Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 646/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THĂM HỎI ỐM ĐAU, PHÚNG VIẾNG TANG GIA TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC BỘ NỘI VỤ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;

Căn cứ Quyết định số 1079/QĐ-BNV ngày 05/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Điều 2. Bãi bỏ Quyết định số 1734/QĐ-BNV ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy định về thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia trong khối cơ quan Bộ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Anh Tuấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ THĂM HỎI ỐM ĐAU, PHÚNG VIẾNG TANG GIA TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC BỘ NỘI VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 646/QĐ-BNV ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước (gọi tắt là người lao động) đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, bao gồm: Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia, các Ban quản lý Dự án trực thuộc Bộ Nội vụ, Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ, Đoàn thanh niên Bộ.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đã nghỉ hưu (gọi tắt là cán bộ hưu) nếu được gia đình báo bị ốm đau hoặc từ trần.

3. Tứ thân phụ mẫu, vợ, chồng, con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ (gọi tắt là thân nhân) bị ốm đau hoặc từ trần.

Điều 2. Mục đích, ý nghĩa

Thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia là thể hiện tình cảm chân thành, góp phần chia sẻ, động viên khi bản thân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình có người ốm đau hoặc từ trần.

Chương II

QUY ĐỊNH THĂM HỎI, PHÚNG VIẾNG

Điều 3. Về thăm hỏi ốm đau

1. Mức độ ốm đau cần thăm hỏi

a) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ốm đau do bệnh tật phải nghỉ việc điều trị tại bệnh viện từ 3 ngày trở lên và điều trị ngoại trú dài ngày tại nhà hoặc bị tai nạn rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe;

b) Thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ hưu trí bị ốm đau phải điều trị tại bệnh viện dài ngày hoặc bị tai nạn rủi ro nguy hiểm đến tính mạng.

2. Tổ chức thăm hỏi

a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phối hợp với Công đoàn cùng cấp tổ chức đoàn đến thăm hỏi động viên gia đình và bản thân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;

b) Trường hợp thăm hỏi là thân nhân hoặc bản thân các đồng chí Lãnh đạo Bộ nguyên là Lãnh đạo Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ để đi thăm hỏi;

c) Trường hợp thăm hỏi là cán bộ hưu trí, khi nhận được thông báo của gia đình, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trước khi nghỉ hưu chủ động tổ chức thăm hỏi (nếu cơ quan, đơn vị nơi cán bộ hưu trí đã sáp nhập thì do thủ trưởng cơ quan, đơn vị mới quản lý cán bộ công chức, viên chức chủ động tổ chức thăm hỏi hoặc giải thể thì do Vụ Tổ chức cán bộ chủ động tổ chức thăm hỏi).

Điều 4. Về phúng viếng tang gia

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác và cán bộ hưu trí từ trần.

a) Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ và thông báo tin buồn đến các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ biết và tham gia đoàn viếng của Bộ để thăm hỏi động viên, chia buồn với gia đình người từ trần, đồng thời thông báo tin buồn đến các cơ quan, đơn vị người từ trần đã công tác trước đây biết để thăm hỏi, động viên chia buồn với gia đình người từ trần;

b) Văn phòng Bộ chuẩn bị 01 vòng hoa và băng tang màu đen có ghi “Đảng ủy, Chính quyền, Công đoàn cơ quan Bộ Nội vụ kính viếng” (đối với khối cơ quan Bộ).

2. Thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức từ trần.

a) Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ và thông báo tin buồn đến các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ cử người tham gia đoàn viếng;

b) Đại diện Lãnh đạo Bộ hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có người từ trần, thay mặt cơ quan Bộ làm trưởng đoàn đi viếng;

c) Văn phòng Bộ chuẩn bị xe ô tô phục vụ đưa đón cán bộ, công chức, viên chức đi viếng; Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp cùng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và Công đoàn Bộ chuẩn bị 01 vòng hoa và băng tang màu đen có ghi “Bộ Nội vụ kính viếng” (đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức trong khối cơ quan Bộ).

3. Đối với công chức từ cấp Vụ (Phó Vụ trưởng) và tương đương trở lên (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao) và thân nhân của công chức từ cấp Vụ (Phó Vụ trưởng) và tương đương trở lên thuộc các cơ quan trực thuộc Bộ (cấp Tổng cục) áp dụng như khoản 1 và 2 Điều này.

4. Đối với một số trường hợp đặc biệt khác, các cơ quan, đơn vị báo qua Vụ Tổ chức cán bộ để Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét cụ thể đối với từng trường hợp.

Điều 5. Chế độ thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia

1. Chế độ thăm hỏi ốm đau, phúng viếng và các chi phí khác có liên quan của thân nhân và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc khối cơ quan Bộ (hưởng lương tại Văn phòng Bộ) thực hiện từ nguồn kinh phí của Văn phòng Bộ và Công đoàn cơ quan Bộ theo Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế hoạt động của Công đoàn.

2. Chế độ thăm hỏi ốm đau, phúng viếng và các chi phí khác có liên quan của thân nhân và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các đơn vị còn lại thuộc Bộ thực hiện từ nguồn kinh phí của Bộ cấp hoặc nguồn tài chính của đơn vị đó (theo Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế hoạt động của Công đoàn).

3. Đối với các trường hợp đặc biệt khác do Lãnh đạo Bộ quyết định theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ.

4. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, về khoán quỹ tiền lương theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Do vậy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở cấp đơn vị dự toán nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm tổ chức thăm hỏi và chi kinh phí thăm hỏi, phúng viếng, chi phí khác có liên quan theo Quy chế chi tiêu nội bộ hoặc Quỹ Công đoàn của cơ quan đó.

Chương III

LỄ TANG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHI TỪ TRẦN

Điều 6. Đưa tin buồn

Cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức từ trần chủ trì phối hợp với Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị để đưa tin buồn thông báo về lễ tang đến các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ hoặc đưa tin trên báo, đài cho từng đối tượng cụ thể theo quy định.

Điều 7. Ban Lễ tang

1. Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ hưu (nếu gia đình đề nghị cơ quan tổ chức lễ tang) từ cấp Vụ trở lên và chuyên viên cao cấp từ trần; tham gia Ban lễ tang của Bộ do một đồng chí Lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban (do Bộ trưởng phân công) và các thành viên khác, bao gồm: đại diện Đảng ủy cơ quan Bộ, Công đoàn cơ quan Bộ, Đoàn thanh niên cơ quan Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ và thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức từ trần, đại diện gia đình (nếu là cán bộ hưu có đại diện Ban liên lạc hưu trí của Bộ và đại diện chính quyền nơi cư trú của người từ trần).

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu (nếu gia đình đề nghị cơ quan tổ chức lễ tang) từ chuyên viên chính trở xuống từ trần; tham gia Ban lễ tang của Bộ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã hoặc đang trực tiếp quản lý công chức làm Trưởng ban (trường hợp cơ quan, đơn vị của cán bộ, công chức nghỉ hưu đã giải thể thì Vụ trưởng (Trưởng ban) Tổ chức cán bộ làm Trưởng ban), đại diện lãnh đạo Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ làm Phó Trưởng ban và các thành viên khác, bao gồm: đại diện Công đoàn cơ quan, đơn vị, Văn phòng cơ quan, đơn vị và Công đoàn bộ phận, đại diện gia đình (nếu là cán bộ hưu có đại diện Ban liên lạc hưu trí của cơ quan, đơn vị và đại diện chính quyền nơi cư trú của người từ trần).

Trường hợp Trưởng ban lễ tang là Vụ trưởng (Trưởng ban) Tổ chức cán bộ hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị đi vắng thì Phó Vụ trưởng (Phó Trưởng ban) Tổ chức cán bộ hoặc phó thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm Trưởng ban.

Điều 8. Tổ chức lễ tang

1. Nội dung công việc tổ chức lễ tang

a) Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ thông báo tin buồn, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang quản lý công chức và gia đình chuẩn bị điếu văn;

b) Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng cơ quan, đơn vị có người từ trần cùng gia đình tổ chức tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình;

c) Văn phòng cơ quan, đơn vị chuẩn bị công tác hậu cần (xe ô tô, sổ tang, băng tang, bàn ghế, trang trí lễ đài, nước uống....đối với cán bộ, công chức);

d) Gia đình chuẩn bị ảnh người quá cố (Huân, Huy chương nếu có) và các công việc khác có liên quan đến tổ chức lễ tang.

2. Việc tổ chức lễ tang và an táng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ có trách nhiệm phổ biến Quy định này đến cán bộ, công chức, viên chức để quán triệt thực hiện.

2. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm theo dõi, phối hợp với Công đoàn Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 646/QĐ-BNV năm 2014 về thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia trong cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ

  • Số hiệu: 646/QĐ-BNV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/06/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản