Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1734/QĐ-BNV | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THĂM HỎI ỐM ĐAU, PHÚNG VIẾNG TANG GIA TRONG KHỐI CƠ QUAN BỘ NỘI VỤ
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần;
Căn cứ Quyết định số 711/QĐ-BNV ngày 08/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy chế làm việc của Bộ Nội vụ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia trong khối cơ quan Bộ Nội vụ”.
Điều 2. Bãi bỏ công văn số 153/TCCP-CCVC ngày 02/8/1996 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc quy định tạm thời chế độ thực hiện chính sách thăm hỏi, tang gia đối với cán bộ, công chức cơ quan.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
VỀ THĂM HỎI ỐM ĐAU, PHÚNG VIẾNG TANG GIA ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG KHỐI CƠ QUAN BỘ NỘI VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1734/QĐ-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
1. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại khối cơ quan Bộ, bao gồm: Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Viện nghiên cứu Khoa học Tổ chức nhà nước, Trung tâm Thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước, Ban Quản lý Dự án ADB, Ban quản lý Dự án UNDP - VIE/01/024B.
2. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối cơ quan Bộ đã nghỉ hưu (gọi tắt là cán bộ hưu) nếu được gia đình báo bị ốm đau hoặc từ trần.
3. Tứ thân phụ mẫu, vợ, chồng, con cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan Bộ (gọi tắt là thân nhân) bị ốm đau hoặc từ trần.
Điều 2. Mục đích, ý nghĩa
Thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia là thể hiện tình cảm chân thành, góp phần chia sẻ, động viên khi bản thân cán bộ, công chức, viên chức và gia đình có người bị ốm đau hoặc từ trần.
QUY ĐỊNH THĂM HỎI, PHÚNG VIẾNG
1. Mức độ ốm đau cần thăm hỏi
a) Cán bộ, công chức, viên chức bị ốm đau do bệnh tật phải nghỉ việc điều trị tại bệnh viện từ 3 ngày trở lên và điều trị ngoại trú dài ngày tại nhà hoặc bị tai nạn rủi ro ảnh hưởng đến sức khoẻ.
b) Thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ hưu bị ốm đau phải điều trị tại bệnh viện dài ngày hoặc bị tai nạn rủi ro nguy hiểm đến tính mạng.
2. Tổ chức thăm hỏi
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức phối hợp với Công đoàn cùng cấp tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình và bản thân cán bộ, công chức, viên chức;
b) Trường hợp thăm hỏi là thân nhân hoặc bản thân các đồng chí lãnh đạo Bộ, nguyên là lãnh đạo Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ báo cáo lãnh đạo Bộ để đi thăm hỏi;
c) Trường hợp thăm hỏi là cán bộ hưu, khi nhận được thông báo của gia đình, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trước khi nghỉ hưu chủ động tổ chức thăm hỏi (nếu cơ quan, đơn vị nơi cán bộ hưu trí đã sáp nhập thì do thủ trưởng cơ quan, đơn vị mới quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động tổ chức thăm hỏi hoặc giải thể thì do Vụ Tổ chức cán bộ chủ động tổ chức thăm hỏi)
Điều 4. Về phúng viếng tang gia
1. Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác và cán bộ hưu từ trần:
a) Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo lãnh đạo Bộ và thông báo tin buồn đến các cơ quan, đơn vị biết và tham gia đoàn viếng của Bộ để thăm hỏi, động viên chia buồn với gia đình người từ trần;
b) Công đoàn Bộ chuẩn bị 01 vòng hoa và băng tang màu đen có ghi “Đảng ủy, Chính quyền, Công đoàn cơ quan Bộ Nội vụ kính viếng”.
2. Thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức từ trần:
a) Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo lãnh đạo Bộ và thông báo tin buồn đến các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức tham gia đoàn viếng;
b) Đại diện lãnh đạo Bộ hoặc thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có người từ trần, thay mặt cơ quan Bộ làm trưởng đoàn đi viếng;
c) Văn phòng Bộ chuẩn bị xe ô tô phục vụ đưa đón cán bộ, công chức, viên chức đi viếng; Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp cùng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và Công đoàn Bộ chuẩn bị 01 vòng hoa và băng tang màu đen có ghi “Bộ Nội vụ kính viếng”;
3. Đối với thủ trưởng, Phó thủ trưởng và thân nhân của thủ trưởng, Phó thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ (ngoài khối cơ quan Bộ) áp dụng như khoản 1 và 2 Điều này).
4. Đối với một số trường hợp đặc biệt khác các cơ quan, đơn vị báo qua Vụ Tổ chức cán bộ để Vụ báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.
Điều 5. Chế độ thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia thực hiện từ nguồn kinh phí công đoàn cơ quan Bộ và quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan.
LỄ TANG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHI TỪ TRẦN
Cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức từ trần chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để đưa tin buồn thông báo về lễ tang trong khối cơ quan Bộ hoặc đưa tin trên báo, đài cho từng đối tượng cụ thể theo quy định.
1. Cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ hưu (nếu gia đình đề nghị cơ quan tổ chức lễ tang) từ cấp Vụ trở lên và chuyên viên cao cấp từ trần; tham gia Ban lễ tang của Bộ do một đồng chí lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban (do Bộ trưởng phân công) và các thành viên khác, bao gồm: đại diện Đảng ủy cơ quan Bộ; Công đoàn cơ quan Bộ; Đoàn thanh niên cơ quan Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ và thủ trưởng đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức từ trần; đại diện gia đình; nếu là cán bộ hưu có đại diện Ban liên lạc hưu trí của Bộ và đại diện chính quyền nơi cư trú của người từ trần;
2. Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu (nếu gia đình để nghị cơ quan tổ chức lễ tang) từ chuyên viên chính trở xuống từ trần; tham gia Ban lễ tang của Bộ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã hoặc đang trực tiếp quản lý công chức làm Trưởng ban (trường hợp cơ quan, đơn vị của cán bộ, công chức nghỉ hưu đã giải thể thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm trưởng ban), đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ làm Phó Trưởng ban và các thành viên khác, bao gồm: đại diện Công đoàn cơ quan Bộ, Văn phòng Bộ và Công đoàn bộ phận, đại diện gia đình, nếu là cán bộ hưu có đại diện Ban liên lạc hưu trí của Bộ và đại diện chính quyền nơi cư trú của người từ trần.
- Trường hợp Trưởng ban lễ tang là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị đi vắng thì Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ hoặc phó thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban.
1. Nội dung công việc tổ chức lễ tang
a) Vụ Tổ chức cán bộ thông báo tin buồn và chuẩn bị điếu văn;
b) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, đơn vị có người từ trần cùng gia đình tổ chức tại nhà lang lễ hoặc tại gia đình;
c) Văn phòng Bộ chuẩn bị công tác hậu cần (xe ô tô, sổ tang, băng tang, bàn ghế, trang trí lễ đài, nước uống...);
d) Gia đình chuẩn bị ảnh người quá cố (Huân, Huy chương nếu có) và các công việc khác có liên quan đến tổ chức lễ tang.
2. Việc tổ chức lễ tang và an táng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khối cơ quan Bộ có trách nhiệm phổ biến Quy định này đến cán bộ, công chức, viên chức để quán triệt thực hiện.
2. Ban Cơ yếu Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội vận dụng theo văn bản này và căn cứ tình hình thực tế xây dựng quy định riêng để thống nhất thực hiện.
3. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm theo dõi, phối hợp với Công đoàn Bộ và các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện Quy định, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định./.
- 1Quyết định 30/2002/QĐ-BVHTT về Quy chế về việc tang lễ thực hiện trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 2Quyết định 768-TTg năm 1995 về địa điểm tổ chức lễ tang đối với cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể từ trần tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1017/QĐ-KTNN năm 2009 về quy chế thực hiện việc cưới, việc thăm hỏi ốm đau, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành
- 4Quyết định 646/QĐ-BNV năm 2014 về thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia trong cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ
- 1Quyết định 30/2002/QĐ-BVHTT về Quy chế về việc tang lễ thực hiện trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 2Quyết định 768-TTg năm 1995 về địa điểm tổ chức lễ tang đối với cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể từ trần tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 62/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần
- 4Nghị định 48/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- 5Quyết định 1017/QĐ-KTNN năm 2009 về quy chế thực hiện việc cưới, việc thăm hỏi ốm đau, việc tang và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành
Quyết định 1734/QĐ-BNV năm 2008 về Quy định thăm hỏi ốm đau, phúng viếng tang gia trong khối cơ quan Bộ Nội vụ
- Số hiệu: 1734/QĐ-BNV
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2008
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Trần Văn Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra