loại vũ khí, vật liệu nổ; những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm để mất vũ khí phải xử lý kỷ luật, nếu giây ra những thiệt hại nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật.

Ngành Thông tin, Văn hoá phải xem xét xử lý và chấm dứt những hiện tượng không lành mạnh trong văn hoá, văn nghệ, vi phạm các qui tắc xuất bản, phát thanh chiếu phim...

3. Trong tình hình không bình thường hiện nay, phải kiên quyết trấn át bọn tội phạm, kể cả áp dụng các biện pháp đặc biệt, chống tư tưởng hữu khuynh đối với bọn tội phạm.

Bộ Nội vụ củng cố lại lực lượng cảnh sát, nâng cao tinh thần chiến đấu chống hữu khuynh né tránh, kết hợp với phong trào quần chúng, liên tục tổ chức các hoạt động đấu tranh chống tội phạm. Phải tổ chức các đội cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự đặc biệt được trang bị mạnh và nuôi dưỡng tốt, trấn áp kịp thời, tại chỗ các hoạt động của bọn tội phạm, đánh trúng bọn tội phạm hình sự chuyên nghiệp gây ra các vụ cướp, cướp giật, cưỡng đoạt... và bọn tội phạm kinh tế tham ô, đầu cơ, buôn lậu để tạo ngay sự chuyển biến ở các địa bàn trọng điểm như 4 thành phố lớn và các tuyến giao thông, các ngành kinh tế trọng điểm.

Lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với các ngành Kiểm sát, Toà án điều tra, truy tố, xử lý đúng đắn, kịp thời các vụ án, xử nghiêm một số vụ án điểm và tuyên truyền kết quả xử lý để giáo dục, răn đe tội phạm và phát động được khí thế của quần chúng. Trước mắt Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp phối hợp các ngành Kiểm sát, Toà án chỉ đạo trọng điểm thực hiên Bộ luật Tố tụng hình sự ở Hà Nội, thành phố HCM để rút kinh nghiệm hướng dẫn các địa phương nhanh chóng tránh được những lúng túng, khó khăn, vi phạm quyền dân chủ của công dân cũng như dè dặt né tránh, ảnh tới cuộc đấu tranh chống tội phạm.

Bộ Tư pháp phối hợp các ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội mở đợt giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân, phối hợp với Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và dậy nghề, Bộ Giáo dục đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình giảng dạy ở các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung học và các trường dậy nghề từ năm học 1990 - 1991.

4. Tập trung giải quyết có hiệu quả các tệ nạn xã hội.

Uỷ ban Nhân dân các cấp có kế hoạch giải quyết việc làm cho những người thất nghiệp. Bộ Quốc phòng phải nghiên cứu có những quy định mới dể giải quyết có hiệu quả bộ đội đảo ngũ đang còn tồn đọng ở nhiều địa phương.

- Đối với số tù tha về hoặc hết thời gian tập trung cải tạo, Uỷ ban Nhân dân các cấp phải nắm được cụ thể và có biện pháp giúp đỡ họ có việc làm và phải tiếp tục cải tạo tốt.

- Đối với người già cô đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu đề xuất với Hội đồng Bộ trưởng chính sách, biện pháp giải quyết như đưa vào nuôi dưỡng ở các nhà nuôi dưỡng, đưa về các địa phương nơi cư chú để Uỷ ban Nhân dân tỉnh quản lý, giúp đỡ sản xuất, lao động...

- Đối với số người bị bệnh tâm thần, Bộ Y tế phải xây dựng cơ sở chữa bệnh cho những người bị bệnh tâm thần nặng, nghiên cứu mở rộng các cơ sở chữa bệnh tâm thần ở các tỉnh, đồng thời có qui chế phối hợp với chính quyền các cấp quản lý những bệnh nhân tâm thần nhẹ tại nhà, tiếp nhận điều trị những bệnh nhân tâm thần lang thang.

- Đối với số gái mãi dâm, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở.. Uỷ ban Nhân dân các cấp phải phân loại, có kế hoạch đưa đi chữa bệnh, điều trị. Tổ chức các trường, trại phục hồi nhân phẩm, do ngành lao động quản lý có sự tham gia của đoàn thể thanh niên, phụ nữ, sự phối hợp của ngành Y tế, tạo điều kiện cho số này vừa chữa bệnh, vừa lao động tự nuôi sống mình.

- Đối với số người nghiện hút, cờ bạc, Uỷ ban Nhân dân các cấp phải giáo dục, tổ chức cai nghiện cho số người nghiện hút.

Tiếp tục quét triệt để bọn đánh bạc dưới mọi hình thức:

- Đối với số thanh thiếu niên chậm tiến, cần xác định rõ vai trò của nhà trường, các đoàn thể và gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em; Bộ Giáo dục chỉ đạo tổ chức các trường vừa học, vừa làm ở các cơ sở để thu hút các cháu không được vào phổ thông trung học, kết hợp với Đoàn thanh niên các cấp nghiên cứu tổ chức các trường riêng, lớp học riêng cho các cháu đã bị hư hỏng (chưa đến mức xét xử hình sự) để có phương pháp quản lý và giáo dục thích hợp

5. Tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Nghiêm khắc xử lý những cán bộ lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và những hành động thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất Hội đồng Bộ trưởng quyết định về kinh phí để trang bị phương tiện công tác, chiến đấu và thực hiện các chế độ phụ cấp cho những cán bộ, chiến sỹ công an phải thương xuyên công tác, chiến đấu căng thẳng để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu để xét cấp một số ngoại tệ mua phương tiện thông tin và xe đặc chủng cho lực lượng công an.

Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhân dân các cấp cần giúp đỡ kinh phí cho việc củng cố các trụ sở, phòng xử án, các phương tiện làm việc ở trụ sở cho các cơ quan kiểm sát, toà án địa phương.

Các Bộ, các ngành, các đoàn thể, Uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội gắn liền với công tác xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá và phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong hoạt động quản lý của mình. Hàng tháng lãnh đạo các Bộ, các ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp cần kiểm điểm công tác chấp hành pháp luật, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở Bộ, ngành, địa phương mình và báo cáo kết quả lên Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp.

Hàng quý, Hội đồng Bộ trưởng sẽ nghe các Bộ, các ngành và Uỷ ban Nhân dân 4 thành phố lớn báo cáo công tác chấp hành pháp luật, phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 135-CT về việc tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 135-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/05/1989
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: 30/06/1989
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 29/05/1989
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản