Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1177/QĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THĂM HỎI, LỄ TANG, VIẾNG CHIA BUỒN ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ THÂN NHÂN CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước khi từ trần;

Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2008/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thăm hỏi, lễ tang, viếng chia buồn đối với công chức, viên chức và thân nhân của công chức, viên chức thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Mục XIV quy định về việc thực hiện chế độ thăm hỏi ban hành kèm theo Quyết định số 4856/QĐ-BHXH ngày 21/10/2008 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định về phân cấp và chế độ quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 3. Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TGĐ và các Phó TGĐ;
- Lưu: VT, TCCB(10).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Bạch Hồng

 

QUY CHẾ

THĂM HỎI, LỄ TANG, VIẾNG CHIA BUỒN ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ THÂN NHÂN CỦA CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THUỘC HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1177/QĐ-BHXH ngày 30 tháng 8 năm 2012 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

Thực hiện việc thăm hỏi, lễ tang, viếng chia buồn đối với công chức, viên chức hoặc thân nhân của công chức, viên chức thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam là việc làm tốt đẹp trong chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Lãnh đạo Ngành, của Thủ trưởng, cấp uỷ, công đoàn các cấp nhằm động viên, giúp đỡ công chức, viên chức và gia đình vượt qua khó khăn.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng

1. Phạm vi

Quy chế này được áp dụng đối với các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể:

a) Tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và đơn vị trực thuộc khác (gồm: các Ban, Văn phòng, Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, các Ban Quản lý dự án, sau đây gọi chung là Tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc).

b) Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

c) Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh).

2. Đối tượng

a) Công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đang làm việc (gọi chung là công chức, viên chức) tại các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ốm đau, tai nạn hoặc từ trần.

b) Công chức, viên chức đã nghỉ hưu thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ trần.

c) Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp bên vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp (sau đây gọi chung là thân nhân chủ yếu) của công chức, viên chức thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam ốm đau, tai nạn hoặc từ trần.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. THĂM HỎI

Điều 3. Điều kiện và mức chi thăm hỏi

1. Điều kiện thăm hỏi

a) Các trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 2 ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc điều trị tại cơ sở y tế từ 5 ngày trở lên (kể cả ngày nghỉ lễ, tết).

b) Các trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 2 ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở y tế từ 7 ngày trở lên.

2. Mức chi thăm hỏi

a) Đối với các trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 2, mức chi thăm hỏi tương đương với 0,5 tháng lương tối thiểu (được làm tròn đến hàng trăm nghìn đồng, theo mức lương tối thiểu hiện tại là 500.000 đồng).

b) Đối với các trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 2, mức chi thăm hỏi tương đương với 0,3 tháng lương tối thiểu (được làm tròn đến hàng trăm nghìn đồng, theo mức lương tối thiểu hiện tại là 300.000 đồng).

Đối với các trường hợp đặc biệt, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc (sau đây gọi chung là Lãnh đạo Ngành) xem xét, quyết định mức chi thăm hỏi.

Điều 4. Tổ chức thực hiện thăm hỏi

1. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Lãnh đạo Ngành thăm hỏi, động viên đối với các trường hợp ốm đau, tai nạn sau đây:

a) Lãnh đạo Ngành hoặc thân nhân chủ yếu của Lãnh đạo Ngành.

b) Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đương chức nếu điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì phối hợp với công đoàn đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên đối với công chức, viên chức hoặc thân nhân chủ yếu của công chức, viên chức thuộc đơn vị khi ốm đau, tai nạn.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên đối với công chức, viên chức hoặc thân nhân chủ yếu của công chức, viên chức thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh khi ốm đau, tai nạn theo quy định.

MUC 2. LỄ TANG

Điều 5. Đối tượng và trách nhiệm tổ chức lễ tang

1. Đối tượng tổ chức lễ tang

Đối tượng tổ chức lễ tang là công chức, viên chức từ trần của các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi từ trần do chính quyền địa phương tổ chức lễ tang. Cơ quan, đơn vị quản lý công chức, viên chức trước khi nghỉ hưu phối hợp tham gia. Trường hợp đặc biệt, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Lãnh đạo Ngành xem xét, quyết định.

2. Trách nhiệm tổ chức lễ tang

a) Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với với Đảng ủy cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công đoàn cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ban Tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo Ngành để tổ chức lễ tang đối với các trường hợp từ trần sau đây:

- Lãnh đạo Ngành;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đương chức.

b) Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và gia đình tổ chức lễ tang đối với công chức, viên chức từ trần; phối hợp với gia đình và địa phương tham gia tổ chức lễ tang đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu từ trần thuộc đơn vị.

c) Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với gia đình tổ chức lễ tang đối với công chức, viên chức từ trần; phối hợp với gia đình và địa phương tham gia tổ chức lễ tang đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu từ trần thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Điều 6. Đăng tin buồn

1. Đăng tin buồn trên Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam

a) Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc đăng tin buồn đối với các trường hợp đủ điều kiện đăng trên Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam thuộc tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

b) Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc đăng tin buồn đối với các trường hợp đủ điều kiện đăng trên Báo Nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

2. Đăng tin buồn trên Báo Ngành

a) Các trường hợp được đăng tin buồn trên Báo Ngành khi từ trần gồm: Lãnh đạo Ngành; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đương chức.

b) Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm liên hệ với Tổng Biên tập Báo Bảo hiểm xã hội để thực hiện đăng tin buồn trên Báo Ngành.

3. Thông báo tin buồn trên bảng tin cơ quan

a) Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo tin buồn trên bảng tin tại trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam số 7 Tràng Thi và 150 Phố Vọng, thành phố Hà Nội đối với các trường hợp từ trần sau đây:

- Lãnh đạo Ngành hoặc thân nhân chủ yếu của Lãnh đạo Ngành;

- Công chức, viên chức hoặc thân nhân chủ yếu của công chức, viên chức thuộc tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đương chức.

b) Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời với Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện.

c) Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thông báo tin buồn trên bảng tin tại trụ sở cơ quan đối với công chức, viên chức hoặc thân nhân chủ yếu của công chức, viên chức từ trần thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

4. Thông báo tin buồn trong Ngành và các cơ quan liên quan

a) Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo tin buồn trong toàn Ngành và các cơ quan có liên quan đối với Lãnh đạo Ngành hoặc thân nhân chủ yếu của Lãnh đạo Ngành từ trần.

b) Tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo tin buồn tới các cơ quan có liên quan đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đương chức từ trần của đơn vị.

c) Bảo hiểm xã hội tỉnh thông báo tin buồn tới các cơ quan có liên quan đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đương chức từ trần.

5. Đăng tin buồn trên các phương tiện khác

Trường hợp gia đình có nguyện vọng đăng tin buồn trên các phương tiện thông tin khác ngoài quy định của Nhà nước, của Ngành do gia đình trực tiếp thực hiện. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi công chức, viên chức làm việc hỗ trợ về thủ tục nếu gia đình đề nghị.

Điều 7. Viết lời điếu

1. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức cán bộ và tham khảo ý kiến gia đình viết lời điếu đối với các đối tượng thuộc trách nhiệm tổ chức lễ tang quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5.

2. Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh sau khi tham khảo ý kiến gia đình viết lời điếu đối với các đối tượng thuộc trách nhiệm tổ chức lễ tang quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 2, Điều 5.

3. Các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này, nếu gia đình có nguyện vọng trực tiếp viết lời điếu, Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tham gia ý kiến về quá trình công tác của công chức, viên chức.

Điều 8. Ban Tổ chức lễ tang

1. Đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 từ trần, thành phần Ban Tổ chức lễ tang gồm:

- Đại diện Lãnh đạo Ngành làm Trưởng Ban lễ tang;

- Phó bí thư thường trực Đảng uỷ Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Trưởng Ban Tổ chức cán bộ;

- Đại điện chính quyền địa phương (nếu có);

- Đại điện gia đình.

2. Đối tượng quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 5

a) Đối với công chức, viên chức từ trần, Ban Tổ chức lễ tang gồm đại diện các thành phần, tổ chức sau:

- Lãnh đạo đơn vị làm Trưởng Ban lễ tang;

- Cấp ủy; công đoàn đơn vị;

- Văn phòng, tổ chức, hành chính của đơn vị;

- Chính quyền địa phương (nếu có);

- Gia đình.

b) Đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu từ trần, Ban Tổ chức lễ tang do chính quyền địa phương quyết định, Thủ trưởng đơn vị cử đại diện tham gia Ban Tổ chức lễ tang nếu gia đình và địa phương đề nghị.

3. Đối tượng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5

a) Đối với công chức, viên chức từ trần, Ban Tổ chức lễ tang gồm đại diện các thành phần, tổ chức sau:

- Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh (hoặc Lãnh đạo đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh nếu được Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh ủy quyền) làm Trưởng ban lễ tang;

- Cấp uỷ; công đoàn đơn vị;

- Tổ chức cán bộ (hoặc Tổ chức - Hành chính);

- Chính quyền địa phương (nếu có);

- Gia đình.

b) Đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu từ trần, Ban Tổ chức lễ tang do chính quyền địa phương quyết định, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cử đại diện tham gia Ban Tổ chức lễ tang nếu gia đình và địa phương đề nghị.

4. Ban Tổ chức lễ tang chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức lễ tang theo quy định của Nhà nước và của Ngành. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, trao đổi với cơ quan chức năng giúp đỡ hoặc báo cáo Lãnh đạo Ngành xem xét, giải quyết.

Điều 9. Nơi tổ chức lễ tang, an táng và thủ tục an táng

1. Đối với các trường hợp từ trần có đủ điều kiện tổ chức tại nhà tang lễ và an táng theo quy định của Nhà nước, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn hoặc Giấy giới thiệu gửi Ban Quản lý nhà tang lễ, Ban Quản lý nghĩa trang và phối hợp với gia đình để làm thủ tục tổ chức tang lễ, thủ tục an táng theo quy định.

2. Lễ tang tổ chức tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình theo quy định của Nhà nước và phù hợp phong tục tập quán địa phương.

3. Việc lựa chọn hình thức an táng (địa táng hoặc hoả táng) cũng như địa điểm an táng tuỳ thuộc vào điều kiện và nguyện vọng của gia đình.

Điều 10. Lời cảm ơn

Lời cảm ơn trên phương tiện thông tin đại chúng do gia đình trực tiếp thực hiện. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi công chức, viên chức làm việc hỗ trợ về thủ tục nếu gia đình đề nghị.

Điều 11. Chi phí lễ tang

1. Các chi phí lễ tang thực hiện theo quy định của Nhà nước, của Ngành.

2. Các khoản chi theo yêu cầu của gia đình vượt quá quy định của Nhà nước và của Ngành do gia đình đảm nhiệm.

Điều 12. Trường hợp công chức, viên chức đi công tác, học tập từ trần

1. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Đảng ủy cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công đoàn Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Tổ chức cán bộ và gia đình để liên hệ với địa phương tổ chức lễ tang đối với đối tượng thuộc trách nhiệm tổ chức lễ tang quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5.

2. Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và gia đình liên hệ với địa phương để tổ chức lễ tang đối với đối tượng thuộc trách nhiệm tổ chức lễ tang quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 5.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với gia đình và địa phương nơi công chức, viên chức đó từ trần để tổ chức lễ tang đối với đối tượng thuộc trách nhiệm tổ chức lễ tang quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5.

MỤC 3. VIẾNG, CHIA BUỒN

Điều 13. Đối tượng viếng, chia buồn và mức chi viếng

1. Đối tượng viếng, chia buồn

Đối tượng viếng, chia buồn là các trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 2 khi từ trần.

2. Mức chi viếng

a) Mức chi viếng lễ tang đối với đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 2 khi từ trần tương đương với 0,5 tháng lương tối thiểu (được làm tròn đến hàng trăm nghìn đồng, theo mức lương tối thiểu hiện tại là 500.000 đồng) và một vòng hoa theo giá thị trường tại thời điểm viếng.

b) Các trường hợp đặc biệt do Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Lãnh đạo Ngành xem xét, quyết định mức chi viếng.

Điều 14. Tổ chức thực hiện viếng, chia buồn

1. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Lãnh đạo Ngành để tổ chức đoàn viếng, chia buồn đối với các trường hợp từ trần sau đây:

a) Lãnh đạo Ngành đương chức và Lãnh đạo Ngành đã nghỉ hưu hoặc thân nhân chủ yếu của Lãnh đạo Ngành.

b) Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đương chức.

c) Thân nhân chủ yếu của Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đương chức nếu địa điểm tổ chức lễ tang trong phạm vi cách trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam không quá 150 km. Trường hợp địa điểm tổ chức lễ tang trên địa bàn các tỉnh cách trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên 150 km, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ủy quyền cho Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tại địa bàn đó nhân danh Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến viếng, chia buồn. Trường hợp đặc biệt, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Lãnh đạo Ngành xem xét, quyết định.

2. Thủ trưởng tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đoàn viếng, chia buồn đối với công chức, viên chức hoặc thân nhân chủ yếu của công chức, viên chức; công chức, viên chức đã nghỉ hưu từ trần thuộc đơn vị.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức viếng, chia buồn đối với công chức, viên chức hoặc thân nhân chủ yếu của công chức, viên chức; công chức, viên chức đã nghỉ hưu từ trần thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Kinh phí thăm hỏi, viếng, lễ tang được sử dụng từ quỹ khen thưởng phúc lợi của Ngành theo quy định.

Điều 16. Lãnh đạo hoặc thân nhân chủ yếu của Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương có quan hệ công tác với Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi ốm đau, tai nạn hoặc từ trần và một số trường hợp đặc biệt khác, Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Ngành tổ chức thăm hỏi, viếng, chia buồn. Lãnh đạo hoặc thân nhân chủ yếu của Lãnh đạo các cơ quan ở địa phương có quan hệ công tác với Bảo hiểm xã hội tỉnh khi ốm đau, tai nạn hoặc từ trần, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức thăm hỏi, viếng, chia buồn.

Điều 17. Đối với các trường hợp thuộc các tỉnh phía nam, nhiệm vụ của Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định tại Quy chế này do Văn phòng Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Điều 18. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị và tập quán của từng địa phương để vận dụng, cụ thể hóa Quy chế này và phân công, phân cấp cho phù hợp.

Điều 19. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1177/QĐ-BHXH năm 2012 về Quy chế thăm hỏi, lễ tang, viếng chia buồn công, viên chức và thân nhân thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam

  • Số hiệu: 1177/QĐ-BHXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/08/2012
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Lê Bạch Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản